[REVIEW] Cù Lao Xác Sống
Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · miduynph ·
Mọi cố gắng của ekip Cù Lao Xác Sống đều là vô nghĩa khi bộ phim có chất lượng khiến người xem vô cùng ngán ngẩm.
Cù Lao Xác Sống là bộ phim gây nhiều tò mò cho khán giả ngay từ khi tung trailer và cũng là phim Việt Nam duy nhất ra mắt trong dịp lễ 2/9 này. Tác phẩm là đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Thành Nam hợp tác cùng nhà sản xuất Nhất Trung về chủ đề đại dịch xác sống – vốn là một thể loại phim rất được ưa chuộng trên thế giới. Tuy nhiên mọi cố gắng của ekip đều là vô nghĩa khi bộ phim có chất lượng khiến người xem vô cùng ngán ngẩm.
Mở đầu phim là cuộc di tản của những người dân tại một cù lao miền Tây Nam Bộ khi đại dịch xác sống (zombie) bất ngờ xuất hiện từ thượng nguồn sông Mekong đã lây lan đến vùng đất bình yên này. Công (Huỳnh Đông) – một thầy thuốc đông y có nhiều nỗi đau trong quá khứ và trở nên lạnh lùng, vô cảm đã quyết tâm đưa cha và con gái mình đi đến bến phà để rời khỏi quê nhà. Cả gia đình đã gặp không ít khó khăn khi vừa đối mặt với đám zombie, vừa bị lạc mất nhau. Trong cuộc hành trình đó, họ đã gặp gỡ 2 chàng trai hoạt ngôn, 1 gia đình tốt bụng, đôi bạn trẻ quả cảm, 1 người đàn ông và 1 người phụ nữ đều đau khổ vì mất con. Tất cả cùng tập hợp lại nhằm tìm kiếm sự sống nhưng cũng từ đó lòng người nảy sinh nhiều sự tham lam, ích kỷ khó lường trước được. Cuộc chiến của họ sẽ đi về đâu khi đại dịch ngày một nghiêm trọng và cơ hội sống sót không còn đủ cho tất cả mọi người.
Cù Lao Xác Sống sở hữu một kịch bản lạ, lạ vì sự lố lăng, tạp nham, nhạt nhẽo và vô nghĩa đều hội tụ trong cùng 1 kịch bản. Một điểm lạ nữa khi đây là bộ phim không có mở đầu cũng chẳng có cái kết. Khán giả sẽ có cảm giác vừa vô rạp là được xem một trận đuổi bắt tới 93 phút sau vẫn chưa có được kết quả. Đồng thời, những tình tiết của phim được sắp xếp lung tung, không có bất kỳ một sự tính toán gì và chắp vá vào chỉ để cho đủ thời lượng. Thậm chí có nhiều cảnh cố gây hài nhưng đọng lại ở người xem chỉ là cảm giác ngại giùm nhà làm phim khi có thể cho ra mắt những đoạn hài nhạt nhẽo, vô duyên và lạc quẻ hoàn toàn với mạch phim như vậy.
Các nhân vật của phim cứ từ đâu đùng một phát là xuất hiện như xếp hàng chờ sẵn và vì vậy cũng chả nhân vật nào được khai thác ra hồn, ngay cả nhân vật chính là Công. Dù có cố gắng lồng ghép nghệ thuật cải lương hay nét đẹp hy sinh cao cả của những người dân miền Tây chất phát thì cũng không đủ để cứu bộ phim thoát khỏi cảnh "thảm họa phòng vé". Có thể nói những phân đoạn ấn tượng nhất cũng đã được gói gọn đủ hết trong trailer của phim.
Với cái danh "phim zombie của Việt Nam" thì điều mà khán giả mong đợi nhất chính là đám zombie “khát máu” sẽ được thể hiện như thế nào. Và câu trả lời là zombie của phim cũng ngộ nghĩnh không kém khi lúc nào cũng chậm chạp và yếu ớt ngay cả khi phát hiện có con người kế bên. Bộ phim khá lạm dụng slow-motion ở những phân cảnh căng thẳng hay cảm động và điều đó gây khó chịu cho người xem khi zombie thì cứ lết hoài vẫn không tới nơi còn con người thì cứ đứng ngây ra đó để zoom vào biểu cảm từng nhân vật. Về phần tạo hình thì con zombie nào cũng giống nhau với tóc tai rối rũ rượi, quần áo dính dơ và những vệt máu nhưng tương đối lành lặn, nhìn rất đồng đều như là đồng phục vậy.
Bối cảnh phim cực kỳ đơn sơ và nhàm chán với bãi đất trống, con sông và vài ngôi nhà hoang để các nhân vật đuổi bắt nhau. Đi kèm với đó là phần âm thanh chói tai khán giả đến từ cả hiệu ứng và các nhân vật. Ở những đoạn gay cấn thì âm thanh chèn vào với âm lượng lớn “ầm ầm” rất giả tạo kết hợp cùng với sự la hét dai dẳng và the thé của các nhân vật, thật sự tạo nên một trải nghiệm không hề thoải mái cho người xem.
Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên thực lực với những cái tên đảm bảo về tài năng diễn xuất như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, nghệ sĩ Thanh Hằng, Tấn Thi hay các gương mặt trẻ như Xuân Nghị, La Thành, Lê Lộc,… Thế nhưng diễn xuất của họ trong phim này lại khá gượng gạo và đôi lúc bị cường điệu hóa. Chắc có lẽ vì kịch bản phi lý cùng lời thoại sáo rỗng và những tình tiết được sắp đặt “giả trân” của phim khiến diễn xuất của họ cũng không thể chân thật và cảm xúc hơn được. Điểm sáng duy nhất chắc có lẽ là nét diễn tự nhiên và dễ thương của 2 diễn viên nhí Mona Bảo Tiên trong vai bé Na – con gái Công và Phan Huy Khang vai Tài Anh.