[PHÂN TÍCH] Annihilation – Vòng luân hồi của sự sống và cái chết

Phim Kinh Dị · Tin điện ảnh · Maii ·

Annihilation là bộ phim sci-fi, kinh dị không dễ nắm bắt.

Kéo xuống để xem tiếp

Annihilation (tạm dịch: Vùng Diệt Vong), là bộ phim sci-fi, kinh dị đến từ đạo diễn Alex Garland, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Jeff VanderMeer. Phim xoay quanh một nhóm các nhà khoa học quân sự đi vào vùng ánh sáng bí ẩn có tên gọi The Shimmer, để tìm hiểu thực hư chuyện gì đã xảy ra với các nhóm thám hiểm được cử đi trước đó. Tại đây, họ tìm thấy các loài động vật, cây cỏ và cảnh quan vô cùng kỳ dị. Mọi chuyện càng lúc càng nguy hiểm khi họ bắt đầu đối mặt với các lực lượng ngoài hành tinh.

Có các nhân vật trung tâm đều là nữ, nhiều tầng ý nghĩa và triết lý quá sâu xa đã khiến Paramount Pictures rút lại ý định công chiếu Annihilation tại rạp, thay vào đó phát sóng trên Netflix. Thật mừng vì sự tồn tại của Netflix và các dịch vụ streaming nói chung, bởi nhờ nó mà khán giả mới có dịp được thưởng thức các phim vốn không dành cho đại chúng như Annihilation.

Annihilation có nhiều cảnh quay mang tính thẩm mỹ cao. (Ảnh: IMDb)
Annihilation có nhiều cảnh quay mang tính thẩm mỹ cao. (Ảnh: IMDb)

Ấn tượng đầu tiên dễ dàng nhận ra của Annihilation là mặt hình ảnh tuyệt đẹp. Màu sắc và cảnh vật hòa quyện với nhau khiến người ta bị cuốn theo từng khung hình nhỏ nhất. Sự kịch tính của phim trải dài theo từng phân đoạn, không mất đi mà luôn ở đó, lúc nào cũng khiến người xem hồi hộp vì cảm giác sắp có chuyện sẽ xảy ra, mặc cho cách dẫn dắt có phần chậm chạp từ tiết tấu cho đến góc quay. Sự thành công của phim trong việc mang lại cảm giác này cho người xem, còn đến từ âm thanh réo rắt rờn rợn như đang khoan vào não. 

Ai nói rằng sự đột biến và tính kinh dị của nó phải xấu xí, Annihilation chắc chắn khác biệt ở điểm này. Từng chiếc ghế chỏng chơ, cây cầu được bao phủ bởi những bông hoa trắng, ngôi nhà với mảng dây leo che hết gần phân nửa, ô cửa sổ có chiếc rèm xám, ngọn cỏ cao đến đầu gối, những cái cây trong suốt, mặt biển óng ánh sắc màu… chỉ riêng mặt thẩm mỹ của Annihilation đã giúp nó trở thành bộ phim vô cùng đáng xem.

2 con hươu, biểu tượng cho tế bào, 1 bình thường (bên phải), và 1 là ung thư (bên trái). (Ảnh: IMDb)
2 con hươu, biểu tượng cho tế bào, 1 bình thường (bên phải), và 1 là ung thư (bên trái). (Ảnh: IMDb)

Nhưng đương nhiên, Annihilation sẽ không thể được người ta chú ý nhiều đến vậy nếu chỉ dựa vào mặt hình ảnh. Nội dung linh hoạt và nhiều lớp ý nghĩa của phim quả thật không dễ gì nắm bắt được. Alex Garland đã từng nói rằng Annihilation tập trung vào hành vi tự hủy hoại bản thân nhưng bộ phim vẫn có thể được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác như bình đẳng giới, nhân sinh, y học, tôn giáo…

Chứng bệnh ung thư và hành vi tự hủy hoại bản thân vốn có liên hệ mật thiết với nhau trong phim, như một tảng băng trôi với ý nghĩa y học là 30% mỏm băng nổi trên mặt biển. Ung thư là chứng bệnh vốn không do bất cứ một loại virus hay tổn hại nào bên ngoài ảnh hưởng lên cơ thể của người bệnh. Cơ thể liên tục sản xuất ra các tế bào nhằm thay thế các tế bào đã chết và giúp chúng ta phát triển hoặc hàn gắn vết thương. Quá trình này được kiểm soát bởi các gen riêng biệt, và các gen này bị tổn hại sẽ dẫn đến bệnh ung thư.

Sự tổn hại này xảy ra trong cuộc đời con người hoặc do di truyền từ thế hệ trước. Ở giai đoạn đầu của ung thư, bản thân người bệnh không có bất cứ dấu hiệu nào rõ ràng, mọi thứ vẫn bình thường, cho đến khi khối u được phát hiện, tức là bệnh đã trở nặng. The Shimmer xuất hiện và bao trùm các vùng xung quanh ngọn hải đăng cũng có thể được xem như diễn biến của bệnh ung thư. Mọi thứ trước đó vẫn bình thường, và rồi The Shimmer bỗng hiện diện tại ngọn hải đăng, dần dần lan rộng. Cảnh cuối phim khi Ventress “phân hủy”, hút một giọt máu (chứa DNA) của Lena và trở thành chính cô, ngụ ý cho tế bào ung thư trong cơ thể. Chúng vừa giống như “người ngoài hành tinh”, nhưng đồng thời cũng là tế bào của chính bản thân người bệnh.

Cảnh ngụ ý tế bào bị phá hủy về mặt y học. (Ảnh: IMDb)
Cảnh ngụ ý tế bào bị phá hủy về mặt y học. (Ảnh: IMDb)

Cách các nhân vật đối đầu với The Shimmer cũng là các quá trình khác nhau mà các bệnh nhân đối mặt với nó như: Cass – đột ngột chết vì ung thư, Anya – trạng thái tự lừa dối, tuyệt vọng, Josie – buông xuôi, Ventress – đối mặt với nó, nhưng rồi cũng bỏ cuộc và cuối cùng là Lena – chiến đấu với căn bệnh và tiếp tục sống. Tuy nhiên, đôi mắt kỳ lạ của Lena ở cuối phim mang ý nghĩa bệnh ung thư vẫn còn ẩn nấp trong Lena, không thực sự mất đi và vẫn có thể tái phát bất kỳ lúc nào.

Đấy là về mặt y học, về mặt tâm lý thì mối quan hệ hôn nhân đổ vỡ của Lena và Kane cũng có thể được xem như một dạng ung thư. Hành vi tự hủy hoại bản thân của Lena, lừa dối chồng mình đã tạo nên một “khối u” giữa Lena và Kane. Cả 2 đều phải đối mặt với những vấn đề trong hôn nhân đang xấu đi của mình, chỉ khác nhau ở mốc thời gian. Đoạn cuối, Lena và Kane đã bỏ quá khứ của họ ở lại The Shimmer bằng cách giết chết bản thể cũ của mình, 2 người gặp lại, tha thứ và ôm lấy nhau, nhưng kể từ giây phút đó, chúng ta đều biết rằng họ đã thay đổi.

Sự tái sinh và hòa mình vào thiên nhiên. (Ảnh: IMDb)
Sự tái sinh và hòa mình vào thiên nhiên. (Ảnh: IMDb)

Không chỉ riêng Lena, mỗi nhân vật nữ của Annihilation đều có chung hành vi tự hủy hoại bản thân: Cass đắm mình trong sự bi quan và quá khứ mất mát; Anya nghiện chất kích thích, có hành vi bạo lực, tách mình khỏi xã hội và phá hoại các mối quan hệ (đoạn Anya trói 3 người còn lại trong đội); Josie tự làm đau chính mình và cuối cùng là buông xuôi, tìm đến cái chết; Ventress là che giấu cảm xúc (chúng ta thường chẳng thấy nhân vật này có biểu hiện vui, buồn, hờn, giận nào), bỏ bê bản thân (quyết tâm đi về phía ngọn hải đăng mà không cần ngơi nghỉ)… Cuối cùng, tất cả các nhân vật khác đều đã chết, chỉ có mình Lena chống chọi được và “tiến hóa”, trở thành con người mới.

Cảnh phim này ngụ ý cho sự thất bại trong việc chống chọi bệnh tật hay phần tối trong bản thân nhiều người. (Ảnh: IMDb)
Cảnh phim này ngụ ý cho sự thất bại trong việc chống chọi bệnh tật hay phần tối trong bản thân nhiều người. (Ảnh: IMDb)

Không chỉ ở khía cạnh tâm lý, y học, Annihilation hoàn toàn có thể được hiểu theo hướng tôn giáo, tâm linh bởi biểu tượng con rắn hình vô cực trên tay Lena. Con rắn này, nếu để ý kỹ, sẽ thấy nó xuất phát từ một vết bầm nhỏ ở đoạn đầu khi đoàn thám hiểm gặp con cá sấu. Ở một số cảnh sau, ta thấy vết bầm lan rộng thành dấu vô cực, cuối cùng là xuất hiện một hình xăm con rắn ngậm đuôi.

Con rắn ngậm đuôi ngụ ý biểu tượng ourobos – sự luân hồi, chuyển kiếp và sự tái sinh sau cái chết. Kết cục của mỗi nhân vật trong Annihilation là các dạng khác nhau của cái chết và sự sống sau cái chết được nhắc đến trong nhiều tôn giáo. Cass bị một con gấu giết chết trong đau đớn là biểu tượng của một cái chết không tự nhiên, linh hồn của Cass không thể siêu thoát mà kẹt lại trong tiếng thét kinh dị của con gấu bị đột biến, tức là chết oan. Anya – chết vì nhân quả, vì hành động của chính mình, đau đớn và không hề nhẹ nhàng chút nào. Josie – sống cuộc đời đã quá khổ đau, vì thế mà cô chết và tái sinh thành cây cỏ, hòa vào tự nhiên. Ventress – tan biến thành cát bụi, mãi không thể tái sinh được nữa. Lena thì chết và được chuyển kiếp thành người mới, Lena mới - vừa là Lena, nhưng cũng không hẳn là Lena.

Lena sau khi bước ra từ The Shimmer, đã trở thành một người khác. (Ảnh: IMDb)
Lena sau khi bước ra từ The Shimmer, đã trở thành một người khác. (Ảnh: IMDb)

Đương nhiên, Annihilation đối với mỗi người xem sẽ có những cảm nhận khác nhau, suy nghĩ khác nhau và sự chiêm nghiệm mà chúng ta rút ra được từ bộ phim đều xuất phát từ cuộc đời, kinh nghiệm sống và những biến cố rút ra được từ quá khứ. Tôi tin rằng, ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta, khi xem lại, đều sẽ nghiệm ra điều gì đó mới mẻ và độc đáo hơn.