Ninja Rùa 2 – Khởi động hoàn hảo cho hè này
Tin điện ảnh · thaotk ·
Fan 8x, đời đầu 9x và các em nhỏ đâu hết rồi? Nếu là Fan thì bỏ qua phần nội dung đơn giản của bộ phim đi vì bộ tứ ninja rùa lần này đã trở lại với kỹ xảo hoành tráng hơn, mãn nhãn hơn và kích thích hơn. Những cảnh quay phải nói cực kỳ đẹp mắt, cùng hiệu ứng 3D khiến cho những gì diễn ra trong màn ảnh trở nên rất sống động.
Fan 8x, đời đầu 9x và các em nhỏ đâu hết rồi? Nếu là Fan thì bỏ qua phần nội dung đơn giản của bộ phim đi vì bộ tứ ninja rùa lần này đã trở lại với kỹ xảo hoành tráng hơn, mãn nhãn hơn và kích thích hơn. Những cảnh quay phải nói cực kỳ đẹp mắt, cùng hiệu ứng 3D khiến cho những gì diễn ra trong màn ảnh trở nên rất sống động.
Bốn chú rùa, 4 màu sắc khác nhau và tính khí của mỗi người đều được thể hiện rõ qua CGI, nhưng dường như do phim hơi bị nhồi nhét nhiều nhân vật để câu Fan và để cho hoành tráng hơn nên phần diễn biến tâm lý và nội tâm của từng chú rùa chỉ được thể hiện ở một chừng mực nào đó, không được khắc họa sâu. Đây cũng là điểm chung của những bộ phim chú trọng vào kỹ xảo hoành tráng gần đây, và đương nhiên bạn phải nhớ đó là phim gắn mác của anh Bảy nhà ta (Michael Bay). Vấn đề này cũng dẫn đến những kẻ xấu thì xấu quá nhiều và không tập trung để tạo dựng một hình tượng nhất định, không đủ chất và ấn tượng cho người xem.
Mặc dù Krang là trùm chính nhưng vai phản diện nổi trội phải nói là cặp đôi Bebop và Rocksteady. Hai nhân vật này tạo ấn tượng cho người xem bởi những trò ngu ngốc và gàn dở của chúng gần giống như truyện gốc. Lợn và Tê Giác, cặp đôi phải gọi là không có não, ngốc nghếch chỉ biết đi theo Shredder kẻ xấu mà bọn chúng hâm mộ, làm bất kỳ những gì hắn sai khiến cùng với bản chất của mình 2 nhân vật này đã tạo nên nhiều tiếng cười cho khán giả. Mặc dù vậy, hai nhân vật này vẫn chưa được khai thác triệt để về sự hài hước và ngốc nghếch của mình, nếu khai thác được 2 bản chất này của chúng thì chắc chắn bộ phim sẽ tuyệt hơn nữa. Ai mong muốn được thấy Shredder thể hiện kỹ năng hay có những pha giao đấu tuyệt vời với anh em nhà rùa thì chắc chắn sẽ thất vọng, còn lý do như thế nào thì để mọi người xem phim sẽ biết nhé.
Trong phần này, cũng như những phim khác, truyện, hay bản hoạt hình của Ninja Rùa thì phần bất đồng quan điểm và xích mích giữa 4 anh em rùa vẫn được xoáy sâu. Chúng ta sẽ thấy 4 anh em nhưng mỗi người một tính khí, mỗi người một quan điểm, ví dụ như Michelangelo lúc nào cũng muốn trở thành người để vui chơi và hòa nhập với thế giới; Raphael thì lúc nào cũng nóng tính, vội vàng và thiếu suy nghĩ trong hành động; Leonardo thì là một lãnh đạo khó khăn, bảo thủ; Donatello suốt ngày cấm đầu vào máy tính và công nghệ. Vì những bất đồng mà biết bao lần họ phải thất bại trước đối thủ của mình là Bebop và Rocksteady. Anh em Bebop và Rocksteady mặc dù không chung huyết thống hay anh em ruột nhưng bọn họ lại thân nhau như anh em, có gàn dở, bạo lực với nhau nhưng khi hành động đều chung sức với nhau và đánh bại anh em nhà rùa nhiều lần. Đây là một sự đối lập hay của bộ phim, và khi anh em nhà rùa nhận ra được điều đó cùng đồng lòng với nhau sẽ giải quyết được mọi chuyện: “ Một người vì mọi người, mọi người vì một người”.
Chị "Cáo" Megan Fox vẫn rất xinh, và mỗi lần xuất hiện chắc chắn bạn sẽ ấn tượng về nhân vật này. Casey Jones thì không bụi bậm, hay để tóc dài như những phiên bản trước, lần này qua sự thể hiện của Stephen Amell đã trở thành một anh chàng thích truy bắt tội phạm, điển trai, sáng sủa, vui tính và có hơi tí tăng động một chút. Will Arnett vẫn như phần trước, xuất hiện với vai anh chàng hậu đậu Vernon Fenwick, chuyên gia gây cười của phim.
Leonardo, là thủ lĩnh của nhóm rùa nhưng vẫn chưa thể hiện được cái chất là một vị lãnh đạo ấy, chắc cũng bởi vì lý do mà mình đã nêu trên, phim có quá nhiều nhân vật và chuyển cảnh khá nhanh, không tập trung nhiều để khai thác sâu vào hình tượng của mỗi nhân vật. Sư phụ Splinter lần này cũng xuất hiện mập mờ, không ấn tượng như phần 1.
Điểm thất vọng lớn nhất của phim đó chính là mảng hành động. Thật sự phải nói, ngay lúc đầu khi nghe nhà sản xuất nói sẽ giảm bớt nhiều những cảnh hành động và bạo lực của bộ phim để đến gần với nhiều khán giả và độ tuổi hơn. Mình nghĩ, “ủa, bình thường mà, cũng đâu có gì mà giảm bớt?”. Nhưng đúng như vậy, hầu như trên phim khán giả sẽ phải trố mắt và mãn nhãn với những pha hành động hoành tráng, đẹp mắt nhưng những cảnh đánh đấm, dùng võ thuật hay kỹ năng của 4 anh em rùa đều ít cực kỳ. Những chiêu thức, hay đánh đấm cực chất như phần 1 sẽ không có trong phần 2. Kỹ năng sử dụng vũ khí của từng chú rùa cũng không được thể hiện. Đoạn phim hay nhất phải là đoạn đối đầu của 4 anh em rùa với cặp đôi Bebop và Rocksteady, từ trên máy bay xuống đến dòng thác nước cực mạnh. Nhưng vì lý do chất bạo lực trong hành động bị giảm xuống nên vẫn không đã và không thật như đoạn rượt đuổi trên tuyết ở phần 1. Màn đánh trùm cuối cũng chưa đủ lôi cuốn, và diệt trùm dẽ dàng quá, Krang vẫn chưa thể hiện được gì nhiều. Shredder thì…chắc là bị dìm.
Về phần 3D, bạn nên đi xem 3D đi nhé, mọi hiệu ứng, cảnh trí và hành động sẽ cực kỳ đẹp và thích mắt hơn khi chỉ xem với định dạng 2D. Nhưng vẫn không sáng và đã mắt khiến bạn phải hú lên như phần 1.
Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows là một bộ phim giải trí với kỹ xảo hoành tráng, đã mắt, vui tươi đầy hài hước. Phim không dành cho những khán giả khó tính hay đòi hỏi một kịch bản khá hơn. Những thước phim tuy sôi động nhưng cũng có những giây phút trầm và chậm lại để tạo cảm xúc cho người xem. Bộ phim sẽ là một lựa chọn thích hợp cho khán giả, để mở màn cho mùa hè bom tấn năm nay.