Ocean’s 8 vs. Ocean’s 11 - Minh chứng rõ rệt cho bất bình đẳng giới trong Hollywood
Tin điện ảnh · VLynd ·
Cùng là một nội dung na ná nhau như bao bộ phim khác nhưng Ocean’s 8 vẫn có vài điểm nhấn nhất định hơn là dàn mỹ nam đình đám một thời của Hollywood.
Một điều khá hài hước giữa Hollywood hiện nay là càng kêu gọi bình đẳng giới, sự bất bình đẳng càng lộ rõ. Những bộ phim nổi tiếng do nam giới đóng chính được khai thác tiếp, làm lại hoặc xây dựng một phần spinoff như Ghostbuster (2016), Star Wars hậu truyện (2015, 2017) và Ocean’s 8 (2018). Nhưng có một điểm chung là hầu hết đều phải hứng chịu nhiều gạch đá dù bản thân các bộ phim này thật sự không quá tệ.
Là một khán giả nữ từng xem cả 2 bộ phim Ocean’s 11 (2001) và Ocean’s 8, người viết cảm thấy Ocean’s 8 thật sự ấn tượng hơn phiên bản nam giới. Theo đánh giá từ giới phê bình lẫn khán giả, Ocean’s 8 có phần thua thiệt hơn nhưng đừng quên, Ocean’s 11 từng được vắt sữa thêm 2 phần phim nữa khiến khán giả phát ngán và Ocean’s 8 đành hứng chịu những bất công đó.
Cùng một nội dung về thành viên trong gia đình Ocean tập hợp một băng nhóm trộm thứ gì đó giá trị để gây "ấn tượng" với tình cũ. Bên cạnh đó, cả 2 đều có diễn biến, tiết tấu khá tương đồng nhưng Ocean’s 8 vẫn có nhiều chi tiết giúp bộ phim trở nên hấp dẫn hơn.
Thoạt nhìn, cứ tưởng kế hoạch trộm nữ trang kim cương của hội chị em có vẻ dễ dàng hơn là cướp $150 triệu tiền mặt dưới căn hầm được bảo mật tối tân nhưng đừng quên, chiếc vòng cổ mà họ định cướp cũng có giá $150 triệu, được canh gác 24/24 và hơn hết, nó là một món đồ quý hiếm. Tiền mất thì có thể đổ đầy sau, nhưng một sợi dây chuyền bị chia năm xẻ bảy liệu sẽ có món thứ 2 tinh tế được như thế? Chưa kể ở đoạn kết, các chị thâu tóm luôn toàn bộ món trang sức được trưng bày tại Met Gala thay vì chỉ thó mỗi sợi dây chuyền mong manh. Vậy kế hoạch của phe nào hấp dẫn hơn?
Là đàn ông, dĩ nhiên không thể thiếu những pha đánh đấm, sử dụng tới súng đạn, bom mìn. Tuy các nam tướng cướp của chúng ta trong Ocean’s 11 không quá lạm dụng yếu tố hành động để lấn át mưu mẹo nhưng hãy nhìn qua các chị nữ bên Ocean’s 8 xem, không một pha hạ gục bảo vệ bằng tay chân huống hồ chi đụng đến súng ống. Một màn trộm hoàn toàn nữ tính và quyến rũ, như một người nghệ sĩ thực thụ.
Phải chăng đó là chi tiết khiến người xem thất vọng ở bộ phim vì họ mong chờ một màn đối đầu giữa các chị đại như bao phim hành động khác? Bình đẳng giới không có nghĩa là các chị phải lao vào đấm như hùng hục như các anh. Cùng một vấn đề, nữ giới có một cách giải quyết duyên dáng, thanh lịch hơn nhưng trong mắt khán giả, điều này quá dễ dàng. Đừng quên lừa lọc là cả một nghệ thuật đấy và liệu có ai nghĩ một hội chị em váy áo thướt tha cả gan ra tay giữa một sự kiện hàng đầu nước Mỹ không?
Ocean’s 8 là một phim dành cho những tín đồ thời trang, những người yêu cái đẹp nên phần quần áo của các nữ diễn viên đều được đầu tư hết mức. Mỗi nhân vật đều khoác lên mình những bộ trang phục từ street style đến đầm dạ hội phù hợp với tính cách của riêng họ. Nổi bật trong đó là Lou của Cate Blanchett với phong cách nổi loạn, tomboy ăn đứt những chàng trai khác trong phim. Những bộ cánh hàng hiệu của họ đều được đầu tư kỹ lưỡng, phối cùng những món trang sức đầy cá tính hoặc sang trọng.
Bên cạnh đó, lối trang điểm làm tóc của các nhân vật đều có thể là nguồn cảm hứng cho hội mê làm đẹp áp dụng. Còn các anh tướng cướp trong Ocean’s 11 thì sao? Toàn là những bộ vest nhàm chán hoặc đồ hành động bó sát. Băng cướp của Danny Ocean cũng lấy hình ảnh quý ông sang chảnh thế nhưng, về mặt thẩm mỹ lại thua xa băng cướp của cô em Debbie (Sandra Bullock). Các bạn có thể soi trang phục của Ocean’s 8 rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Trong thời đại bình đẳng giới, kêu gọi sự đa dạng trong phim ảnh, các nhân vật của Ocean’s 8 phản ánh rõ rệt sự đa dạng văn hoá. Ngoài những cô nàng da trắng, chúng ta còn có Amita (Mindy Kaling) – một thiếu nữ Ấn Độ luôn khao khát xa rời vòng tay gia đình nhưng vì định kiến, cô chỉ có thể làm điều đó khi kết hôn, nhân vật Constance của Awkwafina là một minh chứng cho thấy người Châu Á nhỏ con thấp bé nhưng không hề vô dụng chút nào mà trái lại, đó là một lợi thế để tránh điểm mù của camera...
Ocean’s 8 cũng đập tan những hình mẫu vốn được gán cho phái nữ, ai bảo một bà nội trợ không thể nổi loạn, không thể tham gia phi vụ hơn trăm triệu đô mà vẫn có thể chu toàn cho con? Và một ngôi sao kiêu kỳ luôn bị gắn mác “não tàn” nhưng thực tế, cô ấy phải toan tính thế nào chạm tới đỉnh cao của ngày hôm nay. Một sự khác biệt rõ rệt giữa Ocean’s 8 và Ocean’s 11, cánh đàn ông trong băng cướp của Debbie cũng đa dạng chủng tộc đấy, nhưng họ chẳng có vẻ gì là toát lên được đa dạng.
Quan trọng hơn hết là kế hoạch riêng của 2 anh em nhà Ocean. Nếu Danny chỉ đơn thuần muốn gây ấn tượng, đoạt lại người vợ cũ Tess từ tay ông trùm Terry Benedict, thì cô em Debbie lên một kế hoạch trả thù ngọt ngào sau 5 năm ở trong tù vì bị tình cũ chỉ điểm. Một kế hoạch hấp dẫn hơn chỉ đơn thuần là giành lại một người không còn muốn liên hệ gì với mình nữa. Bên cạnh đó, nạn nhân Daphne Kluger (Anne Hathaway) thú vị hơn nhiều so với ông trùm Terry kia. Daphne ban đầu là một ngôi sao kiêu kỳ, ngu ngốc nhưng hoá ra, cô nàng đoán được có một vụ trộm nhắm vào mình và âm thầm giúp nó diễn ra trót lọt hòng kiếm những người bạn thân.
Chốt lại, dù có bị phê phán như thế nào đi chăng nữa, Ocean’s 8 vẫn là một phim hấp dẫn hơn cả Ocean’s 11. Cùng là một nội dung na ná nhau như bao bộ phim khác như Ocean’s 8 vẫn có vài điểm nhấn nhất định hơn là dàn mỹ nam đình đám một thời của Hollywood.
Ocean's 8 hiện đang được công chiếu trên toàn quốc. Xem lịch chiếu tại đây.