[PHÂN TÍCH] Những điểm khiến Ống Kính Sát Nhân không đạt trọn 10 điểm chất lượng

Tin điện ảnh · Candice183 ·

Nhìn chung, Ống Kính Sát Nhân là một bộ phim không quá tệ, không đáng nhận về gạch đá nhưng đạo diễn nên giảm bớt những vấn đề to lớn khó có giải quyết để tập trung vào xử lý những chi tiết nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng để không khiến bộ phim bị mất điểm trong mắt người xem

Kéo xuống để xem tiếp

Ống Kính Sát Nhân là bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng lấy đề tài trinh thám, hình sự - một trong những thể loại phim ảnh được yêu thích nhất hiện nay và quy tụ các gương mặt nổi tiếng của làng giải trí Việt như: Hứa Vĩ Văn, Diễm My 9x, Khương Ngọc, Kinh Quốc... Nhưng có lẽ tài năng và đam mê là chưa đủ đối với một đạo diễn có tuổi nghề còn quá trẻ, kinh nghiệm còn khá ít để có thể dựng lên một tác phẩm có nội dung nặng kí như Ống Kính Sát Nhân.

Bộ phim có ý tưởng mới lạ, nội dung đầy lôi cuốn, thú vị, diễn xuất từ ổn đến tuyệt vời (đặc biệt là Khương Ngọc), bối cảnh, âm thanh và hình ảnh cũng được đầu tư hẳn hoi. Ấy thế mà cách xây dựng và dẫn dắt lại gặp nhiều vấn đề khiến bộ phim không thể truyền đạt những cái hay, thông điệp sâu xa mà nó chứa đựng. Vì thế mà Ống Kính Sát Nhân khó mà đạt trọn được điểm 10.

1. Xây dựng tính cách nhân vật và các mối quan hệ chưa làm khán giả thuyết phục

Thật ra ngoài nhân vật phản diện của Khương Ngọc ra thì các vai khác hầu như không có gì quá đặc biệt hay nổi bật cả. Thám tử K do Hứa Vĩ Văn thủ vai dù là nhân vật chính nhưng cũng khó làm khán giả thấu hiểu được. K có vẻ khá hời hợt, thích tự quyết định theo ý mình. Dù lỡ ra tay giết đồng nghiệp thì ngoài nằm mơ ám ảnh ra thì cũng không hề biểu lộ sự ân hận, hối lỗi nào quá, thậm chí còn không thấy liên lạc với gia đình chị này để tạ lỗi hay gì hết. Một người đại diện cho pháp luật và chính nghĩa lại lạnh lùng và hời hợt như vậy thì liệu có quá khiên cưỡng không? Thậm chí vai phản diện tâm thần, sát nhân lại còn biểu lộ nhiều sự yêu thương và đa cảm hơn.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ trong phim cũng rời rạc và thiếu móc nối, không hiểu lý do gì họ quan tâm, yêu thương nhau. Các mối quan hệ trong phim không thể hiện được sự yêu ghét một cách rõ ràng.

2. Cách giải quyết vấn đề và hành xử của nhân vật có vấn đề, thiếu tự nhiên

Phim đã ôm đồm quá nhiều vấn đề vĩ mô và quên đi cách diễn giải những chi tiết nhỏ, những điều thường nhật một cách tự nhiên và như những người bình thường sẽ nghĩ, sẽ làm. Người xem cảm thấy thật sự EQ (chỉ số cảm xúc) của các nhân vật đều có vấn đề, đặc biệt là K, nhưng ở bài viết này chỉ đưa ra 1 số phân cảnh thôi. Đầu tiên, là nhân vật nữ chính, chồng sắp cưới bị bắt vì tội giết người, sắp bị tử hình tới nơi nhưng dù miệng nói lo lắm, thương lắm nhưng cô nàng thay đồ xoành xoạch, gương mặt trang điểm khá cầu kỳ, tiểu tiết, thần sắc tươi tỉnh, hồng hào…

Rồi sau khi cô và K đi tìm cô nhân tình để điều tra thì ra về cô nói anh đi đi để cô đứng ở đây một chút để khóc vậy mà anh này bỏ đi thiệt. Chuyện này thật sự quá vô lý vì chẳng ai đứng trước nhà tình địch mà khóc như thế, hơn nữa chẳng có người đàn ông nào mà nỡ bỏ 2 người phụ nữ đang ghen tuông lại với nhau. Hên là không xảy ra thêm vụ án mạng nào nữa. Các nhân vật trong Ống Kính Sát Nhân có lối hành xử không giống những người bình thường chút nào!

3. Yếu tố bắt cóc trẻ em kịch tính nhưng diễn đạt chưa rõ ràng mục đích chính của bộ phim

Như đã nói ở trên, đạo diễn đã khá tham lam khi ôm quá nhiều vấn đề nặng nề vào bộ phim như ngoại tình, giết người, tâm thần biến thái, bắt cóc trẻ em,… nhưng thật sự anh không thể tự mình giải quyết được bất kỳ vấn đề nào được đưa vào phim một cách dứt điểm. Câu chuyện phá án của thám tử K được lồng ghép song song vào những trăn trở của cha anh trong quá khứ khi không thể tìm ra đứa trẻ bị bắt cóc ngày xưa. Nhưng vấn đề ở đây cách lồng ghép đó ban đầu tạo sự thần bí và tò mò ở người xem nhưng về sau ngày khiến họ bị rối rắm và mệt mỏi trong mớ bòng bong đó. Khác với vụ án của cha anh đảm nhận, những đứa trẻ bị tên tâm thần thích chụp hình bắt đều được trả về dù chúng không được bình thường như trước nữa.

Tiếp theo là, theo như những gì K tìm hiểu thì con số trẻ đã bị bắt rất đông nhưng về sau lại nói hắn muốn bắt những đứa trẻ đó để tổ chức sinh nhật cho con hắn. Vậy tất cả số liệu được đưa ra đều quá thừa thải và vô lý vì chả lẽ sinh nhật tổ chức quanh năm suốt tháng. Ngay khi ban đầu xem phim, ai cũng nghĩ những đứa trẻ đó sẽ bị giết hoặc bị lạm dụng. Nhưng không, tuy là tên sát nhân có biến thái và khiến bọn trẻ kinh sợ nhưng hắn không hề đánh đập chúng hay làm gì cả. Thậm chí khán giả còn không biết những đứa trẻ đó có được trị khỏi sự ám ảnh hay không? Và cuối cùng là bộ phim muốn truyền tải cái gì? Muốn kể rằng xã hội vô tình và lạnh lùng đã bỏ quên một vài cá nhân, thậm chí cô lập họ đến nỗi khi họ đau khổ vì mất con đến hóa điên và bắt cóc những đứa trẻ để chứng minh con họ còn tồn tại cũng không hề được khuyên giải hay nói lời nhẹ nhàng nào.

4. Và đầy rẫy những chi tiết vô lý khác

Như chuyện bối cảnh lịch sử có vẻ không hợp lý, xe 4 bánh xuất hiện khắp mọi nơi. Đà Lạt thuộc Việt Nam khi ấy giàu có đến thế ư? Hay chuyện K bỏ ông giúp việc và nữ chính giữa đường kêu đi báo cảnh sát ngay đêm khuya vắng nữa. Thời đó có điện thoại di động rồi à? Đêm hôm bỏ người ta lại giữa đường rồi báo cảnh sát bằng niềm tin sao? Và nhiều chi tiết khác nữa mà không thể kể hết ở đây được.

Nhìn chung, Ống Kính Sát Nhân là một bộ phim không quá tệ, không đáng nhận về gạch đá nhưng đạo diễn nên giảm bớt những vấn đề to lớn khó có giải quyết để tập trung vào xử lý những chi tiết nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng để không khiến bộ phim bị mất điểm trong mắt người xem. Vì dù sao đây vẫn là một bộ phim có nội dung thú vị, diễn xuất gây kinh ngạc cho khán giả với lối dựng phim đầy nghệ thuật, có đầu tư mà hiếm có bộ phim Việt Nam nào có được.