Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Tôi là người làm phim, không phải sử gia”

Tin điện ảnh · Maii ·

Huỳnh Tuấn Anh cũng cho biết anh làm Phượng Khấu, không phải để cho sử gia xem.

Đạo diễn của Phượng Khấu – Huỳnh Tuấn Anh, đã thẳng thắn “chốt” lại gần như buổi phỏng vấn với Moveek khi chia sẻ về dự án cũng như làm rõ một số vấn đề liên quan đến bộ phim. Sau buổi công bố dự án đầu tháng 6 vừa qua, đồng thời tung trailer đầu tiên, Phượng Khấu đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ những khán giả yêu phim Việt, phim sử Việt và đặc biệt là nhóm các bạn trẻ có nghiên cứu về lịch sử.

Đây là bộ phim cung đấu mà đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã nung nấu ý tưởng từ những ngày đầu khi xem các phim cổ trang Trung Quốc như Diên Hy Công Lược, Như Ý Truyện, Cung Tâm Kế, Chân Hoàn Truyện, phim cung đấu Hàn… Bản thân Việt Nam cũng là nước có lịch sử phong kiến lâu đời, trải qua nhiều triều đại, trong đó có hẳn một triều đại vẫn còn di tích và hiện vật ở cố đô Huế; kết hợp với những câu chuyện riêng về hỉ, nộ, ái, ố của nhân tình; Huỳnh Tuấn Anh khao khát làm một bộ phim cung đấu Việt thể hiện được những câu chuyện ấy, nhưng chưa có cơ sở làm cho đến khi gặp được nhóm Thiên Nam Đại Lịch Hậu Phi.

Phượng Khấu là dự án mà từ lúc nghĩ về nó cho đến lúc công bố thì mất khoảng 2 năm. Còn bắt đầu chính thức có cơ duyên và những cuộc gặp mặt (để thực hiện) thì mất khoảng 6 tháng,” anh trải lòng về khoảng thời gian ấp ủ từ ý tưởng cho đến những thước phim, hình ảnh đầu tiên.

Từ trái qua: ca sĩ Long Nhật, diễn viên nhí Ngọc Lan Vy, nữ diễn viên Diễm My 9x. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)
Từ trái qua: ca sĩ Long Nhật, diễn viên nhí Ngọc Lan Vy, nữ diễn viên Diễm My 9x. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)

Nói về việc tại sao anh chọn làm phim cổ trang cung đấu, anh cho biết: “Cung đấu là sự tình cờ, là cách mà tôi chọn để tạm gọi là mở đầu cho khát vọng làm phim lịch sử, dã sử Việt Nam. Phần cũng vì kinh phí bởi làm phim cổ trang, cung đấu, làm trong nhà, sau hậu cung, trong phòng thì dễ hơn là làm ngoài sa trường đánh đấm.  Muốn tiệm cận tới mức đó thì mình phải tập làm từ từ. Với Phượng Khấu thì tôi sẽ làm tất tần tật về phục trang, về cảnh, về ánh sáng, cảnh nội. Sau khi tôi làm thành thục rồi thì sẽ làm phim về chiến tranh. Mình cứ làm từng bước, từng bước như thế. Khát vọng của tôi thôi, mặc dù chẳng biết nó có tới đâu hay không nhưng vẫn cứ làm, còn hơn là không làm.”

Phượng Khấu sở hữu một đội ngũ biên kịch gồm 6 người: 2 người chuyên viết kịch bản, 2 người fan phim cổ trang và 1 người chuyên về cấu trúc, người còn lại là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh với nhiệm vụ viết đề cương kịch bản chính. Dự án đồng thời có thêm một đội ngũ cố vấn lịch sử riêng, trong đó có sự góp mặt của giáo sư sử học Lê Văn Lan.

Nghệ sĩ Hồng Đào trả lời phỏng vấn. Cô vào vai Từ Dụ trong Phượng Khấu. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)
Nghệ sĩ Hồng Đào trả lời phỏng vấn. Cô vào vai Từ Dụ trong Phượng Khấu. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)

Cũng trong buổi công bố dự án, diễn ra vào ngày 01.06, giáo sử sử học Lê Văn Lan cũng nói về quan điểm không nên gọi Phượng Khấu là phim cổ trang, vì cổ trang là từ ngữ của phim Trung Quốc, có công thức làm phim riêng. Với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thì anh quan niệm “cổ trang là từ khá chung chung. Cổ là xa xưa, trang là phục trang, trang sức, hóa trang, phục sức… tất cả những gì thuộc về phần nhìn, mang tính xưa […] Chữ cổ trang khá chung chung, nói tới một thể loại phim của quá khứ và ở đó người ta ăn mặc, đi đứng theo văn hóa cổ. Thì như thế cũng không sao cả. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì Việt Nam, Campuchia hay Hàn cũng thế. Người ta vẫn gọi là cổ trang Hàn đấy thôi. Tôi cho rằng chúng ta không nên câu nệ vào tên gọi hay thể loại.”

Anh cho rằng thể loại chỉ tới với nhà làm phim như một công cụ. Bản thân chúng ta có một câu chuyện và chúng ta chọn thể loại để có công thức làm dễ dàng hơn thôi, "còn thật ra thể loại chính là thứ gò bó tư duy nhất. Đỉnh cao của sáng tạo thì làm gì có thể loại. Vì vậy không nên cãi nhau về cái từ đó mà phải gọi chính xác nhất đối với phim Phượng Khấu là thể loại dã sử cung đình Việt. Tôi nghĩ là hợp lý vì nó không phải hẳn là sát sử, nhưng nó là câu chuyện bám vào lịch sử. Bối cảnh ở cung đình Việt. Dùng từ cung đấu cũng được vì cung đấu là từ ngữ của mấy bạn Tàu chế ra, thì nếu né mấy bạn ấy ra thì mình dùng từ cung đình Việt Nam.”

Huỳnh Tuấn Anh lấy ý tưởng đặt tên cho bộ phim từ cúc áo được chạm trổ hình chim phượng (phượng khấu), một loại trang sức bộ đôi đi chung với chiếc áo Nhật Bình, vốn là trang phục dành cho phụ nữ thuộc bậc tôn quý của hậu cung nhà Nguyễn.

Nghệ sĩ Lê Thiện (giữa) và Jun Phạm (trái) cũng sẽ góp mặt trong phim. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)
Nghệ sĩ Lê Thiện (giữa) và Jun Phạm (trái) cũng sẽ góp mặt trong phim. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)

“Khi có chiếc áo Nhật Bình, chiếc cúc phượng sẽ giúp người ta nhận ra bạn ở phẩm cấp nào. Bạn có được yêu quý hay không […]. Cúc phượng thì chỉ từ bậc phi, tần trở nên mới có, thể hiện sự hơn thua nhau, thể hiện sự uy tín, sự sủng ái. Bộ đôi (áo Nhật Bình – cúc phượng) đó có 2 nghĩa: Nghĩa đen là khát vọng của tất cả những người đàn bà trong cung. Ai vô cung chẳng muốn làm vợ vua, làm công chúa, làm mẹ vua, ai mà chẳng muốn con trai của mình trở thành hoàng tử, hoàng thái tử. Nghĩa bóng thì là vật để những người đàn bà trốn chạy sự cô đơn. Khi ở đỉnh cao trọng vọng rồi mà vua không yêu thì cũng thế thôi. Vậy nên, phượng khấu là bùa mê thuốc lú, là bã vinh quang, một tí sĩ diện và danh hão để những người đàn bà chạy trốn nỗi cô đơn, trốn mình vào đó. Chứ thực ra có những người cầm cái cúc phượng trên tay mà chẳng có giá trị gì.”

Nói tới những ý kiến cho rằng phim có vẻ tập trung quá nhiều vào phần phục trang, trang sức mà không chú trọng phần nội dung, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ: “Mọi người đã nhìn thấy nội dung như thế nào đâu mà bảo là không chú trọng nội dung.” Anh nói nếu kịch bản dở thì các diễn viên gạo cội như cô Hồng Đào, chú Thành Lộc, cô Hồng Vân không bao giờ chịu đóng. Anh cũng không phải người “bỏ ngãi bỏ bùa họ mà nói gì họ nghe đó.” Việc chú trọng phục trang là bởi trước giờ phục trang là thứ mà người ta phàn nàn nhiều nhất về phim cổ trang Việt Nam. Đồng thời, thứ mà vị đạo diễn cho rằng thể hiện được góc nhìn của mình một cách dễ hiểu, trực quan và sinh động nhất là phục trang.

Phượng Khấu - Phim dã sử cung đình Việt. (Ảnh: Phượng Khấu)
Phượng Khấu - Phim dã sử cung đình Việt. (Ảnh: Phượng Khấu)

Phượng Khấu chính thức bấm máy vào ngày 19.09, nhưng hiện tại đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã quay được một số cảnh, vừa quay và vừa sửa liên tục, cảnh nào, chi tiết nào không vừa ý, anh quyết định bỏ và quay lại hết. “Đây là điều mà tôi phải chấp nhận vì làm Phượng Khấu rất cực, phải đúng về chuyên môn, lịch sử luôn bị chửi, phục trang phải đẹp, khán giả trông đợi, diễn viên mong muốn vai của họ hay. Quay xong không được phải quay lại. Việt Nam mình hoàn toàn không có kinh nghiệm cũng như thâm niên về kỹ nghệ làm phim cổ trang và dã sử. Đáng lẽ mọi người phải thương tôi chứ (cười). Tiền của, tâm sức đổ vào mà cuối cùng lại bị chửi. Làm phim thì làm gì có lúc nào không sơ suất. Thậm chí cả Như Ý (Truyện) cũng sai đầy ra đó, sai luôn cả sử cơ mà.”

Anh cũng nhận định, Phượng Khấu là phim dã sử, không phải phim tài liệu. Vì vậy, chắc chắn phải có sự sáng tạo, chắc chắn phải có sự phóng tác, chắc chắn phải có sự suy luận. Đã không phải là phim tài liệu thì chắc chắn phải có sự hư cấu. Vấn đề nằm ở chỗ là có sát sử hay không, sát sử như thế nào? Tôi chọn mốc thời gian từ năm Thiệu Trị thứ nhất tới năm Thiệu Trị thứ bảy. Trong điển chế, trong lịch sử ghi chuyện gì xảy ra thì tôi cho nó diễn ra đúng như nó đã có, nhưng nguyên nhân diễn ra thì mình được quyền hư cấu […]. Tuy vậy, mình không được quyền bóp méo tính cách nhân vật lịch sử, không biến Tự Đức thành người ác độc. Và tất cả những người đàn bà trong cung Việt Nam không ác độc như những người đàn bà Trung Quốc được.”

Nghệ sĩ Thành Lộc trong vai Hoàng đế Thiệu Trị. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nghệ sĩ Thành Lộc trong vai Hoàng đế Thiệu Trị. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Thay vì làm phim về chuyện đấu đá và tranh quyền đoạt lợi, hãm hại nhau bằng mưu sâu kế bẩn như phim cổ trang Trung Quốc, đạo diễn xử lý mối quan hệ giữa các nhân vật bằng mối quan hệ của một gia đình, một gia tộc, nơi mà một ông chồng có rất nhiều bà vợ và giải quyết câu hỏi ai sẽ là người thừa kế tài sản của ông.

“Tất cả những bi kịch sinh ra từ việc thương con, chứ họ không ghét nhau. Vì thương con và sợ con mình thiệt thòi nên làm tất cả để bảo vệ con. Tất cả những người đàn bà trong cung Việt Nam đều đáng thương. Và tôi xử lý tất cả bằng ngôn ngữ của một gia đình. Đó mới chính là lý do mình chọn cách làm sử. Mình mượn chuyện xưa mình nói chuyện nay […]. Câu chuyện xuất phát từ những cái vụn vặt, thường tình của đàn bà như yêu chồng, chiếm hữu, thương con, bảo vệ con. Mình có thể chết nhưng con mình sẽ được hạnh phúc. Tôi xử lý những chuyện đó và nó sẽ khác rất nhiều so với Trung Quốc […]. Đây không phải là một cuộc tranh sủng khốc liệt bởi vì đẹp hay bởi vì yêu thường tình.”

Nếu thế thì giữa yếu tố giáo dục và giải trí, Phượng Khấu nhắm đến mục tiêu nào? “Tôi thì mục tiêu cuối cùng vẫn là giáo dục, giải trí chỉ là phương tiện.”

Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện trong vai Nhân Tuyên Thái hoàng Thái hậu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện trong vai Nhân Tuyên Thái hoàng Thái hậu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Giáo dục là yếu tố hàng đầu thì chẳng lẽ anh không sợ bị khán giả “soi” nhiều quá sao?

“Tôi không sợ, vì chắc chắn sẽ bị soi. Tôi giáo dục cái gì mới quan trọng. Bởi vì tôi chọn câu chuyện về gia đình, về chuyện phụ nữ thương con, thương chồng, không biến người phụ nữ Việt Nam thành một loại xấu xí, ác độc. Đấy là một loại giáo dục, đấy là sự phân biệt giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Trung Quốc. Ngoài ra là còn giáo dục về phục trang. Chưa chiếu phim thì tôi đã giáo dục phục trang rồi. Trước tôi đâu phải không có chiếc áo Nhật Bình, rất nhiều nhà thiết kế đã làm, rất nhiều đội nhóm đã may, nhưng tới tôi thì tôi đưa chiếc áo Nhật Bình lên một bước mới, trở thành một icon (biểu tượng) của nhà Nguyễn. Khác nhau hoàn toàn với các nước đồng văn, không giống Tàu, không giống Hàn, không giống Nhật […] Tôi nói thẳng, tôi chưa làm gì mà đã thắng rồi, thắng bằng giáo dục. […] Thậm chí có thể dự án dừng ở đó, tôi vẫn thắng. Ở đây không phải thắng ai cả mà là thắng chính mình.”

Anh cho biết với làn sóng tìm hiểu về bộ phim, qua đó tìm hiểu về trang phục, Phượng Khấu đã có thể tạo nên một trào lưu nghiên cứu cổ phong bằng điện ảnh. Huỳnh Tuấn Anh cũng tự nhìn nhận mình là nhà giáo dục điện ảnh, chứ không phải một đạo diễn đơn thuần bởi anh có khát vọng làm giáo dục nghệ thuật. “Tôi làm thơ được, tôi làm nhạc được, làm tác giả sân khấu được mà, thì điện ảnh chỉ là phương tiện thôi.”

Anh cũng không mong muốn dùng điện ảnh để tranh giành và nổi tiếng với ai. “Nếu (muốn) nổi tiếng tôi sẽ đi bằng cách khác. Tôi cần sự nổi tiếng tôi sẽ biến tôi thành một đạo diễn celeb (celebrity: người nổi tiếng) và tôi dư sức làm điều đó. Nhưng tôi muốn người ta nhìn nhận mình là đạo diễn đi làm văn hóa giáo dục bằng điện ảnh, […] không phải một đạo diễn đi làm kiếm cơm, mặc dù đúng là làm để có tiền,” anh nói. Với Huỳnh Tuấn Anh thì bộ phim mang ý nghĩa như thế nào, người ta nhìn nhận phụ nữ Việt Nam ra sao mới là điều quan trọng với anh, còn gọi anh là gì cũng được.

Hiện tại thì Phượng Khấu còn 2 tháng để hoàn thành phục trang, bản vẽ, mũ mão. Anh cũng xác nhận lý do mình công bố dự án sớm là vì phía nhà đầu tư họ cần đoàn làm phim thông báo tiến độ của dự án đến với khán giả. Thêm nữa, việc công bố dự án sớm sẽ kích thích tình yêu sử nhà đối với các bạn trẻ, đồng thời không để thông tin tản mác để tránh bị ăn cắp ý tưởng. “Tôi không sợ người ta ‘chôm’, tôi chỉ sợ người ta ‘chôm’ rồi người ta làm không hay. Tôi bị ‘chôm’ hoài, ý tưởng, concept… Làm nghề ở xứ mình, ‘chôm chỉa’ đầy rẫy. Nhưng 'chôm' rồi làm không hay, thế là nó (ý tưởng) bị uổng.”

Tất cả những quan điểm của khán giả về trailer đầu tiên của Phượng Khấu như giọng của nhân vật không phải giọng Huế, câu chuyện chưa thấy được tiết tấu hấp dẫn… Huỳnh Tuấn Anh đều cho là đúng và anh cũng nói rằng mình luôn trong tư thế lắng nghe, không bao giờ biến bản thân trở thành kẻ đối đầu với người xem, “Cái nào họ góp ý đúng, thì mình phải cám ơn họ chứ. Cái nào họ góp ý sai, thì mình lẳng lặng cho qua vì mình không cần phản ứng. Những người xung quanh thấy sai họ cũng đâu cần quan tâm.”

Giáo sư sử học Lê Văn Lan (áo trắng) đang trả lời câu hỏi của khán giả trong buổi công bố dự án. Bên trái ông là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên).
Giáo sư sử học Lê Văn Lan (áo trắng) đang trả lời câu hỏi của khán giả trong buổi công bố dự án. Bên trái ông là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. (Ảnh: Ỷ Vân Hiên).

Nhưng anh cũng cho biết, đã góp ý thì phải có cơ sở khoa học, dẫn chứng từ chính sử, bức ảnh đó của ai, thời nào, hiện vật đâu, còn nếu không thì anh xin phép không trả lời. Chuyện tranh cãi về tính đúng sai của phục trang cũng đã gây cho anh nhiều rắc rối, chẳng hạn như gần đây nổ ra tranh cãi về thường quấn của Nam Phương Hoàng hậu liệu có xếp ly hay không có xếp ly, cho đến khi cho có tấm hình hiện vật từ Pháp đưa về thì cuộc tranh cãi mới chấm dứt.

“Đã làm con đường này, phải biết luôn mình sẽ bị ném đá. […] Về chuyên môn tôi thành công cơ mà. Chuyện ném đá tôi không quan tâm bởi vì cơ sở của tôi rất chắc. Sai sót của tôi là sai sót thuộc về tranh luận vì nguồn sử liệu các bạn dẫn ra (để ném đá) chưa chắc đã đúng.”

Anh thừa nhận lần gần đây nhất mình tranh luận với một bạn trên mạng xã hội là vì bạn ấy lấy hình cô Hồng Đào đăng lên không xin phép và có những lời lẽ mang tính xỉ vả diễn viên. Là đạo diễn, anh không cho phép điều đó và buộc phải lên tiếng bảo vệ cô để những bình luận tiêu cực đó không ảnh hưởng đến tâm lý các diễn viên.

“Tôi chỉ có nhiệm vụ trả lời về chuyên môn đạo diễn thôi vì tôi có ban cố vấn. Khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, tôi sẽ tổ chức buổi livestream với các cố vấn của tôi để trả lời các câu hỏi trực tiếp được khán giả đặt ra. Tại sao tôi phải đôi co với người ta làm gì? Một lần duy nhất thôi vì chuyện đó đụng đến chị Hồng Đào, đụng đến kim bài, kim khánh của anh Thành Lộc.”

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: "Tôi không làm phim cho sử gia xem." (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: "Tôi không làm phim cho sử gia xem." (Ảnh: Ỷ Vân Hiên)

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết đối tượng mà bộ phim nhắm tới là từ 16-25 tuổi, cho nên thoại sẽ rất hiện đại bởi anh không có nhiệm vụ kể chuyện lịch sử cho những bạn đã biết. “Việc của tôi là mang lịch sử nước nhà đến gần giới trẻ và không sai, cho nên bộ phim sẽ mang rất nhiều bất ngờ, tình huống giải nhanh, gọn, lẹ, ý thoại rất hiện đại nhưng câu thoại vẫn mang tính văn học […]. Tôi không làm phim cho sử gia xem. Còn chuyện đúng sai đã có giáo sư Lê Văn Lan xử lý.”

Ê kíp của Phượng Khấu cũng là một ê kíp cầu thị bởi, “Tôi luôn trong tâm thế lắng nghe để sửa. Tôi là đạo diễn, đâu phải sử gia đâu mà đúng 100%. Kể cả ban cố vấn ngồi với nhau mà đã cãi nhau rồi chứ huống gì người ngoài. Bởi thế nên phải dựa trên hiện vật, bằng chứng, sách vở, chính sử.”

Theo anh, lịch sử chỉ là tương đối, thậm chí có khi còn sai “bét nhè”. “Khảo cổ luôn là ngành khoa học tát vào mặt lịch sử […] cái áo màu xanh, màu đỏ, bao nhiêu đường chỉ có khi khai quật lên đâu giống như vậy […] nên tôi chỉ tin vào hiện vật, hình ảnh, nguồn tư liệu, bằng chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay rồi tôi mới tin. Tôi chỉ có nhiệm vụ không xuyên tạc lịch sử, không nói xấu tiền nhân, người ta yêu lịch sử vậy là đủ. Tôi không làm phim tài liệu và tôi không phải là nhà sử gia đi làm phim. Tôi là đạo diễn, dùng điện ảnh để làm công tác giải trí và giáo dục. Giáo dục nghĩa là không được sai, tôi có ban cố vấn thì làm sao tôi sai được. Ông Lê Văn Lan mà sai à? Có sai đấy, nhưng ông ấy sai thì làm gì đến lượt chúng ta đúng.”

Khép lại buổi phỏng vấn, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh có đôi lời nhắn nhủ khán giả đừng kỳ vọng bộ phim sẽ như Diên Hy Công Lược hay Như Ý Truyện bởi kinh phí của Phượng Khấu chỉ có 2 tỷ đồng/tập, “sức tàn lực kiệt”, “sợ mọi người kỳ vọng nhiều quá vì chúng tôi không có tiền. Tôi không phải dùng tiền để than nhưng mà tiền nào của đó.”

Với tư cách là đạo diễn của bộ phim, anh cho biết ê kíp sẽ cố gắng từng ngày vì họ đang nắm trong tay nội dung hay như vậy, nếu làm dở là có tội với tiền nhân và có tội với chính mình. Hi vọng sau khi ra mắt, Phượng Khấu sẽ nhận được sự ủng hộ đông đảo của khán giả yêu sử, cũng như những ai yêu thích cổ phong.