Gã "giang hồ" Guy Ritchie và phong cách làm phim giải trí
Tin điện ảnh · Calvinnn ·
Cùng tìm hiểu những yếu tố làm nên thương hiệu và những điểm đặc trưng nhất tạo nên sự nổi tiếng của vị đạo diễn Guy Ritchie.
Vốn được xem là vị đạo diễn nổi tiếng với phong cách "đặc sệt" chất Anh và những nhân vật đậm chất gangster, Guy Ritchie thành công rực rỡ trong việc tạo được chỗ đứng riêng của mình trong rất nhiều những vị đạo diễn khác trên thế giới.
Bắt đầu với Lock, Stock And Two Smoking Barrels và Snatch, hai bộ phim mang đầy đủ những yếu tố mà ông nổi tiếng nhất: Dàn nhân vật đa sắc màu, lời thoại dày đặc và cách dùng từ phong phú, nhiều tuyến nhân vật chồng chéo nhau tạo thành một câu chuyện hấp dẫn, thú vị và không thể không kể tới phong cách dựng phim đầy năng lượng và giải trí. Chính hai tác phẩm này đã đẩy tên tuổi của ông lên tầm thế giới, đồng thời cũng là bệ phóng của nhiều diễn viên, mà đặc biệt phải kể tới là Jason Statham, người sau này trở thành một trong những diễn viên hành động đắt giá nhất Hollywood.
Thế nhưng, ai cũng có lúc hụt chân. Bộ phim thứ 3 trong sự nghiệp ông - Swept Away, với sự góp mặt của vợ cũ Madonna, là một sự thử nghiệm cho thể loại hài tình cảm và vô cùng thất bại khi chỉ có vỏn vẹn 5% trên Rotten Tomato. Ritchie trở lại với đề tài làm nên thương hiệu mình với Revolver, dù không thành công như lần trước và thất bại ở phòng vé, nhưng ít nhất cũng giữ vị thế của ông trên con đường sự nghiệp. Sau Revolver, ông cho ra mắt RocknRolla, vẫn mang phong cách cũ, phim được đánh giá ở mức khá, có nhiều ý kiến trái chiều nhưng thu lại được doanh thu sau đó.
Khi tên tuổi Guy Ritchie được chú ý tới, ông được mời đạo diễn cho những bộ phim thương mại bom tấn khác nhau. Chỉ đạo đầy năng lượng của ông rất hợp với những bộ phim thương mại giải trí.
Series hai phim Sherlock Holmes và Sherlock Holmes: Game Of Shadow là tổng hòa hoàn hảo nhất của việc pha trộn những yếu tố thương mại và phong cách đạo diễn đặc trưng của ông. Bản chuyển thể live action Aladdin mới đây của nhà chuột tuy có tính thương mại giải trí rất cao, tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn nhưng lại là phim có ít nét riêng của ông nhất.
The Man From U.N.C.L.E. không được đón nhận tích cực ở phòng vé ở thời điểm ra mắt, nhưng dần có chỗ đứng trong lòng khán giả hơn, được đánh giá khách quan hơn về sau. Con "cừu đen" còn lại - King Arthur: Legend Of The Sword thì bom "xịt" ở cả phòng vé lẫn đánh giá phê bình, khiến phần sequel không còn có cơ hội thấy ánh mặt trời.
Bộ phim mới nhất của ông - The Gentleman ra mắt tháng 2 đầu năm nay, là một sự trở lại hoàn hảo sau một Aladdin xa rời với phong cách thường thấy của đạo diễn, tổng hoà tất cả những thứ làm nên thương hiệu Guy Ritchie. Tuy phong độ có hơi thất thường như vậy, không phủ nhận rằng mỗi tác phẩm ông mang lại đều có một sức hút rất riêng biệt dù tốt hay tệ.
Chi bằng độc giả hãy cùng Moveek khám phá những điểm đặc trưng trong phong cách chỉ đạo của "gã giang hồ" Anh Quốc cũng như những thế mạnh trong đó, và vì sao chỉ với số lượng tác phẩm ít ỏi mà ông lại thu hút được rất nhiều sự chú ý từ các studio tới như vậy?
1. Từ những tên gangster Anh Quốc đến những nhân vật dị thường và đáng nhớ
Tung hoành ở khá nhiều thể loại từ hài - tình cảm (Swept Away) đến hành động trinh thám (The Man From U.N.C.L.E., series Sherlock Holmes) cho tới sử thi (King Arthur, Legend Of The Sword) và thậm chí là âm nhạc (Aladdin), nhưng chắc chắn có thể khẳng định một điều: Không ai hợp với dòng phim hành động gangster của Anh Quốc hơn là Guy Ritchie.
Bộ phim ngắn đầu tay dài 20 phút The Hard Case đã khẳng định điều đó và được xem như một phần mở đầu (prologue) của Lock, Stock And Two Smoking Barrels rất thành công sau này. Có lẽ là việc trải đời sớm (ông bỏ học năm 15 tuổi) và việc sinh trưởng trong một gia đình "rặt" Anh Quốc đã khiến Ritchie có cái một cái nhìn rất riêng biệt và tường tận cho thế giới tội phạm đậm chất đường phố London như vậy.
Thế giới tội phạm trong phim ông được khắc họa bạo lực và phức tạp, nhưng hài hước và đôi lúc ngớ ngẩn. Sự cân bằng giữa sự hài hước và nghiêm túc cho thể loại phim này là thứ phân biệt ông với những vị đạo diễn khác, tạo cho những tác phẩm đó một nét riêng nổi bật giữa các phim cùng thể loại. Trong Revolver, tuy Ritchie vẫn tiếp tục khai thác đề tài tội phạm băng đảng, nhưng lại tập trung hoàn toàn vào tính nghiêm túc, tuy vậy kết quả không như mong đợi, trái hẳn với sự đón nhận nồng nhiệt từ hai bộ phim đầu của ông. Khi trở lại với "gốc gác" của mình qua RocknRolla, tất nhiên là Ritchie tiếp tục lại được lòng người hâm mộ, khiến khán giả luôn mong ngóng phần tiếp theo cho tác phẩm này.
Thế giới tội phạm đó tuy đẫm máu và bạo lực nhưng lại pha trộn với sự "tưng tửng" khác người, tạo ra những tên gangster quái dị và muôn hình vạn trạng mà gần như là điểm nhấn trong phim của ông, trải dài từ những tên côn đồ, đầu trộm đuôi cướp (Lock, Stock And Two Smoking Barrels, Snatch) cho tới những đoàn tội phạm lớn hơn, chuyên nghiệp và dĩ nhiên... lịch lãm hơn (RocknRolla, The Gentlemen).
Đa phần những tác phẩm của Ritchie đều có phần ông viết kịch bản, vậy nên sự độc đáo trong đặc điểm và tính cách nhân vật không chỉ xuất hiện trong những bộ phim thuộc đề tài tội phạm của ông, mà còn vượt ra ngoài phạm vi đó. Thực chất thì hầu hết các phim của Ritchie, nếu không tính loạt phim tội phạm thì từ Sherlock Holmes, The Man From U.N.C.L.E. cho tới King Arthur và Aladdin đều có dàn nhân vật đặc biệt kì quái và ấn tượng sâu sắc.
Nhiều tuyến nhân vật thì có nhiều câu chuyện diễn ra song song, đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để người xem dõi theo từng tuyến nhân vật. Vì vậy, Guy Ritchie tạo cho họ một màn giới thiệu đáng nhớ, bằng cách cho người xem gặp gỡ họ trong một tình huống oái oăm. Trong Snatch, những nhân vật đều có màn mở "chào sân" khá hài hước, như việc Mickey vừa đi vệ sinh ra, Turkish giải thích ý nghĩa tên của anh cùng cộng sự Tommy... Trong Lock, Stock And Two Smoking Barrels, tên lừa đảo Bacon luyên thuyên về các món đồ "dỏm" với những người dân đi lại quanh đó, để rồi bị cảnh sát đuổi, báo hiệu một sự hài hước và "tưng tửng" sắp tới mà chúng ta sẽ được thấy trong bộ phim.
Ritchie còn hay sử dụng title sequence (Đoạn giới thiệu có kèm tên cùng với tình huống đang xảy ra lúc đó, cho người xem thấy những đặc điểm cơ bản nhất của nhân vật, có thể kèm lời dẫn chuyện) ở đoạn mở đầu phim để người xem có một sự ấn tượng nhất định, giống như việc giới thiệu nhân vật trong truyện tranh vậy (series phim điện ảnh Sherlock Holmes, RocknRolla, The Gentlemen...)
2. Lối kể chuyện phi tuyến tính
Guy Ritchie từng thừa nhận rằng phim của ông lấy cảm hứng rất nhiều từ các tác phẩm của đạo diễn Quentin Tarantino, mà khán giả có thể thấy rõ rệt nhất là ở cách dẫn chuyện phi tuyến tính và các phân cảnh dày đặc lời thoại. Ritchie cho các tuyến truyện của các nhân vật diễn ra song song không liên quan tới nhau, rồi khi biến cố xảy ra vì một đồ vật gì đó quan trọng, khiến các nhân vật lâm vào tình huống trớ trêu từ trên trời rơi xuống.
Mỗi nhân vật trong đó đều có một toan tính và mưu đồ riêng, để rồi định mệnh buộc họ phải gặp nhau, và từ đó bạo lực dần leo thang và đỉnh điểm là một sự hỗn loạn. Đó chính là cách mà ông lật mở từng phần của câu chuyện và bùng nổ ở đoạn cuối. Như ở Snatch, tuyến truyện của hai nhân vật Turkish và Tommy hầu như không dính dáng gì tới vụ cướp kim cương của Franky, thế nhưng bằng sự tài tình trong lối kể chuyện và sắp xếp tình huống, cả hai tuyến truyện dần va phải nhau, khiến các nhân vật liên quan với nhau theo một cách nào đó, tạo nên những sự kiện có một không hai.
Câu chuyện trong phim ông diễn ra theo nhiều cách, có thể là bắt nguồn từ lời dẫn từ các nhân vật khác nhau (RocknRolla, The Gentlemen), hay mở đầu trực tiếp dẫn thẳng tới tình huống oái oăm, hay có thể nói là hậu quả mà các nhân vật đang gặp mà không có bất kỳ lời giải thích nào (series Sherlock Holmes, Snatch, Revolver).
Ritchie cũng làm rất tốt trong việc xen kẽ các đoạn hồi tưởng, hiện tại hoặc nhiều khi là tương lai để tạo ra một câu chuyện khó đoán, khiến khán giả tò mò và đặt ra nhiều câu hỏi hơn trong quá trình xem phim, từ đó xâu chuỗi các tình tiết và lật mở dần ở đoạn kết bằng lối dẫn chuyện độc đáo của mình, giống như việc thu thập những mảnh ghép để tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh vậy. Khó khăn không? Khó, nhưng một khi đã hoàn thành thì thỏa mãn vô cùng.
3. Lời thoại hài hước và ngôn từ phong phú
Guy Ritchie thường kiêm luôn phần viết kịch bản, và lời thoại dày đặc là một trong những nét đặc trưng của phim ông. Nói Guy Ritchie là một "Quentin Tarantino" của xứ Anh Quốc thì hơi quá, nhưng chắc chắn là có phần đúng. Những màn đối đáp và chửi nhau trong phim ông khá là hài hước và thú vị, đầy rẫy từ lóng và ngôn ngữ bản địa, tục tĩu. Nghiệm lại thì khán giả sẽ thấy được sự tài tình qua cách dùng từ của ông, nhiều khi nghĩa nước đôi, những cách chơi chữ thú vị hay đôi khi là thể hiện tính cách, cảm xúc của nhân vật, ngôn từ rất phong phú và độc đáo.
Độc thoại hoặc người dẫn chuyện (narrator) là một điểm nổi bật nữa trong phim của Guy Ritchie. Đa phần các phim của ông đều có một nhân vật để dẫn chuyện, nhằm giải thích tình huống, đùa cợt hoặc thậm chí là... đánh lừa người xem (The Gentlemen). Vì bản chất câu chuyện của Ritchie có quá nhiều tuyến nhân vật cùng nhiều dòng thời gian chồng chéo lên nhau, nên thoại và độc thoại nhiều lại nhiều khi là điểm mạnh của phim. Chúng chính là thứ giúp họ có thể biết được chuyện quái gì đang xảy ra, và có thể là gây bất ngờ cho khán giả khi dẫn dắt sự mong đợi họ. Cùng với tông giọng và tình tiết, bộ phim trông như một buổi kể chuyện mà khán giả đắm chìm không biết chán.
4. Hành động với phong cách "tưng tửng"
Phim hành động thì chắc chắn không thể thiếu cảnh hành động, và Guy Ritchie thì thích các trận đấu tay đôi không găng, vậy nên không có cách nào hay hơn là sử dụng slow-motion.
Bằng cách làm chậm lại trước khi "hậu quả" xảy ra cộng với âm thanh chát bốp từ tiếng va chạm giữa tay và mặt, Ritchie có thể diễn tả sự tàn khốc, sức mạnh hủy diệt từ những cú đấm, hay khiến khán giả chú ý hơn những chi tiết mà mắt thường khó theo dõi ở tốc độ cao (mà ở đây là những cú đấm). Có thể thấy nổi bật ở phim Sherlock Holmes (Cảnh Holmes "tẩn" tên võ sĩ một cách có chiến lược trên võ đài) và Snatch (Vẫn là trên võ đài, nhưng là giữa tên Mickey và đối thủ)
Như đã nói trên, ông không muốn cán cân nghiêng quá sâu vào bạo lực hoặc hài hước hoàn toàn, mà ông muốn cân bằng cả hai, nên không gì hợp hơn khi ném một phân cảnh rượt đuổi bộ hành hài hước và khó quên vào mỗi bộ phim.
Cảnh rượt đuổi đó có thể trong một tình huống căng thẳng nhưng cách mà các nhân vật té ngã, va chạm trên đường đi cộng với vẻ mặt họ lúc đó thì vô cùng "khó đỡ" (Cuộc rượt đuổi giữa mấy tên người Nga và băng Wild Bunch trong RocknRolla, trốn cảnh sát ở đoạn đầu Lock, Stock And Two Smoking Barrels hay Ray và đồng bọn chạy bạt mạng để bắt lũ nhóc trong The Gentlemen)
5. Cắt chuyển cảnh sáng tạo và động năng
Một điểm độc đáo không kém những màn slow-motion của ông là những pha cắt, chuyển cảnh đi vào lòng người vì sự sáng tạo. Chuyển cảnh như thông thường quá nhàm chán, Guy Ritchie sử dụng đạo cụ trên trường quay, kết hợp với di chuyển máy quay với cùng góc máy, tạo nên một chuỗi chuyển cảnh mượt mà nhưng không ảnh hưởng tới nhịp phim. Từ ổ đạn súng lục, lò vi sóng cho tới bỏ cà rốt vào nồi súp, tất cả đều được ông sáng tạo cho các chuyển cảnh, mà có thể thấy rõ rệt nhất ở phim Snatch.
Cảnh cắt nhanh (Quick cut) cũng là thứ để Ritchie tạo động năng cho cảnh phim, làm cho nhịp phim tăng nhanh, không bị nhàm chán, đặc biệt ở những phân đoạn suy luận của Sherlock Holmes trong bộ phim cùng tên.
6. Lời kết
Với phong cách làm phim tràn đầy năng lượng và mang màu sắc giải trí như vậy, thật không lạ khi ông cứ liên tục nhận được những lời đề nghị hợp tác từ các studio lớn, nhằm ra đời những bộ phim bom tấn. Công bằng mà nói, ông xứng đáng nhận được điều đó. Trừ loạt phim Sherlock Holmes từ vị thám tử được yêu thích ra, thì cứ không phải là dòng phim gangster, chắc chắn ông sẽ có những đánh giá không tốt. Có lẽ chúng ta đã quá khó khăn với những tác phẩm bom tấn mà ông chỉ đạo dạo gần đây, vì cơ bản những thứ Ritchie làm đều có một sự chỉn chu nhất định.
Nói gì đi chăng nữa, người hâm mộ vẫn luôn chờ đón ông tiếp tục sản xuất ra những bộ phim sặc mùi gangster, muốn được đắm chìm vào những tuyến nhân vật độc đáo mà chỉ có ông mới có thể tạo ra. Sắp tới đây, ông tiếp tục hợp tác với nam tài tử đã quá quen mặt trong những bộ phim thời gian đầu của ông - Jason Statham, cho một tác phẩm remake mang tên Cash Truck, kể về một anh chàng mang tên H và công việc lái xe tải chở tiền của anh ta. Liệu cặp đôi "song sát" này sẽ mang cho chúng ta những bất ngờ nào?