Dune - Một trong những cuốn tiểu thuyết sci-fi vĩ đại nhất mọi thời đại!
Ivy_Trat ·
Không có Dune, sẽ chẳng có Star Wars nào cả.
Nó đã xuất bản được hàng triệu bản trên toàn cầu, được xem là tiểu thuyết vĩ đại nhất lịch sử dòng khoa học viễn tưởng, Star Wars đã có thể không tồn tại nếu không có nó, đó là tiểu thuyết Dune (Xứ Cát) của Frank Herbert.
Vào năm 1959, nếu bạn đang đi dọc các cồn cát gần Florence, Oregon, Mỹ, bạn hẳn sẽ bắt gặp một người đàn ông hướng ngoại, có râu sậm cũng đang đi dọc các cồn cát trong đồ như được mua tại các cửa hàng chuyên bán đồ quân sự. Người đó chính là Frank Herbert, lúc này đang là cây bút tự do với một mối rung cảm đặc biệt cho môi trường. Ông đang làm bài nghiên cứu về chương trình nông nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép sử dụng một giống cỏ bãi biển châu Âu để ổn định cát ở đây. Chúng thường được những cơn gió đến từ Đại Tây Dương thổi đến phía Đông của khu vực, chôn vùi mọi thứ trên đường đi. Herbert đã thuê một chuyên cơ hạng nhẹ để kiểm tra khu vực nghiên cứu từ trên cao. Ông viết: “Các làn sóng (cát) này có sức mạnh hủy diệt tựa như sóng thần…thậm chí có thể gây tử vong”. Trên hết, Herbert đặc biệt thích thú với ý tưởng có thể cải tạo các cồn cát thành khu vực tươi xanh đầy sức sống.
Sắp sửa 40, Herbert đã là sống bằng con chữ từ năm 19 tuổi và kho tàng văn chương, báo chí của ông có lên cũng có xuống. Lớn lên trong một khu nghèo khó ở thị trấn sát biển gần Tacoma, Washington, ông có cơ hợi vừa học vừa cộng tác với các tờ báo khu vực và nuông chiều sở thích câu cá, sửa thuyền của mình, bên cạnh việc bán những truyện ngắn cho các tờ tạp chí. Herbert từng đi lính. May mắn thay, ông chỉ phụng sự một cuộc chiến không mấy khốc liệt, gồm 8 tháng dưới tư cách là nhiếp ảnh gia của Hải Quân rồi được xuất ngũ với lý do y tế.
Sau đó, ông được tuyển mộ cho công việc viết bài phát biểu cho một Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa – nó đã giúp ông hình thành một mối quan hệ kỳ lạ với Washington, nơi miền đông duy nhất ông từng sống. Tại Washington, Herbert có cơ hội dự phiên điều của McCarthy (sự kiện đánh dấu cuộc đối đầu giữa quân đội Hoa Kỳ và Thượn nghị sĩ McCarthy), chứng kiến người bà con xa Nghị sĩ Joseph McCarthy nói về chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói, Herbert là là sản phẩm của văn hóa cấp tiến của bờ Tây Hoa Kỳ, tự chủ và nghi ngờ chính quyền, với chủ nghĩa tương lai và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm những cái mới. Ông lúc này cũng đang rỗng túi cùng cực. Chính trong giai đoạn này đây, Herbert bắt tay vào viết Dune, trong khi vợ ông Beverly Ann tạm gác sự nghiệp viết lách của bà để nhận công việc quảng cáo ổn định cho cửa hàng bách hóa nhằm ủng hộ chồng.
Không lâu sau đó, các nghiên cứu của Herbert từ các cồn cát nhỏ chuyển sang các hoang mạc và đời sống trong đó. Nó nhanh chóng nổi lên và lấn áp bài báo về những người hùng của viện nông nghiệp Mỹ (tựa đề: Họ ngăn được dòng cát chảy) để trở thành hai cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gồm các mẫu truyện nhỏ hoặc các sự thật khoa học. Không thấy thỏa mãn, Herbert cần mẫn chỉnh sửa lại 2 câu chuyện thành một bản sử thi sci-fi duy nhất, Dune (Xứ Cát). Nhưng với tiếng tăm của các mẫu truyện ngắn trước đó, cuốn sách dày 400 trang trong định dạng bìa cứng và và 900 trang trong định dạng thường bị 20 nhà xuất bản từ chối. Lý do: nó sẽ không bao giờ được mến mộ bằng phiên bản truyện ngắn. Cho đến khi Dune gõ cửa tạp chí Chilton chuyên về sở thích và thương mại như Motor Age hay Jewelers’ Circular đóng quân ở Philadelphia.
Dune giành được 2 giải thưởng danh giá nhất của dòng tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là Nebula và Hugo sau khi ra mắt, nhưng thành công này không phải một sớm, một chiều mà là cả một quá trình gầy dựng. Dune tập hợp người hâm mộ suốt những năm 60, 70, lưu truyền trong cộng đồng, phòng thí nghiệm, và các studio có bất kỳ ai bị thu hút bởi ý tưởng của nó. Cho đến 50 năm sau, Dune được xem là cuốn tiểu thuyết sci-fi vĩ đại nhất từng được viết và bán được hàng triệu bản khắp thế giới.
Dune lấy bối cảnh ở thế giới tương lai, nơi mà các gia tộc quý tộc đứng dưới trướng của một hoàng đế vũ trụ. Là một phần của nền chính trị này, gia tộc Atreides “được lệnh” phải rời xa quê nhà trù phú của họ để đến hành tinh Arrakis, hay còn được gọi là Dune – Xứ Cát – một nơi mà khí hậu khắc nghiệt đến nỗi cư dân nơi đây phải mặc những bộ đồ đặc biệt giữ và tái chế hơi ẩm của cơ thể để sinh tồn vì nước ở đây vô cùng hiếm.
Kẻ thù của nhà Atreides là gia tộc Harkonnen, những kẻ man rợ chuyên tra tấn người như một thú vui. Kẻ đứng đầu Harkonnen là Bá tước Vladimir béo phì đến độ phải sử dụng thiết bị không trọng lực để di chuyển. Harkonnen đánh chiếm Dune vì nơi đây tồn tại một tài nguyên vô giá, bất chấp sự cằn cỗi và hoang tàn: chất Spice – hợp chất được sử dụng để tăng cường nhận thức nhận thức xuyên không gian và thời gian trong việc lái các phi thuyền xuyên vũ trụ. Không có Spice, hệ thống vận chuyển và liên lạc của đế chế sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, Spice là chất dễ gây nghiện, khi dùng nhiều sẽ biến mắt của người dùng thành một màu xanh biếc. Việc khai thác nó cũng nguy hiểm không kém. Bên cạnh hiểm họa từ những cơn bão cát và các cuộc tấn công của dân du mục, quá trình lấy Spice thường đánh động loài sâu xa mạc khổng lồ dài đến hàng trăm mét tại nơi đây.
Bọn Harkonne không từ bỏ Dune vì bất cứ thứ gì. Sau một cuộc tắm máu, Paul, người thừa kế trẻ tuổi của nhà Atreides bắt đầu lang bạt tìm kiếm định mệnh của mình. Sánh vai chàng là một đồng minh vô cùng hiếm gặp trong thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng – mẹ của chàng, lệnh bà Jessica (vì bạn biết đấy, cha mẹ là nạn nhân đầu tiên khi hậu duệ của họ bắt đầu trở thành anh hùng của câu chuyện). Paul đã sớm chứng tỏ bản thân có khả năng tiềm thức vượt bậc. Thần dân nghi ngờ Paul là hiện thân của đấng cứu thế được tiên đoán từ thời đại xa xưa. Lệnh bà Jessica, một trong những nhân vật nữ hùng mạnh của đế chế vốn dựa trên chế độ phụ hệ, là thành viên của một giáo phái toàn nữ mang tên Bene Gesserit. Dune mô tả hội giáo chị em này sở hữu những tính chất bí ẩn và có khả năng tương tự như ngoại cảm và từ lâu đã tham gia vào chương trình ưu sinh. Paul có thể là kết quả của nó.
Có thể thấy, cốt truyện của Dune phần nào lấy cảm hứng từ Mars của nhà văn Edgar Rice Burroughs và loạt sách Foundation của cây bút Isaac Asimov, một chút vay mượn từ các câu chuyên của Elmer Edward “Doc” Smith – người đã sáng tạo các vở nhạc kịch opera chuyên đề không gian Lensman trong những năm 40 và 50. Các vở kịch này cũng xoay quanh một anh hùng được sinh ra từ các chương trình ưu sinh. Đối với Smith, khả năng siêu tiềm thức chỉ là công cụ để nhân vật cứu tinh da trắng lật đổ các thể chế, diệt trừ người ngoài hành tinh và các chủng loài được xem là thấp hơn. Herbert thì ngược lại. Ông không phải là người tin tưởng vào chính quyền. Herbert từng đọc tác phẩm của Jung – người khai sinh khái niệm phân tích tâm lý, và từng sử dụng peyote (một loài xương rồng mang hợp chất kích thích não bộ được dùng trong một số nghi thức tôn giáo).
Vào năm 1960, ông được một người bạn giới thiệu ông với Alan Watts, người theo đuổi lý thuyết Zen đang sống ở Sausalito. Các cuộc nói chuyện dài giữa cả hai, thường xoáy vào chủ đề Zen và các phản văn hóa ở bờ Tây, đã giúp Herbert đưa chủ đề khám phá sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể xác thịt, sự tạm thời và hữu hạn của danh tính cá nhân vào câu chuyện phiêu lưu của mình.
Mỗi một câu chuyện giả tưởng đều phản ánh nơi và thời đại khai sinh ra chúng. Nếu The Lord of the Rings là bức tranh về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát-xít và dư chấn của Thế Chiến II, Game of Thrones là giọng điệu vô cùng gay gắt mỉa mai sâu cay hệ thống chính trị đặt lợi ích lên đầu thay cho đạo đức và và là câu chuyện cổ tích về chủ nghĩa tân tự do, thì Dune là câu chuyện viễn tưởng phản ánh thời đại của Aquarius – Age of Aquarius (một thuật ngữ chiêm tinh chỉ thời đại của sự hòa hợp).
Dune quan tâm đến những vấn đề mang tính chính yếu như gánh nặng môi trường, khả năng tiềm ẩn của con người, những giai đoạn của ý thức và các cuộc cách mạng của những đất nước đang phát triển chống lại chủ nghĩa đế quốc. Tất cả được hòa trộn với nhau một cách tuyệt vời trong cuốn sách mang tính quyết định trong việc khắc họa mối biến chuyển của bản thân và thế giới.
Những cuốn sách được đọc vào thời đại khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau. Dune được đọc trong năm nay không còn mang ý nghĩa địa chính trị vào năm 1965 nữa, thời điểm trước cả cuộc khủng hoảng dầu mỏ và sự kiện 11/9. Trong sách, Paul Atreides phần nào giống với loài cỏ bãi biển châu Âu mà Herbert đã quan sát ở các cồn cát Oregon vậy, là hiện thân của một giấc mơ thực dân hóa, nhưng sau đó lại trở thành hình tượng cứu thế của dân bản địa.
Nhưng các tinh túy Herbert còn dành cho bộ lạc Fremen – một cái tên gửi gắm cả suy nghĩ của tác giả. Văn hóa Fremen được mô tả bằng những từ ngữ được lồng ghép từ tiếng Ả Rập một cách phóng khoáng. Họ đi đột kích "razzia", mặc áo choàng "aba" và "bourka", sợ hãi một con quỷ tên là "Shaitan",…. Họ cứng rắn, kiêu hãnh và tương đối bình đẳng. Sự khắc nghiệt của môi trường đã tạo cho họ một đạo đức về sự tương giao và hỗ trợ lẫn nhau. Họ là chủng tộc hoàn toàn đáng ngưỡng mộ, không sở hữu một trong những đặc điểm tiêu cực "phương Đông" - quanh co, lười biếng và những thứ tương tự. Tuy nhiên, Herbert tự do trộn các yếu tố của Zen vào hệ thống niềm tin của họ, gợi ý rằng việc họ “chờ đợi” Paul (theo lời tiên tri về Đấng cứu thế) có thể đã được gieo mầm hàng thiên niên kỷ trước theo lệnh của giáo phái Bene Gesserit như một phần của kế hoạch ưu sinh của nó. Herbert, người sáng tạo nhân vật nữ luôn mạnh mẽ và năng động, cũng đã bỏ qua sự phân chia giới tính nghiêm ngặt của nền văn hóa Ả-rập thực sự đang tồn tại. Vì vậy, phụ nữ Fremen chia sẻ việc chiến đấu bên cạnh cánh đàn ông của bộ lạc, mặc dù vẫn phải đảm đương việc sinh con và việc nhà khi đàn ông đi chăn giun.
Dune dễ chịu, hoặc dễ thẩm thấu hơn nếu bạn đã đọc nó, hơn Game of Thrones nhờ vào sự chân thành của Herbert trong việc tạo nên các Fremen. Họ là trung tâm đạo đức của Dune chứ không phải một đám đông ngu ngốc cần được “văn minh hóa”. Paul không biến họ thành hình tượng của bản thân mà trở thành một phần trong nền văn hóa của họ và anh ta trở thành nhà tiên tri Muad’Dib. Nếu Paul dẫn dắt họ như cách Lawrence đã làm trong Lawrence of Arabia, anh ta cũng là Mahdi.
Khi định mệnh của Paul dần đến gần hơn, anh ta bắt đầu thấy những viễn tưởng về một quân đoàn cuồng tín tràn qua mọi ngóc ngách của ngân hà dưới lá cờ xanh và đen của nhà Atreides, cướp bóc và tàn phá mọi thứ trên danh nghĩa của Muad’Dib. Nếu Paul chấp nhận tương lai này, anh ta sẽ là người giải phóng thanh gươm đẫm máu của Thánh chiến. Một mặt, nó lật đổ triều đại áp bức của hoàng đế Shaddam VI tàn bạo, nhưng mặc khác, nó sẽ lấy mạng của hàng tỷ người. Hiện tại, câu chuyện về một nhà tiên tri da trắng dẫn dắt một binh đoàn Thánh chiến mắt xanh, da nâu chống lại phản diện mang tên Shaddam làm nhiều người cảm giác hiện thực của chúng ta đang trải qua hiệu ứng gương, như thể có ai đó đã nhảy vọt lên từ lịch sử và sắp xếp các mảnh vỡ của nó theo một trật tự khác.
Một cuốn sách như Dune là thứ mà điện ảnh không thể bỏ qua, nên một bản chuyển thể đã được chuẩn bị. Nỗ lực đầu tiên là của nhà làm phim người Chi-lê Alejandro Jodorowsky nổi tiếng với những ý nghĩ sáng tạo trước thời đại. Nhưng cái tên của ông lại trở thành một lời nuối tiếc “Nếu như…” được lưu truyền trong giới làm phim khi nhắc đến Dune. Jodorowsky đã chuẩn bị hết cả: nhờ chuyên giả hình ảnh hàng đầu lúc bấy giờ là Moebius và HR Giger, Chris Foss thiết kế phi thuyền và minh họa hình ảnh, Orson Welles sẽ vào vai Bá tước Vladimir, Salvador Dali là hoàng đế Shaddam, Pink Floyd lo phần soundtrack. Nhưng viễn tưởng mà nhà làm phim Chi-lê dành cho Dune chỉ mãi nằm ở giai đoạn thai nghén. Lý do: Hollywood không muốn mạo hiểm.
Phải sau một thời gian nền điện ảnh này bị chảy máu chất xám trầm trọng, các studio mới cuốn cuồng nâng đỡ David Lynch và ý tưởng Dune (1984) của ông. Nhưng rồi Universal lại chọn tung ra thị trường bản phiên bản cắt gọt tồi tệ đến mức Lynch quyết định gạch tên ông khỏi phần credit như một động thái thể hiện bực tức và thất vọng. Thật ra, các nhà phê bình nhận xét Dune 1984 không đến nỗi tệ như vậy, chỉ là nó không thể bì được với viễn cảnh mà Jodorowsky đã vạch ra trước đó.
Trên thực tế, một bộ phim Dune đã được làm và nó tên là Star Wars. Trong các bản thảo đầu tiên của Star Wars, câu chuyện của hành tinh xa mạc, hoàng đế độc tài và một cậu bé được định sẵn có vận mệnh sẽ cứu cả ngân hà cũng bao gồm luôn cả các nhà quý tộc chống lại nhau và một nàng công chúa canh giữ một kiện hàng chứa hợp chất gọi là “aura spice”. Đây là những chi tiết vay mượn từ Dune và nhiều hơn nữa rải rác khắp vũ trụ Star Wars, từ ý tưởng làm nên Thần lực xuất phát từ khả năng của giáo phái Bene Gesserit cho đến chi tiết khai thác hơi ẩm trên hành tinh Tattoonine. Herbert biết chuyện gì đã xảy ra, đứa con tinh thần của ông và nhiều ý tưởng của các nhà văn sci-fi khác đang bôi trơn cho cỗ máy kiếm tiền của Lucas Film. Ông và các đồng nghiệp còn lập nên “Hiệp hội quá cao thượng để kiện George Lucas” (tạm dịch) như một trò đùa.
Dù sao thì những năm sau này, Herbert vẫn tận hưởng một cuộc sống đầy niềm vui, nhưng ông, người từng mơ về việc phủ xanh sa mạc, có nhiều cảm xúc hỗn độn về tương lai. Trong Dune, ông thể hiện nó qua góc nhìn của Paul. Paul biết rằng nếu một ngày hành tinh cát này được phủ xanh bởi hoa màu, nó sẽ di trì sự sống của một dân số khổng lồ hơn, nhưng nó cũng làm xói mòn đạo đức cá nhân. Bản thân anh ta cũng sẽ biến hóa một lần nữa, mất đi cá tính của bản thân và trở thành truyền thuyết. Nhưng có lẽ Herbert cũng tự khích lệ bản thân rằng lịch sử không mang tính trắc viễn và các kế hoạch dài hạn không mang tính chất của định mệnh.
Nguồn: The Guardian