Điệp Viên Ngoài Giờ – Câu chuyện điệp viên thiếu sức hút
Đánh giá phim · Gunn ·
Cùng lấy ý tưởng về điệp viên theo phong cách hài hước, nhưng Điệp Viên Ngoài Giờ lại thể hiện kém đặc sắc với phần nội dung mờ nhạt và yếu tố gây cười vẫn chưa đủ.
Trong phim ảnh, đề tài điệp viên luôn có sự hấp dẫn nhất định đối với khán giả. Rất nhiều bộ phim điệp viên đã trở thành tượng đài điện ảnh như: sê-ri Điệp Viên 007, Nhiệm Vụ Bất Khả Thi… Bên cạnh đó, kiểu phim hài điệp viên như Johnny English, Điệp Viên 86, … cũng có những thành công nhất định, tạo nên nét thú vị, độc đáo riêng cho dòng phim này. Cùng lấy ý tưởng về điệp viên theo phong cách hài hước, nhưng Điệp Viên Ngoài Giờ lại thể hiện kém đặc sắc với phần nội dung mờ nhạt và yếu tố gây cười vẫn chưa đủ.
Phim xoay quanh câu chuyện về hai cô gái, một là điệp viên “tay mơ”, còn người kia là cảnh sát chuyên nghiệp nhưng luôn gặp rắc rối bởi cô nàng “tay mơ”, vì những lí do riêng mà họ trở thành điệp-viên-bất-đắc-dĩ. Từ đó, hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười xảy ra giữa hai nhân vật. Sau những khó khăn, họ đã biết chung tay giải quyết vấn đề cũng như xây dựng một tình bạn đẹp từ hai con người xa lạ.
Mô-típ điệp viên bất đắc dĩ đã không còn xa lạ với những phim hài điệp viên, nhưng lí do để nhân vật chính bắt buộc trở thành điệp viên vẫn chưa thật sự thuyết phục, đây có lẽ là lỗ hổng kịch bản ngay từ mở đầu phim. Vì vậy, ở phần triển khai nội dung về sau, cô nàng điệp viên “tay mơ” càng cho khán giả thấy sự vô lí trong những gì mình theo đuổi, nếu sống ở thời hiện đại, cô chắc chắn sẽ có những cách giải quyết tốt hơn để không bị lợi dụng và trở thành điệp viên theo cách không mong muốn. Nếu không kể đến phần logic thì câu chuyện tình bạn trong phim được xây dựng ở mức tạm được. Hai nhân vật nữ chính cuối cùng cũng trở thành tri kỉ của nhau, nhưng cái cách mà họ trở thành tri kỉ không đem lại cho người xem nhiều cảm xúc. Thông điệp “Bạn bè hoạn nạn có nhau” của phim là ổn, nhưng kịch bản cũng như diễn xuất của diễn viên đã không truyền tải hết được.
Ngoài những chi tiết kém hấp dẫn kể trên, Điệp Viên Ngoài Giờ còn có những phân đoạn dài dòng, có khi chẳng liên quan đến nội dung chính của phim, nếu không có những cảnh hài, chắc chắn khán giả sẽ “ngủ gật” khi nào không hay. Mặt khác, mặc dù cộp mác phim hài, phim vẫn chưa đủ duyên để làm cả rạp cười nghiêng ngả, một số còn mang hơi hướng gượng gạo. Nhìn chung, nếu so sánh mức độ hài hước với những phim hài điệp viên khác như Johnny English, Quý Bà Điệp Viên thì phim khá “hụt hơi”.
Về phần diễn viên, nữ chính là Gang Ye-Won đã thể hiện tròn vai một cô nàng hậu đậu, có phần “tưng tửng” nhưng đáng yêu, tốt bụng. Tuy nhiên, người bạn đồng hành của cô, Han Chae-Ah, ngoài việc lên phim để “đẹp khung hình” thì hoàn toàn không để lại ấn tượng vì lối diễn thiếu cảm xúc của mình.
Sẽ khá khập khiễng khi so sánh Điệp Viên Ngoài Giờ với những phim điệp viên hài trước đây. Phim vẫn còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản, bên cạnh đó là câu chuyện về điệp viên nhưng lại thiếu đi sự gây cấn, hấp dẫn. Có thể, một số tình huống hài vớt vát được đôi chút về nội dung, nhưng tổng thể thì đây vẫn là phim thuần giải trí chứ không phải một bộ phim ở mức hay-đáng xem.