Dạ Cổ Hoài Lang – Bước chân ba thế hệ

Đánh giá phim · Han ·

“Có điều gì chua sót hơn việc bản thân chúng ta khi già đi, bị con cháu xa lánh và phải ngậm ngùi sống trong viện dưỡng lão?”

“Có điều gì chua xót hơn việc bản thân chúng ta khi già đi, bị con cháu xa lánh và phải ngậm ngùi sống trong viện dưỡng lão?”

Mình vốn là một người không thích điện ảnh Việt, thậm chí đã từng có một thời gian dài mình luôn mang tư tưởng bài trừ phim Việt. Nhưng khi được biết trong năm 2017 này điện ảnh Việt sẽ thay đổi, các nhà làm phim sẽ mang những tác phẩm nhân văn ra rạp, mình đã rất mong chờ. Bản thân mình chưa từng xem qua vở kịch nổi tiếng này nên sau khi xem phim, mình cảm thấy điều đó thật may mắn. Mình bước vào rạp với một tâm thế của một khán giả bình thường, không quá đặt kỳ vọng, cũng không quá háo hức. Nhưng bộ phim đã thật sự chạm đến trái tim mình.

Dạ Cổ Hoài Lang phiên bản điện ảnh của đạo diễn “Dũng Khùng” lần này đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả. Được chuyển thể từ vở chính kịch cùng tên đã quá quen thuộc với đại đa số khán giả, phim là tiếng lòng nức nở của cả ba thế hệ trong một gia đình với Tư Lành (ông nội), Nguyễn (ông bố) và Tammy (cô cháu gái). Cũng chỉ vì thiếu sự sẻ chia nơi xứ người, họ đã dần xa cách và dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. 

Mình đặc biệt thích cách dẫn dắt câu chuyện của đạo diễn. Đầu phim là những cảnh quay tuyệt đẹp ở New York năm 1995, ông Tư Lành (Hoài Linh) trốn viện dưỡng lão trở về nhà vào ngày giỗ của vợ mình trong cái lạnh thấu xương. Hình ảnh ông lang thang trong gió tuyết với góc quay của flycam rất điện ảnh. Điều mà chắc chắn các vở kịch trước đó sẽ không thể lột tả hết được. Trong lúc cố gắng bắt xe bus, ông gặp người bạn già thời thơ ấu của mình, Năm Triều (Chí Tài). Cả hai đều từ viện dưỡng lão trở về nhà, nhưng một người được đón về, người còn lại thì phải trốn về. Cả bộ phim là sự hồi tưởng về những ngày thơ ấu, tươi trẻ của Ông Tư và Ông Năm, nơi mà họ chôn nhau cắt rốn với rất nhiều kỷ niệm đẹp, tình yêu đẹp và tình bạn đẹp. Nhưng song song với quá khứ tươi vui đó là hiện tại đau lòng, lạnh lẽo của những người già cô đơn. Cái cô đơn đó còn được khắc họa rõ nét khi bài hát Dạ Cổ Hoài Lang được ông Tư cất lên.

Bối cảnh chính của bộ phim là trong căn nhà của con trai ông Tư, nơi có đến ba thế hệ trong một gia đình chung sống. Nếu ở Việt Nam, điều này rất phổ biến thì ở nước ngoài lại rất khác. Những người già thường sẽ được con cháu đưa vào viện dưỡng lão để họ được chăm sóc tốt hơn. Nhưng điều này lại khiến những người già xa xứ như ông Tư cảm thấy đau lòng. Mang tiếng sang Mỹ để đoàn tụ với con cháu, mà con thì mãi đi làm kiếm tiền, cháu thì lại xa lạ thậm chí không muốn thừa nhận sự tồn tại của ông nội trong nhà, còn gì đau đớn hơn?

Phim đã truyền tải những thông điệp nhân văn thông qua ba thế hệ. Ở nơi xứ người lạnh lẽo, chính sự xa cách về văn hóa và thiếu sẻ chia mà họ không thể hòa hợp được. Mình ấn tượng với cách mà cô cháu gái nói lên tiếng lòng của mình với ông nội. Cô sợ ông, cô cho rằng ông nội xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của mình, thậm chí cô nghĩ rằng ông đã cố xâm hại tình dục cô. Đoạn đối thoại đó đã thật sự ám ảnh, và bản thân mình đã xúc động mạnh. Cô cháu gái không sai, ông nội cũng không sai vì những hành động của ông là hành động thể hiện sự yêu thương, chăm sóc cháu mình. Cái sai duy nhất có chăng là cái sai của người con trai (ông Nguyễn), khi ông chính là cầu nối của hai thế hệ xa cách kia nhưng lại không thể làm gì được ngoài việc ngậm ngùi viết nhật ký. Hiểu lầm này nối tiếp hiểu lầm khác, đến khi họ hiểu được nhau sau khi đọc hết cuốn nhật ký thì đã muộn mất rồi.

Phim có hai tông màu chính, ở New York năm 1995 là một màu phim lạnh lẽo, cô đơn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói ông mất 3 năm để quay xong bộ phim này cũng chỉ để bắt được những cảnh tuyết rơi chân thật đó. Song song với hiện tại là hình ảnh quá khứ được miêu tả qua lời kể ông Tư và ông Năm rất tươi vui, thân thiện. Những cánh đồng bát ngát, những con người miền Tây chân chất. Ở nơi đó ba người bạn thân Tư Lành, Năm TriềuÚt Trong cùng nhau lớn lên. Họ không chỉ là những người bạn, mà còn là người thân của nhau, là bạn đồng hành đến hết con đường đời. Để khi sang đất Mỹ, Tư LànhNăm Triều vẫn giữ được tình bạn sâu đậm dù trong lời nói vẫn hay ganh đua nhau như thuở nhỏ.

Hoài LinhChí Tài trong phim này đã thể hiện được hết những tinh túy của mình trong diễn xuất, họ diễn như không diễn. Tung hứng nhau rất tự nhiên và hài hước. Cuối cùng thì khán giả cũng được nhìn thấy những nghệ sĩ gạo cội thể hiện tài năng của mình chứ không như những bộ phim hài thị trường trước đó. Vai diễn cô cháu gái Tammy là vai mình đặc biệt thích, có thể với nhiều người cô chỉ thể hiện tròn vai nhưng với mình thì ánh mắt và gương mặt của cô đã thật sự toát lên vẻ sợ hãi, ghê tởm đối với ông nội mình. Vai diễn này của Trish Lê chắc chắn sẽ để lại nhiều suy ngẫm cho khán giả, nhất là khi cô nói ra câu “What is quê hương?”. Bên cạnh các diễn viên chính thì dàn diễn viên phụ như ông Nguyễn (người con trai), các nhân vật thời còn trẻ đều đã thể hiện rất tốt. Gần như tất cả diễn viên đều đã đầu tư hết tâm huyết vào bộ phim này.

Mặc dù vẫn có một số chi tiết thừa, đặc biệt là đoạn lấy nước mắt khán giả cuối phim mình vẫn cảm thấy hơi gượng gạo nhưng nhìn chung Dạ Cổ Hoài Lang xứng đáng là một bộ phim hay. Một câu chuyện nhân văn rất đời, rất quen thuộc, nhưng đủ cảm xúc, đủ tinh tế từ quay phim, nhạc cho đến diễn xuất của các nhân vật. Mình thích “bước chân thứ ba” của cô cháu gái Tammy khi trở về quê hương, trở về để sửa sai cho chính bản thân cô và những “bước chân lầm lỡ” của những người lớn. Mình nghĩ khoảnh khoắc đó đã làm tất cả khán giả trong rạp cảm thấy ấm lòng và thêm yêu quê hương mình.