Money Monster và những thông điệp liên quan đến truyền thông đại chúng
Đánh giá phim · VLynd ·
Ra mắt không kèn không trống và chỉ đạt 6.6/10 trên IMDb, Money Monster khiến khán giả phải hoài nghi về sức hấp dẫn của nó, và đúng thế, bộ phim không quá xuất sắc nhưng để lại một vài thông điệp mà giới truyền thông phải suy ngẫm.
Ra mắt không kèn không trống và chỉ đạt 6.6/10 trên IMDb, Money Monster khiến khán giả phải hoài nghi về sức hấp dẫn của nó, và đúng thế, bộ phim không quá xuất sắc nhưng để lại một vài thông điệp mà giới truyền thông phải suy ngẫm.
Dưới sự thực hiện của nữ đạo diễn Jodie Foster, cùng biên kịch Jamie Linden, Alan DifFiore và các diễn viên gạo cội như người đàn bà đẹp Julia Roberts, George Clooney, Jack O’Connell, bộ phim Money Monster mang một màu sắc khác so với các bộ phim lấy đề tài về khủng bố. Khai thác lĩnh vực chứng khoán để lồng ghép vào truyền thông đại chúng, Money Monster xoay quanh tình huống người dẫn chương trình Lee Gates do George Clooney thủ vai (người dẫn dắt show trực tiếp, chuyên viên tư vấn cổ phiếu) phải xoay xở thế nào trước sự khủng bố của anh chàng Kyle Budwell khi bị mất trắng số tiền $60.000 cho đầu tư chứng khoán vào công ty IBIS do Gates kêu gọi, đồng hành cùng ông trong công cuộc đấu trí khó khăn này gồm có nữ đạo diễn Patty Fenn (đóng bởi Julia Roberts) và anh chàng quay phim Lenny (Lenny Venito). Song song đó là những nhân vật như nữ giám đốc truyền thông IBIS Diane Lester (Caitriona Balfe) và biên kịch chương trình Ron Sprecher (Christopher Denham) cố gắng làm rõ âm mưu thất thoát số tiền $800 triệu đầu tư chứng khoán của CEO Walt Camby (Dominic West).
Nội dung không quá phức tạp cho những ai không có kiến thức về chứng khoán vì nó tập trung khai thác cách mà truyền thông “dắt mũi” công chúng như thế nào, cũng như toàn bộ quá trình biển thủ một số tiền lớn nhưng lại được đổ cho lỗi thuật toán của máy tính. Bỏ qua một số “hạt sạn” trong logic, những thông điệp mà bộ phim Money Monster đáng để suy ngẫm. Với thông điệp thứ nhất, những gì bạn thấy trên truyền hình đều không phài là sự thật vì ngay cả người dẫn chương trình Lee Gates còn không thể chứng minh được điều ông nói là đúng hay thậm chí là nhớ những gì mà ông nói. Mở đầu bộ phim, khán giả chứng kiến một người dẫn chương trình am hiểu về chứng khoán, một thầy phù thuỷ có thể khiến giấc mơ chinh phục phố Wall của họ trở thành hiện thực chỉ bằng vài lời nói, vài cái chỉ tay trên những con số nhảy múa trên sóng truyền hình trực tiếp; tuy nhiên, đằng sau đó là cả một ê-kíp nhắc “tuồng”, lo cung cấp hết những phần thông tin mà ông chẳng thèm đọc qua mà chỉ tuỳ cơ ứng biến vì tự tin vào kinh nghiệm lâu năm của bản thân. Lee Gates chính là hiện thân của những gì mà khán giả MUỐN thấy trên truyền thông, đại diện cho phần lớn khán giả cũng như bao người dẫn chương trình truyền hình khác, họ vuốt ve đôi tay người xem bằng những lời nói phóng đại mà họ muốn nghe, họ tô hồng một sự thật xấu xí để những người thất bại vẫn có thể hả hê tự huyễn rằng lợi nhuận vẫn chảy về túi.
Đó cũng chính là thông điệp thứ hai mà bộ phim mang lại rằng khán giả ngày nay cần truyền thông dù họ có lên án truyền thông thậm tệ đến cỡ nào, khi Gates và Kyle bước đi trên phố để đến đài tưởng niệm, khán giả đã ùa ra ủng hộ cho hành động của Kyle, thậm chí có nhiều người còn bạo dạn bảo Kyle hãy cho nổ tung mọi thứ, dù trước đó chính họ là những người theo dõi kênh chứng khoán và hẳn là sau chuyện này kết thúc thì họ cũng không từ bỏ việc này dù thấy mặt trái. Chính xác hơn, khán giả đang chấp nhận và cần thiết việc bị dắt mũi bởi truyền thông, họ có thể thấy rõ ràng truyền thông không đáng tin cậy nhưng không thể dứt ra vì đây là con đường duy nhất có thể giúp họ đổi đời. Đó là một minh chứng cho thấy truyền thông có sự chi phối vào đời sống của con người. Truyền thông chính là kênh thông tin, cung cấp tin tức nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người. Chính vì thế, phần lớn kiến thức mà con người tiếp nhận hiện nay đều thông qua các kênh truyền thông nên nhân loại bị phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông đại chúng.
Và điều đó dẫn đến thông điệp thứ ba về giấc mộng phố Wall, nơi những con người tham vọng sẵn sàng đổ tiền của hết vào một canh bạc “được ăn cả ngã về không”. Họ cho rằng chứng khoán chính là một miếng bánh béo bở, tham gia chơi chứng khoán, họ được khoác lên mình một cái tên mỹ miều theo cách gọi của Gates và Walty là “nhà đầu tư”, chỉ khác ở chỗ những người CEO, lãnh đạo công ty là những nhà đầu tư khôn ngoan, nhà đầu tư thành công, còn ngược lại, những người mê muội đâm đầu vào chứng khoán dù có mất trắng thì vẫn là nhà đầu tư nhưng là một nhà đầu tư thất bại. Suy cho cùng, những kẻ có tiền vẫn luôn là kẻ chi phối, còn những người trắng tay thì mãi chỉ là “đồ ngốc” như lời cô bạn gái Molly không ngừng chỉ trích về anh người yêu đánh bom tội nghiệp.
Chính vì thế, mà bộ phim gián tiếp nêu lên thông điệp thứ tư về vụ lợi. Như đã nói ở trên, kẻ có tiền chính là kẻ chi phối và chính phủ trong phim hoàn toàn không có bất kỳ sự can thiệp nào vào việc thất thoát $800 triệu tiền đầu tư chứng khoán của người dân. Họ thật sự tin vào đó chỉ đơn giản là “lỗi thuật toán” chăng? Ắt hẳn, chỉ có trẻ con mới tin vào câu trả lời ngớ ngẩn đến thế, các nhà đầu tư khác cũng không tin nhưng có ai dám đứng ra lên tiếng một cách táo bạo như Kyle đáng thương đâu. Hơn nữa, rõ ràng trong tình huống cao trào nhất là Walty bị đánh bom (giả), Kyle bị bắn ngay giữa ngực thì cảnh sát chỉ chăm vào việc khống chế một cái xác đang co giật hơn là gọi xe cứu thương, còn một ông trùm tài chính gây chao đảo thị trường chứng khoán thì nhận được sự lo lắng ân cần.
Cuối cùng, thông điệp hay nhất chính là quyền lực nằm ở sau cánh gà, người không nhất thiết phải ra mặt mới là người chi phối và ở đây là đạo diễn Patty và cô giám đốc bị phản bội Diane. Ngay cả người đàn ông tự mãn nhất là Gates, vào giờ phút nguy hiểm thì không có Patty là ông chết chắc. Chính cô là người thực hiện việc câu giờ, lèo lái câu chuyện chứ chả phải chuyên gia đàm phán giỏi nhất-bị-từ-chối nào cả, và cô cũng là người chỉ đạo điều tra để lật tẩy trò bẩn thỉu của IBIS. Tất nhiên không thể không kể đến Diane, cô là minh chứng cho câu nói “Không gì đáng sợ bằng việc trả thù của một người phụ nữ bị phản bội”, nhờ những thông tin ít ỏi mà đầy giá trị cô đào bới được mà Patty và Gates có một cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục trên sóng truyền hình.
Tạm kết, Money Monster không phải là một bộ phim mang nặng tính hàn lâm hay hoàn toàn nghiêng về giải trí, mà nó là một bộ phim thiên về xã hội, về những vấn đề trong truyền thông đại chúng. Thật khó để nói Money Monster có thật sự là một hồi chuông cảnh tỉnh đại chúng không, vì ngay cả bộ phim cũng không thể giải quyết được điều này vì chỉ vài bữa sau, người ta cũng quên mất sự cố chứng khoán, cũng như quen bén anh Kyle tội nghiệp từng “rùm beng” trên một chương trình truyền hình trực tiếp, mà lại tiếp tục một giấc mơ mãi mãi không có thật.