Ra rạp trễ hẹn, hãng phim có thể mất gần 115 tỷ đồng và hơn thế nữa
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Có khi mới mở vài bữa lại phải đóng, như Trung Quốc, cho chắc ăn.
Cho đến lúc này, khán giả ắt hẳn đã quen thuộc với lịch phát hành dự kiến cứ dời mãi, dời mãi rồi dời mãi.
Những bộ phim hứa hẹn sẽ thắp sáng lại niềm tin của chủ rạp chiếu, như Tenet hay Mulan (vốn đã dời lịch đôi ba lần), lại tiếp tục dời lịch. Xu hướng chạy lịch này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn với tình hình dịch bệnh không những chưa được kiểm soát mà còn có khả năng bùng phát mạnh hơn khi bị tác động bởi nhiều yếu tố, góp phần giúp các chủ rạp tiếp tục ngồi chơi xơi nước.
Trước đó, nhiều phim đã dời hẳn lịch đến cuối năm 2020 và tận năm 2021. Chỉ 1 số ít trụ lại, thật ra cũng để tăng niềm tin và động lực hoạt động của các chủ rạp, nhưng giờ đây, các hãng phim sẽ phải cân nhắc kỹ càng hơn bởi việc liên tục dời lịch sẽ chỉ làm tăng gánh nặng tài chính cho họ, mà những bộ phim lớn lúc này lại rơi vào tình huống khó khăn để thu lợi lớn.
Các hãng phim vẫn tin tưởng rạp chiếu là nơi giúp họ thu hồi vốn, tạo ra lợi nhuận nhưng ngày mở lại rạp còn quá mờ mịt. Nhiều người nghi ngờ liệu tháng 8 có phải là thời điểm cuối cùng mà Tenet hay Mulan sẽ ra rạp? Nếu thời điểm này không thay đổi nữa, chi phí sẽ không tốn thêm mấy nữa, chỉ đơn giản là điều chỉnh kế hoạch giãn ra 1 chút. Nhưng nếu điều đó không đúng, hãng sẽ quyết định giữa kéo dài hay ngưng hẳn cho đến một thời điểm có vẻ chắc chắn hơn.
Theo các chuyên gia tính toán, với Mulan hay Tenet, mỗi lần dời lịch (trong khoảng 1 tháng), tổng kinh phí quảng bá phải bổ sung là từ $200,000 đến $400,000 ~ 5 – 10 tỷ đồng. Đó cũng là khoảng chi phí chỉ để giới thiệu 1 bộ phim mới, đồng nghĩa mỗi lần như thế, tất cả đều làm lại từ đầu. Tùy vào tình huống, tổng kinh phí có thể lên đến $5 triệu ~ 115 tỷ nếu lịch phát hành cứ dời bất chợt. Nguyên nhân là vì các hoạt động quảng bá chủ yếu đánh mạnh vào 2 tuần trước khi phim ra mắt, và nếu ngày phát hành bị ép dời thì coi như mất hết.
Để quảng bá 1 bộ phim lớn, kinh phí sản xuất vào khoảng $100 – 200 triệu, hãng sẽ tiêu tốn rất nhiều, bao gồm nhiều hạng mục từ quảng cáo 30s trên truyền hình, hay bảng quảng cáo ngoài trời, họp báo hoành tráng tại đại lộ Hollywood,…Mọi thứ kể trên được triển khai khoảng 6 tuần trước khi phim ra rạp, đôi khi sớm hơn để tranh thủ được sự chú ý nếu có nhiều cạnh tranh.
Đó là quá khứ huy hoàng hôm qua, hôm nay, rạp phim đóng hết rồi, kế hoạch thì cứ để đó, hãng phim phải tìm mấy trò truyền thống hơn như chiếu trailer trong rạp hay họp báo riêng với dàn sao. Những sự kiện trực tiếp như giải NBA hay MLB, vốn thu hút nhiều sự chú ý, nay cũng chẳng có hy vọng gì.
Một chuyên gia bình luận: “Mọi kế hoạch quảng bá đều đổ bể, chẳng ai chốt lịch bất cứ cái gì cho bạn cả.”
Mặc dù vậy, vẫn có thay đổi chiến lược tí, kinh phí quảng bá phim có vẻ như không thu hẹp lại. Hãng phải chuyển hướng đến các phương tiện kỹ thuật số nhiều hơn để tiếp cận bà con đang nằm queo ở nhà, như TikTok hay Fortnite. Thôi thì, dân tình ở nhà rảnh rỗi chơi game và cắm mặt vào mấy cái ứng dụng vớ vẩn mà, tiếp cận họ qua đó chắc sẽ ổn thôi.
Lúc này, hãng phim không phải là người duy nhất đang chán nản, chủ rạp chắc oải hơn nhiều. Nhiều người tin rằng, khán giả sẽ không ùn ùn đến rạp cho đến khi có gì đó mới và hấp dẫn. Lịch phim thì cứ dời, ca nhiễm bệnh lại tăng, ngày mở rạp kia chắc cũng rồi sẽ lại sang tháng, chưa biết tháng nào. Và có khi mới mở vài bữa lại phải đóng, như Trung Quốc, cho chắc ăn.
Coi nào, đốt $200 triệu đó, ai mà dám liều chiếu phim mình đầu tiên chứ?
“Chậm mà chắc” có lẽ là châm ngôn dẫn đường của mọi người lúc này.
Nguồn: Variey