[CẢM NHẬN] Can You Ever Forgive Me? – Giá trị của nghệ thuật và cuộc đời ảm đạm của một nhà văn hết thời
Đánh giá phim · VLynd ·
Can You Ever Forgive Me? có thể hơi kén khán giả một chút nhưng nếu bạn kiên nhẫn, thả bản thân vào những khoảng lặng của phim, bạn sẽ cảm nhận được tâm lý của nhân vật, thấu hiểu cho hành động của họ.
Như bao giải thưởng khác, Can You Ever Forgive Me? của nữ đạo diễn Marielle Heller xuất hiện trên đường đua Oscar với 3 đề cử gồm Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Melissa McCarthy, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Richard E. Grant và Kịch bản chuyển thể hay nhất dành cho bộ đôi Nicole Holofcener, Jeff Whitty. Bộ phim được chuyển thể từ hồi ức cùng tên của nữ nhà văn Lee Israel về quãng thời gian u ám nhất trong cuộc đời bà.
Can You Ever Forgive Me? lấy bối cảnh tại thành phố New York vào năm 1991, khi nhà văn nổi tiếng là Lee Israel (McCarthy) trở nên hết thời và mất luôn công việc vì thái độ thô lỗ. Phải chật vật tìm cách xoay sở cho bản thân và lo cho chú mèo già mắc bệnh, Israel giả mạo những bức thư của các nhà văn quá cố đình đám và kiếm hàng nghìn đô la từ công việc này. Đồng hành cùng bà trong các phi vụ là ông Jack Hock (E. Grant) vẫn còn đam mê diễn xuất và sử dụng chất gây nghiện. Ông thậm chí còn là người bạn duy nhất của Israel, thấu hiểu và thông cảm với bà khi cả thế giới đang muốn quay lưng.
Trước hết phải dành lời khen ngợi cho McCarthy – nữ diễn viên nổi tiếng với những vai diễn hài lố nhưng không kém phần duyên dáng trong Ghostbuster (Biệt Đội Bắt Ma), Spy (Quý Bà Điệp Viên) và Bridesmaids đem về cho cô một đề cử Oscar. Đến với Can You Ever Forgive Me?, McCarthy hoá thân thành một người nữ nhà văn trung niên hết thời, luôn tỏ thái độ cau có, gắt gỏng với bất kỳ ai. Khác với những vai diễn hài trước, Lee Israel của McCarthy mang lại cảm giác ảm đạm đầy đáng thương. Qua nhân vật Israel, người xem cũng cảm nhận được sự khắc nghiệt của một xã hội sẵn sàng ruồng bỏ bất cứ ai không theo kịp thời đại.
Xuyên suốt Can You Ever Forgive Me? là khung cảnh hào nhoáng nhưng chật chội của thành phố New York trong một gam màu phảng phất sự u ám trên nền nhạc Jazz. Trong một thành phố với nhịp sống nhanh như New York, Israel vẫn cố gắng bám víu vào danh tiếng cũ, chật vật tìm cách nuôi sống bản thân qua ngày. Chính vì thế, New York của Israel không rực rỡ, mà nó luôn u buồn như sự nghiệp đi đến hồi kết của một nữ nhà văn 51 tuổi và xám xịt như thái độ gắt gỏng của bà. Uống rượu liên tục, nhà cửa bề bộn, Israel vẫn ảo tưởng về tiếng tăm, cho rằng thế giới xoay quanh bà và tỏ thái độ khó chịu với bất cứ ai không làm vừa lòng bà. Tuy nhiên, vẫn còn tổng biên tập Marjorie nhắc nhở bà rằng:
“Cô có thể trở thành một kẻ khốn nạn một khi cô trở nên nổi tiếng. Nhưng cô không biết trước được và trở thành một kẻ rác rưởi như thế, Lee.”
Ở thời đại nào cũng vậy, bạn chỉ có quyền hạch sách và người khác sẵn sàng rập người nghe theo khi bạn có một địa vị nhất định và đảm bảo rằng nó không thể bị lung lay. Còn ngược lại, nếu bạn chỉ là một người vô danh tiểu tốt mà dám lên giọng thì khó mà tồn tại được trong xã hội khắc nghiệt này. Và Lee cũng vỡ lẽ ra điều đó khi bà bắt đầu mạo danh những bức thư để kiếm tiền.
Tuy thuộc thể loại tội phạm nhưng Can You Ever Forgive Me? không khai thác quá sâu vào quá trình điều tra tội phạm hay từng bước thực hiện như nhiều bộ phim trinh thám khác, thay vào đó, yếu tố này được dùng để làm nổi bật lên diễn biến tâm lý của Israel. Vài cái máy đánh chữ, vài cách sao chép có thể cho khán giả hiểu được bà giả mạo những bức thư và chữ ký như thế nào nhưng cái hay của phim nằm ở chỗ cho thấy được sự nhập tâm của Israel khi hoá thân thành những nhà văn lỗi lạc. Cũng là một nhà văn, Israel hiểu được thế nào là phong cách viết lách riêng của mỗi người, họ nghĩ gì, họ sẽ thể hiện điều gì qua những lá thư. Chi tiết này còn cho khán giả thấy sự thông minh của Israel, phải đến giám định, người ta mới biết những bức thư đó là giả, họ dễ dàng bị thuyết phục bởi lời lẽ mà Israel viết ra khi nhập tâm thành những nhà văn nổi tiếng.
Đến đây người xem có thể thấy được sự đau đớn của nghệ thuật khi nó bị lạm dụng, bị rao bán trục lợi như thế nào. Với những người hâm mộ một người nổi tiếng nào đó như ca sĩ, diễn viên, nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ... họ không ngần ngại bỏ một số tiền lớn để sở hữu món đồ của nhân vật đó, càng cá nhân bao nhiêu, càng được săn đón bấy nhiêu. Một chiếc ghế, một tờ khăn giấy bỗng trở nên có giá trị gấp nhiều lần nếu nó được rao với dòng chữ “Anh A cô B đã từng sử dụng vật này.”
Đó cũng là điều mà Israel hiểu rất rõ, bà biết rằng chẳng ai thèm mua một lá thư của nhà văn hết thời nhưng người ta sẵn sàng mua một lá thư giả mạo của một nghệ sĩ lỗi lạc, miễn là nó mang đậm phong cách cá nhân của người ấy, đặc biệt là những lá thư tay còn được săn đón gấp nhiều lần. Thậm chí, người bán dù biết nó là một món đồ giả nhưng vẫn sẵn sàng bán nó, miễn là nó vẫn đem lại lợi nhuận đáng kinh ngạc. Chẳng trách sao việc giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn luôn tồn tại nhan nhản.
Việc giả mạo những bức thư luôn mang lại cảm giác tội lỗi cho Israel nhưng song song đó, nó cũng đem lại niềm vui cho bà. Ngoài khoản tiền sống qua ngày, Israel rốt cuộc cũng tìm được việc gì đó để làm, tìm được chút tia sáng le lói trong cuộc đời ảm đạm của một nhà văn hết thời. Dĩ nhiên chúng ta không thể đồng cảm với hành động phạm tội của bà nhưng ít ra, trong một khoảnh khắc nào đó, người xem đồng cảm với cảm giác thật sự được sống của bà, cảm giác mà một lần nữa những tác phẩm của bà được săn đón. Vì phải hoá thân, nhập tâm vào những nhà văn để có thể cho ra đời những lá thư giả mạo, Israel không ít lần quên mất chúng chỉ là thứ copy và ngộ nhận chúng là những tác phẩm của bà.
Chính vì quá sa đà vào việc giả mạo này mà Israel đã quên mất bản chất của một nhà văn chân chính. Khi cô chủ tiệm sách Anna nhắc nhở bà rằng: “Cô không ghét việc trở nên già đi và nhìn vào quá khứ của mình rơi vào lãng quên sao?” Israel không khỏi chạnh lòng và khi sự việc vỡ lỡ, bà đã viết hồi ức Can You Ever Forgive Me? như một lời sám hối. Khép lại bộ phim, mùa đông lạnh giá của New York đã qua đi, mùa xuân tươi đẹp đang tới, báo hiệu sự quyết tâm vực dậy của Israel.
Can You Ever Forgive Me? có thể hơi kén khán giả một chút về diễn biến nhẹ nhàng, không dồn dập nhưng nếu bạn kiên nhẫn, thả bản thân vào những khoảng lặng của phim, bạn sẽ cảm nhận được tâm lý của nhân vật, thấu hiểu cho hành động của họ. Cá nhân người viết luôn thích những bộ phim mà phần kịch bản có thể dẫn dắt khán giả, đưa người xem hoà mình vào các tình tiết. Can You Ever Forgive Me? cũng nhẹ nhàng đề cập đến vấn đề tuổi tác cản trở khả năng xin việc như thế nào. Liệu một ngày nào đó ta không còn đủ khả năng, không còn hợp với thị hiếu của khán giả, ta sẽ làm gì, kiếm gì để sống cho qua ngày?
[REVIEW] Roma - Kiệt tác hình ảnh của dòng phim nghệ thuật.
Roma nhẹ nhàng. Roma tinh tế. Roma giản dị. Đối với những ai đam mê dòng phim nghệ thuật, bộ phim sẽ chiêu đãi bạn một bữa tiệc thị giác thịnh soạn với những kĩ thuật quay phim điêu luyện.
[Oscar Rewind] West Side Story – Khi giấc mơ Mỹ chỉ là giấc mộng xa xỉ của người nhập cư
Bộ phim nhạc kịch, tình cảm West Side Story tưởng chừng có nội dung bình thường nhưng lại thắng 10 trên 11 đề cử Oscar của mùa giải năm sau, bao gồm giải Phim hay nhất.
[CẢM NHẬN] Rừng Na Uy (2010) - Câu chuyện về nỗi sợ hãi trưởng thành
Thật không dễ xem Rừng Na Uy nếu người ta không có một sự đồng cảm và trải nghiệm đủ sâu sắc để hiểu và thích nó.