[PHÂN TÍCH] Yếu tố 18+ trong phim Hàn liệu có thật sự cần thiết?
Tần suất cảnh nóng trong các phim Hàn Quốc đang tăng dần đều theo thời gian khiến khán giả bị ngợp.
Từ xưa đến nay, phong cách phim Hàn Quốc luôn gắn liền với những âm vị tình yêu ngọt ngào, nhẹ nhàng, lãng mạn có vài phần bi lụy lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu khán giả ở khắp các độ tuổi. Các phân cảnh hot nhất trên màn ảnh đa phần cũng chỉ dừng ở những nụ hôn nhẹ nhàng, song có đôi phần hạn chế và chỉ dừng lại ở tần suất rất thấp. Tuy nhiên thời gian gần đây khi xem phim Hàn Quốc, không khó để ta bắt gặp những cảnh nóng khiến người xem đỏ mặt bởi độ chân thật cũng như sự táo bạo đến bất ngờ. Liệu với một nền công nghiệp phim nổi tiếng về mặt kịch bản luôn chất lượng như Hàn Quốc thì “cảnh nóng 18+” có phải là “mồi câu đen” để thu hút sự chú ý từ khán giả?
Đầu tiên, hãy nhìn lại 1 trong những “bom tấn” của nền công nghiệp phim Hàn Quốc trong năm 2021 Squid Game (Trò Chơi Con Mực) được trình chiếu trên Netflix. Với một kịch bản chất lượng, motif phim độc đáo, bộ phim đã gây được tiếng vang rất lớn không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế. Những con số kỉ lục được ghi nhận, lọt top phim được tìm kiếm nhiều nhất mọi thời đại trên Netflix từ trước đến nay. Ngoài những cảnh phim đặc sắc từ các trò chơi mang lại, phân cảnh làm tình trần trụi của giữa hai nhân vật Deok Soo (Heo Sung Tae) và Mi Nyeo (Kim Joo Ryung) lại gây ra một cuộc tranh cãi lớn trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.
Đa số khán giả cho rằng, cảnh nóng này đưa vào là không cần thiết, nó là một phân cảnh phim dư thừa trong mạch phim của Squid Game và được đưa vào chỉ nhằm mục đích thu hút sự tò mò, chú ý từ khán giả. Bên cạnh đó một bộ phận cho rằng, cảnh quay làm tình trong bộ phim là một cách hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ và coi họ là công cụ tình dục, phân cảnh này quá bạo, không phù hợp với số đông khán giả và văn hóa Á Đông, chỉ vì để đi tiếp trong một cuộc chơi mà sẵn sàng làm tình với người đàn ông gặp mặt chưa lâu thực sự không phải là quan điểm đúng và đẹp của người Hàn Quốc.
Tiếp theo, một siêu phẩm khác của Hàn Quốc cũng có “drama” xoay quanh một phân cảnh nóng trong phim chính là Parasite (Ký Sinh Trùng). Bộ phim của đạo diễn Bong Joon-ho vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cảnh nóng trên ghế sofa của hai vợ chồng giám đốc Park. Nhiều người cho rằng đây là phân đoạn thiếu nghệ thuật và thừa thãi trong phim. Mặt dù sau đó đạo diễn Bong Jong-ho cũng đã lên tiếng lí giải rằng: "Cảnh sex trên ghế là cảnh quay cần thiết nhất phim, ngay từ khi viết kịch bản tôi đã nhận ra điều đó. Ký sinh trùng là một bi kịch đến từ các nhân vật liên quan trong phim dù họ có muốn hay không. Hãy tưởng tượng người cha đã khó chịu tới mức nào khi xem một bộ phim người lớn với các con mình, nó cũng giống như cảm giác khi ông Ki Taek phải trải qua khi chứng kiến vợ chồng nhà Park làm tình trên ghế sofa. Đó là điểm mấu chốt quan trọng để ông ấy nảy sinh xung đột với ông chủ, dẫn tới những bi kịch sau đó".
Vị đạo diễn lí giải rằng ông muốn thông qua cảnh phim này để diễn ra sự căng thẳng, ngột ngạt, khó chịu của các nhân vật và đó là điều ông muốn khán giả cảm nhận khi xem phim, song tư duy nghệ thuật và góc nhìn của một bộ phận khán giả vẫn không đồng tình, họ cho rằng có rất nhiều cách để khai thác vấn đề này chứ không hẳn phải cần đến một phân đoạn như vậy. Lại thêm một minh chứng khác cho thấy: 18+ không phải lúc nào cũng tạo được hiệu ứng cảm xúc, chỉ cần nó không thích hợp với mạch phim, nó sẽ trở thành thừa thải và gây phản cảm.
Tương tự trong phim My Name (Netflix) của đạo diễn Kim Jin-min kể về công cuộc trả thù của Ji Woo đi tìm thủ phạm giết chết cha mình, những phân cảnh nóng của Han So Hee trong phim cũng vấp phải rất nhiều những gạch đá không đáng có. Mặc dù bộ phim gắn mác 18+ vì có nhiều cảnh hành động bạo lực và có cảnh báo hình ảnh nhạy cảm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, song phân cảnh nữ chính Ji Woo (Han So Hee) trải qua đêm ân ái với cộng sự Pil Do vẫn gây cho khán giả cảm giác khó chịu, cảnh này bị đánh giá là thừa thãi vì không thúc đẩy tình tiết của câu chuyện báo thù, nó dư thừa, lạm dụng và đánh vào sự tò mò, “rửa mắt” của một số bộ phận khán giả.
Mặc dù không thể phủ nhận rằng, có rất nhiều cảnh nóng được đưa vào phim sẽ làm tăng giá trị nghệ thuật, thúc đẩy diễn tiến câu chuyện cũng như bộc lộ được tối đa cảm xúc các nhân vật trong phim, điển hình như những cái tên tiêu biểu như Cô Hầu Gái, Sương Hoa Điếm… Tuy nhiên, việc đưa các cảnh ‘nóng' vào phim cần phải được xử lí tinh tế để tránh ảnh hưởng đến mạch phim cũng như cảm xúc và tâm lý diễn viên.
Lằn ranh giữa phô, thô và nghệ thuật ở những phân đoạn này là rất mỏng manh, tham lam, lạm dụng sẽ biến một bộ phim đang hay cũng có khả năng hóa phim “rác”, phim “đồi trụy” bất cứ lúc nào. Tóm lại, xu hướng sử dụng cảnh nóng trong phim không chỉ Hàn Quốc nói riêng mà nền công nghiệp thứ 7 của các quốc gia nói chung đang dần trở thành con dao hai lưỡi. Phim đến với khán giả bằng trí tuệ, bằng nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa mới là phim hay, đừng lạm dụng, cố biến thị hiếu của một bộ phận người xem “rửa mắt” trở thành mục đích và “sex” trở thành công cụ câu view rẻ tiền không hơn không kém trong nghệ thuật.