Điểm danh những bộ phim khắc họa chân thật về ngành truyền thông
TV Series · Tin điện ảnh · Phamtrang1412 ·
Báo chí truyền thông đang ngày càng trở nên lớn mạnh trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vì vậy nó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác và phát triển.
Báo chí truyền thông đang ngày càng trở nên lớn mạnh trong nền kinh tế thị trường hiện nay, vì vậy nó cũng trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác và phát triển. Trong lịch sử, đã có rất nhiều bộ phim đề cập đến những công việc trong lĩnh vực này. Hãy cùng Moveek điểm qua những cái tên nổi bật nhé.
1. Tạp Chí Thời Trang – 2009
Cái tên đầu tiên đến từ một quốc gia có nền công nghiệp giải trí hết sức lớn mạnh – Hàn Quốc. Lý do người viết chọn một phim truyền hình để giới thiệu là vì với độ dài 16 tập, Tạp Chí Thời Trang đã khai thác khá rõ nét lãnh vực truyền thông cũng quan hệ tình cảm của các nhân vật.
Lấy đề tài thời trang, bộ phim là nơi quy tụ dàn diễn viên cực chất trong giới diễn viên và người mẫu bao gồm: Lee Ji Ah, Kim Hye Soo, Ryu Si Won, Lee Yong Woo… Bộ phim kể về mối quan hệ của 4 con người: Seo Woo Jin, một đầu bếp lãng mạn và tâm lí, từng có mối tình sâu đậm với phó tổng biên tập Park Ki Ja nhưng rồi lại đem lòng yêu thương cô nàng hậu đậu Lee Seo Jung nhưng cô nàng này lại dành sự say mê cho anh chàng nhiếp ảnh Min Jung và anh thợ thì lại cảm nắng bà sếp khó tính. Cái vòng tròn luẩn quẩn và rối rắm nhưng lại phần nào thể hiện rõ quan điểm tình yêu của các nhân vật, những người yêu bằng trái tim mãnh liệt nổi loạn, không phân biệt tuổi tác, địa vị, thậm chí không màng đến cả lý trí, liệu rằng ai trong shọ sẽ có được thứ tình yêu đích thực mà mình đang theo đuổi?
Bỏ qua mối quan hệ phức tạp kia, Tạp Chí Thời Trang chính là sàn catwalk quy mô với những bộ cánh hàng hiệu xa hoa và lộng lẫy, mỗi nhân vật lại chọn cho mình những style riêng biệt, không đụng hàng. Với sự đầu tư chỉn chu, bộ phim trong giai đoạn phát sóng đã tạo nên cơn sốt không nhỏ trong làng thời trang xứ Hàn.
2. Scoop! – 2016
Scoop! được làm dựa theo phim bộ phim điện ảnh Tousatsu 1/250 byo Out of Focus (năm 1985). Bộ phim của đạo diễn One Hitoshi lấy đề tài paparazzi - một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhiệt huyết, đầy khó khăn và sẽ lại càng trở nên vất vả hơn đối với người đã bước sang tuổi trung niên. Miyakonojo Shizuoka là một paparazzi lão làng, từng là một cao thủ săn ảnh đẳng cấp của phòng biên tập tạp chí ảnh Scoop!, người chuyên bắt được những tin tức sốt dẻo nhưng vì ham mê cờ bạc mà anh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Giờ thì Miyakonojo chỉ là một thợ săn ảnh tự do, chuyên bới móc tin nóng và bám theo các vụ scandal của những người nổi tiếng. Đồng hành cùng anh là Namekawa Nobi, một lính mới tò te của Scoop!. Bộ đôi cùng nhau phanh phui nhiều câu chuyện nhạy cảm và trong quá trình hợp tác họ cũng dần dần sửa đổi sự khác biệt của cả hai, và rồi họ đụng độ một vụ việc có thể gây ra một cơn chấn động lớn trong ngành giải trí.
Masaharu Fukuyama vốn được mệnh danh là người kín tiếng bậc nhất trong làng giải trí Nhật Bản nay lại vào vai một tay săn ảnh, một kẻ bám đuôi chính hiệu. Liệu anh có thể áp dụng kinh nghiệm của bản thân vào vai diễn này hay không?
3. First Class – 2011
Lại một đại diễn nữa đến từ xứ sở hoa anh đào. Frist Class là bộ phim truyền hình 10 tập kể về cuộc đời của Chinami, một cô gái làm việc tại một cửa hàng bán vải nhỏ nhưng ấp ủ hoài bão gia nhập vào ngành thời trang, có thể tự tay mình thiết kế và tạo ra những bộ cánh đẹp mắt và ấn tượng. Và rồi may mắn cũng đã đến với cô gái khi cô được nhận vào làm biên tập viên cho một tạp chí thời trang. Tòa soạn tạp chí First Class chính là một vương quốc "nữ quyền 100%", một chiến trường giữa những người phụ nữ. Phim lột tả hiện thực khốc liệt của ngành công nghiệp thời trang nơi mọi người dùng mọi thủ đoạn để đạt được danh tiếng và địa vị. Trong đó, cô nàng Chinami ngây thơ, hiền lành vô tình bước chân vào chiến trường này và đã phải cố gắng hết sức để chống lại quy luật ngầm của giới giải trí để trở thành 1 biên tập viên thời trang. Từ một gái bé nhỏ chỉ quanh quẩn phụ việc tại tiệm vải cô phải đối mặt với vô số chông gai, cạm bẫy đến từ công việc và chính những người đồng nghiệp của mình.
First Class đã khắc họa rõ nét quy trình sản xuất một tạp chí thời trang, từ những buổi họp biên tập viên hàng tháng cho đến quá trình biến những ý tưởng thành hiện thực tất cả đều được miêu tả hết sức chân thực. Khán giả sẽ phải kinh ngạc trước sự khốc liệt của ngành nghề đặc thù này, thích thú trước việc các tạp chí thời trang săn đón những người mặt “thường dân”, và há hốc mồm khi biết mỗi con người đều được “định giá” bằng năng lực.
4. Spotlight – 2015
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Spotlight tác phẩm được xướng tên ở hạng mục "Phim hay nhất" tại lễ trao giải Oscar 88.
Lấy bối cảnh câu chuyện về đội phóng viên điều tra của tờ Boston Globe, phim đề cập đến những scandal lạm dụng tình dục trẻ em. Bắt đầu bằng một câu chuyện cũ của một vị mục sư bị tố cáo đã từng lạm dụng trẻ em, trong quá trình điều tra thu thập thông tin, đội đã phát hiện được một sự thật khủng khiếp, đó là không chỉ một mà là hàng chục giáo chức tại Boston đều dính líu đến chuyện này. Giới chức tăng lữ giáo hội công giáo, những vị cha xứ quyền cao,những người vốn được dân chúng tôn sùng, trọng vọng nay lại trở thành những con quỷ đội lốt người, mang chiếc mặt nạ của những con chiên ngoan đạo.
Đối trọng với thế lực ấy là những con người ngày đêm tận tuỵ tìm cho ra bằng chứng, tìm ra sự thật để phơi bày bộ mặt thật của những kẻ đạo đức giả. Họ là những nhà báo thông minh, nhiệt huyết và đầy lương tâm, khi quyết tâm đào lên thứ sự thật đã bị chôn vùi từ rất lâu kia.
Spotlight mang lại những bài học về nghề đáng giá nhất, thứ quan trọng đối với một phóng viên không phải là giá trị kiến thức hay nghiệp vụ mà là tinh truy tìm sự thật. Chỉ có sự thật và sự thật thuần khiết của nó mới là tiếng nói của công lý, là tinh thần báo chí chân chính. Phim được 6 đề cử Oscar và giành chiến thắng hạng mục “Phim hay nhất” cùng “Kịch bản gốc xuất sắc nhất”.
5. The Post – 2017
Cái tên cuối cùng chính là The Post, sản phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg. Lấy bối cảnh vào năm 1971, The Post thuật lại cuộc chiến pháp lý căng thẳng của tờ báo Washington Post nhằm công khai những thông tin bảo mật về Chiến tranh Việt Nam, thứ đã bị chính quyền Mỹ ém nhẹm xuyên suốt 4 nhiệm kỳ tổng thống.
The Post dựa trên sự kiện hoàn toàn có thật, mang lại sự tin tưởng của người dân đối với những người làm báo trong việc minh bạch hoá chính quyền, tạo nên một nền dân chủ bền vững, một lần nữa khẳng định sức mạnh to lớn của báo chí.
Bộ phim quy tụ hai hai diễn viên kỳ cựu Tom Hanks trong vai biên tập viên Ben Bradlee của tòa soạn Washington Post và Meryl Streep trong vai nhà xuất bản Katharine Graham. Ngoài ra còn có sự góp mặt những cái tên nổi bật khác như Carrie Coon, Bob Odenkirk và Sarah Paulson, Zach Woods.
Bộ phim được ra mắt giới hạn ở Mỹ vào cuối năm để đủ điều kiện tranh Oscar 2018. Bên cạnh đó, The Post đã mở màn mùa giải thưởng với 3 chiến thắng quan trọng tại National Board of Review bao gồm “Phim hay nhất”, “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” và “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất”.