[Oscar Rewind] West Side Story – Khi giấc mơ Mỹ chỉ là giấc mộng xa xỉ của người nhập cư
Đánh giá phim · VLynd ·
Bộ phim nhạc kịch, tình cảm West Side Story tưởng chừng có nội dung bình thường nhưng lại thắng 10 trên 11 đề cử Oscar của mùa giải năm sau, bao gồm giải Phim hay nhất.
Khi Viện hàn lâm công bố Chiến Binh Báo Đen (Black Panther) lọt vào danh sách đề cử Phim hay nhất, không ít tín đồ điện ảnh bàng hoàng, không tin vào sự thật. Dĩ nhiên Viện hàn lâm có lý lẽ riêng của họ và một bộ phim quy tụ dàn diễn viên da màu, chiến đấu vì sắc tộc, đập vỡ những bức tường và xây thêm nhiều cây cầu để mỉa mai tổng thống... hoàn toàn đáp ứng được mục tiêu hướng tới sự đa dạng của các mùa giải trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu Chiến Binh Báo Đen thật sự chạm đến tượng vàng, bất chấp việc thiếu vắng đề cử ở các hạng mục Đạo diễn, Kịch bản, Diễn viên... cá nhân mình sẽ cảm thấy rất bất bình vì cách đây gần 60, Viện hàn lâm đã làm điều sáng suốt hơn với West Side Story (Câu Chuyện Phía Tây).
Ra mắt vào năm 1961, bộ phim nhạc kịch, tình cảm West Side Story tưởng chừng có nội dung bình thường nhưng lại thắng 10 trên 11 đề cử Oscar của mùa giải năm sau, bao gồm giải Phim hay nhất. Thậm chí, dù khéo léo phê phán nạn phân biệt chủng tộc, vấn đề nhập cư nhưng 2 diễn viên không thuần Mỹ hay có màu da trắng sáng là George Chakiris và Rita Moreno đều thắng luôn cả 2 giải Nam, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Ngoài ra, phim còn nhận được các giải về Quay phim, Biên tập và Âm nhạc, một chiến thắng hoàn toàn thuyết phục.
Lấy cảm hứng từ vở kịch kinh điển Romeo and Juliet, West Side Story dựa trên vở kịch cùng tên về mối tình ngang trái giữa 2 con người tội nghiệp đến từ 2 băng đảng thù ghét nhau tại New York. Từng là một trong những người thuộc băng Jets – với thế hệ trước là những người đầu tiên đặt chân đến Mỹ, chàng giang hồ Tony (Richard Beymer) nay đã hoàn lương trót yêu nàng Maria (Natalie Wood) – em gái của Bernardo (Chakiris), người đứng đầu băng nhóm người nhập cư từ Puerto Rico lấy tên gọi là Sharks. Câu chuyện tình yêu này chỉ là bề nổi của sự thù ghét giữa 2 băng nhóm cũng như phản ánh sự thật đắng cay về giấc mơ Mỹ của người nhập cư, vấn đề phân biệt chủng tộc gay gắt và sự thờ ơ của xã hội, gia đình đã tác động thế nào đến thế hệ trẻ.
Với 2 tiếng rưỡi đồng hồ, West Side Story đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả khi hết 5 phút đầu là đoạn nhạc mở đầu vô cùng bắt tai trên đúng một nền ảnh. Xuyên suốt bộ phim là những màn hát hò tập thể, trình diễn vũ đạo mà bất kỳ khán giả nào không thích phim nhạc kịch đều cảm thấy mệt mỏi. Và ngược lại, nếu bạn luôn dành tình cảm cho thể loại này, bạn sẽ thích thú trước những phân cảnh này, đắm chìm vào không gian âm nhạc của thập niên 60 và thích thú trước sự dàn xếp đội hình của những màn trình diễn tập thể. Chính vì thế, những cảnh phá làng phá xóm, nổi loạn trở nên nghệ thuật hơn, dù chất bạo lực vẫn căng thẳng không kém những bộ phim hành động khác.
Sau đoạn nhạc mở đầu, phim bắt đầu với loạt cảnh quay từ trên cao, cho thấy bối cảnh hào nhoáng của New York với những toà nhà chọc trời, những sân vận động, công viên rộng lớn và rồi là khu ổ chuột với bãi sân chơi của những thanh niên choai choai. Tại mảnh đất này, các chàng trai vô công rỗi nghề của Jets luôn bất mãn với xã hội, sẵn sàng gây hấn với bất kỳ ai dám cản đường họ. Nhóm Jets đổ lỗi cho cha mẹ họ, cho một gia đình chỉ biết lo làm ăn hoặc đắm chìm trong nghiện ngập mà bỏ quên họ và đổ lỗi cho một xã hội thờ ơ, từ bệnh viện tâm thần đến nhân viên hỗ trợ việc làm đều không chấp nhận họ, để họ trở nên hư hỏng và thừa thãi. Thậm chí, khi ông Doc – chủ quán cà phê mà họ hay lui tới khuyên nhủ, họ còn cố chấp:
“Khi ông trạc tuổi cháu! Khi ông già cháu trạc tuổi cháu, khi anh cháu trạc tuổi cháu... Mấy người chưa bao giờ trải qua tuổi của cháu, tất cả các người!”
“Đây có phải là cách duy nhất để tiếp cận được với bọn bây không? Phải đánh nhau như bọn bây? Choảng nhau như vỡ ống nước? Sao bọn nhóc chúng bây cứ phải sống như thể ngoài kia đang có chiến tranh vậy? Sao cứ phải giết?”
Tuy nhiên, vì thế hệ trước là những người đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ nên Jets luôn giữ trong đầu tư tưởng “thượng đẳng”, luôn tranh chấp với những người nhập cư và không bao giờ để bất kỳ ai lấn lướt họ.
Đối đầu với Jets là băng nhóm Sharks, những người Puerto Rico đến Mỹ với một giấc mơ trở nên giàu có, lướt trên phố trong những con xe Cadillac bóng loáng, nhâm nhi những ly rượu trên tay nhưng sự thật, họ chỉ đơn giản là những tên bảo kê đường phố, luôn sẵn sàng đánh đấm. Trong phần trình diễn ca khúc America trên sân thượng, những người phụ nữ của Sharks như Anita (Moreno) và Maria vẫn đắm chìm trong giấc mộng xa xỉ, diện những bộ váy lộng lẫy đến sàn nhảy, vi vu cùng tình nhân trong chiếc xe sang nhưng cánh đàn ông, những trụ cột của gia đình lại cay đắng trước thực tại này. Họ ý thức rằng với màu da sẫm, còn lâu mới vươn tới vị trí của những người da trắng nhưng vì trót bỏ xứ, họ thà ở đây làm việc cật lực còn hơn trở về với bàn tay không.
Thù ghét nhau là thế nhưng phản diện chính trong phim chẳng phải Jets hay Sharks mà chính là tay cảnh sát luôn sẵn sàng làm mọi thứ để thăng tiến. Hắn ta chỉ muốn đường phố được sạch sẽ, những tên côn đồ bị tống khứ và khi ẩu đả nổ ra, hắn luôn nhắm đến những người nhập cư đầu tiên. Thật ra, tay cảnh sát cũng chẳng ưa gì đám trẻ Jets loai choai nhưng việc xử phạt một người nhập cư kiếm chuyện với người da trắng luôn dễ dàng hơn, giúp công việc của hắn trở nên thuận lợi hơn. Nhóm Jets vì chính nghĩa giới giang hồ nên cũng chẳng thèm hùa theo với hắn ta và khi bị quay lưng, tay cảnh sát không ngại buông những lời nhục mạ Jets.
Trong một xã hội phức tạp là thế, chàng Tony một thời nổi loạn cũng có lúc nghĩ đến việc an phận, đặt gia đình lên trên hết; trớ trêu thay, người con gái mà Tony trót yêu lại thuộc băng nhóm Sharks. Tony và Maria yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, cả hai đến với nhau mà chẳng màn đến bất kỳ điều gì khác nhưng giữa họ có một sự khác biệt quá lớn:
“Anh không phải là một trong số họ đâu, Maria.
Nhưng anh không phải là một trong số bọn em, và em càng không phải là một trong số bọn anh.
Với anh, em là tất cả những gì tốt đẹp nhất.”“Nhưng quan trọng không phải là hai ta. Mà là mọi thứ xung quanh hai ta.”
Đúng thế, chẳng cần biết Tony có hoàn lương hay không, Bernardo chỉ cần thấy anh từng là người của Jets nên ra sức ngăn cản em gái, cố gắng mai mối cô với người anh em cùng chủng tộc. Dù Tony và Maria có yêu nhau đến nhường nào, họ cũng không thể dập tắt được sự ghét bỏ giữa hai băng nhóm. Thậm chí, nàng Anita dù cảm động trước tình yêu của đôi trẻ nhưng trước sự nhục mạ của Jets, cô cũng không thể giúp được Tony. Chẳng phải súng đạn, chính sự căm thù đã giết chết một tình yêu đẹp đẽ chớm nở. Hơn ai hết, Maria đã tỉnh mộng, thoát khỏi giấc mơ phù phiếm về một gia đình hạnh phúc trên đất Mỹ.
Hiện tại, đạo diễn Steven Spielberg đang tuyển diễn viên, thực hiện khâu tiền sản xuất để remake lại bộ phim này. Thật khó để nói liệu phiên bản này có vượt qua được West Side Story 1961 không, hy vọng rằng bộ phim sẽ phù hợp với bối cảnh hiện đại, những diễn viên trẻ mới đều hoàn toàn xuất sắc vai trò của họ.
[Oscar Rewind] The Departed – Giữa thiện và ác, liệu có còn lằn ranh?
The Departed và "những kẻ đã chết" từng đem về tượng vàng Oscar ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Martin Scorsese.
[Oscar Rewind] The English Patient - Chiến tranh bao trùm vẫn không làm tình yêu và niềm tin dập tắt
The English Patient là bộ phim lay động về chiến tranh, tình yêu, hận thù và tha thứ.