Lộc Phát: tốt nhưng không gây sốt
Tin điện ảnh · Phan Duy Văn ·
Trong loạt bài về phim Tết Việt, tôi đã dự đoán một sự chuyển mình của phim Việt. Và tôi kiểm nghiệm điều đó với Lộc Phát của đạo diễn Lê Bảo Trung.
Thời kì trước , vì lý do kinh phí và kỹ thuật còn hạn hẹp, phim thị trường Việt phải dựa vào những kịch bản hài “chọc lét” và bị mang tiếng “mì ăn liền”. Nhưng hôm nay, với sự đầu tư mạnh về kinh phí lẫn kỹ thuật, Lê Bảo Trung vẫn chọn cách “bình dân hóa” những gia vị đắt tiền mình được giao. Vì vậy, mà tôi gọi bộ phim của anh là món “mì có thịt”.
Bộ phim mở đầu bằng cảnh Lộc (Hiếu Hiền) bị Bình Minh truy sát. Sau đó mạch phim được quay lại quá khứ để giải thích cho khán giả. Hóa ra Lộc có hoàn cảnh vô cùng éo le: nợ nần chồng chất, con bệnh, mẹ già mù lòa. “Đã nghèo còn gặp cái eo”, Lộc bị lạc tay lái, bị dân chúng “hôi trái cây” khiến anh không còn đường về. Tuyệt vọng, anh đi ăn cắp chiếc xe cùng vali tiền của tên tội phạm do Bình Minh đóng.
Và rồi trong quá trình chạy trốn, Lộc cứu Mai (Đinh Ngọc Diệp thủ vai). Cô ta bị lừa tình, suýt nữa bị phẫu thuật lấy thận. Sau đó là Phát (Kiều Minh Tuấn), Tiền (Hoàng Sơn), Vui (Hoàng Yến Chibi) cùng “tham gia” vào hành trình chạy trốn.
Bộ phim diễn tả cảnh chạy trốn trên những cung đường gồ ghề. Và cảm tình của tôi với bộ phim cũng “nhấp nhổm” y hệt như vậy. Đang choáng ngợp vì sự đầu tư công phu vào kỹ xảo, hành động thì bị một pha dùng kỹ xảo vô cùng vụng về, vô lý làm hụt hẫng. Còn đang lâng lâng vì một vài đoạn diễn xuất ổn của diễn viên (Hiếu Hiền đặc biệt diễn hay), thì lại bị tụt cảm xúc vì những câu thoại không thể sến, vô lý, vô nghĩa hơn.
Khi đã bình tĩnh lại, tôi chỉ có thể kết luận: Lê Bảo Trung đã có rất nhiều nguyên liệu tốt, nhưng anh đã làm theo quán tính để tạo ra một thứ hương vị “cũ mèm không ai thèm”.
Hai điểm yếu đặc trưng nhất là sự yếu kém trong kịch bản và khâu lồng tiếng. Kịch bản đầy những lỗ hổng, những điểm vô lý, những nhân vật thừa thãi, những câu thoại “sến”. Ví dụ như tuyến 5 nhân vật chính, thực ra chỉ cần có 3 người : Lộc, Phát, Mai. Nếu Lê Bảo Trung đủ can đảm để phát triển bộ phim xung quanh ba người này, thì cơ hội để tạo dấu ấn cho khán giả sẽ tăng lên nhiều. Đặc biệt là Hiếu Hiền. Tôi cảm thấy rất tiếc, khi mà trong một bộ phim anh diễn đặc biệt tốt, lại không có một nhân vật đủ sâu, hay những lời thoại đủ hay để anh làm nên điểm nhấn của chính mình. Còn những điểm vô lý trong kịch bản thì… xin phép không kể ra để tránh làm mất hứng độc giả.
Điểm yếu thứ hai là khâu lồng tiếng. Bộ phim có kỹ xảo tốt, nhạc phim hay nhưng khâu lồng tiếng của diễn viên gây cảm giác “giả tạo”, làm mất đi mọi công sức của các khâu khác. Ví dụ cảnh rượt đuổi trong phim : dù camera đang quay đại cảnh, thì vẫn nghe rõ mồn một tiếng của các nhân vật cãi nhau.
Và điểm đáng tiếc nhất là Hoàng Yến Chibi lại bị lồng tiếng miền Nam. Theo dõi những clip hậu trường, chất giọng miền Bắc của cô diễn viên trẻ này không quá khó nghe, mà lại thể hiện rất tốt tính cách “trẻ trâu” của bà mẹ 18 tuổi trong phim. Nhưng Lê Bảo Trung, vì một lý do nào đó lại cho lồng tiếng Nam cho cô bé. Trong khi đó, Bình Minh vẫn thể hiện vai ác rất tốt bằng chất giọng… miền Bắc của mình.
Tôi xin kết lại bài viết bằng câu nói của nhân vật Phát : “Sống trên đời phải biết quan tâm nhau.” Với tất cả sự quan tâm của mình, tôi xin đánh giá bộ phim Lộc Phát 6.8/10 điểm (lục bát). Tôi cũng mong đạo diễn Trung có thể quan tâm đến chính mình và khán giả hơn để có đủ can đảm “đổi món” cho mâm cỗ phim Việt.