Mùi Đu Đủ Xanh từ góc nhìn của ngôn ngữ điện ảnh
Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·
Bối cảnh, dàn cảnh và nghệ thuật quay dựng tạo nên thành công trong Mùi Đu Đủ Xanh. Hôm nay cũng chính là kỷ niệm 30 năm ngày công chiếu của phim.
Kéo xuống để xem tiếp
Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một nội dung mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Mùi Đu Đủ Xanh được còn chăm chút, tỉ mỉ trong cách truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, đẹp từ nhân vật, lời thoại cho đến những khung hình mang đậm chất thơ ca từ dàn cảnh đến dựng phim
1. Dàn cảnh, bối cảnh
Mùi Đu Đủ Xanh lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1950 nhưng toàn bộ tác phẩm đều được quay trên đất Pháp, trong một phim trường phục dựng tại Pháp. Cái khó và cũng là nỗi niềm băn khoăn của đạo diễn Trần Anh Hùng trong bộ phim này là làm sao bên cạnh việc dựng lại khung cảnh một Việt Nam xưa chân thực và gần gũi nhất thì còn phải truyền tải được hồn Việt vào trong từng nhịp phim. Những thước phim về cảnh sinh hoạt bên ngoài ngôi nhà của bà chủ, không gian nô nức, nhộn nhịp với những hàng quán của khu phố xưa, có quán kem, có tiệm hàng, tiệm sửa xe đạp… Tất cả đều được đạo diễn tái hiện lại một cách vô cùng sinh động và mang đầy nét bình dị, dân dã của đời sống lao động ngày thường.
Tuy vẫn còn bị hạn chế nhiều về chiều sâu cũng như chiều rộng trong không gian, song cũng phải dành một lời khen cùng một lòng cảm phục gửi đến người đạo diễn tài năng này khi những hình ảnh như căn nhà truyền thống, con phố Việt Nam đã được Trần Anh Hùng khắc họa một cách vô cùng gần gũi, chi tiết và tỉ mỉ nhất có thể. Đâu đó, ta có thể cảm nhận được không gian hoài niệm trong những ngôi nhà Việt cổ xưa, những nội thất gỗ, kiến trúc đậm chất Á Đông với những đồ trang trí bằng gốm sứ đẹp mặt. Bước vào khuôn viên ngôi nhà của bà chủ - nơi cô bé Mùi đang làm thuê, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp trong cách sống dân dã, bình dị nhưng cũng không kém phần tinh tế, trang nhã của người dân phố thị Sài gòn những năm 50.
Trước nhà là một khu vườn ngập tràn màu xanh của cây cối, cách sắp xếp khéo léo giữa những lu sành, chậu sứ kết hợp với ban công gỗ đỏ lạ mắt và mành tre che nắng đem lại vẻ đẹp thuần Việt hài hòa trong không gian sống. Ngôi nhà có cấu trúc hình chữ U với ba dãy nhà gồm khu bếp, khu nhà ngủ và gian nhà chính. Gian nhà chính gồm hai tầng, tầng trệt để tiếp khách, tầng thượng dùng để thờ cúng. Nhà được xây dựng với chất liệu chủ đạo là gỗ. Sàn lát gạch hoa màu nâu cánh gián. Các đồ nội thất trang trí trong nhà cũng có chất liệu cổ điển như gỗ, sứ, mành tre và màu chủ yếu là màu nâu trầm, nâu cánh gián, đen và trắng cũng được kết hợp rất hài hòa. Một phong cách xây nhà rất thân thuộc của con người Việt Nam đã được đạo diễn Trần Anh Hùng khai thác và dựng lại hết sức chân thực, sống động và mang lại được những xúc cảm về phố thị Việt Nam vô cùng mạnh mẽ cho người xem.
Trong bối cảnh thời Pháp thuộc, việc văn hóa phương Tây dần du nhập cũng như ảnh hưởng sâu đến đời sống văn hóa Việt Nam cũng được đạo diễn đưa vào một cách vô cùng tinh tế. Những món đồ trang trí nhỏ trong nhà cho đến ngôi nhà đậm chất Pháp của Khuyến. Đây là một ngôi nhà được xây dựng và bài trí theo phong cách phương Tây. Với màu vàng chủ đạo, ngôi nhà toát lên vẻ đẹp tươi tắn, hiện đại, sống động khác hẳn với vẻ hoài cổ, u buồn, trầm mặc của ngôi nhà bà chủ hàng tơ lụa trước đây.
Cách kết hợp các đồ nội thất trong nhà rất hài hòa đem đến một cảm quan dung dị về sự giao cảm giữa cổ điển và hiện đại, phương Đông và Phương Tây. Đồng thời vẻ đẹp đậm chất nghệ thuật của không gian sống cũng thể hiện một gu thẩm mỹ vô cùng tinh tế của chủ nhân ngôi nhà. Có lẽ, việc quay tại một trường quay ở Pháp trong những thước phim này lại là một lợi thế khi đạo diễn Trần Anh Hùng có thể dễ dàng kiểm soát chi tiết hơn, làm tăng giá trị đặc tả trong từng khung hình.
2. Quay phim và dựng phim
Điều đã làm nên sự ấn tượng và đặc biệt trong cách quay phim của Mùi Đu Đủ Xanh chính là việc đạo diễn Trần Anh Hùng đã sử dụng rất nhiều những cú máy dài (long take), những cú máy di chuyển ngang theo từng chuyển động của nhân vật. Qua đó, đạo diễn muốn người xem là những vị khán giả đứng từ bên ngoài và nhìn nhận toàn bộ những hành động, sự việc từ nhân vật bằng một ánh nhìn khách quan nhất. Những cú máy dài liên tiếp nối đuôi nhau cùng với việc chọn lựa góc quay vô cùng khéo léo của đạo diễn Trần Anh Hùng càng tạo nên sự nhẹ nhàng, sâu lắng trong nhịp phim. Nhờ có một mạch phim chậm rãi như thế mà bộ phim đã tái hiện lên được rõ nét không gian cuộc sống yên bình giữa lòng Sài Gòn.
Cũng từ đó, người xem thấy rõ được từng cử chỉ, hành động của các nhân vật trong phim cũng vô cùng chậm rãi, từ tốn, bình tĩnh như chính tính cách và số phận của những người phụ nữ trong gia đình: Bà chủ, bà Ty và cả Mùi. Những nhân vật nam trong phim cũng thế, cũng vô cùng điềm đạm, chậm rãi trong từng hành động của mình, song lại vô cùng đối lập nhau về tính chất công việc mà hai bên đang làm.
Bên cạnh đó, để tạo ra cho người xem một góc nhìn đa diện và khách quan nhất, trong phim còn sử dụng rất nhiều những mặt nạ khung hình. Không ít những khung cảnh chúng ta sẽ nhìn thấy nhân vật qua các khung cửa, từ cửa rào sắt đến cửa sổ trong nhà, ta như thông qua đó thấu hiểu hơn được một phần nào đó những xúc cảm thầm lặng đến từ những người phụ nữ bên trong căn nhà kia. Sự tinh tế trong việc chọn lựa các góc quay của đạo diễn Trần Anh Hùng còn thể hiện trong việc đạo diễn chọn những góc máy từ sau lưng để lấy nhân vật làm trung tâm.
Phân đoạn ông bà chủ ngồi nói chuyện cùng nhau, cảnh quay trung cảnh với góc máy luôn đặt đối diện có sự ngăn cách phía sau lưng của người còn lại như thể hiện chính sự ngăn cách, rào cản tiếng nói 9 trong gia đình của vợ chồng trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Điểm nhìn của khán giả còn được đạo diễn thông qua nhân vật Mùi trong phân cảnh Mùi lau dọn bàn thờ. Lúc này, góc máy thấp từ từ hướng lên phía bàn thờ vừa thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng trong truyền thống thờ cúng của người Việt Nam từ xưa, vừa khiến cho Mùi trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết. Nó còn như lột tả rõ nét thân phận thấp hèn của nhân vật Mùi cũng như khát khao vươn lên trước số phận của người phụ nữ Việt Nam thời xưa.
Sự linh hoạt trong cách chọn góc quay của đạo diễn Trần Anh Hùng giúp người xem có những điểm nhìn linh hoạt hơn bao giờ hết, lúc thì như một người đi đường quan sát mọi thứ một cách khách quan nhất, lúc thì lại đưa người xem trong cùng góc quay, hướng quay với nhân vật như đang ở cùng một điểm với họ và được trải qua những cảm nhận chân thật nhất từ nhân vật.
Điển hình như trong phân cảnh Mùi đang lau nhà, máy quay lúc này đặt thấp ngang tầm mắt. Hai đứa trẻ cùng một thế hệ nhưng lại mang những thân phận khác nhau và ngay sau đó là những góc máy đặc tả hình ảnh con ếch nhỏ bé giữa một thế giới tự nhiên rộng lớn mà ít khi chúng ta chú ý trong cuộc sống như thể hiện sự tương đồng với thân phận của Mùi, luôn mong muốn, khao khát được sống một cuộc đời tự do dù cho thân phận nhỏ bé như chú ếch kia, vẫn ung dung, hồn nhiên hòa mình vào thế giới bao la của tự nhiên.
[PHÂN TÍCH] Mùi Đu Đủ Xanh - Mùi, nét chấm phá mới hay vẫn là vòng lặp trong cuộc đời người phụ nữ
"...trao cho Mùi sự tôn trọng chính là nét chấm phá mới cho cuộc đời Mùi, song không một ai biết được nét chấm phá ấy sẽ mãi vẹn nguyên như vậy..."