La La Land – Tuyệt phẩm của những ước mơ, đam mê và tình yêu

Đánh giá phim · MH ·

Không phải may mắn và ngẫu nhiên mà La La Land lại nhận được sư yêu thích đến từ giới phê bình và đang công phá các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trong năm.

Không phải may mắn và ngẫu nhiên mà La La Land lại nhận được sư yêu thích đến từ giới phê bình và đang công phá các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ trong năm. Kịch bản đơn giản nhưng kết nối chặt chẽ, một câu chuyện tình yêu lãng mạn, dàn diễn viên trẻ đẹp và tài năng, đạo diễn Damien Chazelle cùng nhạc sĩ Justin Hurwitz đã mang lại một sự hòa quyện xuất sắc hình ảnh và âm nhạc.

Bài viết tiết lộ tình tiết bộ phim, cân nhắc trước khi đọc.

Điều góp phần làm nên sự tuyệt vời đầy chất thơ và lãng mạn của La La Land chính là những ca khúc được sử dụng trong phim. Từng lời ca, từng giai điệu mang sắc thái jazz được trau chuốt một cách hoàn hảo với những khung hình. Để rồi sau khi xem xong, khi những ca khúc đó vang lên, người xem như được nhìn lại từng khung hình, nghe lại từng lời thoại một lần nữa. Với chất nhạc jazz cổ điển làm nền cho tất cả các ca khúc, có thể nói cả bộ phim và album nhạc phim được làm riêng cho những ai “hoài cổ” và yêu thích thể loại nhạc jazz.

Bộ phim mở đầu cảnh tượng một sáng mùa đông ngập tràn ánh nắng, giữa dòng xe cộ kẹt cứng trên xa lộ. Ở giữa Los Angeles phồn hoa, ai ai cũng bận rộn và nôn nóng với công việc và đam mê, bởi nếu không, họ sẽ bị kẹt lại mãi ở nơi nổi tiếng với việc gây dựng nhưng cũng dễ dàng phá hủy ước mơ, vun đắp đồng thời cũng là nơi chứng kiến những trái tim tan vỡ. Nhưng với giai điệu vui tươi “Another Day of Sun” vang lên đã giới thiệu một cái nhìn toàn cảnh về những con người đầy đam mê và mơ ước nơi đó. Họ đã kể một câu chuyện tình yêu giữa những con người, bất kể màu da, sắc tộc, họ đều tới đây theo đuổi ước mơ của mình, từ những giai điệu nên thơ cho tới ánh đèn sân khấu rực rỡ. Họ có thể chỉ nhận được những cái lắc tay từ chối hoặc không đủ tiền để trang trải cuộc sống, nhưng không vì vậy họ lại từ bỏ ước mơ, thất bại hôm nay không làm họ nhụt chí, vì ngày mai mặt trời vẫn mọc và cơ hội vẫn đến.

Giữa dòng xe tấp nập đó, Mia (Emma Stone) – nàng barista đam mê diễn xuất tìm kiếm vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp, đang bận rộn với kịch bản buổi thử vai vô tình chạm mặt Sebastian (Ryan Gosling) – chàng nhạc công dương cầm nhạc jazz cổ điển. Họ chào nhau bằng những tiếng còi xe giận dữ. Đêm đó, trở về nhà sau buổi thử vai thất bại, trong căn phòng đầy những poster “Lilies of the Field” và “The Black Cat”, Mia mơ về một ngày đứng giữa sân khấu. Giữa những nốt nhạc vui tươi của “Someone in the Crowd”, Mia trong chiếc đầm xanh thấy mình lạc lõng giữa đám đông, và trong những nốt nhạc trầm và sâu lắng khác hẳn mọi người, cô tự hỏi bản thân liệu ước mơ nghệ thuật có đáng theo đuổi.

Buộc phải đi bộ về nhà, Mia tình cờ bước qua bức tường đầy chân dung những ngôi sao Hollywood, để rồi bị thu hút bởi tiếng piano từ một nhà hàng gần đấy. Cô bước vào và nhìn thấy Sebastian đang chơi thứ nhạc jazz bằng chính tình yêu và đam mê của anh, bản nhạc “Mia and Sebastian’s Theme” da diết, đượm buồn như lời tự sự của cả hai con người mang tâm hồn hoài cổ. Anh cũng lạc lõng giữa những con người từ lâu đã không còn nhớ, không còn muốn nghe thứ nhạc jazz chứa đựng lịch sử. Bản thân Mia tìm được sự đồng điệu ở Seb, nhưng chính Seb lại lạnh lùng bước đi.

Đông qua, xuân đến. Mia duyên dáng trong chiếc đầm vàng rực rỡ tình cờ lại thấy Seb đang chơi trong một ban nhạc pop phong cách thập niên 80 tại một buổi tiệc ngoài trời. Mia vẫn chưa quên được buổi tối mùa đông đó, cô trêu đùa Seb khi yêu cầu anh đệm nhạc ca khúc “I Ran (So Far Away)” và khi cả hai cùng tản bộ với nhau xuống một ngọn đồi, họ tìm cách chối bỏ “mối liên kết” giữa họ, cả hai ghét nhau bởi họ đã phải lòng nhau rồi… Dưới khung cảnh thơ mộng của một buổi tối chạng vạng, cả hai trêu đùa, ca hát và nhảy múa tap-dance như một cặp đôi vàng trên màn ảnh thập niên 50. Với tiết tấu giai điệu “A Lovely Night”, chuyện tình của Seb và Mia đã bắt đầu như thế.

Một ngày, Seb tìm đến chỗ làm của Mia, và được nghe tâm sự về đam mê điện ảnh của cô và đưa cô tới một quán bar nhạc jazz. Dưới nền ca khúc jazz cổ điển “Herman’s Habit” từ tiếng piano quyến rũ, cùng nhịp trống rộn ràng, nhịp trầm của contrabass và tiếng trumpet vui tươi, Seb đã kể cho Mia lịch sử nhạc jazz cùng niềm đam mê cháy bỏng và bất tận của anh về nó. Ước mơ được có cho riêng mình một quán bar, ngọn lửa nhiệt huyết của Seb đã tiếp thêm sức mạnh cho Mia tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Khi ca khúc chủ đạo “City of Stars” lần đầu vang lên, đó không phải là lời chất vấn bản thân của Seb mà còn nỗi lòng của những người như anh. Tại thành phố của các vì sao, có bao nhiêu ước mơ trở thành hiện thực, bao nhiêu mơ ước phải bỏ dở ngang chừng?

Một sự cố nhỏ ở đêm hẹn tại rạp Rialto khi xem “Rebel Without a Cause” đã tạo cơ hội cho Mia và Seb đến đài thiên văn Griffin, với nền nhạc “Planetarium” lãng mạn và điệu waltz, cả hai đã thoát khỏi hiện thực để tiến vào một khung cảnh siêu thực, cùng nhau bay bổng giữa các vì sao. Tình yêu của họ đã chắp cánh rồi nâng bổng họ lên không trung, ước nguyện tìm được một người đưa cô lên khỏi mặt đất của Mia đã được tác thành. Khung cảnh cùng giai điệu này sẽ là khoảnh khắc trường tồn mãi trong tình yêu.

Và hạ sang, tình yêu của Mia và Seb được tỏa sáng rực rỡ dưới cái nắng hè cũng như dưới giai điệu jazz đầy sức sống “Summer Montage/Madeline” và chiếc đầm xanh lục của Mia. Giai điệu “City of Stars” được sử dụng nhiều lần trong các ca khúc nhưng không gây nhàm chán, ngược lại, mỗi khi giai điệu vang lên cũng chính là điểm nhấn trong câu chuyện tình yêu của Mia và Seb. Họ cùng nhau hoàn thành lời ca khúc của mình và ước mơ được ở bên nhau với “City of Stars”, mơ ước mà những cặp đôi yêu nhau hằng mong muốn, ước muốn tình yêu của họ là mãi mãi.

Nhưng đối với những kẻ khờ mộng mơ, thực tế lại là rào cản lớn nhất với họ. Seb tôn thờ nhạc jazz trong khi người đời quay lưng lại, ngay cả chính Seb cũng nói ở Hollywood, “họ tôn thờ mọi thứ và không xem trọng thứ gì”. Còn Mia lần lượt thất bại với các buổi thử vai. Cả hai đều những người trẻ đầy tài năng và đam mê, Mia nghỉ việc làm tại tiệm café để viết cho riêng mình một vở kịch độc thoại, câu chuyện “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh” đặt Seb trong tình huống khó, anh miễn cưỡng nhận lời tham gia một ban nhạc pop-jazz khi anh khao khát được chơi nhạc jazz thuần khiết. Giọng ca đầy nội lực của Keith (John Legend) với ca khúc “Start a Fire” tại buổi hòa nhạc lột tả tâm trạng của Seb, anh lạc lối giữa dòng đời thực tế với đam mê thuần khiết của bản thân anh. 

Tình yêu của Mia và Seb được thử thách khi Seb dường như không thoát được những tour diễn liên tục để trở về chính anh, còn Mia một lần nữa thất bại khi vở kịch của cô không được đón nhận. Và khi thu sang dưới giai điệu “Engagement Party” ảm đạm và đượm buồn, cả hai phải trả lời cho câu hỏi sẽ mãi thay đổi cuộc đời họ. Ca khúc “Audition (The Fools Who Dream)” chính là lời mà Mia gửi cho chính mình và Seb cũng như “gửi tới kẻ khờ mộng mơ, hãy cứ khờ dại mặc kệ người đời, gửi tới những trái tim vụn vỡ, gửi tới những lỗi lầm đã qua…”. Mia thật sự bùng nổ và trải lòng mình bằng tất cả những gì cô đã trải qua (với Emma Stone, đây có lẽ là phân cảnh hay nhất sẽ đem về cho cô đề cử các giải thưởng lớn nhỏ). Cuộc đời sẽ thử thách và đánh đổi tất cả, nhưng với những kẻ khờ mộng mơ hãy tiếp tục mơ ước đi, điên rồ đi, theo đuổi đam mê và yêu một cách cuồng nhiệt, vì nếu không, cả nhân loại sẽ thiếu vắng sự lãng mạn và sự mộng mơ để cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn với Mia và Seb, giờ là lúc lựa chọn giữa tình yêu và đam mê…

Mùa đông lại về, nhưng là mùa đông của 5 năm sau, Mia giờ đã trở thành một diễn viên thành công và có cho mình một gia đình nhỏ, Sebastian giờ đã làm chủ một hộp đêm nhạc jazz. Cả hai vô tình nhìn thấy lại nhau trong Seb’s – cái tên mà Mia lựa chọn cho quán bar trước đây thay vì “Chicken on the Stick”. Và Seb đã để “Epilogue” thay họ trò chuyện, cũng như cái tên kết phim của chính nó, “Epilogue” là sự kết hợp một cách tài tình tất cả giai điệu trước đây với nhau. Mở đầu bằng “Mia and Sebastian’s Theme” rồi “Planetarium”, “Audition (The Fools Who Dream)” và “Another Day of Sun” thay nhau kể câu chuyện tình yêu giữa Mia và Seb bằng chính sự tưởng tượng của họ nếu như họ đã lựa chọn khác, để rồi giữa bài là tiếng kèn trumpet đầy nội lực và ám ảnh và trở về giai điệu “Planetarium” một lần nữa khi họ tiếp tục theo đuổi ước mơ nhưng cũng đồng thời lập gia đình với nhau… Họ lại khiêu vũ một lần giữa “City of Stars” rồi nhẹ nhàng và sâu lắng kết thúc với “Mia and Sebastian’s Theme”. Tất cả chính là những lời nhắn nhủ của bộ phim tới những ai chưa yêu, đang yêu và đã yêu rằng có thể tình yêu sẽ tan vỡ, ước nguyện sẽ không thành, nhưng chính những khoảnh khắc trải qua cùng tình yêu và ước mơ đó sẽ là vĩnh cửu và sáng lấp lánh tựa như “thành phố những vì sao”.

Như lời tựa đã đề cập, La La Land có được một sự chỉn chu và toàn diện về kịch bản, diễn xuất, trang phục, tạo hình, ánh sáng, góc máy quay và âm nhạc. Tuy bản thân La La Land có thể không phải là tuyệt phẩm của nền điện ảnh, nhưng chắc chắn với “những kẻ khờ mộng mơ” đây chính là tuyệt phẩm làm riêng dành cho họ từ những con người mộng mơ và tài năng. Tiếng ngâm nga giai điệu “City of Stars” của Mia lần cuối được vang lên chắc hẳn sẽ còn ám ảnh người xem về với miền đất mộng mơ.