Captain America - Hình ảnh người hùng qua lăng kính của anh em nhà Russo
Phim Siêu Anh Hùng · Tin điện ảnh · KNTT ·
Thế nào là một người hùng? Hãy nhìn vào Captain America và bạn sẽ có câu trả lời.
Kéo xuống để xem tiếp
"Thế nào là một người hùng? Cái giá phải trả để làm người hùng là gì? Một người hùng phải đứng lên như thế nào?"
Đó là những câu hỏi mà Joe Russo, một nửa anh em đạo diễn nhà Russo, đã nhắc đến khi nói về chủ đề chung của Avengers: Hồi Kết (Avengers: Endgame), cũng như 3 bộ phim trước đó của hai người trong Vũ Trụ Điện Ảnh Marvel. Joe nói rằng, khi nhìn vào tổng thể cả 4 bộ phim, người xem sẽ có thể thấy được liệu chiến đấu vì lẽ phải có xứng đáng với cái giá phải trả hay không, một câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta đều phải tự trả lời mỗi ngày. Dĩ nhiên, chúng ta luôn biết rằng một người hùng phải luôn đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân mình, thế nhưng liệu mọi thứ có chỉ đơn giản như vậy? Hãy cùng nhìn lại những bộ phim trước đây của anh em nhà Russo qua những câu thoại của Steve Rogers và đi tìm lời giải nhé!
Cái giá cho sự tự do là rất cao. Nhưng đó là cái giá mà tôi sẵn sàng trả.
Captain America: Chiến Binh Mùa Đông (Captain America: The Winter Soldier) đánh dấu lần đầu tiên anh em nhà Russo hợp tác với Marvel và được đánh giá là một trong những phần phim hay nhất của MCU. Bộ phim kể về quá trình thích nghi của Steve Rogers/Captain America với một thế giới khác hoàn toàn so với nước Mỹ những năm 40 của thế kỷ trước, nơi mà triết lý và tư tưởng của anh bị thử thách bởi những bí mật được S.H.I.E.L.D âm thầm giấu kín. Steve đã luôn là một con người chính trực như vậy, từ thời điểm mà anh chỉ là một cậu nhóc gầy gò ốm yếu từ Brooklyn. Steve/Captain America là một chiến sĩ yêu nước, là biểu tượng, là đại diện cho những khao khát và mong muốn tốt đẹp nhất của những công dân Mĩ, cũng như mọi người trên thế giới lúc bấy giờ: sự tự do, bình đẳng và công lý.
Thế nên khi biết được rằng Hydra đã luôn sống ẩn mình dưới cái bóng của S.H.I.E.L.D bấy lâu nay, niềm tin của Steve đối với tổ chức này và phần nào đó với đất nước của anh đã sụp đổ. S.H.I.E.L.D/Hydra là hai mặt của đồng tiền và dĩ nhiên, sự tự do chỉ đạt được khi cả hai đều bị phá hủy. Cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người qua đời vì bị ám sát, có một câu nói như thế này:
"Cái giá của tự do lúc nào cũng rất đắt, nhưng người Mĩ luôn sẵn sàng trả cái giá đó. Và một con đường mà chúng ta sẽ không bao giờ lựa chọn, đó là con đường của sự đầu hàng, hay sự khuất phục."
"Cái giá mà tôi sẵn sàng trả" cũng chính là những gì mà Steve đã nói trong bài diễn thuyết của anh tại trụ sở S.H.I.E.L.D ở hồi kết của bộ phim. Những từ ngữ đó có lẽ không chỉ dành riêng cho anh, mà còn cho những người muốn có được sự tự do, muốn trở thành người hùng. Phân cảnh hai đặc vụ S.H.I.E.L.D phải đối mặt với sáu, bảy tên tay sai của Hydra nhưng vẫn sẵn sàng rút súng để kháng cự, để rồi họ phải "trả giá" bằng tính mạng của chính bản thân, có lẽ là hình ảnh rõ ràng nhất để miêu tả câu nói trên.
Hãy nghĩ đến trên thế giới, có biết bao nhiêu người đã hi sinh bản thân để mang lại sự tự do cho những người khác. Nelson Mandela đã phải ngồi tù 27 năm, cái "giá" mà ông phải "trả" để đất nước và người dân Nam Phi được giải phóng khỏi chế độ Apartheid, khỏi nạn phân biệt chủng tộc. Gandhi đã dành phần lớn cuộc đời của ông để đấu tranh vì sự độc lập của Ấn Độ, cũng như phản đối tất cả các hình thức bạo lực, để rồi phải "trả giá" khi ông bị ám sát. Những cá nhân xuất chúng này, dẫu cũng chỉ là những con người bình thường, luôn chiến đấu vì lẽ phải và không màng đến bản thân để mang lại sự tự do cho những anh/chị/em của họ, cho thế giới, cho chúng ta. Đó là một phẩm chất không thể thiếu của một người hùng.
Công việc này, chúng ta cố gắng cứu nhiều người nhất có thể. Đôi khi nó không đồng nghĩa với tất cả mọi người. Nhưng nếu ta không thể tìm cách sống với điều đó, có lẽ lần tới sẽ không ai được cứu.
Đó là những gì mà Steve đã nói với Wanda/Scarlet Witch trong Captain America: Nội Chiến Siêu Anh Hùng (Captain America: Civil War), tác phẩm thứ hai của anh em nhà Russo trong MCU. Civil War đặt hai người hùng yêu quý của chúng ta, Captain America và Iron Man, vào hai vị trí đối nghịch nhau về việc đồng ý hay không đồng ý với Hiệp định Sokovia, một thỏa thuận buộc nhóm Avengers phải hoạt động dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc. Giọt nước tràn ly dẫn đến mâu thuẫn này đó là Wanda không thể kiểm soát được vụ nổ gây ra bởi Brock Rumlow/Crossbones, khiến vô số người ở thành phố Lagos thiệt mạng. Dĩ nhiên, đó không phải là lỗi của Wanda, thế nhưng những người ngoài cuộc lại không nghĩ như vậy.
Cuộc đối thoại giữa Steve và Wanda gợi chúng ta nhớ về một cuộc trò chuyện giữa hai người đồng nghiệp, về những khó khăn, trắc trở mà họ phải đối mặt khi đảm nhận công việc của một người hùng. Steve, một người đã từng tham gia chiến tranh, đã quá quen thuộc với hình ảnh những người chiến sĩ phải ngã xuống. Trong khi đó, Wanda là một tân binh mới vào nghề và vừa phải trải qua cái chết của người anh trai Pietro, giờ đây lại phải hứng chịu sự chỉ trích của các phương tiện truyền thông. Cho dù nhóm Avengers có cố gắng giải cứu thế giới khỏi những thế lực tàn ác thế nào đi chăng nữa, họ vẫn bị đổ lỗi cho những cái chết của những thường dân, của những người vô tội. Đó là cái giá mà họ phải chấp nhận khi trở thành một người hùng.
"Nhưng nếu ta không thể sống với điều đó, có lẽ lần tới sẽ chẳng ai được cứu."
Tony Stark có cuộc gặp gỡ với Miriam, người đã đổ lỗi anh và nhóm Avengers cho cái chết của con trai bà, Charles Spencer. Tony cảm thấy có lỗi vô cùng, bởi lẽ anh chính là người đã tạo ra Ultron, cỗ máy A.I xém nữa đã hủy diệt thế giới bằng thành phố Sokovia. Đó là lý do vì sao anh lại đồng ý với Hiệp định, để một phần nào đó cảm thấy bớt tội lỗi hơn. Người viết không có ý nói rằng Hiệp định không có phần đúng, nhưng đặt vào hoàn cảnh của Tony lúc bấy giờ, khi anh vừa mới nhớ lại những hình ảnh cuối cùng của cha mẹ mình trước khi họ qua đời, khi anh và Pepper đang tạm chia tay và rồi bị Miriam nói thẳng rằng: "Anh đã giết con của tôi", thật khó để một người như Tony không bị cuốn theo dòng cảm xúc của chính anh.
Tất cả cho thấy rằng, làm một anh hùng không phải là chuyện dễ dàng gì và bạn phải luôn sẵn sàng đối mặt với những cái chỉ tay, những lời lẽ cay nghiệt về phía mình, bởi lẽ chỉ như thế thì ta mới vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân, để luôn sẵn sàng cứu giúp những người khác. Dĩ nhiên, ta cũng phải chấp nhận rằng không phải lúc nào cũng có thể cứu được tất cả mọi người.
Chúng ta không đổi mạng.
Avengers: Cuộc Chiến Vô Cực (Avengers: Infinity War) là bộ phim thứ ba của anh em nhà Russo trong MCU, với tất cả người hùng phải tìm cách ngăn chặn Thanos thu thập đủ 6 viên đá vô cực. Thanos muốn đổi lấy sự sống của một nửa dân số để đem lại sự cân bằng cho vũ trụ, một ý tưởng điên rồ và vô cùng độc ác. Trong khi hắn không màng tới mạng sống của biết bao nhiêu tỷ người, những người hùng của chúng ta lại phải đối mặt với câu hỏi: liệu việc đổi một mạng người có xứng đáng để ngăn chặn Thanos hay không? "Chúng ta không đổi mạng" là câu nói của Captain America dành cho Vision khi anh muốn hi sinh bản thân để phá hủy viên Mind Stone, nhưng những lời lẽ này lại đến từ một người đã tự lái chiếc máy bay xuống biển để cứu hàng triệu mạng sống 70 năm về trước.
Ý của Steve ở đây là, chúng ta không nên đổi mạng trừ khi đó là biện pháp cuối cùng. Mặc dù vậy, đâu phải lúc nào ta cũng có quyền đưa ra những sự lựa chọn khác, nếu có thì Heimdall và Loki đã không phải hi sinh mạng sống của mình để cứu Hulk và Thor. Ngay cả Gamora cũng muốn Peter Quill giết cô để ngăn Thanos tìm được nơi ẩn giấu của viên Soul Stone. Chính Steve cũng đã đi ngược lại lời nói của anh để bảo vệ Vision, để rồi bị Vision nói lại là "Chúng ta không đổi mạng, Đội Trưởng". Cuối cùng, Vision vẫn phải hi sinh mạng sống của mình, chỉ để Thanos tua ngược thời gian để anh lại phải chết thêm một lần nữa.
Nhiều người thắc mắc tại sao Doctor Strange lại giao cho Thanos viên Time Stone để đổi lấy mạng sống của Tony, có lẽ là bởi vì anh nhìn thấy được tương lai nơi mà Tony sẽ giúp đánh bại Thanos. Thế nhưng, đó chỉ là những khả năng có thể xảy ra và không có gì là chắc chắn. Phải chăng, cái tương lai mà Strange nhìn thấy trong số 14.000.605 khả năng đó, chính là nơi mà anh phải hy sinh bản thân mình. Như bài học mà The Ancient One đã dạy cho Strange trước khi bà qua đời, mọi thứ không phải lúc nào cũng là về anh và rõ ràng Strange đã tiếp thu bài học đó. "Không còn cách nào khác" là những lời mà Strange đã nói với Tony trước khi tan biến thành cát bụi và việc anh chết đi dường như là cách duy nhất để các Avengers có thể đánh bại Thanos.
Thế nên, việc Steve nói rằng họ không nên đổi mạng dường như chỉ mang tính chất tương đối. Bởi lẽ trong thâm tâm anh biết rõ rằng, đối với một người hùng, đôi khi quyết định nghiệt ngã nhất, nhưng cũng là cao cả nhất, chính là việc chấp nhận đổi lấy tính mạng của bản thân vì người khác, vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Vậy thế nào là một người hùng? Để kết thúc bài viết, người viết xin trích dẫn câu nói của Stan Lee như sau:
"Một người hùng là người quan tâm đến sự an toàn, hạnh phúc của người khác và sẽ làm mọi cách để giúp đỡ họ - cho dù họ chẳng nhận lại được gì. Người giúp đỡ những người khác đơn giản chỉ vì đó là việc nên hoặc cần phải làm, và bởi vì đó là điều hợp tình hợp lý, quả thật không nghi ngờ gì, là một siêu anh hùng thật sự."