[Oscar Rewind] The Favourite – Khi sự giả dối gặm nhấm trái tim như một liều thuốc độc
Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · VLynd ·
Cốt truyện của The Favourite dễ theo dõi và diễn biến được lồng ghép nhiều tình tiết hài hước, không đến nỗi kén khán giả.
Kéo xuống để xem tiếp
Điện ảnh không thiếu những bộ phim về sự giả dối, lừa lọc nhằm vào nấc thang địa vị và The Favourite (tạm dịch: Sự Sủng Ái) của đạo diễn Yorgos Lanthimos cũng là một bộ phim lấy đề tài như thế. Bộ phim được biên kịch Deborah Davis lấy cảm hứng từ bài báo cách đây 20 năm về chuyện tình của Nữ hoàng Anne và Công nương Sarah Churchill xứ Marlborough tại Anh quốc hồi đầu thế kỷ 18. Càng tìm hiểu, Davis càng bị lôi cuốn vào câu chuyện sủng ái mà Nữ hoàng Anne dành cho Sarah và qua đó, vị công nương này dễ dàng thao túng chính trường.
Biên kịch Tony McNamara đảm nhận nhiệm vụ viết kịch bản điện ảnh cùng Davis, quy tụ 3 nữ diễn viên tài năng Olivia Colman, Rachel Weisz và Emma Stone vào vai 3 nhân vật quan trọng. The Favourite nhận được 10 đề cử Oscar ở các hạng mục như diễn xuất, thiết kế sản xuất, thiết kế trang phục, phim hay nhất, đạo diễn, quay phim, biên tập, riêng Colman nhận được 1 tượng vàng cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và 1 Quả cầu Vàng cho cùng hạng mục. Bên cạnh Oscar, bộ phim cũng được đề cử và chiến thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau.
Mary Queen of Scots và The Favourite – Các nhà thiết kế trang phục đã thể hiện sự tranh giành quyền lực trong hoàng gia trên màn ảnh rộng như thế nào
Mary Queen of Scots của Focus Features và The Favorite của Fox Searchlight đều tập trung vào cuộc chiến chính trị giữa 2 người phụ nữ quyền lực, không chỉ được khắc hoạ qua hành động, lời nói mà còn ở vẻ bề ngoài của họ.
Cốt truyện của The Favourite dễ theo dõi và diễn biến được lồng ghép nhiều tình tiết hài hước, không đến nỗi kén khán giả. Phim bắt đầu với mối quan hệ thân thiết giữa Nữ hoàng Anne (Colman) – một người đứng đầu quốc gia có tính cách trẻ con, chẳng màn đến việc điều hành đất nước, và Công nương Sarah (Weisz) – người bạn thân đầy mạnh mẽ của Nữ hoàng, sẵn lòng giúp bạn lo liệu việc nước. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ bắt đầu có rạn nứt với sự xuất hiện của Abigail (Stone) – cô hầu gái sẵn sàng rót mật ngọt vào tai Nữ hoàng mỗi khi Sarah vắng mặt và qua đó, dần khôi phục lại địa vị và có chỗ đứng trong hoàng tộc.
Trong cung điện xa hoa của The Favourite, 2 người phụ nữ đều có những trò chơi, toan tính của riêng họ nhằm lấy lòng người phụ nữ quyền lực nhất đất nước. Cùng một mục tiêu, cùng một thủ đoạn nhưng Sarah và Abigail là 2 hình ảnh hoàn toàn đối lập. Diễn xuất dày dặn kinh nghiệm của Weisz đã giúp cô hoá thân thành công trong vai Công nương Sarah, một người bạn thân của Nữ hoàng nhưng không hề yên phận mà trái lại, cô có quan điểm rõ ràng, đặc biệt là trong việc điều hành đất nước. Không thể phủ nhận tình yêu của Sarah dành cho Nữ hoàng nhưng với Sarah, tình yêu đó có giới hạn và việc chính trường lại quan trọng hơn. Sarah chẳng cần ngồi trên ngai vị khi cô có thể thao túng Nữ hoàng trên chính cái giường của bà ta.
Sự thẳng thắn của Sarah còn thể hiện ở chỗ không ngần ngại chê Nữ hoàng khi bà trang điểm giống một con lửng, ít ra đó cũng cho thấy phần nào chân thành của Sarah với Anne. Khi bị Nữ hoàng trách mắng vì không bày tỏ tình cảm như Abigail, Sarah khẳng định rằng cô không bao giờ nói dối bà vì đó mới chính là tình yêu. Chi tiết này làm người viết nhớ khi Harley (Nicholas Hoult) trách mắng vì cuộc chiến kéo dài khiến nhiều người bỏ mạng, Sarah đã nói rằng trái tim cô đau xót cho những sinh mạng đó thế này thế kia. Đó hoàn toàn là lời nói dối, càng cho thấy quan điểm chính trị của Sarah là không nhúng nhường trước người Pháp. Thậm chí, Sarah còn tự tin giữ Abigail bên mình và cảnh cáo bằng một phát súng không đạn cho thấy cô không ngại đối đầu trực diện với kẻ thù.
Ngược lại với Sarah, Abigail là một Tiểu thư bị thất thế, nhờ vào mối quan hệ họ hàng với Sarah nên được làm người hầu trong cung điện. Ngay khi khám phá bí mật ái tình giữa Nữ hoàng và chị họ, Abigail nhanh chóng trở thành người thay thế Sarah và quyến rũ bà ta bằng những lời mật ngọt dối lừa. Mặt khác, Abigail cũng làm gián điệp cho Harley để được hậu thuẫn từ phe chính trị đối lập của Sarah, nhằm dễ dàng tống khứ ân nhân. Nét diễn xuất linh hoạt của Stone đã thể hiện rất tốt trong vai nàng Abigail biết khi nào cần tỏ ra mềm mỏng, khi nào cứng rắn để đạt được điều cô mong muốn. Trong khi Sarah muốn điều khiển chính trường thì Abigail chỉ muốn hưởng thụ lạc thú do sự sủng ái của Nữ hoàng mang lại.
Dù trang phục của các nhân vật nữ trong The Favourite đều có màu sắc đơn giản, nhưng người xem dễ dàng nhận ra sự đối lập trong trang phục của Sarah và Abigail. Là một Công nương nhưng váy áo của Sarah không hề cầu kỳ, những dịp như tập bắn súng, cưỡi ngựa, cô đều mặc quần cùng áo khoác để tiện hoạt động. Abigail bắt đầu với vị trí hầu gái rồi khôi phục danh hiệu, các bộ váy của cô cũng từng bước trở nên cầu kỳ. Trong một buổi tiệc của giới thượng lưu, bộ váy của Abigail dày hơn và cô cũng trang điểm loè loẹt, tóc tai cầu kỳ và tiêu khiển bằng những trò hợm hĩnh mà cô từng tỏ thái độ.
Bên cạnh trang phục của Sarah và Abigail thì bộ tóc giả của nam giới, cùng gương mặt diêm dúa của Harley trong lâu đài xa hoa của The Favourite cũng phản ánh lối sống xa xỉ, giả hình của Anh quốc. Khi chiến tranh giữa Anh và Pháp vẫn còn đang nổ ra, những người lính vẫn đang đổ máu, thì họ đau buồn bày tỏ trong những buổi tiệc đầy tốn kém, hay những cuộc đua vịt ngu ngốc. Đến đây người viết cũng đánh giá cao phần quay phim của Robbie Ryan với những góc quay cận, chậm hoặc góc rộng khi cần thiết. Bên cạnh đó, phần biên tập cũng giúp khâu chuyển cảnh trở nên mượt mà, hoà hợp với các bản nhạc nền. Những đề cử của The Favourite hoàn toàn hợp lý, kể cả đề cử diễn xuất của Weisz và Stone.
Giữa trò chơi sủng ái đấy, có một Nữ hoàng Anne đáng thương đang ở trên đỉnh cao quyền lực nhưng lại chịu quá nhiều sự thao túng, cộng thêm đau đớn từ bệnh gút. Thoạt đầu, bà ta xuất hiện chẳng khác nào một đứa trẻ trên ngai vàng, việc nước không lo, mà chỉ lo chăm sóc cho bầy thỏ, tính khí thì thất thường, dễ dỗi hờn mỗi khi Sarah không để tâm đến bà. Sau này, khi tâm sự với Abigail, mở lòng về 17 đứa con đã mất, khán giả thấy bà trở nên tội nghiệp hơn bao giờ hết.
Anne ý thức rằng bà là người có quyền lực nhất, nhưng thật chất lại không có tất cả khi Sarah yêu dấu ngày càng quay lưng với bà. Chính vì thế, sự xuất hiện của Abigail như một phương thuốc chữa lành vết thương, chữa lành cho sự cô đơn đến tột cùng, để rồi sự giả dối của cô ta gặm nhấm trái tim bà như một liều thuốc độc mà bà thừa biết. Phần diễn xuất vừa bi vừa hài của Colman đã chứng tỏ rằng bà là chủ nhân xứng đáng của tượng vàng Oscar.
Rốt cuộc, cả Sarah, Anne và Abigail đều không thể có được điều họ mong muốn. Thay vì tiếp tục trị vì đất nước dưới sự sủng ái của Nữ hoàng, Sarah bị chính Anne trục xuất khỏi Anh quốc dưới sự tác động của Abigail. Tiếc cho Sarah, sự mạnh mẽ của cô không đánh bại được cái lưỡi mềm mỏng của Abigail. Về phần Abigail, hưởng lạc trong cung điện là thế nhưng cô ta vẫn phải cuối mình bóp chân, bị Nữ hoàng nắm tóc, nạt nộ và không cho phép mở miệng. Suy cho cùng, Abigail chỉ nhận được những giả dối mà chính cô trao cho Nữ hoàng mà thôi. Đáng thương nhất vẫn là Nữ hoàng Anne, Abigail tất nhiên không bao giờ có thể thay thế vị trí của Sarah trong lòng bà, và vây quanh bà chỉ toàn lời giả dối. Anne cô độc trong chính quyền lực tối cao của bà.
Để kết thúc bài viết, người viết gửi tặng bạn đọc những câu trích dẫn hay từ The Favourite:
“Nữ hoàng Anne: Ta ước gì ngươi có thể yêu ta như cô ấy.
Công nương Sarah: Người ước thần nói dối người ư? ‘Ồ người như một thiên thần ngự thế từ thiên đường, thưa Bệ hạ.’ Không. Đôi lúc người chẳng khác nào con lửng. Và người có thể tin ta dám nói những điều ấy với người.
Nữ hoàng Anne: Tại sao?
Công nương Sarah: Vì ta không nói dối! Đó là tình yêu!”
“Có những vết thương không hề khép miệng; ta chịu nhiều vết như thế lắm. Có cái thì chịu đựng được, nhưng có cái phải được bù đắp bằng máu.” – Nữ hoàng Anne
“Nữ hoàng Anne: Bọn chúng đều nhìn chằm chằm phải không? Ta có thể biết dù không thấy. Và ta còn nghe thấy chúng kêu mập! Mập và xấu xí!
Công nương Sarah: Anne này, không ai ngoài ta dám nói điều ấy và ta không hề nói.”
“Công nương Sarah: Anne, người thật là nhạy cảm.
Nữ hoàng Anne: Còn ngươi thì có những ngày thật xấu tính và chẳng biết quan tâm.
Công nương Sarah: Cũng có những ngày ta đáng yêu đấy chứ. Hãy nghĩ về những ngày đó!”
“Ngươi đang nhận được sự sủng ái. Nhưng sự sủng ái đó là cơn gió có thể đổi chiều bất cứ lúc nào.” – Harley
“Công nương Sarah: Ta yêu người, nhưng ta sẽ không làm.
Nữ hoàng Anne: Nếu ngươi yêu ta thì...
Công nương Sarah: Tình yêu có giới hạn.
Nữ hoàng Anne: Nó không nên có.”
[CẢM NHẬN] Can You Ever Forgive Me? – Giá trị của nghệ thuật và cuộc đời ảm đạm của một nhà văn hết thời
Can You Ever Forgive Me? có thể hơi kén khán giả một chút nhưng nếu bạn kiên nhẫn, thả bản thân vào những khoảng lặng của phim, bạn sẽ cảm nhận được tâm lý của nhân vật, thấu hiểu cho hành động của họ.
[Oscar Rewind] Eternal Sunshine of the Spotless Mind – Muốn quên đi một mối tình phải vượt qua được những ký ức
Eternal Sunshine of the Spotless Mind là bộ phim tình cảm lãng mạn, mượn chút yếu tố khoa học viễn tưởng để làm nổi bật hành trình tìm lại tình yêu qua ký ức.
Nguồn: Ảnh IMDb