Phim Việt dính nghi án "mượn không xin phép" ca khúc của bộ phim đoạt giải Oscar

Tin điện ảnh · MarsLe ·

Nhiều nhà sản xuất đã lắc đầu bỏ chạy khi phía nước ngoài cho biết chi phí tác quyền tối thiểu là 5000$ cho 1 ca khúc khá bình thường.

Bộ phim được nhắc đến ở tiêu đề bài chính là bộ phim vừa ra mắt cách đây không lâu - Lời Nguyền Gia Tộc. Sự việc cũng được phát hiện một cách khá tình cờ bởi một người trong nghề - Anh Poly. Dưới đây là phần trích chia sẻ từ facebook của Anh Poly:

Lời Nguyền Gia Tộc nó nhắc Poly nhớ 1 kiệt tác điện ảnh từng khiến những con tim 7x 8x thời mới lớn mê phim như Poly phải thổn thức day dứt cả một quãng thời gian rất dài những năm 90. Trong phim Lời Nguyền này, phân đoạn khi anh bạn trai bồng cô bạn gái lên giường, cô bạn gái mặc chiếc áo ngủ đen huyền bí hơi lộ 1 tý đôi gò bồng đảo từng khiến fan mì gõ chết mê, thì lúc này nhạc phim vang lên 1 giai điệu hết sức quen thuộc, quen thuộc với Poly đến mức chỉ cần nghe 2-3s đầu là đã nhận ra. Và đến khi lời ca: "Oh my Love" vang lên thì Poly cũng buột miệng ngay trong rạp: "OH MY GHOST". Đây là bài hát Unchained Melody do The Righteous Brothers trình bày từng được sử dụng trong bộ phim tình cảm đình đám một thời Ghost (1990).

Cho những ai không biết về ca khúc Unchained Melody và bộ phim Ghost (1990):

Ghost - Hồn Ma được xem một trong những bộ phim tình cảm hay nhất thập niên 90. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Patrick Swayze, Demi Moore, Tony Goldwyn và Whoopi Goldberg, của tác giả Bruce Joel Rubin và đạo diễn bởi Jerry Zucker. Phim từng đoạt giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất 1990, đoạt giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất 1990.

Về ca khúc nhạc phim Unchained Melody: "Có những giai điệu mà khi chỉ thoáng nghe qua một lần, ta luôn nghĩ tới hình ảnh của một bộ phim. Đó là trường hợp của những bài hát chủ đề như Love Story, Titanic hay là Pretty Woman. Nhưng không có nhạc phim nào lại có đầy ma lực quyến rũ, sức cuốn hút liêu trai như giai điệu Unchained Melody. Trong lịch sử âm nhạc, đây là tình khúc duy nhất có đến 5 phiên bản đứng đầu thị trường Anh Mỹ qua nhiều thời kỳ và giai đoạn khác nhau. Nhạc phẩm Unchained Melody ăn khách lần đầu tiên vào giữa thập niên 1950. Nhưng giới trẻ chủ yếu mê mẫn say đắm với giai điệu này vào đầu những năm 1990 khi bài hát được chọn làm ca khúc chủ đề của bộ phim Ghost (Hồn Ma) với cặp diễn viên Demi Moore và Patrick Swayze trong vai chính. Mỗi lần điệu nhạc trổi lên, người nghe lại thấy hiện về trong tâm trí hình ảnh đôi tình nhân giữa hai thế giới của bộ phim Ghost (Hồn Ma).

Rồi bây giờ, bài hát này cũng được sử dụng trong 1 cảnh quay ướt át lãng mạn mào đầu trên giường trong 1 bộ phim Việt Nam. Há chẳng phải là tự hào lắm thay nếu thật sự 1 nhà sản xuất Việt Nam có khả năng mua được quyền sử dụng trong phim. Với niềm tự hào đó, Poly ngồi nán lại đến hết credit phim để xem phần âm nhạc, thì ngạc nhiên là tuyệt nhiên không có 1 dòng nào đề cập đến bài hát này trong credit phim. Ngay cả bài hát vọng cổ Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng mà cô đào hát Yên Khê trình bày trong phim làm siêu lòng ông chủ cũng tuyệt nhiên không 1 dấu tích. Chỉ thấy để tên người làm nhạc phim là Viết Thanh. Thật kỳ lạ vì Poly có điện thoại hỏi vài nhà sản xuất phim thì nguyên tắc bản quyền là phải để tên các bài hát được sử dụng trong phim. Ngay cả các phim ngắn trong cuộc thi 48H cũng phải tuân thủ điều này.

Thế nên, đứng trên phương diện của người từng làm phim ngắn để tham gia các cuộc thi lẫn up youtube chơi, rồi các clip BTS hậu trường phim, Poly biết chuyện sử dụng nhạc rất khắt khe về bản quyền chứ không đơn giản. Đồng thời cũng hiểu chuyện các bộ phim Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về chuyện sử dụng nhạc nước ngoài. Ví dụ như gần đây có nhiều nhà sản xuất đã quyết định thuê nhạc sĩ sáng tác hoàn toàn các ca khúc mới dành cho các bộ phim remake sau khi tham khảo cho phí tác quyền của các ca khúc phim gốc. Vì theo Poly biết, nhiều nhà sản xuất đã lắc đầu bỏ chạy khi phía nước ngoài cho biết chi phí tác quyền tối thiểu là 5000$ cho 1 ca khúc khá bình thường. Nhắc lại đây chỉ là phí tác quyền, tức là chỉ là được phép sử dụng bản nhạc để hát và ghi âm lại, chứ 5000$ không phải là quyền sử dụng bản ghi âm có nhạc đệm và lời ca sĩ. Và đây chỉ là phí tối thiểu cho bài hát khá bình thường, những bài nổi tiếng thì sẽ đắt hơn rất nhiều. Ngay cả những bộ phim Việt Nam được làm đàng hoàng chỉn chu, thì chi phí tác quyền này đã chiếm rất nhiều nhưng nhiều nhà sản xuất phải chấp nhận tôn trọng bản quyền.

Cũng chính vì vậy, rất nhiều bộ phim Việt Nam gần đây liên quan đến đề tài âm nhạc đều chọn hướng mời nhạc sĩ ca sĩ trong nước sáng tác các ca khúc mới hoàn toàn để sử dụng trong phim thay vì sử dụng ca khúc gốc của nước ngoài. Như vậy vừa hợp với nhu cầu Việt hóa, thị hiếu khán giả mà còn tiết kiệm được chi phí. Điển hình như :

  • Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong sáng tác ca khúc nhạc phim cho Em Là Bà Nội, Cô Gái Đến Từ Hôm Qua của đạo diễn Phanxine.
  • Nhạc sĩ Đức Trí sáng tác ca khúc nhạc phim cho phim Người Tình của đạo diễn Lưu Huỳnh, Sunnny remake - Những Tháng Năm Rực Rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
  • Only C sáng tác ca khúc nhạc phim cho Spellbound remake- Yêu Đi Dừng Sợ

Vậy nên Unchained Melody được sử dụng trong phim Lời Nguyền Gia Tộc nếu được mua bản quyền đàng hoàng. Thì Poly nghĩ đây là 1 sự kiện đáng ghi nhận khi 1 nhà sản xuất Việt Nam chịu chơi mua 1 ca khúc phim đình đám từng đoạt giải Oscar để về sử dụng trong 1 phim kinh dị giải trí. Điều này đáng ghi vào sách lịch sử của điện ảnh nước nhà.

Phần trên là suy nghĩ của Poly đứng trên 1 người có đi làm phim, có biết về chuyện khó khăn chuyện sử dụng nhạc trong phim. Còn đứng trên phương diện 1 khán giả bỏ tiền ra mua vé xem phim Lời Nguyền Gia Tộc, đồng thời cuồng phim Ghost (1990) và những cảm xúc phim này mang lại. Thì Poly muốn biết là ca khúc Unchained Melody do The Righteous Brothers trình bày được sử dụng trong phim Lời Nguyền Gia Tộc có được nhà sản xuất mua tác quyền và bản quyền bản ghi âm đàng hoàng hay không?

Bài viết có lược bỏ một số chi tiết và đi vào trọng tâm nội dung, bạn có thể xem bài viết đầy đủ tại đây: Anh Poly.