Fan cuồng Star Wars – Thành phần "khủng bố" nhất thế giới điện ảnh
Tin điện ảnh · Moveek ·
Càng ngày càng khó tính, bộ phận fan cuồng của Star Wars đang trở nên khắc nghiệt nhất trong giới điện ảnh? Kéo theo đó là áp lực mà các diễn viên lẫn phía nhà sản xuất đang phải đối mặt.
Càng ngày càng khó tính, bộ phận fan cuồng của Star Wars đang trở nên khắc nghiệt nhất trong giới điện ảnh? Kéo theo đó là áp lực mà các diễn viên lẫn phía nhà sản xuất đang phải đối mặt.
Lưu ý: bài viết chỉ đề cập đến những thành phần làm rầu nồi canh, không có ý chỉ trích cả một cộng đồng.
Ngày nay, ngoài việc đến rạp thưởng thức một bộ phim mà bản thân ưng ý, khán giả còn có thể tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội để trao đổi với những người cùng chí hướng về đề tài mà họ tâm đắc. Nếu ngày xưa, người hâm mộ chỉ âm thầm sưu tầm những món đồ chơi, poster về bộ phim yêu thích và cực kỳ phấn khích khi phát hiện người bạn cùng lớp hay người đồng nghiệp cùng thích điều đó thì bây giờ, họ có thể dễ dàng tìm được đồng môn thông qua vài thao tác tìm kiếm trên Google và các trang mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, “chín người mười ý”, đến một lúc nào đó những người hâm mộ bên này chuyển dần sang so đo, tị nạnh với bên khác và thậm chí là mâu thuẫn trong nội bộ. Với một cộng đồng điện ảnh có chiều dài lịch sử như Star Wars hoặc đang gặt hái những thành tích đáng kể như Vũ trụ điện ảnh Marvel và cộng đồng có niềm tự hào to lớn như Vũ trụ DC mở rộng, những khán giả của các thương hiệu này vốn phát triển lớn mạnh, nay cộng thêm sự bùng nổ của thời đại công nghệ thông tin mà càng trở nên gay gắt hơn. Chinh chiến với các bên khác là chuyện xưa rồi, các fan cuồng ngày nay còn thẳng thắng công kích các diễn viên và phía sản xuất khiến họ phải lao đao. Các nhà làm phim càng chiều lòng khán giả thì càng lúc họ càng trở nên quá quắt.
Nổi bật nhất là những người hâm mộ bảo thủ trong cộng đồng fan Star Wars. Ra mắt cách đây hơn 40 năm, loạt phim khoa học viễn tưởng với những cuộc chiến, những phi thuyền bắn nhau ngoài không gian dần trở thành tượng đài, văn hoá đại chúng trong lòng người Mỹ. Chính vì thế, lượng khán giả của thương hiệu này khá là đông đảo, đặc biệt là với sự ra mắt dàn trải của 3 triology chính, 3 trilogy tiền truyện và 3 trilogy hậu truyện, các bậc phụ huynh có thể chia sẻ niềm đam mê này với con em. Khác với 3 trilogy gốc luôn nhận được đánh giá cao từ giới phê bình lẫn khán giả (số điểm dao động từ 80-97% trên 2 hạng mục của Rotten Tomatoes), 3 triology tiền truyện hoặc 2 phim vừa qua trong trilogy hậu truyện hoặc là bị giới phê bình đánh giá thấp, hoặc là bị khán giả ghét bỏ.
Bỏ qua yếu tố từ giới phê bình, miễn phim vẫn dành được tình yêu của khán giả thì phần doanh thu chẳng có gì phải quan ngại. Xét 2 bộ phim Star Wars gần đây như The Force Awakens, The Last Jedi và 2 bộ phim ngoại truyện là Rogue One, Solo, phản ứng của người hâm mộ khá rõ rệt. Khác với sự trở lại ngoạn mục với doanh thu hơn $2 tỉ của The Force Awakens, The Last Jedi kém hơn tới tận gần $1 tỉ và con số yêu thích trên Rotten Tomatoes chỉ vỏn vẹn 46%, đi ngược lại với số điểm 91% từ giới phê bình. Và phim riêng của 1 trong các nhân vật được yêu thích nhất từ phần phim gốc là Han Solo thì có doanh thu thê thảm, cụ thể là sau 1 tháng công chiếu, Solo: A Star Wars Story vẫn chưa vượt mốc $350 triệu.
Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, những gì họ thể hiện trên mạng xã hội là nỗi kinh hoàng của những người có liên quan đến bộ phim. Ngay từ thời điểm The Last Jedi ra mắt, không ít bộ phận khán giả chỉ trích bộ phim đi quá xa những gì các phần tiền nhiệm đã xây dựng. Nhiều gạch đá nhắm thẳng vào đạo diễn Rian Johnson khi ông thẳng tay loại bỏ nhân vật Snoke dù quá khứ của vị Supreme Leader này vẫn chưa được hé lộ gì. Bên cạnh đó, Johnson còn ngó lơ loạt giả thuyết của fans, quyết định Rey chỉ là một nhân vật có nguồn gốc ất ơ khiến một bộ phận của cộng đồng này hết sức phẫn nộ. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả những yếu tố khiến họ trở nên quá đáng.
Gần cuối năm 2016, nữ diễn viên chính của The Force Awakens là Daisy Ridley đã từ bỏ mạng xã hội Instagram vì không chịu nổi áp lực dư luận. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, bạn diễn John Boyega cũng gặp áp lực không kém khi bị lôi ra bêu rếu trên những bài đăng liên quan đến chủng tộc, bạn có thể tìm kiếm qua hashtag #BoycottStarWarsVII và #whitegenocide. Trong khi Disney cùng các thương hiệu khác đang có xu hướng bình đẳng giới và nhận được sự ủng hộ của khán giả, một số fan cuồng của Star Wars lại không thích điều này. Không ít người mỉa mai nhân vật Captain Phasma của Gwendoline Christie dễ dàng bị nhân vật Finn giết chết vì cổ là... phụ nữ. Những tưởng sự quá đáng dừng ở đó, nữ diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran phải hứng chịu nhiều bình luận ác ý đến nỗi phải xoá hết các bài đăng trên trang mạng xã hội Instagram cá nhân. Nhân vật Rose do cô thủ vai ít nhiều gây khó chịu cho khán giả và Tran đã chịu những lời phỉ báng quá nhiều nhưng cô vẫn duy trì vì người hâm mộ. Hồi đầu tháng 6, phần miêu tả nhân vật Rose trên Wookiepedia Star Wars wiki bị chỉnh sửa tồi tệ với những cụm từ thoá mạ như “ngu ngốc”, “thiểu năng” và “bitch” thậm chí là kêu cô nên “chết đi”, Tran đã không chịu nỗi sức ép và lẳng lặng nói lời tạm biệt.
Có phải Disney đã và đang âm thầm đẩy mạnh bình đẳng giới qua các bộ phim hoạt hình công chúa?
Một nước cờ thông minh giúp Nhà Chuột ngày càng ghi điểm trong mắt khán giả.
Bạn cho rằng đó là đỉnh điểm ư? Sai lầm! Mới tuần qua, đạo diễn Rian Johnson hết chịu nỗi với những người hâm mộ quá quắt khi họ huy động kinh phí để remake The Last Jedi, vị đạo diễn này đã chia sẻ lại bài đăng đó trên trang Twitter với dòng chú thích “làmmmmmmm ơnnnnnnnn cùng loạt biểu tượng chắp tay nguyện cầu.” Dự án này dĩ nhiên khó mà thành công nhưng với động thái của họ, những khán giả khác và thậm chí là người trong cuộc cũng lắc đầu ngao ngán.
Đồng ý là trong một cộng đồng sẽ có người này người kia, nhưng những gì một bộ phận đang làm một cách tiêu cực khiến cả cộng đồng fan Star Wars trở nên xấu đi trong mắt người ngoài cuộc. Hy vọng họ biết được đâu là giới hạn giữa việc góp ý và công kích cá nhân.
Thành viên: Itna