Những dự án ăn khách nhất của ông sinh ra từ một phong cách đạo diễn vô cùng đặc thù ông đã mài giũa từ khi còn là một đạo diễn trẻ mới vào nghề. Dạo ấy, Nolan chỉ làm những phim kinh phí thấp và chính những điều kiện eo hẹp ấy đã dạy cho Nolan cách tận dụng mọi thứ có thể, từ góc máy cho đến diễn xuất. Sau này, những bộ phim do Nolan sáng tạo đều có ngân sách khổng lồ, nhưng những đặc trưng của ông chưa từng mất đi. Một trong những dấu ấn ấy là thời gian.
Nolan là một tác giả điện ảnh của thời đại
Bằng một cách nào đó, Nolan có thể kiểm soát được thời gian, ít nhất là trong những bộ phim của mình. Có lẽ, chính cách Nolan sử dụng thời gian đã khiến ông nổi bật so với những tác giả điện ảnh cùng thời như Quentin Tarrantino, David Fincher, James Cameron…. Và có lẽ bên cạnh thời gian, những yếu tố khác nữa, đã đưa Nolan vào hàng ngũ những tác giả điện ảnh của điện ảnh hiện đại.
Thời gian và cách kể chuyện
Trong Memento, thời gian được thao túng một cách điêu luyện
Nolan và thời gian là hai chủ thể không thể tách rời, điều này cũng đúng với không gian mà ông sử dụng trong phim nữa. Không có một bộ phim nào của mình mà ông không vận dụng hết thời gian và không gian để diễn giải câu chuyện của mình. Tạm lược bỏ những yếu tố khác, sẽ không khó để nhận ra 2 cách thường xuyên được Nolan sử dụng nhất. Một là chính đạo diễn sử dụng lối kể chuyện phi tuyến tính (Memento) như một cách để khán giả không thể rời mắt khỏi câu chuyện, hoặc ông sẽ để nhân vật tiếp cận những nguyên lý thời không (Tenet).
Việc sử dụng lối hành văn phi tuyến tính và mọi khía cạnh của không gian là cốt cán của cái mà người viết thích gọi là “nguyên lý Nolan” là một cách Nolan đã sử dụng trước đây nhằm để sáng tạo trong điều kiện chi phí eo hẹp của những bộ phim ông nhỏ ông từng đảm nhận trước đây. Memento (2000) chỉ với kinh phí $9 triệu không phải là kiểu phim có thể sử dụng kỹ xảo trau chuốt, nhưng nó là kiểu phim giữ chân người xem theo cách truyền thống nhất – bằng một câu chuyện hay, và theo cách phi truyền thống nhất – bẻ cong câu chuyện theo cách không ai ngờ được. Bằng cách để quá khứ và hiện tại đan xen nhau, không ai có thể lường trước được những gì đang diễn ra.
Đó là cách Nolan khiến người xem không thể đoán được The Prestige diễn ra như thế nào
Đây cũng là thời điểm để Nolan xây dựng nhân vật của mình. Nhờ vào hai dòng thời gian, Memento vừa có thời gian để làm nên một cú twist bất ngờ, vừa có một nhân vật cuốn hút nhất là Leonard Shelby. Tất nhiên, màn diễn xuất Guy Pearce góp sức không hề nhỏ, nhưng rõ ràng là phong cách hành văn của Nolan đã tạo nền tảng để nam diễn viên phát huy.
Đó là thời điểm trọng yếu trong sự nghiệp của Nolan. Memento báo trước việc vị đạo diễn người Anh đã hoàn thiện những kỹ thuật thao túng thời gian trong các bộ phim của mình như thế nào. Và ông đã lập lại điều đó với The Prestige. Đối với Memento, chơi đùa với thời gian là một lựa chọn. Đối với The Prestige, đây là một điều bắt buộc, vì bộ phim dựa trên một tác phẩm văn học và người xem dễ dàng đoán được nội dung và diễn biến bộ phim. Inception là một bộ phim sử dụng không gian nhiều hơn, nhưng thời gian vẫn được nhấn nhá. Cùng với đó là Interstellar, với yếu tố thời gian làm nên cú twist cuối cùng. Trong The Dark Knight trilogy, những cảnh hồi tưởng xuất hiện thường xuyên để tái hiện câu chuyện của quá khứ. Đến lược Tenet, thời gian đúng nghĩa bị quay ngược.
Nolan quay ngược thời gian trong Tenet
Nghệ thuật đằng sau ống kính
Following là phim đầu tay do chính tay Nolan quay phim
Gọi Nolan là đạo diễn là một cách gọi thông dụng. Cụm từ này quá giới hạn để mô tả tài năng của Nolan. Không chỉ định hình câu chuyện, ông còn là người quyết định những góc quay. Bản thân Christopher Nolan là một nhà quay phim. Trước khi ông cộng tác với những tên tuổi cầm máy danh tiếng như Wally Pfister trong Memento, Hoyte Van Hoytema trong Tenet, Interstellar, Nolan đã tự tay quay bộ phim Following (1998) – bộ phim đã làm bệ phóng cho sự nghiệp của ông.
Nolan luôn sử dụng một máy quay phim duy nhất để quay phim của mình, điều này mang lại cho ông lợi thế là có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với những gì diễn ra trong phim của mình. Với tư cách là một nhà quay phim, ông chắc chắn biết “lấy nét”. Trong thời hiện đại, gần như có thể được coi là một “auteur” (tác giả điện ảnh) chính hiệu với cách ông chỉ đạo các bộ phim và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh trong quá trình làm phim của bản thân.
Cảnh quay đặc trưng được thấy trong hầu hết các phim của Nolan, một số trong số đó là cảnh quay “Handled”, cảnh quay góc rộng trên không, nhưng đặc trưng nhất vẫn là “Barrel Shot”.
Cảnh quay góc rộng trong Interstellar
“Handled” là những cảnh quay mà Nolan sử dụng để thu hút khán giả. Nó đại diện cho trạng thái tâm trí hỗn loạn. Góc máy này được sử dụng ở cả dạng cận cảnh hoặc góc rộng. Nó được sử dụng trong The Dark Knight (2000) khi Joker (Heath Ledger) đang bị truy đuổi. Nó cũng được thấy trong Inception (2010) khi nhân vật Mallorie Cob (Emma Thomas) được nhìn thấy trong một giấc mơ với nhân vật nằm trên mặt nước.
Góc quay rộng trên không là một góc máy mà Nolan yêu thích sử dụng thể hiện phong cảnh. Nó được dùng trong một số bộ phim mà có cảnh một chiếc máy bay bay qua phong cảnh cần được chú ý, một số trong số đó là Insomnia (2002), The Dark Knight (2008), Insterstellar (2014) và Dunkirk (2017).
Vì Nolan yêu thích kể chuyện qua phong cảnh của mình nên ông cũng không ngần ngại khoe chúng. Một số cảnh quan siêu thực này bao gồm những giấc mơ khác nhau vô cùng tinh vi trong Inception (2010) hoặc thế giới ở cuối bộ phim Interstellar (2014). Chúng tượng trưng cho loại không gian mà Nolan đã tạo ra trong thế giới phim.
Mặt khác, bỏ qua sự hùng vĩ của phong cảnh sang một bên, đi kèm với cảnh quay này là bước chuyển sang góc quay “chèn đối tượng”. Ông sử dụng thủ thuật này để vẽ một bức tranh mà trong đó tình huống đã trở nên trọng yếu hơn bao giờ hết. Mục đích duy nhất của cảnh quay đó là tập trung sự chú ý của người xem vào một chi tiết cụ thể trong một cảnh. Góc quay sẽ được đặt theo quan điểm của một nhân vật, gợi ý rằng chúng ta thấy những gì nhân vật nhìn thấy trong một khoảnh khắc học tập trung cao độ. Đơn cử nhất là con quay trong Inception (2010) hay đồng xu được tung lên trong Memento (2000).
Đối với Inception, biểu tượng nhất phải kể đến cái kết của phim, khi nhân vật chính là Cobb xoay con quay của anh để xác định liệu anh đã trở về thực tế hay chưa. Việc góc máy tập trung vào con quay sau đó kết thúc đột ngột làm cái kết của phim trở thành một trong những cảnh được tranh luận nhất trong lịch sử phim ảnh mà Nolan từng làm.
Trong khi đó, “Barrel Shot” là thứ được thấy trong mọi bộ phim của Nolan. Ý nghĩa của nó sẽ cần một bài hơn 3000 chữ để mổ xẻ, nhưng ở đây, chúng ta sẽ nói ngắn gọn. Cảnh quay được sử dụng khi bối cảnh hoặc thế giới trong phim bị đảo lộn hoàn toàn, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Kỹ thuật này đặt khán giả vào vị trí của nhân vật chính.
Barrel Shot hiện diện trong Interstellar
Trong Interstellar (2014), nó được sử dụng để thiết lập cảnh quan trên hành tinh của Mann, trông như thể những ngọn núi đang treo ngược. Sự không chắc chắn được tạo ra trong tâm trí chúng ta. Chính xác sau cảnh quay, chúng ta thấy xung đột giữa Cooper và Mann (Matt Damon), nơi mà Mann đã lên kế hoạch bỏ rơi Cooper. Tình huống khiến chúng ta cảm nhận được sự cấp bách và bất ấn cho số phận của nhân vật chính vì Cooper bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của con gái mình trong những đoạn hồi tưởng.
Một cảnh quay tương tự một lần nữa được sử dụng trong phim khi Cooper đang đi qua lỗ đen. Chúng ta, với tư cách là người xem, có thể trải nghiệm cảm giác của Cooper nhờ cách Nolan sử dụng tuyệt vời góc quay này. Đây là thời điểm không chắc chắn vì không ai trong chúng ta biết điều gì đang chờ đợi anh ta khi anh ta đi qua lỗ đen.
Một trong những ứng dụng thú vị nhất của “Barrel Shot” là khi Nolan dùng nó để xoáy vào mối quan hệ giữa các nhân vật. Trong The Dark Knight (2008), khi Batman (Christian Bale) bắt Joker là một ví dụ. Mặc dù Batman phải là người nắm quyền kiểm soát trong tình huống anh treo ngược Joker, Nolan đảm bảo rằng người xem biết Joker vẫn kiểm soát tình hình.
Góc quay được sử dụng để biến hình ảnh lộn ngược của Joker trở nên thẳng đứng. Joker được nhìn thẳng theo cách chúng ta nhìn nhận sự vật thông thường, trong khi thế giới đằng sau hắn ta mới là thứ bị đảo lộn. Điều này cho thấy ai đang nắm giữ quyền lực và sự hỗn loạn trong tay. Bởi dù Joker đã bị bắt nhưng hắn vẫn hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Chỉ một góc quay đó thôi đã nói lên mối quan hệ giữa họ xuyên suốt bộ phim – một cuộc chiến giành quyền kiểm soát giữa cả hai. Và chúng ta đã biết phần thắng thực sự thuộc về bên nào khi phim kết thúc.
Từ The Dark Knight trở đi, chúng ta đều biết những góc quay của Nolan ẩn chứa rất nhiều hàm ý. Trong đó, “Barrel Shot” là có dụng ý nhất mỗi khi được sử dụng. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu duy nhất. Hãy nhớ rằng Nolan cũng đòi hỏi những điều kiện màu sắc và ánh sáng hợp ý ông.
Bảng màu và ánh sáng
Bảng màu ưa thích của Nolan trong The Dark Knight
Mọi đạo diễn luôn cầu kỳ về bảng màu mà họ sẽ áp dụng, những tác giả điện ảnh càng cầu kỳ hơn về yếu tố này. Wes Anderson có một bảng màu rất tươi mát, bắt mắt và đặc trưng đến mức thét lên “Đây là Wes Anderson” mỗi khi được chiêm ngưỡng. Nolan cũng vậy, nhưng ông chuộng tông tối hơn. Ví dụ như xanh và vàng ông dùng trong Inception.
Người ta có thể dễ dàng xác định một bộ phim Nolan khi nhìn vào bảng màu được sử dụng. Bảng màu phim ưa thích của đạo diễn người Anh bao gồm tông màu tối lạnh hoặc tông màu ấm bão hòa hoặc thậm chí cả hai. Anh ấy làm như vậy bằng cách tạo ra sự tương phản và thiết lập tâm trạng cho bộ phim. Tông màu lạnh thể hiện sự bối rối và bí ẩn trong khi tông màu ấm tượng trưng cho cảm giác hy vọng, gia đình và kết nối giữa con người.
Nhiều sắc xanh hiện diện trong Dunkirk
Interstellar (2014) có sự cân bằng lành mạnh giữa màu xanh lam và màu vàng. Màu vàng chủ yếu được sử dụng khi thể hiện sự sống trên Trái đất có mối quan hệ gia đình và màu xanh lam được sử dụng khi các nhân vật đang tìm kiếm một ngôi nhà mới. Đây là gam màu đã xuất hiện trong Tenet (2020) ngụ ý nhân vật đang lao vào một bí ẩn mới mà anh ta không thể hình dung được phía trước có gì.
Tuy nhiên, một lần nữa, trong Dark Knight Trilogy hoặc Dunkirk, chúng ta nhận thấy sự hiện diện của màu xanh nhiều hơn gam vàng. Điều này được thực hiện bởi vì trong cả bốn bộ phim trên, cảm giác bí ẩn, hành động và bối rối kỳ lạ vẫn hiện hữu và không hề chấm dứt cho đến phút cuối cùng. Cuộc rút quân đẫm máu trong Dunkirk đáng lý sẽ không phức tạp như vậy nếu quân đồng minh không bị tấn công bất ngờ. Cuộc tập kích ấy khiến những gì dễ đoán ngay lập tức trở nên không chắc chắn. Không có gì đảm bảo các nhân vật rơi vào ống kính của Nolan có thể toàn mạng thoát ra.
Trong khi đó, ánh sáng cũng được Nolan sử dụng khéo léo và là yếu tố đầu tiên mà Nolan khám phá trong sự nghiệp làm phim của ông. Phim đầu tay Following là bộ phim đen trắng do chính ông thực hiện và nó được quay hoàn toàn bằng phong cách đen trắng. Điều đó có nghĩa ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng.
Harvey Dent luôn được đặt trong những góc hắt sáng
Nolan có thể được coi là một người theo chủ nghĩa hiện thực khi nói đến ánh sáng. Đạo diễn người anh, cùng với các nhà quay phim cộng tác cùng ông, sử dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt và tăng cường chúng đến mức đến một lúc nào đó chúng bắt đầu giống ánh sáng nhân tạo.
Các phương pháp chiếu sáng tự nhiên sẽ dẫn đến việc tạo bóng tự nhiên. Những bóng này khiến hầu hết các nhân vật trong phim đều có khuôn mặt được chiếu sáng một bên hoặc nửa sáng. Thủ thuật sẽ tạo ra cảm giác hai mặt và bí ẩn trong các nhân vật, từ đó giúp Nolan nâng cao kỹ thuật kể chuyện của mình. Cho dù đó là Harvey Dent trong The Dark Knight hay Leonard trong Memento (2000).
Hiệu ứng hình ảnh thực tế
Hành lang xoay trong Inception là màn kết hợp giữa hiệu ứng thực tế và CGI
Không cần nhiều lời để nói Nolan không thích thúc với CGI. Trong khi đồ họa mang một sức hút không nhỏ đối với James Cameron, cha đẻ của Avatar, Nolan thấy sự gợi cảm trong những hiệu ứng thực tế (practical effects). Nhưng khoan hãy khẳng định Nolan không thích thú với CGI. Ông sử dụng những ảo ảnh máy tính ở liều lượng phù hợp với bộ phim ông làm. Điều đó đồng nghĩa là Nolan xây những công trình thật để phục vụ cảnh quay của mình và ném vào đó một chút CGI hoặc sử dụng chúng song song.
Một ví dụ đáng nhớ nhất chắc chắn là Inception với cảnh hành lan xoay. Nolan đã xây một công trình và điều khiển chuyển động của nó để đạt được độ hoàn hảo chúng ta thấy trong phim. Tuy nhiên, một số vật thể trong đó là thành quả của CGI. Ở chiều ngược lại, Tenet là bộ phim mà Nolan áp dụng hàng tá kỹ xảo CGI. Interstallar lại là một phim mang sự cân bằng giữa CGI và Practical Effects. Song, chúng đều hoàn thành mục đích là làm nên một bộ phim ấn tượng.
Hiểu rõ sức mạnh của âm thanh
Đối với một bộ phim, ngoài đạo diễn và diễn viên, âm thanh là một yếu tố không thể bỏ qua và Nolan biết sức lay động của nó lớn đến đâu. Thế nhưng, đây không phải là thế mạnh của ông. Nên Nolan cộng tác với những chuyên gia âm nhạc phim ảnh bậc thầy mà trong đó không thể không nhắc đến Han Zimmer. Âm thanh có thể giúp Nolan diễn giải những tầng lớp cảm xúc sâu sắc hơn của tình huống và nhân vật mà không cần đến lời thoại.
Chẳng hạn, khi Cooper (Mathew McConaughey) và Brand (Anne Hathaway) đáp xuống hành tinh của Miller, họ phải chạy đua với thời gian vì một giờ trên đây tương đương với bảy năm trên Trái đất. Bản nhạc Mountains ở đây bắt đầu bằng âm thanh của thứ có vẻ giống như tiếng tích tắc của đồng hồ để gợi ý về thời gian trên Miller.
Oppenheimer là dự án mới nhất của Nolan
Để làm phim như một tác giả điện ảnh là một chuyện không đơn giản. Nolan trở thành một vị đạo diễn vô cùng thú vị ở cách ông lên ý tưởng và hiện thực hóa nó qua phim ảnh. Điện ảnh là ngôn ngữ của ông vừa có thể đẩy khán giả vào sự lúng túng, vừa có thể khiến họ tò mò trong sự thích thú vô hạn. Trong một Hollywood ám ảnh với quá nhiều vũ trụ điện ảnh, những phần phim tiền truyện, hậu truyện và spin-off, bộ não đặc thù của Nolan là một món quà dành cho những mọt phim điện ảnh. Vì nhờ có ông mà những chúng ta được chứng kiến điện ảnh có thể phi thường đến mức nào. Và dự án mới nhất của vị đạo diễn - Oppenheimer chắc chắn sẽ tái hiện lại những yếu tố này.
Oppenheimer phải thay đổi lịch chiếu do nội dung vẫn chưa được thẩm định.
Christopher Nolan cần quay về với gốc của mình để làm Oppenheimer.