[PHÂN TÍCH] Âm thanh trong phim Việt Nam (Phần 1) - Tính song hành nhất quán giữa âm nhạc thị trường và nhạc phim

Hoangyenne ·

Khi nhạc phim (OST) lấn sân vào đường đua âm nhạc thị trường và ngược lại.

Âm thanh là một phần không thể thiếu trong các bộ phim hiện nay bởi tính truyền tải cảm xúc. Tăng nét sinh động cho các hình ảnh phim cũng khiến vai trò của âm thanh trở nên vô cùng quan trọng. Vài năm trở lại đây, thị trường âm nhạc chính thức “đón chào” các “tân binh” nhạc phim hoạt động vô cùng sôi nổi, nhiều OST đạt được các thứ hạng rất cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc thị trường, chứng minh được sức hút cũng như nhận thức lĩnh hội âm nhạc của khán giả khi xem phim đã có sự thăng cấp đáng kể. Ngược lại, những bài nhạc thị trường có tuổi đời khá lâu gần đây cũng được làm lại, phối lại và đưa vào làm OST cho phim, kết quả vẫn gặt hái được rất nhiều những phản hồi tích cực, có những bài hát nhờ trở thành OST trong phim mà trở nên hot hơn, viral hơn. Vậy tại sao sự “hoán đổi” vị trí giữa các bài hát lại mang về những thành công đáng mong đợi đến thế? 

âm nhạc đã thành thứ không thể thiếu trong phim ảnh
âm nhạc đã thành thứ không thể thiếu trong phim ảnh

Đầu tiên, cùng nhìn nhận ở khía cạnh từ nhạc phim tiến ra thị trường. Âm nhạc trong phim ở nước ta trước đây vốn chỉ được coi là nền, là khoảng không tạo tiền đề cho mạch phim được diễn biến mạch lạc. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều ca khúc hay, thậm chí gặt hái được rất nhiều thành công đáng ghi nhận. Một số các bài hát OST làm mưa làm gió và phủ sóng các bảng xếp hạng âm nhạc có thể kể đến như: Có Chàng Trai Viết Lên Cây (OST phim Mắt Biếc), Từ Đó (OST phim Mắt Biếc), Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (OST phim cùng tên), Mình Chia Tay Đi (OST phim Cua Lại Vợ Bầu), Tâm Sự Tuổi 30 (OST Ông Ngoại Tuổi 30), Hẹn Một Mai (OST phim 4 Năm, 2 Chàng, 1 Tình Yêu), Yêu Là Tha Thu (OST phim Em Chưa 18), Ngày Chưa Giông Bão (OST phim Người Bất Tử)… Rất nhiều những bài hát nhạc phim đã thành công chiếm trọn trái tim khán giả để song song với sự thành công của bộ phim, nhạc phim trong tác phẩm đó cũng trở thành một ngôi sao vô cùng sáng. 

Mấu chốt nằm ở đâu khi nhạc phim lại được yêu thích và có thể dễ dàng chễm chệ đoạt top các bảng xếp hạng đến vậy, trong khi chỉ có lyric, audio chứ không hề có một MV cho riêng bài hát? Câu trả lời nằm ở khả năng chạm đến cảm xúc của người nghe và những người xem phim. Âm nhạc là sợi dây vô hình kết nối được hầu như tất cả những cơ quan xúc cảm của con người lại với nhau. Ở trong phim, điều này là vô cùng quan trọng và cần thiết.

(nguồn ảnh: Logo Wiindi)
(nguồn ảnh: Logo Wiindi)

Âm nhạc góp phần tạo không gian và thời gian cho bộ phim, thể hiện tâm lí của các nhân vật một cách vô cùng tinh tế, có thể không cần phải sử dụng bất cứ lời thoại nào, chỉ cần một nét nhạc đúng với tâm trạng, một ánh mắt chất chứa những nỗi niềm… Bấy nhiêu đó thôi cũng có thể khiến khán giả cảm thấy đau nhói trong tim, gây được một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong cảm xúc. Thế nên cũng có thể dễ để lý giải được vì sao OST trong phim khi đưa ra thị trường phần lớn được đón nhận vô cùng nồng nhiệt như vậy. Một phần vì các câu từ trong OST này sát với thực tế cuộc sống, thấm thía, hợp hoàn cảnh, phần khác được thừa hưởng “tiếng thơm” của những người khán giả đi xem phim, phân cảnh đó, giai điệu đó, khoảnh khắc đó đã làm họ rung động, ghi nhớ và buộc khi trở về nhà phải tìm để nghe.

Để có được những thành công như vậy cũng không phải là một điều đơn giản. Nhạc phim muốn thành công, điều kiện thuận lợi cũng có như đã kể trên, song rủi ro cũng là rất cao. Thế nên khi viết nhạc cho một bộ phim, nhạc sĩ sẽ phải rất cân nhắc, đắn đo trong từng câu chữ để làm sao có thể sâu sát với cốt truyện được viết ra trong kịch bản và dễ chạm được tới trái tim khán giả nhất có thể. 

Nhạc sĩ Quốc Trung, người từng được giải thưởng Cánh Diều Vàng cho nhạc phim ấn tượng (phim Cánh Đồng Bất Tận) cho biết, việc làm nhạc phim không hề đơn giản như nhiều người hình dung. "Người làm nhạc cho phim cũng nhiều và mỗi người một cách. Có người chỉ lấy nhạc có sẵn trong thư viện, có người mang một cái đàn đến phòng thu rồi xem phim đến đâu đánh đến đó. Có người chỉ hai ngày là xong.Tôi viết nhạc cho Cánh Đồng Bất Tận chỉ trong hai ngày, nhưng phải suy nghĩ, cân nhắc đến gần một năm kể từ khi đọc kịch bản đến khi hoàn thành phần nhạc" - nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ với tờ Hà Nội Mới.

Tiếp theo, nhìn ở khía cạnh ngược lại khi nhạc thị trường được biến phối lại thành nhạc phim, điều này có lẽ sẽ nhìn thấy rõ hơn ở phim nước ngoài khi nhiều những ca khúc hot hit của Kpop, US-UK được đưa vào làm tăng sự kích thích cũng như tính quen thuộc cho phim. Ở Việt Nam, cũng có những ca khúc được đưa vào làm nhạc phim, chẳng hạn như: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và Niệm Khúc Cuối (OST phim Tháng Năm Rực Rỡ), Hôm Nay Tôi Buồn (OST phim Bẫy Ngọt Ngào), những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… Cho đến các ca khúc với ca từ bí ẩn để lồng cho phim kinh dị như: Bắc Kim Thang (OST phim Bắc Kim Thang), Đừng Bỏ Em Một Mình (OST phim Chuyện Ma Gần Nhà)…Nhìn chung, những tác phẩm này đều đã có tên tuổi từ trước, nên khi được đưa vào làm nhạc phim sẽ tạo được một sự thân quen nhất định, các ca khúc trong phim kinh dị cũng vì yếu tố gần gũi này mà trở nên đáng sợ và kinh dị hơn. 

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Việc đưa những bài hát quen thuộc đã có từ trước trở lại màn ảnh có nhiều điểm tích cực, các bài hát ấy sẽ một lần nữa được sống lại với một bản phối mới hơn, lạ hơn, nếu đủ hay hoàn toàn có thể trở lại thời hoàng kim vốn có của nó từ nhiều năm trước. Điều này đã được chứng minh khá rõ qua nhiều những lần các bộ phim hot có nhạc nền là những ca khúc quen thuộc đóng máy, lượt view và tương tác từ bản gốc cho đến bản phối lại của ca khúc ấy đều được tăng lên đáng kể.

Tóm lại, âm nhạc và phim ảnh có một mối liên kết vô cùng chặt chẽ, mang tính xúc tiến cho nhau. Hợp nhất giữa phim ảnh và âm nhạc, mối quan hệ này đang càng ngày càng trưởng thành và củng cố đến mức vai trò hỗ trợ của âm nhạc trong phim không bị các nhà làm phim vĩ đại coi là ngoại vi mà trở thành vai trò cực kỳ trọng yếu, âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong phim và ngược lại, có thể chính phim ảnh cũng đưa âm nhạc trở về với thời kỳ vinh quang từng có của nó. Mối liên kết này hiện vẫn đang tốt, rất tốt và có thể làm tiền đề đề định hướng các sản phẩm từ kết hợp đến đánh lẻ cho hai mục đích song song: vừa thắng trên phim, vừa thắng trên đường đua âm nhạc.