Những điều bạn cần biết về Ghost in the Shell
Tin điện ảnh · Tori Quách ·
Ghost in the Shell là một tựa anime nổi tiếng thế giới vào những năm 90 và đến ngày nay nó đã được Hollywood (hãng Paramount) chuyển thể thành một bom tấn live-action (hi vọng là phim không tệ) với ngôi sao chính của phim là nàng Black Widow Scarlett Johansson.
Ghost in the Shell là một tựa anime nổi tiếng thế giới vào những năm 90 và đến ngày nay nó đã được Hollywood (hãng Paramount) chuyển thể thành một bom tấn live-action (hi vọng là phim không tệ) với ngôi sao chính của phim là nàng Black Widow Scarlett Johansson.
Cho những ai chưa biết, series Ghost in the Shell khai phá ý nghĩa của việc làm người. Khi bạn có thể sao chép ý thức của mình vào một cơ thể khác, vậy thì lúc nào bạn mới ngưng làm người? Có phải cơ thể hay tâm trí hoặc cả hai điều ấy chính là thứ quyết định con người bạn? Ngoài ra, trong thế giới của Ghost in the Shell, đa phần loài người đã cấy ghép những bộ phận máy móc vào cơ thể của mình, có nhiều người thậm chí còn chuyển hóa hoàn toàn thành người máy và điều đó khiến cho não của họ rất dễ bị xâm phạm bởi các hacker – một điều rõ ràng tồi tệ hơn rất nhiều so với vụ một hãng phim có một bộ phim hài về Bắc Triều Tiên bị hack nhỉ!?
Và để chào đón bom tấn sắp tới này, hãy cùng Moveek khám phá sơ lược về tên tuổi Ghost in the Shell nhé!
- Ghost là gì?
Trong phim, bạn sẽ nghe được thuật ngữ “Ghost” được sử dụng rất nhiều lần vì trong tương lai xa ở trong phim, từ “ghost” được dùng để miêu tả ý thức hoặc linh hồn của một người. Trong thời đại mà con người, người máy (cyborg – người kết hợp với máy móc) và robot (hoàn toàn là máy móc) cùng chung sống, một “ghost” là thứ mang lại cho mỗi thực thể tính chất cá nhân của họ, bất kể họ đã được cấy ghép bao nhiêu phần máy móc.
- Series anime có nhiều phiên bản khác nhau
Nếu bạn cảm thấy khó nhằn khi tìm điểm khởi đầu để thưởng thức Ghost in the Shell, đừng lo. Nguyên nhân tuyệt tác của Masmune Shirow không thể thâm nhập là vì có nhiều phiên bản khác nhau kể từ khi xuất hiện dưới dạng truyện tranh xuất bản giữa 1989 và 1997. Bộ truyện đã gây được tiếng vang, nhưng nơi Ghost in the Shell thật sự bắt đầu vinh quang tại Nhật và những nơi khác, là bản chuyển thể anime chiếu rạp năm 1995 của Mamoru Oshii. Và rồi lại có thêm một phần khác tiếp nối bộ anime đó. Và một bản remake. Tiếp theo, mọi thứ được reboot lại với series anime Stand Alone Complex. Tiếp đến là những bộ phim dựa theo series ấy, và sau đó cả dòng phim lại bị reboot lần nữa với series Arise, series mà đưa Major Motoko Kusanagi và đội cảnh sát tương lai của cô vào một bối cảnh hoàn toàn khác.
- Một tượng đài triết lý
Mọi phiên bản của Ghost in the Shell đều có ít nhiều những cảnh hành động tuyệt hảo, ví dụ đáng nhớ nhất là phân đoạn đỉnh điểm của phần phim gốc. Đây có lẽ là tiềm năng khiến DreamWorks (và hiện tại là Paramount) để mắt đến, và việc được chiêm ngưỡng những phân cảnh ấy ở dạng live-action hẳn sẽ rất mãn nhãn. Nhưng cốt lõi của Ghost in the Shell lại là một cái nhìn rất triết lý về tương lai khả dĩ của nhân loại. Phần anime Innocence là một minh chứng. Thay vì chú trọng vào mảng hành động, phần phim này lại cân nhắc kỹ lưỡng khái niệm ý thức khi con người rời bỏ thể xác vật lý của họ và máy móc bắt đầu có khả năng tự nhận thức. Trong thời buổi smartphone, mạng xã hội và thế giới siêu kết nối mà chúng ta đang cư ngụ thì đây quả thực là một chủ đề hợp thời. Series này đã luôn tiến triển tốt với những vấn đề đương đại (internet, thực tế ảo, hacking, virus,…) mà vốn là điều hấp dẫn nhất.
- Là nguồn cảm hứng cho The Matrix
Nếu những chủ đề hay sự trầm ngâm triết lý trên trông có vẻ quen thuộc thì đó là vì Hollywood đã sử dụng chúng hàng năm trời tính đến thời điểm hiện tại. Avatar của James Cameron, AI: Artificial Intelligence của Steven Spielberg, và Surrogates của Jonathan Mostow đều “mượn” ý tưởng về danh tính và công nghệ mà Ghost in the Shell đã khai phá, nhưng người mượn ý tưởng nhiều nhất là cặp chị em đạo diễn chuyển giới Wachowskis. Khi The Matrix xuất hiện trên các rạp vào năm 1999, bộ phim đã mang đến một cuộc cách mạng trong dòng phim hành động. Khán giả chưa từng xem bất kỳ thứ gì như thế trước đó. À, là đa phần khán giả. Phần phim đầu tiên, và cả bộ ba phim, là một con quái vật Frankestein chắp vá từ nhiều tầm ảnh hưởng khác nhau: phim võ thuật Hồng Kông, những triết lý của thế kỷ 20, những câu chuyện Phillip K. Dick. Tuy nhiên, Ghost in the Shell mới chính là nguồn nguyên liệu chính mà họ lấy ý tưởng (bên cạnh đầu truyện The Invisibles của Grant Morrison). Thế giới ảo, cách mà họ kết nối vào nó, và tranh luận mang tính triết lý xoay quanh thực tại tưởng tượng và sự thống trị máy móc của loài người? Mọi thứ trong The Matrix đều đã được khai thác trước bởi Shirow và Oshii.
- Có rất nhiều cảnh khoả thân
Một phần lý do mà cộng đồng mạng hào hứng khi nghe tin casting của Johansson trong Ghost in the Shell là vì họ đã nhận ra mật độ cảnh khoả thân xuất hiện trong series anime. Khoả thân là một phần của anime và manga, đôi khi tốt, đôi khi xấu (thường là xấu). Trong trường hợp của Ghost in the Shell, sự tranh cãi về mật độ thời gian mà nhân vật Major khoác bộ áo sơ sinh trên người được dập tắt với lý do cô ta là một robot. Cô ấy không quan tâm, không có những cảm xúc như xấu hổ, nhục nhã, và không bị chi phối bởi thứ được gọi là “thuần phong mĩ tục”. Cô ấy có một nhiệm vụ và cô ấy sẽ lao đầu vào nó ngay, thậm chí khi cô đang mặc một bộ đồ bơi ở giữa những làn đạn. Cách mà Hollywood chuyển thể chi tiết này vẫn còn là một bí ẩn.
- Nội dung của phiên bản Hollywood
Một trong những điều mà người hâm mộ tò mò nhất về phiên bản điện ảnh của Hollywood sắp tới là bộ phim sẽ chuyển thể phần truyện nào của thương hiệu đến từ Nhật Bản này. Về vấn đề này, nhà sản xuất Avi Arad đã trả lời với trang Collider rằng:
“Chúng tôi không làm về Puppetmaster. Cũng không phải là Laughing Man. Phim sẽ liên quan đến Kuze. Câu chuyện về Kuze. Điều quan trọng mà chúng tôi đang tiến hành là rằng chúng tôi không nhất thiết phải thực hiện một câu chuyện nguyên bản, nhưng chúng tôi sẽ định nghĩa danh tính của cô ấy và giải quyết cách mà cô ấy khẳng định bản thân trong những chuỗi ký ức. Đó là một trong những bức phá chính của cốt truyện. Được dựa trên tập Affection trong Second Gig, bộ phim sẽ là sự hòa trộn của những chi tiết ấy.”
- CGI hay tính chân thực?
Tuy CGI rất tuyệt và giúp ích rất nhiều trong điện ảnh, nhưng đạo diễn Rupert Sanders lại khá kiên quyết trong việc tạo hậu trường thực tiễn và giữ độ chân thật cho bộ phim. Arad đã nói rằng:
“Rupert đã rất quyết đoán về việc giữ cảm giác thực của bộ phim. Đó là lý do vì sao anh ấy cứ khăng khăng trong việc cho dựng gần như mọi cảnh. Đoàn phim đã thật sự kinh ngạc khi phải xây dựng từng cảnh hậu trường và tháo dỡ chúng để xây một cảnh khác.”
- Ký ức của Major
Một trong những điều chưa được khai thác hoàn toàn trong các bộ anime là câu hỏi liệu ký ức của Major là thật hay không. Và đây sẽ là điều mà phiên bản Hollywood phải đầu tư nhiều hơn. Arad cho biết rằng đoàn phim sẽ làm hết sức để khiến cô tự vấn bản thân mình ở mức xông xáo nhất. Dựa vào đoạn đối thoại trong thang máy về “Làm sao tôi biết những thứ này là ký ức của tôi?”, đây là một câu hỏi lớn và cô ấy sẽ chật vật với nó trong xuyên suốt bộ phim.
Các bạn có hẹn với Thiếu tá vào ngày 31/03 này.