Ice Age: Trời sập - Phần kết nhạt nhòa của Kỉ Băng Hà

Tin điện ảnh · PhucDu ·

Như nhà phát hành 20th Century Fox đã từng tuyên bố, Ice Age: Collision Course (tựa việt: Kỉ Băng Hà: Trời sập) sẽ là phần phim cuối cùng của series này. Tạm gác chuyện có phải là phần cuối thật hay không (vì lại có thêm một cơ số nhân vật - à không, thú vật mới xuất hiện ở đoạn cuối) qua một bên. Nếu phần 5 là tập cuối cùng để kết thúc series dài hơi suốt 14 năm của Ice Age thì rõ ràng nó nhạt nhẽo quá mức cho phép.

Từ khi Scrat bắt đầu đuổi theo quả hạt dẻ như một hội chứng ám ảnh cưỡng chế (và điều này đã kéo dài suốt 3 phần phim) không có lý giải thì câu chuyện của Ice Age bắt đầu xoay quanh những sự cố của nhân vật này. Phần này cũng tương tự, vì say đắm quả hạt dẻ thần thánh ấy mà Scrat đã bay đến tận ngân hà, vô tình va chạm với hàng loạt hành tinh, tạo ra một màn thọc bi-a hoành tráng giữa vũ trụ để Hệ Mặt Trời được hình thành. Trong lúc thiên hà xáo trộn, Scrat vẫn chỉ biết mục tiêu của mình, (thật là một tình yêu vĩ đại!) thì một vài mảnh vỡ thiên thạch đã đâm vào Trái Đất, gây nên một thảm họa diệt vong lớn nhất trong lịch sử. Đến cả dưới lòng đất cũng không còn là nơi an toàn, nên nhóm bạn quen thuộc gồm hai vợ chồng ma-mút Manny, Ellie cùng cô con gái Peaches, vợ chồng nhà hổ nanh kiếm Diego và Shira, hai bà cháu nhà lười Sid và Granny, cùng những nhân vật lắt nhắt quen thuộc khác phải lập thành một nhóm dưới sự dẫn dắt của Buck, kẻ vô tình tìm thấy lời tiên tri về sự diệt vong để giải cứu Trái Đất.

Thành thật mà nói, Ice Age: Collision Course chỉ thú vị duy nhất ở đoạn mở đầu khi Scrat xoắn quẩy với quả hạt dẻ và gây ra một sự xáo trộn dẫn đến trật tự vũ trụ hình thành mà thôi. Toàn bộ phần còn lại hoàn toàn nhạt, nhạt đến mức nếu bạn từng rất hào hứng và cảm động với phần phim Dawn of Dinosaurs (Khủng long thức giấc) thì bạn có thể ngủ trong rạp ở một đoạn nào đấy. Không thể dùng lý do đây là phim hoạt hình với đối tượng khán giả chính yếu là trẻ con để bao biện cho một kịch bản thiếu hoàn toàn những điểm nhấn. Phải, trẻ em xem hoạt hình chỉ cần những câu chuyện đơn giản, nhưng bắt buộc phải tạo được cảm xúc và có nhiều câu chuyện giáo dục lồng ghép. Ice Age: Collision Course vẫn đảm bảo được tiếng cười giòn giã từ đầu đến tận những phút cuối phim theo phong cách rất đặc trưng của series này.

Câu chuyện gia đình trong phần này cũng được thể hiện khá rõ ràng khi cô con gái Peaches nhà ma-mút đến tuổi cặp kê và cậu chàng Julian phải tìm cách lấy lòng cha mẹ vợ. Những điểm sáng này của Ice Age vẫn được bảo toàn. Nhưng, nó đã quá cũ. Hầu hết mọi phần phim của Ice Age đều tôn vinh những câu chuyện gia đình. Xem một lần, hai lần sẽ thấy cảm động và hay ho nhưng nếu phải xem quá nhiều, và câu chuyện đặt ra cũng không mới, thì bạn sẽ không thể cảm động. Mà đã không cảm động thì xem như thất bại. Tức là xét đến cùng, ngoài sự hài hước rất nhộn nhạo cộp mác Ice Age thì phần cuối cùng này không còn điểm sáng nào cả.

Có một vấn đề cũng khá đáng bàn, đó là chủ đề của phim. Phần này chủ yếu nghiêng về thiên văn học và những hiện tượng tự nhiên liên quan. Rất nhiều sự kiện thuộc về khai hóa vũ trụ và tái tạo Trái Đất đã được đưa vào phim. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhà sản xuất khi muốn truyền tải kiến thức thiên văn cho các em nhỏ. Có điều, cách đưa vào đã hợp lý chưa!? Đây là một vấn đế khá là "khoai" bởi nếu giải thích quá cặn kẽ thì phim rất dễ trở thành một phim tư liệu về thiên văn, nhưng nếu chỉ đưa vào một cách qua loa đại khái thì chẳng có ý nghĩa gì. Rất tiếc khi Ice Age rơi vào phần khó của vấn đề này. Ngoài đoạn phim hình thành Hệ Mặt trời được thể hiện một cách rất dễ hiểu và độc đáo ở đầu phim, những phần kiến thức còn lại được đưa vào phim khá khiên cưỡng. Ví dụ như đoạn Mặt Trăng được "đá" bay đến gần Trái Đất để tạo ra hiện tượng thủy triều. Mình không biết chương trình giáo dục của các em nhỏ bên Mỹ ra sao nhưng mình nghĩ rằng ngay cả một số người lớn ở nước ta cũng không biết thủy triều được hình thành nhờ vào lực hút của Mặt Trăng xuống Trái Đất (đáng buồn như đây lại là sự thật).

Tương tự với những chi tiết như lịch sử cằn cỗi của Hỏa Tinh, sự tĩnh điện giữa các khối vật chất, v.v... được đưa vào phim để tạo sự độc đáo khi liên hệ được với những sự kiện mang tính lịch sử. Nhưng với điều kiện bạn phải là một người lớn hoặc có kiến thức và thiên văn, địa lý, vật lý. Còn nếu bạn chỉ là một đứa trẻ hoặc một người chẳng quan tâm đến tự nhiên thì giống như đang xem những sự việc khó hiểu xảy ra một cách hiển nhiên không lời giải vậy. Do đó mới nói những nỗ lực trong việc truyền tải kiến thức ờ phần này của Ice Age không thực sự khả thi.

Tựu trung thì Ice Age: Collision Course vẫn là một phim nên xem của những người đã trót gắn bó với series này. Những khán giả muốn tìm đến tiếng cười với một dàn nhân vật mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười thì Ice Age cũng là một lựa chọn không tồi. Còn những ai đang trông chờ một phần cuối thật đáng nhớ thì chắc chắn bạn sẽ thất vọng, vì so với những phần trước đều không bằng. Đặc biệt là những bạn chưa từng xem một tập nào của Ice Age và đang trông chờ một phim thật xuất sắc như danh tiếng của nó sẵn có thì tôi khuyên bạn đừng nên kỳ vọng quá nhiều kẻo lại đánh giá thấp cả series mà tôi khá yêu thích.

Phim được chiếu dưới 2 phiên bản lồng tiếng và phụ đề. Cá nhân người viết bài khuyến cáo bạn nên chọn xem phiên bản phụ đề cho phim này.