Fan Cuồng - Chết yểu là dễ hiểu!
Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·
Tôi không hề giật tít câu view. Mà thực sự là, dù có nhiều ưu điểm thì Fan Cuồng vẫn còn nhiều nhược điểm trí mạng khiến bộ phim “tự vấp chân” mà ngã ngựa trong cuộc chiến doanh thu.
Tôi không hề giật tít câu view. Mà thực sự là, dù có nhiều ưu điểm thì Fan Cuồng vẫn còn nhiều nhược điểm trí mạng khiến bộ phim “tự vấp chân” mà ngã ngựa trong cuộc chiến doanh thu.
Tôi sẽ cho Fan Cuồng 6 điểm. Và trong bài viết nay tôi sẽ viết về 6 điểm cộng và 4 điểm trừ của bộ phim này.
Điểm cộng 1: Dựng phim chi tiết, chuẩn đến từng cen-ti-met
Bộ phim đầu tiên mà Chánh Phương Phim sản xuất ở Việt Nam là Dòng máu anh hùng. Điểm nổi bật của nó là những cảnh võ thuật “chất lừ” cùng với sự chỉn chun trong dựng phim, phối cảnh.
Để có được cảnh chiến đấu ở ga xe lửa, nhà làm phim đã phải bỏ rất nhiều tiền phục dựng lại ga xe lửa thời Pháp thuộc . Họ thậm chí còn thuê cả đầu tàu hơi nước duy nhất còn sót lại ở Việt Nam và cho xe chạy để quay phim.
Tiếp nối tác phong đó, Fan Cuồng vẫn thể hiện sự tỉ mỉ trong từng khung hình. Quang cảnh Sài Gòn năm 1996 được dựng lại đẹp đến mức khiến người xem thích thú. Đây cũng là điểm cộng lớn khiến bộ phim tuy chưa “xuất sắc” nhưng vẫn đáng được gọi là “tốt”.
Điểm cộng 2: Cốt truyện tốt
Với tôi, thì một cốt truyện tốt phải có đủ hai phần: Kịch tính và Thông điệp. Điểm qua một vài ví dụ tích cực của phim Việt, chúng ta có Bao Giờ Có Yêu Nhau do Dustin Nguyễn sản xuất gần đây có một thông điệp đẹp về tình yêu nhưng kịch tính “chưa tới”, hay Hoa Vàng Cỏ Xanh với cốt truyện nhẹ nhàng và ăn điểm ở phần phục dựng. Bộ phim có cốt truyện tốt nhất có lẽ là Em Là Bà Nội Của Anh, và bộ phim có cốt truyện có thể “đọ sức” cùng nó chính là Fan Cuồng.
Cốt truyện phim kể về hành trình của Thái (Thái Hòa) nhằm ngăn cản Gia Nghị (Johnny Trí Nguyễn) yêu Mĩ Kì (Phương Trinh Jolie) mà bỏ bê ban nhạc, làm cho cả nền Rock Việt tan hoang. Sở dĩ cốt truyện của phim hay, là vì nó nói lên 1 yếu tố rất Việt Nam: Mỗi cá nhân quá ỷ lại vào “cánh chim đầu đàn” mà quên đi mất trách nhiệm của mình, để rồi khi thất bại thì qui hết tội cho người đi đầu. Kẻ thù lớn nhất của Thái trong hành trình thay đổi lịch sử Rock Việt không phải là tình yêu giữa Nghị và Kì, mà chính là thái độ mù quáng của những người trong cuộc.
Bạn hãy xem và chiêm nghiệm những tình tiết bước ngoặt, để thấy rằng biên kịch đã khéo léo đến mức nào (dĩ nhiên là so trên mặt bằng chung của biên kịch Việt Nam).
Điểm cộng 3: Diễn xuất của mọi người ngoại trừ Johnny Trí Nguyễn
Nếu trong Tèo Em, Thái Hòa vẫn còn là một mẫu nhân vật nhắng nhít kiểu Chị Hội (Để Mai Tính 1,2), thì trong Fan Cuồng, anh đã hoàn toàn lột xác với một nhân vật mới là Thái, với tính cách khác, diễn xuất khác. Phương Trinh Jolie thì đóng vai Nàng Thơ quá chuẩn. Bạn có thể thấy những đoạn thoại giữa Mĩ Kì với Nghị, Thái có chút gì đó phi lý. Nhưng nếu bạn tiếp xúc nhiều với những người yêu sáng tạo, có tâm hồn rộng mở, thì bạn sẽ biết rằng cảm giác lâng lâng bay bổng trong từng khung hình mà Phương Trinh Jolie tạo ra là có thật.
Huy Khánh diễn tốt hơn các phim truyền hình, phim chiếu rạp trước đây. Có lẽ vì vai diễn của anh là một ông bầu nhạc rock nghiện rượu nên sự thoải mái giúp anh bớt đơ hơn.
Điểm cộng 4: Bối cảnh văn hóa độc đáo
Cũng giống như Hoa Vàng Cỏ Xanh, bộ phim khai thác mọi nét đẹp văn hóa Việt cả xưa lẫn nay và đưa vào trong từng khung hình, từng tình tiết. Nhất là những ca khúc rock viết bằng tiếng Việt trong phim như gợi lại hồi ức về một thời đại mà cá tính và sự độc đáo thực sự được tôn vinh đúng mực.
Và hơn thế nữa, âm nhạc và nghệ thuật trong phim là một thứ có chất riêng, đáng để tôn trọng!
Bạn có bao giờ thấy mệt mỏi vì hàng chục đài truyền hình chỉ biết phát những ca khúc cũ xưa mà không dám khai thác những khuôn mặt mới hay không? Bạn có mệt mỏi vì hàng trăm chương trình thi hát, dạy người ta phải hát cho thế nào mới “giống ngôi sao”, mới “vừa ý giám khảo” hay không? Bạn có bao giờ thấy thất vọng về đám trẻ khi chúng tung hô một bản sao của ca sĩ Hàn Quốc suốt ngày vận trang phục lố bịch hay không?
Bạn sẽ không phải cảm thấy thế khi xem Fan Cuồng! Nhạc rock của họ có thể không hay bằng, hay không chất bằng những nhóm nhạc mà bạn biết, nhưng nó là thứ nhạc riêng, và có hồn riêng!
Điểm cộng 5: Lòng can đảm
Dám khai thác đề tài nhạc Rock.
Dám làm mới chính mình.
Dám chấp nhận thất bại doanh thu dù đã biết trước.
Sự can đảm trong nghệ thuật và kinh doanh của họ, mới là thứ đem lại hi vọng cho nền điện ảnh còn nhiều hạn chế của chúng ta.
Điểm cộng 6: Bộ phim chạm đến trái tim tôi, 1 khán giả trong mấy triệu khán giả Việt!
Và giờ là 4 điểm TRỪ khiến bộ phim chỉ có 6/10:
Điểm trừ 1: Johnny Trí Nguyễn
Anh ấy diễn bằng cái giọng lè nhè của mấy ông trong xóm tôi khi họ nhậu say và cãi nhau. Anh ấy làm tuột hết cảm xúc. Diễn xuất của anh ấy chán, mà lại là vai chính nên mức độ thảm hại của anh ấy tăng lên rất nhiều lần.
Điểm trừ 2: Johnny Trí Nguyễn
Việc cho Johnny Trí Nguyễn đóng vai chính đã làm giảm mất giá trị của “Lòng Can Đảm” mà tôi nêu trên.
Rõ ràng là các nhà sản xuất không dám “chơi khô máu” trong canh bạc mang tên Fan Cuồng. Họ vẫn cần một sự đảm bảo. Tiếc thay, lần này sự đảm bảo đó lại phá nát bộ phim. Giống y hệt cái bình chữa lửa đặt trong xe hơi phát nổ vậy!!!
Điểm trừ 3: Kịch bản tốt nhưng chưa “tới”
Mọi thứ diễn ra và kết thúc quá dễ dàng. Nếu có thể đẩy cao trào ở đoạn cuối lên thêm, khiến cho lựa chọn của Thái khó khăn hơn và mang tính hi sinh hơn thì đã chuẩn hơn rất nhiều.
Điểm trừ 4: Johnny Trí Nguyễn
Dark Knigh (2008) của Christopher Nolan là một bộ phim gần như là hoàn hảo nếu không có cái giọng khào khào ung thư của Batbale và mấy màn võ công lởm khởm của anh ta .
Fan Cuồng của Chánh Phương Film là một bộ phim gần “xuất sắc” nếu không có giọng lè nhè và diễn xuất đơ của Johnny Trí Nguyễn.
Tuy Fan Cuồng sẽ chết yểu về mặt doanh thu vì nhiều lý do. Nhưng tôi tin là ấn phẩm tiếp theo của Chánh Phương Film sẽ hoàn hảo hơn. Bởi vì thấp thoáng trong Fan Cuồng, tôi đã thấy tinh thần không khuất phục của những người yêu Rock, yêu nghệ thuật!