[PHÂN TÍCH] Phim Độc Lập - Muốn yêu nhưng khó chiều
Góc Nghệ Thuật · PhanNguyenSangSang ·
Những điểm đáng kì vọng bên cạnh những thách thức đa diện từ dòng phim độc lập.
Dòng phim độc lập trong thị trường phim Việt hiện nay tuy không được xuất hiện, quảng bá quá rầm rộ, song vẫn âm thầm chiếm một vị thế nhất định và gặt hái được thành công đáng ghi nhận. Không đầu tư kinh phí khủng, không có sự hỗ trợ từ các kỹ xảo hiện đại nhưng phim độc lập từ lâu đã là một dòng chảy không thể thiếu ở các nền điện ảnh.
Phim độc lập chính là dòng phim mà cái tôi của tác giả, sự sáng tạo cùng những quan điểm, góc nhìn riêng biệt về nghệ thuật của từng cá nhân được thể hiện rõ nét nhất. Thế nhưng, như một “người thiếu nữ”, “rất yêu nhưng cũng khó chiều”, dù cũng có những cái hay, cái thú vị rất riêng, dòng phim cũng đầy rẫy những khó khăn, thử thách đối với những nhà làm phim độc lập. Vậy điều gì là thứ đã nuôi dưỡng dòng phim này mãi hiện hữu trong điện ảnh, đâu là những thách thức khó nhằn nhất đến từ dòng phim này? Cùng tìm hiểu nhé!
Nói về lý thuyết định nghĩa một chút, theo các nhà chuyên môn tìm hiểu về điện ảnh, khái niệm "phim độc lập" được ra đời ở Mỹ, chỉ những bộ phim được sản xuất bởi những nhà làm phim cá nhân về cả vốn làm phim và công cuộc quay dựng. Những nhà làm phim độc lập thường là những người làm điện ảnh trẻ, kinh phí đầu tư cho phim cũng ở mức thấp, không quan tâm nhiều đến mục đích thương mại. Mà chủ yếu tập trung, đề cập đến những vấn đề xã hội và hơn cả là khai thác, tìm tòi góc nhìn, giá trị nghệ thuật mang dấu ấn riêng biệt của từng cá nhân trong mỗi tác phẩm.
Dòng phim độc lập ở Việt Nam có thể nói là đã gặp hái được khá nhiều những thành công nhất định khi liên tiếp những tác phẩm thuộc dòng phim này đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ từ các liên hoan Quốc tế. Cái tên sáng giá nhất đại diện cho những nhà làm phim có niềm đam mê mãnh liệt với dòng phim này là đạo diễn Trần Anh Hùng, những bộ phim của anh đã tạo được tiếng vang lớn tại các Liên hoan Quốc tế như từng giành giải ở LHP Cannes, Venice, thậm chí Mùi Đu Đủ Xanh (1995) còn được đề cử giải Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất.
Tiếp nối bước chân đàn anh là thế hệ của các đạo diễn như Tony Bùi với Ba Mùa, Nguyễn Vũ Nghiêm Minh với Mùa Len Trâu cũng để lại những dấu ấn cá nhân nhất định trong lòng khán giả. Điện ảnh không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho nhu cầu giải trí của phần đông công chúng, điện ảnh còn mang sứ mệnh nêu lên tiếng nói chung của thời cuộc mà trong đó sự sáng tạo cá nhân là kim chỉ nam, còn nghệ thuật ẩn chứa bên trong là đích đến. Dòng phim độc lập hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí đó.
Điều mà dòng phim độc lập tại thị trường điện ảnh Việt đã mang lại cho các nhà làm phim nói riêng và công chúng nói chung chính là chỗ đứng khá vững chắc đã được công nhận bằng những giải thưởng. Trước đây dòng phim độc lập mặc dù oanh tạc rất dữ dội tại các liên hoan phim Quốc tế nhưng khi về Việt Nam lại không được đón nhận quá nồng nhiệt từ khán giả quê nhà.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều đấy cũng đã được cải thiện khá đáng kể khi dòng phim này đã và đang từng bước tiếp cận và để lại sự “thú vị” nhất định trong lòng khán giả Việt. Một vài điển hình có thể kể đến như sự thành công bất ngờ về mặt thương mại từ Ròm. Bộ phim của đạo diễn Trần Thanh Huy là minh chứng tiêu biểu nhất cho những tín hiệu tích cực đến từ dòng phim này. Nói như đạo diễn Trần Thanh Huy từng chia sẻ, chẳng có niềm vui nào to lớn bằng việc chứng kiến phim của mình được khán giả quê hương đón nhận, đó mới chính là điều hạnh phúc không gì sánh bằng của các nhà làm phim.
Bên cạnh sự chuyển mình dần đến từ việc tiếp cận công chúng, thách thức lớn nhất của dòng phim độc lập có thể kể đến chính là mặt kinh phí đầu tư. Dù biết là dòng phim này phần lớn chú trọng về mặt khai thác những giá trị cốt lõi về mặt nội dung và nghệ thuật, kinh phí sản xuất cũng không phải con số thuộc hàng khủng như các bộ phim thị trường, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đây là con số nhỏ. Các nhà làm phim đa phần đều là những người trẻ có một tình yêu bất diệt với điện ảnh, tự mình chèo chống mũi tàu nên đa phần cũng gặp rất nhiều những khó khăn về mặt kinh phí sản xuất.
Cùng với đó, do đặt nặng tính nghệ thuật trong giá trị của tác phẩm, phần lớn phim độc lập thường đánh mạnh về mảng hình ảnh ẩn dụ, nghệ thuật được sắp xếp trong từng phân đoạn. Thế nên không khó tránh khỏi việc tiếp cận đến thị hiếu khán giả cũng khó khăn hơn. Phần người xem cảm thấy khó hiểu hoặc hiểu không tới. Phần thì góc nhìn khán giả Việt thường gay gắt hơn với những vấn đề nhạy cảm trong xã hội hoặc những cảnh quay, hình ảnh mang tính đặc tả chân thực nhất, là dụng ý của nhà làm phim, song qua ánh nhìn phiến diện, thiếu khách quan của một bộ phận khán giả bỗng trở thành rỗng tuếch, thô thiển.
Đấy cũng là một trong những lý do lý giải cho câu hỏi vì sao phim Việt thắng giải ở nước ngoài nhiều nhưng khi đưa về Việt Nam lại trở nên “không đáng xem”, “dở” trong cảm quan “chưa đến nơi đến chốn” của một bộ phận nhỏ khán giả.
Công bằng mà nói, nền điện ảnh Việt Nam hiện nay hình như đang dần vắng bóng những bộ phim nhà nước (phim truyện) như một sự đào thải tự nhiên từ thị hiếu. Phim tư nhân, phim thương mại gần như đang chiếm lĩnh đa phần thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, đứa con bị lãng quên là phim độc lập lại đang chính là đại diện tiêu biểu nhất cho “tiếng nói” của điện ảnh nước nhà trên thị trường quốc tế thông qua các nỗ lực không mệt mỏi từ các nhà làm phim dám dấn thân.
Hy vọng các nhà làm phim trẻ trong tương lai sẽ có những sự sáng tạo vượt trội, tiếp bước, học hỏi những thành công từ các tiền bối để đưa dòng phim độc lập trong tương lai sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó thu hút được nhiều hơn những sự quan tâm và đầu tư từ trong và ngoài nước. Và đặc biệt hơn cả là mở mang tầm nhìn, sự bình phẩm, đánh giá phim một cách khách quan hơn của khán giả Việt Nam trên phương diện nội dung và giá trị nghệ thuật thực thụ mà một tác phẩm phim ảnh có thể mang lại.