[PHÂN TÍCH] Ký Sinh Trùng - Câu chuyện về hòn đá, con bọ và tầng hầm (SPOILER)
Góc Nghệ Thuật · Đánh giá phim · Maii ·
Ký Sinh Trùng mặc dù dễ xem, nhưng không có nghĩa là phim thiếu nhưng chi tiết đầy ẩn ý.
Kéo xuống để xem tiếp
Ký Sinh Trùng (Parasite) đã ra mắt khán giả Việt Nam và quả không hổ danh bộ phim đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Cannes, tác phẩm mới nhất của đạo diễn Bong Joon-ho đã đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Phim là sự kết hợp bởi nhiều yếu tố xã hội, tình cảm, giật gân, hài hước… Tuy vậy, mọi thứ lại được kết hợp hài hòa nhờ cách dẫn truyện xuất sắc và chuyển biến tâm lý nhân vật hợp lý.
Ký Sinh Trùng thể hiện đầy cay đắng thực tế xã hội Hàn Quốc nói riêng và khắp nơi trên thế giới nói chung, khi khoảng cách giàu nghèo trở nên quá lớn và sự phân biệt giai cấp góp phần dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Nhân vật dẫn dắt chính cả câu chuyện là Ki-woo, con trai ông Ki-taek. Với gia cảnh nghèo khó, cha mẹ thất nghiệp, em gái Ki-jung thì không còn được đến trường do không đủ tiền đóng học phí, nhà bị cắt điện, cắt cả mạng wifi, gia đình của Ki-woo là đại diện cho tầng lớp dưới đáy xã hội Hàn Quốc, nơi mà đến cửa sổ căn nhà nằm ngang với mặt đường.
Đối lập với gia đình của Ki-woo là gia đình ông Park cũng 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con, nhưng hoàn cảnh sống trái ngược hoàn toàn. Nhà cao cửa rộng và cuộc sống giàu sang, gần như chẳng phải lo nghĩ về bất cứ điều gì ngoại trừ chuyện phải thuê ai làm giúp công việc mà mình chẳng muốn động tay động chân.
Hoàn cảnh đưa đẩy, gia đình của Ki-woo được thuê vào làm cho gia đình ông Park, và mọi chuyện bắt đầu từ đấy. Mặc dù dễ xem, nhưng Ký Sinh Trùng vẫn có nhiều chi tiết mà nhiều ẩn ý châm biếm xã hội mà đạo diễn Bong Joon-ho cài cắm. Hi vọng bài viết này của Moveek sẽ giúp bạn hiểu thêm được một số hình ảnh và chi tiết đặc biệt của phim.
1. Ký Sinh Trùng
Ký sinh là thuật ngữ chỉ mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó, có một loài sống bám vào loài kia là vật chủ, hàm ý mối quan hệ giữa gia đình ông Park và gia đình ông Ki-taek.
Mặc dù phần lớn thời lượng phim, khán giả đều thấy rõ ràng gia đình ông Ki-taek sống bám vào gia đình ông Park, ký sinh và phụ thuộc rất nhiều vào họ. Từ việc Ki-woo vô tình được giới thiệu làm gia sư cho Da-hye (con gái ông Park), gia đình Ki-taek đã lập ra cả một kế hoạch lừa đảo để cả gia đình có được việc làm và nuôi sống bản thân họ.
Sống giả danh như thế mặc dù có phần mệt mỏi, nhưng họ không thể dừng lại được bởi dừng là bế tắc, dừng là chết đói cả nhà. Vì thế mà họ quyết tâm bám trụ dù có phải sử dụng thủ đoạn và mưu đồ để đuổi cổ những người làm khác. Cuối phim, ông Ki-taek trở thành ký sinh trùng thực sự khi sống đời dưới tầng hầm của căn nhà đó, đêm đến phải mò lên nhà trên, lục tủ lạnh và tìm thức ăn sống qua ngày.
Nhưng đâu chỉ có gia đình ông Ki-taek là phải sống ký sinh, đến một gia đình giàu có như nhà ông Park cũng không thoát khỏi bị gắn mác ký sinh trùng, chẳng qua là sự hào nhoáng và vẻ đạo mạo của họ khiến người xem khó lòng gắn liền từ ngữ nghe có vẻ ghê tởm ấy lên gia đình họ.
Nhà Park sống kiểu bán ký sinh hay còn gọi là ký sinh tạm thời, tức là có thể sống tự lập với mức độ khác nhau, khi tìm được vật chủ thích hợp thì mới bám vào vật chủ để lấy dinh dưỡng. Họ có thể sống độc lập, chẳng cần người giúp việc, chẳng cần người lái xe, chẳng cần phải có gia sư. Nhưng vì Yeon-kyo, vợ ông Park không biết nấu ăn, không biết làm việc nhà, còn ông Park hẳn là không muốn tự lái xe nên cả gia đình Ki-taek mới có cơ hội ký sinh trong nhà họ. Về cơ bản thì họ cũng là dạng sống phụ thuộc vào những gia đình lao động như gia đình Ki-taek mà thôi.
2. Hòn đá
Trong tất cả những chi tiết được đạo diễn Bong Joon-ho cài cắm vào phim thì hòn đá là chi tiết nổi bật nhất, đại diện cho 2 lối sống khác nhau của 2 gia đình. Hòn đá ấy ban đầu được Min – bạn của Ki-woo tặng cho gia đình cậu bởi nó mang ý nghĩa sẽ mang lại sự sung túc cho gia chủ. Sau này, chính hòn đá đó đã khởi đầu cho chuỗi rắc rối cuối phim. Ban đầu khi được tặng, bà Chung-sook, vợ ông Ki-taek nói rằng, “Phải chi tặng đồ ăn thì hay biết mấy”.
Đối với những gia đình giàu có như ông Park, một hòn đá xấu xí vô dụng cũng có thể là một báu vật đầy giá trị, một bức tranh linh tinh của một đứa nhóc cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật do một thần đồng tạo ra. Nhưng với gia đình Ki-taek thì hòn đá chỉ đơn giản là hòn đá và ngắm hòn đá trang trí trong nhà chẳng thể làm họ no được cái bụng. Người giàu thì vung tiền mua những thứ không cần thiết mà không màng đến ngày mai, nhưng người nghèo thì mua một quả đào cũng phải đắn đo vì ăn đào không thể no lâu được, lại còn mắc mỏ hơn nhiều thứ đáng mua hơn khác.
Người ta hay có câu “gánh nặng cơm áo gạo tiền”, hòn đá “phong thủy” mang lại sự sung túc ấy là hàm ý cho gánh nặng vật chất mà gia đình Ki-taek dù không muốn nhưng vẫn phải mang theo.
“Sao con cứ ôm hòn đá ấy thế?”
“Vì nó cứ bám theo con.”
Hai câu thoại của giữa ông Ki-taek và Ki-woo đã chỉ rõ vai trò của hòn đá trong cả bộ phim. Đến khi Ki-woo bị chồng của bà Moon-gwang (quản gia cũ của gia đình ông Park) đập hòn đá vào đầu, ẩn dụng cho hình ảnh cái nghèo đã có thể giết chết một con người hay một gia đình ra sao.
3. Cơn mưa
Tương tự như hòn đá, cơn mưa là hình ảnh giúp đẩy khoảng cách giữa 2 tầng lớp càng lúc càng lớn. Một cơn mưa, dưới góc nhìn của kẻ có tiền hay kẻ không tiền, có thể là thảm họa hay cũng có thể là phước lành. Ta chứng kiến cơn mưa ấy khiến những gia đình sống dưới mặt đường như gia đình Ki-taek phải khốn đốn vì nước ngập, cuốn trôi gần như tất cả tài sản của họ và cả khu phố phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất.
Nhưng với những gia đình như gia đình ông Park, thì cơn mưa ấy là thứ giúp làm giảm sự ô nhiễm, theo lời bà Yeon-kyo. Những người chưa bao sống trong cảnh bế tắc, sẽ chẳng bao giờ hiểu một cơn mưa dù to dù nhỏ có thể ảnh hưởng đến đêm an giấc của một gia đình như thế nào.
4. Con gián
“Bây giờ ông Park mà gõ cửa, bước vào nhà. Ông ấy sẽ trốn chui trốn nhủi bỏ chạy như một con gián,” bà Chung-sook nói về chồng mình với các con khi họ quây quần ăn nhậu tưng bừng. Khung cảnh đó không khác gì một bầy gián bâu vào mớ thức ăn thừa ở bãi rác. Khi có người xuất hiện thì bầy gián bắt đầu chạy tán loạn, y hệt lúc gia đình ông Park trở về và nhà.
Gián là loài có cái mùi hôi rất đặc trưng, khó tẩy sạch. Tương tự thế, ông Ki-taek và có thể là cả gia đình ông đều cùng một loại mùi mà ông Park hay đề cập với vợ. Mùi của “nước đun giẻ lau”, mùi của “tàu điện ngầm”, mùi của “tầng hầm” hay nói đúng hơn là mùi của sự nghèo khổ. Ông Ki-taek thường mặc cảm vì điều này bởi nó phản ánh một thực tế phũ phàng rằng dù có khoác lên mình bộ quần áo đạo mạo đến đâu, cái mùi của sự dơ bẩn và lối sống bần cùng vẫn khiến gốc gác của ông và gia đình làm những người như ông Park nhận ra và miệt thị họ.
5. Cảnh phun thuốc diệt côn trùng
Cảnh phun thuốc diệt côn trùng ở đâu phim mô tả chính xác hoàn cảnh của gia đình Ki-taek cũng như những người có cùng cảnh ngộ. Họ để cửa sổ mở, mùi thuốc xịt xộc vào nhà nồng nặc, nhưng dù cho phun thuốc thế nào, côn trùng chỉ biến mất một thời gian rồi lại sinh sôi dày đặc như lúc trước nếu điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Xịt thuốc chỉ là biện pháp tạm thời và phải thực hiện định kỳ. Những gia đình nghèo khó như ông Ki-taek cũng giống như loài côn trùng, chẳng bao giờ có thể tuyệt diệt bằng việc xịt thuốc. Cái nghèo không tự sinh ra và cũng chẳng tự mất đi. Nếu công ăn việc làm và điều kiện sống không được cải thiện, những con bọ như gia đình Ki-taek vẫn sẽ tiếp tục sinh sôi và tồn tại.
6. Tầng hầm và khung cửa sổ
“Cả đời sống dưới tầng hầm, đến chết hẳn cũng là chết dưới một tầng hầm”, căn nhà của gia đình Ki-taek giống một tầng hầm với cửa sổ nhìn ra mặt đường, đến khi vào nhà Park, họ rồi vẫn không thể thoát khỏi số phận liên quan đến tầng hầm.
Nếu để ý kỹ, khán giả sẽ thấy cửa sổ tầng hầm là nơi bắt đầu bộ phim và cũng chính góc quay, quang cảnh đó là kết thúc của cả bộ phim. Cuộc đời của gia đình Ki-taek gắn liền với một nơi hôi hám, bí bách, khó nhìn thấy bầu trời và ánh nắng, nơi giam giữ giấc mơ và hi vọng về một cuộc sống tốt hơn.
Ngôi nhà xa hoa của ông Park cũng có một tầng hầm bí mật, nơi chồng của bà Moon-gwang sống 4 năm trời, hằng ngày làm công việc bật đèn để căn nhà trông có vẻ như có hệ thống đèn tự động. Liệu đây có phải là hàm ý của đạo diễn về việc, tiện nghi cuộc sống xa xỉ của những người giàu có đều được xây dựng, đánh đổi và trả giá bằng nỗi khổ của nhiều người khác?
7. Mã Morse
Trong phim có một số cảnh phim liên quan đến Morse – một loại mã hóa ký tự dùng dấu chấm (.) và gạch ngang (-) để truyền đạt thông tin trong những năm thập niên 70 – 80, đặc biệt là trong chiến tranh.
Cảnh đặc biệt nhất là khi chồng bà Moon-gwang phát tín hiệu S.O.S ra bên ngoài, nhưng người duy nhất nhận ra và giải được là Da-song, cậu con út của ông Park. Tuy vậy, phim không có bất cứ tình tiết nào cho thấy Da-song nói với cha mẹ về tín hiệu này, vợ chồng ông Park cũng hề nhận ra có người đang kêu cứu dưới căn nhà của mình. Chi tiết này hàm ý cho tiếng kêu cứu mà không mấy ai nghe của những gia đình nghèo khó như nhà Ki-taek.
Đoạn đối thoại giữa vợ chồng ông Ki-taek giữa phim thể hiện rất rõ sự châm biếm xã hội của đạo diễn: miễn chẳng phải lo nghĩ về tiền bạc và cuộc sống, ai cũng có thể “tốt bụng” và “rộng lượng” như gia đình ông Park, một gia đình miệt thị cái nghèo vì chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh đó.
8. Kết phim
Phim sử dụng nhiều góc quay và cách dẫn dắt cho thấy sự đối lập giữa 2 gia đình. Gia đình Ki-taek thì gian manh, gia đình ông Park thì dễ tin người. Đối với nhà Ki-taek, phim sử dụng góc quay hẹp, theo chân nhân vật từ ngoài cửa vào trong nhà, luồn lách xuống đến khu vệ sinh. Đối với gia đình ông Park thì họ sử dụng góc quay rộng, có bầu trời, có ánh nắng, thấy được cả tủ rượu to bằng cái phòng khách của nhà Ki-taek. Với khoảng cách giàu nghèo quá lớn như thế, liệu mơ ước kiếm tiền để mua lại được căn nhà và cứu cha của Ki-woo liệu có bao nhiêu phần trăm có thể trở thành sự thật?
Lựa chọn cảm giác đáng buồn hay tràn trề hi vọng dành cho nhân vật sau khi phim kết thúc là quyền của khán giả, nhưng nếu xét vào hoàn cảnh thực tế, lựa chọn nào cũng thực sự đầy bế tắc.