Không thể ngờ những tuyệt phẩm này lại từng bị "thất sủng" một cách phũ phàng
Thị hiếu về nghệ thuật cũng bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau như: văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo, cũng như những định kiến, chuẩn mực cứng nhắc được đặt ra.
Có những bộ phim kinh điển được báo chí, giới phê bình tung hô hết lời qua bao năm tháng nhưng lại từng có thời gian bị đối xử lạnh nhạt, ngó lơ thậm chí là ghẻ lạnh khi mới ra mắt. Ấy thế mà, những bộ phim ấy lại lội ngược dòng và trở thành hiện tượng đình đám, thu về doanh thu đáng mong đợi khiến các nhà làm phim vừa thở phào, vừa hãnh diện vì cuối cùng tài năng và công sức cũng được thừa nhận. Hãy cùng Moveek điểm lại một số tác phẩm đã từng bị thất sủng nhé!!!!
1. Cinema Paradiso 1989 (Rạp Chiếu Bóng Thiên Đường)
Một bộ phim mang đề tài điện ảnh được nhào nặn bởi bàn tay tài hoa của đạo diễn người Ý - Giuseppe Tornatore. Cinema Paradiso được thực hiện với kinh phí thấp và phần lớn số tiền đó là dùng để tiền bản quyền cho hàng loạt bộ phim khác (bởi bối cảnh phim xoay quanh một rạp chiếu bóng).
Thời gian đầu công chiếu bộ phim từng bị ghẻ lạnh tại chính quê nhà của mình và thu về doanh thu thấp lèo tèo. Nguyên nhân được giải thích là do bộ phim quá dài (bản gốc tới 173 phút) cộng với hình thức quảng bá quá kém khiến bộ phim bị khán giả và giới phê bình lơ đẹp. Quyết không để đứa con tinh thần của mình thất bại như vậy, Tornatore đã nỗ lực mọi cách để cứu lấy bộ phim. May mắn thay, hãng phát hành Miramax đã phát hiện, mua lại và cắt bớt thời lượng lại còn 123 phút. Sau đó Cinema Paradiso được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 1989. Thật bất ngờ với phiên bản được gọt giũa một cách tỉ mỉ, bộ phim từ một viên ngọc thô đã trở thành một viên đá quý vô giá và nhận về vô số lời tán thưởng từ giới phê bình và khán giả. Thành công tiếp nối thành công, Cinema Paradiso liên tục nhận về hàng loạt giải thưởng danh giá trong đó có 1 giải Oscar và 1 Quả Cầu Vàng.
Cho đến nay dù đã qua nhiều năm nhưng những gì đọng lại trong lòng khán giả vẫn là những âm điệu du dương đầy cảm xúc hòa với những phân cảnh dưới bầu trời Địa Trung Hải đầy thơ mộng. Bộ phim là những thước phim chậm rãi kể về cuộc đời của một vị đạo diễn tài hoa Salvatore Di Vita (Jacques Perrin) về những kỉ niệm thời thơ ấu, những khao khát tuổi trẻ, những ước mơ cháy bỏng tất cả bắt đầu tại rạp chiếu bóng Paradiso (trong tiếng Ý có nghĩa là thiên đường). Những yếu tố ấy đều được hòa quyện thành một tác phẩm đầy nghệ thuật và đẹp đến khó quên.
2. Rashomon 1950 (Lã Sinh Môn)
Lại là một siêu phẩm bị nước nhà lạnh nhạt bởi khác biệt trong suy nghĩ và văn hóa. Lã Sinh Môn là một bộ phim đã quá xưa cũ nhưng vẫn được xem là một kiệt tác của ngành điện ảnh thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Kịch bản kết hợp từ 2 truyện ngắn Rashomon (Lã Sanh Môn 1914) và In a Grove (Chuyện Trong Rừng Trúc 1922) của Ryunosuke Akutagawa. Ban đầu khi công chiếu bộ phim không được giới phê bình của xứ sở mặt trời mọc đánh giá cao do nội dung mang hơi hướng Tây hóa và những khác biệt với nhận thức của người Nhật khiến cho cả Rashomon và đạo diễn Kurosawa Akira nhận về muôn vàn chỉ trích và khinh khi.
Vào những năm 50, Nhật Bản vẫn đang chống chọi với những khó khăn sau khi thua cuộc ở Thế chiến thứ 2. Vào khoảng thời gian ấy, họ không đánh giá cao những bộ phim Tây hóa bởi những vấn đề chính trị (đặc biệt là do vụ ném 2 trái bom nguyên tử). Chưa kể bộ phim còn dám can đảm lấy hình ảnh của Samurai (một biểu tượng văn hóa và tự tôn dân tộc của Nhật Bản) để khắc họa và châm biếm, điều này khiến một đất nước tôn trọng thuần phong mĩ tục như Nhật cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng nào có ai ngờ, tuyệt phẩm này đã gây chấn động tại Liên hoa phim Venice 1951, khiến giới điện ảnh thán phục bởi những tinh hoa ẩn chứa trong bộ phim, từ đó Rashomon đã vinh dự giành lấy 1 giải Sư Tử Vàng và 1 giải Oscar. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Nhật Bản được quốc tế biết đến và thừa nhận, bên cạnh đó Rashomon còn mở một cánh cửa mới cho làng điện ảnh Nhật Bản đến với thế giới khiến những ai chê trách bộ phim phải hổ thẹn.
Bộ phim bắt đầu với cuộc đàm đạo vào ngày mưa bởi ba người đàn ông hoàn toàn xa lạ với nhau, gồm một vị tăng sư, một tiều phu nghèo khó và một người khách vãng lai. Họ kể cho nhau nghe một vụ án mạng giết người – cưỡng bức đầy phức tạp xoay quanh ba nhân vật: một tên cướp, một samurai và vợ của ông ta. Với nội dung thâm thúy, diễn xuất tuyệt vời Rashomon đã dẫn dắt người xem hòa vào nội dung bởi lời kể của các nhân vật nhưng cũng khiến họ mắc kẹt đâu đó ở những nghi vấn không lối thoát bởi đạo diễn giăng ra. Bộ phim chính là một lưới tơ nhện khổng lồ mà mỗi mắt lưới lại là một nút thắt mang đầy ý nghĩa sâu xa về ranh giới mỏng manh của đạo đức và sự dối trá của con người để bảo toàn danh dự của bản thân một cách rẻ tiền.
3. The Shining 1980
Đâu phải tài năng nào cũng được thừa nhận, minh chứng rõ ràng nhất chính là The Shining của đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick – thiên tài với những ý tưởng lập dị. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của ông hoàng tiểu thuyết kinh dị Stephen King được sản xuất năm 1977.
Với sở thích làm phim kén người xem, The Shining của Stanley đã bị giới phê bình ghẻ lạnh, coi thường từ khi vừa ra rạp bởi nội dung phức tạp và điên loạn mà nó chứa đựng khiến khán giả e ngại đến rạp vào những ngày đầu công chiếu. Họ coi thường tác phẩm đến mức đưa bộ phim vào danh sách đề cử hẳn 2 giải Mâm Xôi Vàng. Nhưng về phía khán giả, họ lại đón nhận bộ phim một cách nồng nhiệt và tạo nên một cơn sốt không thể hạ nhiệt. The Shining nhận doanh thu cao hơn 2 lần kinh phí ban đầu và được xem là một trong những tuyệt phẩm kinh điển về đề tài kinh dị hay nhất mọi thời đại dù không hề nhận về giải thưởng Oscar hay Quả Cầu Vàng nào.
Không thành công bởi những cảnh máu me nhưng lại gây ám ảnh đến tột cùng bởi nội dung và diễn xuất tuyệt đỉnh của diễn viên, The Shining là câu chuyện về một gia đình ba người của nhà văn Jack Torrance (Jack Nicholson) nhận lời dọn đến trông coi một khách sạn tên Overlook Hotel ở vùng núi hẻo lánh. Điều đặc biệt là con trai của Jack – Danny (Danny Lloyd) lại sở hữu một năng lực đặc biệt gọi là Shining và năng lực của cậu bé bắt đầu thu hút những điều ma quái ở khu khách sạn bí ẩn này. Bộ phim còn nổi tiếng khi tạo ra những biểu tượng trong dòng phim kinh dị như: The Twins, cảnh bạo lực dùng rìu…
4. Moonlight 2016
Dù không quan tâm đến điện ảnh thì hẳn là bạn không thể không biết đến cái tên Moonlight vì sự cố trao nhầm giải đầy tai tiếng tại giải Oscar lừng lẫy năm 2017. Giải Phim hay nhất bị trao cho La La Land thay vì Moonlight khiến cho cả buổi trao giải trở nên xào xáo, cả hai đoàn phim và ban tổ chức bị một phen muối mặt.
Khi Moonlight mới ra mắt, vì khán giả không đoái hoài nên các rạp phải rút bớt xuất chiếu của phim. Bộ phim ban đầu là một cái tên vô cùng lạ lẫm, đặc biệt là ở khu vực Châu Á nhưng bỗng dưng lại chễm chệ xuất hiện tại hàng loạt mục đề cử của Oscar 2017. Với kinh phí thấp không tưởng nhưng bộ phim lại giành đến 3 giải cho: Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Từ đó, bỗng dưng một bộ phim bị ngó lơ tại các rạp lớn nhỏ lại được tái chiếu ở hơn 1500 rạp phim giúp cho phía sản xuất thu về hơn $25 triệu (con số lớn so với kinh phí $1.6 triệu ban đầu).
Tuy doanh thu không thuộc hàng khủng nhưng Moonlight là một tuyệt phẩm với nhiều ý nghĩa sâu sắc, đầy tính nhân văn. Với kịch bản kén người xem với dàn diễn viên toàn người da màu và ít danh tiếng, bộ phim kể về cuộc đời của cậu bé Chiron lớn lên trong một hoàn cảnh kém may mắn. Cậu có một người mẹ nghiện ngập, bạo lực và hơn thế nữa là sự nhận thức của Chiron về sự khác biệt về giới tính của mình so với những cậu bé khác.
Bộ phim đã thành công trong việc xoáy sâu và tâm lý nhân vật chính một cách xuất sắc, từ đó lột tả được sự đấu tranh và giằng xé bên trong nội tâm của con người. Bên cạnh đó, Moonlight còn khắc họa chân thực về những bất công trong cuộc sống của người da màu, người đồng tính, người sống ở tầng lớp lao động nghèo… Tất cả đều được khắc họa nên một bức tranh với nền trời đen thẳm nhưng tầng ý nghĩa nhân văn lại bừng sáng, chiếu rọi cả bầu không khí ảm đạm như ánh trăng lung linh đầy huyền ảo giữa đêm tối không trăng.
5. Crouching Tiger, Hidden Dragon 2000 (Ngọa Hổ Tàng Long)
Đây là tác phẩm đầu tiên đưa đạo diễn Lý An đến với Oscar, Ngọa Hổ Tàng Long là một tuyệt phẩm kiếm hiệp, một hiện tượng gây chấn động làng điện ảnh thế giới vào năm 2002. Bộ phim giành đến 4 giải Oscar danh giá và có doanh thu khổng lồ hơn $213 triệu thu về với kinh phí ban đầu là $15 triệu. Ấy vậy mà, bộ phim từng bị chính quê nhà của mình ngó lơ, không được đánh giá cao vào thời gian đầu vì sự khác biệt về nội dung cũng như hơi hướng nghệ thuật khác xa với các bộ phim kiếm hiệp thời bấy giờ. Nhưng chỉ sau hai năm sau khi được vang danh tại lễ trao giải Oscar 2002, Ngọa Hổ Tàng Long đã khiến điện ảnh Hoa ngữ phải thán phục. Bộ phim tiên phong cho hàng loạt những phim võ thuật mang hơi hướng nghệ thuật nhưng đầy chân thật và ý nghĩa ra đời sau đó, bên cạnh thành công trong việc đẩy mạnh tên tuổi các diễn viên như: Châu Nhuận Phát (Lý Mộ Bạch), Dương Tử Quỳnh (Du Tú Liên), Chương Tử Di (Ngọc Kiều Long)… thành các ngôi sao hàng đầu thời gian đó.
Cái tên Ngọa Hổ Tàng Long thể hiện được hai mặt ý nghĩa sâu sắc. Theo sát nghĩa đen là những cao thủ tài giỏi nhưng lại ẩn mình, còn nghĩa bóng là tình yêu sâu sắc, cao cả nhưng lúc nào cũng bị giấu kín vào bên trong của hai nhân vật Lý Mộ Bạch và Du Tú Liên. Bộ phim còn như một tảng băng trôi lững lờ với phần nổi là những màn múa kiếm đẹp mắt, những cảnh phim hùng vĩ đầy chân thật và nghệ thuật nhưng phần chìm phía dưới chính là những tầng ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, về đạo đức con người (đặc biệt đức tính quân tử của người Trung Quốc: lễ, trung nghĩa, chí, tín) và những định kiến của xã hội phong kiến ngày xưa. Với diễn xuất tuyệt vời và những pha hành động đẹp mắt, Ngọa Hổ Tàng Long xứng đáng là tuyệt phẩm của làng điện ảnh thế giới.
Sau khi điểm lại một số tác phẩm kinh điển đã từng bị thất sủng một thời, Moveek nhận ra thị hiếu về nghệ thuật bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau như: văn hóa, lịch sử, chính trị, tôn giáo, cũng như những định kiến, chuẩn mực cứng nhắc được đặt ra. Không biết ngoài những cái tên đình đám phía trên, các bạn có nghĩ đến ngay tuyệt phẩm nào cũng từng bị chung số phận như vậy hay không?