[PHÂN TÍCH] Chuyện phim Việt - Vai trò của trang phục trong phim điện ảnh

PhanNguyenSangSang ·

Trang phục là yếu tố quan trọng cấu thành nên tổng thể của một tác phẩm chuyên nghiệp.

Có thể nói, chạy đua với xu hướng phát triển của các xu hướng mỹ thuật nói chung trên thế giới, trang phục là thứ tôn vinh lên cái đẹp một cách thuyết phục và công tâm nhất đối với đại đa số các nhà phê bình thẩm mỹ. “Người đẹp vì lụa”, một câu nói luôn đúng qua các thời đại, mỗi thời mỗi khác, tiêu chuẩn để đánh giá về trang phục cũng thay đổi tùy theo thời gian, song trong điện ảnh, trang phục chính là một trong các phương tiện để mọi người tiếp xúc với phong cách thời trang nhiều nhất, từ đó đưa ra những góc nhìn mới, đánh giá cá nhân với cái gọi là  “style”, là phong cách cho riêng mình cùng mọi người.

Chưa bao giờ thời trang nói chung và trang phục nói riêng là không cần thiết trong điện ảnh, vậy ngoài việc đáp ứng nhu cầu về thẩm mỹ, trang phục còn đóng góp được những gì trong một tác phẩm điện ảnh?

(nguồn ảnh: Hanoimoi.com)
(nguồn ảnh: Hanoimoi.com)

Ở các nền điện ảnh Âu-Mỹ, phục trang được coi như một bộ phận độc lập riêng biệt và có mặt hầu hết trong các hệ thống giải thưởng quan trọng của phim (như OSCAR hàng năm của điện ảnh Mỹ), phục trang ở các nước này được các nhà phê bình và làm phim đánh giá rất cao, vô cùng quan trọng, có thể sánh ngang với các thành phần khác như vị trí đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên...

Trong khi đó, soi chiếu về những nền điện ảnh của các nước Châu Á nói chung, phục trang có phần kém được lưu tâm và để ý hơn, chỉ được xem là một bộ phận thiết kế mỹ thuật, ngang hàng cùng các tổ đạo cụ, dựng cảnh, trang trí,... Điều này cũng là một phần khiến sự chuyên nghiệp và tính “đẹp” trong phim Châu Á nói chung chưa thực sự “đã” bằng các phim của Châu Âu, điển hình như Hollywood.

Phục trang trong phim có thể tạm chia làm ba nhóm, bao gồm: phim về các thời đại cổ xưa, phim về các thời kỳ lịch sử cận đại và thời kỳ đương đại. Trong những phim cổ xưa, một trong những cái hay của trang phục là khi chỉ cần nhìn vào chất liệu vải, màu sắc, họa tiết trên trang phục, ta có thể đánh giá được mức địa vị và giai cấp của người mặc chúng. Ở Việt Nam, từ những sử liệu ít ỏi có được của triều Nguyễn, người ta có thể mường tượng được sơ lược về trang phục các vua, chúa, quan chức trong triều đình đến những người giàu có và những người nghèo khổ, bần cùng nhất trong xã hội. Nhìn chung, tất cả con người thời ấy đều mặc áo dài, khăn đóng từ đàn ông đến đàn bà, song sự khác nhau lại chính là ở chỗ chất liệu vải, màu sắc và hình tượng trong các mẫu thêu, từ đó người ta phân biệt được từng tầng lớp, cấp bậc trong xã hội đương thời.

Một vài bộ phim Việt cũng từng vấp phải khá nhiều những lùm xùm vì khai thác trang phục sai thời đại do thiếu hiểu biết về lịch sử, thiếu kiến thức về phục trang dẫn đến phục trang khi đưa lên phim bị sai thời đại, thậm chí sai cả “quốc gia” mà nó vốn thuộc về. Nhiều bộ phim Việt Nam mắc phải sai lầm khi xây dựng bối cảnh, giai đoạn. Phim ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử phong kiến cũng chỉ dùng một kiểu trang phục, nhiều lúc sự cách nhau giữa các thời đại ấy lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Hay những lỗi sai ngớ ngẩn do sự thiếu chỉn chu, không tôn trọng lịch sử, không tỉ mỉ trong việc nghiên cứu và xây dựng trang phục khiến hình tượng nhân vật trong phim bị khán giả ném đá, khán giả quay lưng và tẩy chay phim dữ dội.

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Có thể nhắc lại phim Kiều để làm ví dụ điển hình. Bỏ qua những sai sót về khâu nội dung, kịch bản cho đến diễn xuất của phim, ngay từ khi ra mắt, Kiều đã nhận về một lượng “đá” không nhỏ khi phục trang trong phim vấp phải nhiều lùm xùm không đáng có. Nhân vật Thúc Sinh mặc áo cài ngược vạt là một điều vô cùng cấm kỵ trong văn hóa Á Đông nói chung. Lật ngược vạt áo là điều chỉ được làm duy nhất đối với trường hợp khâm liệm người chết. Từ đây, mọi sự thiếu hiểu biết và không nghiên cứu kỹ về trang phục đã khiến cả bộ phim nhận về những ánh nhìn đầu tiên hết sức tiêu cực. Về sau, phim còn có cả lùm xùm trong ý tưởng và kịch bản khiến phim không còn một đường lui nào. 

Hay một bộ phim khác từng làm “trò hề” cho khán giả trong khâu phục trang có thể nhắc đến là Mỹ Nhân - một dự án phim lịch sử lấy bối cảnh thế kỷ XVII (giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh) để nói về “cuộc chiến” của các mỹ nhân nơi hậu cung. Tuy nhiên, bộ phim nhanh chóng nhận về một làn sóng phản đối và chê trách gay gắt khi trang phục mà diễn viên Châu Thế Tâm lại in hình sư tử hoạt hình y như đúc hình tượng con sư tử trong bộ phim đình đám của nước ngoài The Lion King. Mặc dù nhà thiết kế bộ trang phục đã lên tiếng giãi bày nhưng vẫn không thể làm hài lòng những khán giả công tâm và am hiểu tường tận về lịch sử dân tộc.

(nguồn ảnh: vnexpress.net)
(nguồn ảnh: vnexpress.net)

Bên cạnh đó, những sai lầm của trang phục về thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh xã hội, vị trí quốc gia trong phim Việt nói riêng thực chất là không hề hiếm gặp. Bộ phim Lý Công Uẩn - Đường Tới Thành Thăng Long mặc dù bỏ vốn đầu tư với con số “khủng” hơn 100 tỷ đồng, song thời điểm chuẩn bị được phát sóng, bộ phim bỗng dưng bị chê thậm tệ. Khi nhìn vào tổng thể bộ phim thì thực sự bộ phim nhận về nhiều gạch đá như vậy từ công chúng là không sai. 

Người ta cho rằng đây là “bộ phim Trung Quốc… nói tiếng Việt” vì từ bối cảnh, phục trang cho đến cả lời thoại trong phim cũng mang đậm chất “cổ trang Trung Quốc”. Phải chăng đó là sự thất trách từ ekip phim khiến khán giả cảm thấy nhà làm phim quá coi thường và không tôn trọng lịch sử, không nghiêm túc nghiên cứu mà chỉ luôn thấy đẹp là lấy, mặc kệ cổ phục đấy của nước nào?

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Dừng lại ở những điều mà trang phục đã “phá banh” cả một bộ phim, trang phục vốn vẫn luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng vì thực chất nó góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng phong cách, hình tượng, tính cách và cả tiến trình bộc lộ cảm xúc cho nhân vật. Một vài ví dụ điển hình để thấy được sức ảnh hưởng của trang phục trong phim ảnh phải kể đến các phần của Gái Già Lắm Chiêu. Trang phục luôn giữ một vai trò quan trọng, chủ chốt nhằm toát lên phong thái, địa vị của từng nhân vật, từ đó giúp người xem dễ tiến triển, xâm nhập vào cuộc sống hào môn của từng gia đình trong phim hơn. 

Hay bộ phim đang dần dần thống lĩnh phòng vé trong thời gian gần đây Đêm Tối Rực Rỡ!, đa phần các nhân vật đều gắn chặt với bộ đồ tang hay chiếc khăn tang đeo trên trán. Tuy đơn giản như vậy, nhưng chúng cũng chứa đựng rất nhiều những ý nghĩa bên trong. Tuy không có một đoạn nào lý giải vai vế cục thể trong gia đình, nhưng nhìn vào khăn tang mà họ đeo, người xem có thể xác định được địa vị, vai vế của các thành viên. Sự kỹ lưỡng và tỉ mỉ trong cách làm trang phục đã góp phần khiến phim vô cùng thành công.

(nguồn ảnh: Internet)
(nguồn ảnh: Internet)

Một vài trang phục sau khi phim được công chiếu rộng khắp còn trở thành những “item” mà xã hội đổ xô săn lùng, tạo thành những xu hướng thời trang mới đầy tính sáng tạo và đột phá. Từ phim ảnh, thời trang cũng được phổ biến rộng rãi hơn. Thời trang giúp khán giả nắm bắt địa vị, phong cách nhân vật còn điện ảnh giúp đưa vẻ đẹp và những ẩn ý của thời trang được đào sâu và rộng hơn trong cộng đồng. Hai thứ này luôn song hành, bổ trợ cho nhau để tạo nên một tác phẩm với tổng thể hoàn hảo nhất.