Jurassic World: Dominion - An phận với một cái kết đúng lúc vẫn hơn cố đấm ăn xôi!

Đánh giá phim · Ivy_Trat ·

Jurassic World: Dominion đã chọn một bến đỗ an toàn để kết thúc thương hiệu âu cũng là một bước đi thông minh, dù không thân thiện gì với trải nghiệm xem phim của khán giả.

Jurassic World: Dominion (Thế Giới Khủng Long: Lãnh Địa) là phần phim cuối cùng của thương hiệu điện ảnh ra đời vào năm 1993 – Jurassic Park. Thật đáng buồn là nó chẳng phải chương cuối vẻ vang gì, nhưng lại là một chương cuối đúng lúc.

Jurassic World: Dominion lấy bối cảnh 4 năm sau cái kết của Jurassic World: Fallen Kingdom. Giờ đây, khủng long các loại tràn ra thế giới đã vắng bóng chúng cả triệu năm, ảnh hưởng đến sinh kế của loài người khắp nơi. Nhưng trong cái rủi, loài người vẫn nhận thấy được những cơ hội trục lợi được các sinh vật này. Từ buôn lậu đến nhân giống vũ khí sinh học, Jurassic World: Dominion đã khẳng định, con người mới là mối họa cho khủng long. Cùng lúc đó, Maisie Lockwood trở thành đứa trẻ bị truy lùng gắt gao nhất vì những bí mật di truyền ẩn trong cô bé. Bộ phim bắt đầu khi Maisie bị bắt cóc và Owen-Claire phải đi giải cứu cô bé.

Thật không thể phủ nhận, Jurassic World: Dominion là một phim tham vọng khi đưa các dàn diễn viên mới và các gương mặt kinh điển của thương hiệu lớn hơn giao thoa với nhau và tìm cách để các tuyến truyện của họ có một cái kết thỏa đáng. Không những thế, phim còn có một vấn đề lớn hơn phải giải quyết – trả lời câu hỏi cái kết nào dành cho khủng long trong thương hiệu, khi mà giờ đây, chúng đã bước đi giữa con người. Và bằng cách nào đó, nó thất bại ở tất cả khía cạnh này ở mặt logic, nhưng về tổng thể, như một phép lạ, phim lại làm được điều đó, dù cái kết này hụt hẫng vô cùng. Và cái kết ấy, dù dở đến đâu, cũng chấm dứt thương hiệu điện ảnh Jurassic Park không thể đúng lúc hơn.

Variety
Variety

Jurassic Park, sau này sinh ra Jurassic World, bắt đầu bằng một phim cùng tên ra mắt năm 1993. Năm đó, bộ phim đã mang đến phòng vé một hiện tượng. Đó là kết quả của việc kết hợp kỹ xảo, tái hiện những sinh vật vốn đã khiến dân chúng vô cùng tò mò và một kịch bản gay cấn mang tính giải trí cao. Thú thật thì ở thập niên 2010, chúng ta đã biết nhiều về khủng long, nhưng trong những năm trước đó, ai cũng phải há hốc và thích thú với những hình ảnh khủng long của Jurassic Park. Đó là một ký ức mang ấn tượng sâu đậm cấu thành từ T-Rex vĩ đại, loài Velociraptor láu cá, khủng long cổ dài hiền lành và cặp sừng ấn tượng của Tê giác long.

Tuy là thế, khi sự kỳ ảo lắng xuống, chúng ta có dịp xem xét kỹ hơn một khía cạnh mang tính xã hội sâu sắc đi trước thời đại của phim – vai trò của con người trong việc tái sinh khủng long. Tại thời điểm mà khoa học di truyền chưa phát triển vượt bậc, thông điệp ngầm của Jurassic Park như một khái niệm gì đó mơ hồ. Nhưng chỉ 3 năm sau khi bộ phim đầu tiên ra mắt, sự xuất hiện của cừu Dolly – con cừu được nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới – khiến khái niệm của Jurssic Park bỗng chốc trở thành một cuộc tranh luận đạo đức gay gắt trong các phần phim sau.

Guardian
Guardian

Bằng biệc sử dụng công nghệ và ADN, chúng ta đã đảo ngược một nước đi mang tính vận mệnh của Trái đất. Con người thường không có khả năng này, đây là việc của Mẹ thiên nhiên, của một Đấng toàn năng. Nếu xem xét việc Đấng toàn năng này đã đưa viên thiên thạch đó xuống Hành tinh Xanh, khi tái sinh khủng long, về một khía cạnh, con người đã trở thành Đấng toàn năng. Nhưng đó là một ảo ảnh và sự ngạo mạn sinh ra từ ảo ảnh đó luôn đi kèm với một cái giá.

Nghe có vẻ buồn cười khi rút ra khái niệm mang tính triết học như vậy trong một phim thuần viễn tưởng và giải trí như Jurassic Park, nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy được sự xuất hiện của nhân vật Ian Malcom (Jeff Goldblum) qua tất cả các phim từ thương hiệu Jurassic Park đến Jurassic World đại diện cho nhận thức triết học của chính những phần phim này.

Hollywood Reporter
Hollywood Reporter

Ian Malcom không chỉ đơn thuần là một cây hài. Bản thân nhân vật là một nhà toán học và sau này là một nhà triết học. Ẩn trong những lời thoại mang tính chọc cười, có những câu nói khiến chúng ta phải thật sự suy ngẫm về ngữ cảnh mà chúng được thốt lên - “Sự sống biết tìm cách” (Life find a way), “Sự sống không thể bị kiểm soát” (Life cannot be contained)…Như một lời tiên tri, những sáng tạo của loài người đã vượt quá tầm kiểm soát của họ. Cái giá phải trả không chỉ là mạng người mà còn là nhân tính của loài người nữa. Vậy khi chúng làm đảo lộn quy luật tự nhiên, chúng ta sẽ làm gì với sáng tạo của mình và sức mạnh đã mang chúng đến với thế giới đây? Đằng sau những cuộc chạy trốn khủng long hung dữ, đây mới là câu hỏi tối thượng của thương hiệu này về mặt ý nghĩa.

Nhưng 3 phần của Jurassic Park đều kết thúc với sự bối rối của cơ quan thẩm quyền trong việc làm gì với những sáng tạo trong công viên nọ. Những phần phim theo sau đó lại không trả lời được câu hỏi trên với công thức cũ là đụng chạm khủng long, khủng long thoát ra, gây tai họa, sau đó lại bị bắt về khu bảo tồn.

Slash Film
Slash Film

Đến các phần phim Jurassic World, công thức này được tăng thêm một phần nặng nề hơn với kết quả là chúng không thể bị nhốt được nữa mà lang thang ở kỷ hiện đại. Còn kỹ thuật di truyền lại bị lạm dụng bằng cách lai tạo những loài khủng long nguy hiểm, nhân bản người và chế tạo vũ khí sinh học (Indoraptor). Nặng đô và mang tính xã hội hơn không có nghĩa là nó là một câu trả lời đúng nghĩa. Công thức này vẫn được lặp lại đều đều với hai phần phim không có bất cứ giải pháp nào triệt để cho vấn đề mà chúng đặt ra. Như vậy, tính đến thời điểm Jurassic Park có phần phim thứ 5, câu hỏi lớn của thương hiệu vẫn không đi về đâu.

Về lợi nhuận, đây đơn thuần chiêu trò vắt sữa. Nhưng về nội dung, đây là hệ quả của việc phim không thể trả lời được mệnh đề nan giải của thương hiệu một cách ổn thỏa. Nghĩa là ngay cả các nhà làm phim cũng không biết phải thúc đẩy câu chuyện theo hướng nào sau Fallen Kingdom. Có thể thấy qua thời gian, trả lời câu hỏi này mắc kẹt giữa giá trị thực tế và cái nhìn nhân đạo của chính kẻ sáng tạo.

Bloody Disgusting
Bloody Disgusting

Thông điệp được đặt nền tảng từ phần phim 1993 nay từ một bài học ngầm đến trở thành một trong những tâm điểm của 3 phần phim Jurassic World còn lại. 2 phần Jurassic World, Jurassic World: Fallen Kingdom lặp lại cái kết của 3 phần Jurassic Park trước đó, tức không một ai muốn làm việc khó nhằn là “an tử” cho những chủng khủng long này, dù tự nhiên đã đem đến cho họ một cơ hội dọn dẹp sạch sẽ những sai lầm này trong hình dạng một thảm họa núi lửa phun trào. Nhưng họ lại chọn nhân đạo lên trên thực tế. Đó là nước đi có thể đoán trước được khi khán giả chắc chắn sẽ tranh cãi và thất vọng nếu các nhà làm phim để khủng long tiếp tục tuyệt chủng sau một thập kỷ làm chúng trở nên đáng yêu. Nên thật chẳng ngạc nhiên gì khi Jurassic World: Dominion chọn giải pháp dĩ hòa di quý với cả 2 bên. Phim đã chọn câu trả lời cho câu hỏi “làm gì với những sáng tạo này” là cố gắng thích nghi và chung sống với chúng.

Nó có xứng đáng với tiền đề Jurassic World Jurassic Park đã cài cắm, xây dựng và bồi đắp bấy lâu nay hay không? Không hề. Nó có giải quyết được mối mâu thuẫn của 2 phần Jurassic World trước đó hay không? Không hề. Vậy nó có chỉ trích thói quen đóng vai Đấng toàn năng của loài người? Không nốt. Nó có làm người xem cảm thấy thỏa mãn? Không luôn. Nhưng nó làm người xem thở phào vì khủng long của thương hiệu không bị giết hại và tìm được chốn dung thân? Có chứ và đó là điều quan trọng.

The Gamer
The Gamer

Phàm cái gì kéo dài quá lâu sẽ thành dở. Cách giải quyết của Jurassic World: Dominion có thể nghe thật trẻ con và hời hợt, nó vẫn đóng lại một quyển sách chương hồi một cách…có hậu – thứ có thể làm hài lòng phần lớn khán giả, ngay cả khi điều này hầu như vứt bỏ tính sâu xa của loạt phim và phản lại logic một cách ngoạn mục. Nhưng điều đó chẳng còn quan trọng nữa rồi, vì sau này, thương hiệu Jurassic Park sẽ khép lại mãi mãi và chương cuối cùng của nó là một cái kết ai cũng đươc hạnh phúc. Ai mà chẳng thích một bộ phim có hậu chứ?

Phi logic và an toàn là vậy, Jurassic World: Dominion xuất hiện đúng lúc. Một yếu tố nữa mà chúng ta phải cân nhắc là thương hiệu này đã hết thứ có thể khai thác tiếp. So với những siêu anh hùng, dân tộc người ngoài hành tinh, những chú khủng long ngày càng kém hấp dẫn. Không thể làm phim về khủng long mà nhân vật chính là người nhân bản được. 6 phần phim cùng một đi tìm câu trả lời cho một nghi vấn tối thượng chỉ để có cái giải pháp như đùa như thế này đã chứng tỏ Jurassic Park cũng đã hụt hơi. Nên việc kết thúc đúng lúc sẽ giúp thương hiệu giữ được phần nào danh tiếng, nhằm khai thác tiềm năng trở thành những series truyền hình hoặc streaming sau này.

Hollywood Reporter
Hollywood Reporter

Như vậy, Jurassic World: Dominion sẽ được nhớ đến là một bộ phim trung bình đã đem đến hồi kết cho một thương hiệu trên một nốt cao về kỹ xảo, nhưng nhạt nhẽo về mặt nội dung và hời hợt đưa ra giải pháp cho vấn đề nó đã đặt ra. Như đã nói, về tổng thể, nó đã hoàn thành vai trò chương cuối, theo đó là vòng đời của một thương hiệu điện ảnh. Thà hết đúng lúc còn hơn để thương hiệu đi quá xa rồi thành quá dở.