Dune (1984) - Vết thương khó chữa lành của đạo diễn David Lynch
anan681 ·
Dune là nỗi thất bại David Lynch muốn xóa bỏ khỏi sự nghiệp của mình nhất, nhưng hãy suy xét một cách công tâm bộ phim năm 1984 ấy còn có những điều gì khác?
Sir Patrick Stewart lao vào chiến trận với trên tay là chú chó pug nhỏ và một khẩu súng đã trở thành chủ đề thảo luận của khán giả đối với những tác phẩm nghệ thuật vô lý, nhưng đó lại là một cảnh thực trong bộ phim chuyển thể Dune vào năm 1984 của đạo diễn David Lynch. Dựa trên cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Frank Herbert ra mắt năm 1965, những phân cảnh còn lại của Dune tiếp tục là những ý tưởng điên rồ trái ngược nhau nhưng vẫn đủ tuyệt vời để lại ấn tượng cho người xem sau gần bốn thập kỷ qua. Bỏ qua tất cả hoài nghi, bộ phim được cho là chạm đáy sự nghiệp của David Lynch vẫn đáng được thưởng thức, đặc biệt là khi chúng ta đang đợi chờ một Dune khác được kể lại bởi Denis Villeneuve. Bên dưới mức thất bại 40 triệu đô được báo cáo và sự can thiệp cắt xén từ phía studio, Dune vẫn là một tác phẩm thể hiện được tính sáng tạo của Lynch với sự đóng góp của gương mặt tài năng trẻ 24 tuổi Kyle MacLachlan và khâu hoàn thiện để đưa phim lên màn ảnh từ Herculean.
David Lynch có thể là đạo diễn đầu tiên đưa Dune lên phim, nhưng ông ấy không hẳn là người đầu tiên nung nấu thử sức mình với bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng này. Trước đó, đạo diễn Alejandro Jodorowsky đã từng thực hiện bộ phim Hail Mary để chuyển thể Dune thành một bộ phim với thời lượng hơn 10 giờ chiếu ở những năm 70, nhưng thời điểm đó không một studio nào đủ ngân sách để thỏa mãn những ý tưởng xa hoa của ông. Giữa thời kỳ của Jodorowsky và Lynch đã xuất hiện Star Wars, từ đó các nhà sản xuất nhận ra phải tìm kiếm bom tấn vũ trụ tiếp theo và đây là lúc Dune nắm bắt lấy cơ hội của mình. Các nhà sản xuất Dino và Raffaella De Laurentiis cuối cùng đã mời David Lynch làm đạo diễn sau bộ phim The Elephant Man nhận được 8 đề cử giải Oscar năm 1980.
Lynch đã tóm tắt gia phả các gia tộc quý tộc của Dune trong một đoạn mở đầu độc thoại do Virginia Madsen thể hiện trong vai công chúa Irulan. Qua đó, đoạn giới thiệu về Spice, một hợp chất vô cùng đặc biệt để có thể dễ dàng xuyên qua không gian lẫn thời gian nhanh chóng và thống trị vũ trụ một cách hiệu quả, chất này có thể thu hoạch từ hành tinh sa mạc Arrakis, còn được gọi là Dune. Trong cuộc đối đầu của trận chiến tranh giành quyền lực này bao gồm cư dân của Arrakis - người Fremen, gia tộc Harkonnen độc ác, nhà cầm quyền Corrino và gia tộc nắm quyền kiểm soát Atreides. Bên trong gia tộc Atreides, hoàng tử trẻ Paul, người được cho là gắn với sứ mệnh giải phóng người Fremen và khôi phục lại sự hòa bình, nhưng bản thân anh ấy vẫn chưa chắc chắn được vận mệnh cao cả của mình.
Tạm gác sang một bên những điểm chưa hoàn thiện, Dune của Lynch vẫn mang nhiều điểm đáng khen ngợi. Trong đó có thể kể đến màn trình diễn đầu tay tuyệt vời của MacLachlan trong vai người hùng Paul của Atreides. Trong Dune, MacLachlan đã chứng tỏ được năng lực diễn xuất của mình, truyền tải một cách thuyết phục các cung bậc cảm xúc từ việc áp lực khi mang vác một sứ mệnh lớn lao, băn khoăn về số phận cuộc đời, tình yêu dành cho gia đình và sau cùng là lòng trung thành đối với người dân Fremen. Nhằm xóa tan sự hoang mang từ phía khán giả, MacLachlan là một móc xích kết nối tuyệt vời của Dune, sau đó anh ấy còn gây được nhiều tiếng vang với sự thành công trong các bộ phim khác của Lynch như Blue Velvet, Twin Peaks. Các khán giả hâm mộ Lynch cũng đã rất thích thú với sự góp mặt của dàn cameo vô cùng xịn trong phim như Jack Nance (vai Henry Spencer trong Eraserhead), Freddie Jones (vai Bytes trong The Elephant Man), Dean Stockwell (vai Ben trong Blue Velvet), Everett McGill (vai Ed Hurley trong Twin Peaks) và cuối cùng là Alicia Witt (vai Gersten Hayward trong Twin Peaks), tất cả đều xuất hiện với vai trò người làm ra chất Spice ở Arrakis.
Ngay cả khi bạn không phải là một fan của David Lynch thì Dune vẫn là một tác phẩm khoa học viễn tưởng hấp dẫn đáng được xem xét. Phần nhạc nền “Prophecy Theme” của Brian Eno đã giúp cho phần độc thoại mở đầu Dune thêm phần kịch tính và dễ dàng gây ấn tượng sâu sắc với khán giả đang theo dõi hơn. Những hiệu ứng đặc biệt cũng được sắp đặt chỉn chu, như vụ đánh bom Atreides của do Harkonnens gây ra, làm rực sáng bầu trời đêm của cả hành tinh và trí tưởng tượng của khán giả. Bên cạnh đó, các hiệu ứng thực tế và sinh vật ở Dune cũng đem lại không ít ấn tượng cho người xem so với thời điểm ra mắt của nó, bao gồm cả người máy Guild Navigator ngộ nghĩnh. Và như đã đề cập, nhân vật Gurney Halleck của Stewart là một đồng minh quyến rũ và đáng tin của cả Paul và chú chó pug hoàng gia.
Về mặt thẩm mỹ, thiết kế và những hình ảnh bối cảnh của Dune là một điều đáng kinh ngạc. Nội thất sang trọng phối cùng phong cách âm nhạc baroque của các dinh thự hoàng gia ở xứ Atreides vô cùng tinh xảo và bắt mắt không kém thiết kế của các bộ phim đình đám sau này như The Lord of the Rings. Các đoạn mô tả sự tỉnh giấc từ những giấc mơ của người hùng Paul cũng hấp dẫn không kém và đôi khi nó giống như những đoạn phim ngắn thử nghiệm của Lynch. Thật vậy, trong suốt Dune cụm từ “the sleeper awakens” được lặp lại rất nhiều lần, điều này như một tín hiệu cho những bộ phim tiếp theo của ông ấy, nơi là những nỗ lực dùng để tái tạo logic cho những giấc mơ.
Bên cạnh đó, những thất bại của Dune thể hiện rõ nhất ở việc Lynch không được can thiệp quá nhiều vào bản phim hoàn chỉnh cuối cùng, ông đã phải cắt giảm thời lượng bộ phim từ 3 tiếng xuống còn tầm 2 tiếng để có thể làm hài lòng Universal và các nhà sản xuất. Chính vì thế, những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật hoặc bộc lộ một cách thái quá hoặc bị lược bỏ khá nhiều, đã không mang đến hiệu quả như mong muốn. Điểm đáng chú ý là những phân đoạn có đóng góp nhất lại được tua qua chóng vánh và cắt gọn khá nhiều như việc Paul phải lòng chiến binh của Fremen là Chani (Sean Young), em gái của Paul là Alia (Alicia Witt) được sinh ra với quyền năng sẵn có, Fremen ngừng sản xuất Spice và cuối cùng là sự việc Paul trở thành bàn tay của Đấng Tối Cao. Đồng thời, ngân sách hạn hẹp của bộ phim cũng để lại vô vàn nuối tiếc cho người xem, những chiếc phi thuyền 2D không đủ thuyết phục thị giác người xem, lớp bảo vệ và những lá chắn chiến đấu trông không thể nào đáng chán hơn và cuộc tấn công của một bộ phim hạng B vào con sâu cát cũng không thể níu kéo được sự thú vị đến cho người xem.
Bất chấp những quy tắc mẫu mực chung, không thể phủ nhận dấu ấn của Lynch vẫn còn đọng lại trong Dune thông qua chuỗi những giấc mơ đáng kinh ngạc, những hình ảnh đan xen làm xáo trộn cảm giác của chúng ta về thời gian và thực tế và những giây phút chớp nhoáng biểu hiện sự siêu thực. Tương tự đó, Dune cũng để lại cho David Lynch những bài học về sáng tạo lẫn sự kiên định trong sự nghiệp làm phim. Song song đó, thêm việc yêu cầu cắt lược bỏ lần cuối với sản phẩm tiếp theo vào năm 1986 là Blue Velvet, đến những tranh chấp ngân sách năm 2015 khiến ông phải rời khỏi Twin Peaks: The Return, đã khiến David Lynch nhận thức sâu sắc hơn vai trò của một đạo diễn thật thụ trong chính các bộ phim của mình, như cách ông đã từng lên tiếng “Đừng làm phim nếu như đó không phải là một bộ phim bạn muốn làm. Đó là một trò đùa bệnh hoạn và nó sẽ giết chết bạn” (tạm dịch).
Hiện tại, chúng ta chỉ hy vọng Villeneuve đã nhìn ra được những bài học từ David Lynch để có thể đem đến những thứ tốt nhất cho bản chuyển thể Dune (2021) (quy tụ dàn diễn viên thực lực không kém như Oscar Isaac, Rebecca Ferguson, Timothee Chalamet, Zendaya...) sắp tới của anh. Đoạn giới thiệu hoành tráng của nó chắc chắn là một sự hứa hẹn đáng kỳ vọng cho những khán giả yêu thích điện ảnh. Nhưng sau tất cả, bỏ qua những sự phủ nhận tiêu cực từ chính David Lynch và sự thiếu sót đến từ việc can thiệp của studio, hành trình của ông đến với Dune năm 1984 vẫn là một tác phẩm điện ảnh siêu thực tuyệt đẹp mà Lynch nên tự hào.
Nguồn: Vulture