[REVIEW] Diệp Vấn Ngoại Truyện: Trương Thiên Chí – Đánh đấm xem rất phê nhưng nội dung còn vài chỗ chê
Đánh giá phim · Genis ·
Nếu coi Diệp Vấn Ngoại Truyện: Trương Thiên Chí là một phim độc lập, không phải ngoại truyện, thì phim xem vẫn ổn, mãn nhãn.
Kéo xuống để xem tiếp
Đã 3 năm kể từ ngày Diệp Vấn 3 ra mắt và nhận được không ít lời khen từ giới phê bình lẫn khán giả đại chúng dành cho những thông điệp giàu cảm xúc về tình yêu, gia đình bên cạnh những màn tỷ võ đầy mãn nhãn. Ấn tượng tốt đẹp của khán giả đối với Diệp Vấn sư phụ tài cao đức trọng vẫn còn đấy và họ vẫn mong ít nhất một lần nữa được nhìn thấy Chân Tử Đan hóa thân thành huyền thoại võ thuật và tỷ thí cùng các cao thủ khác. Tuy nhiên, người hâm mộ đã bị ấn tượng bởi một võ sư khác của phái Vịnh Xuân xuất hiện trong phần 3 của loạt phim này. Các nhà làm phim nhận thấy sức ảnh hưởng của anh là tương đối lớn và quyết định cho ra một phần ngoại truyện về vị võ sư Trương Thiên Chí này.
Diệp Vấn Ngoại Truyện: Trương Thiên Chí có thể được xem vừa là ngoại truyện vừa là hậu truyện của loạt phim Diệp Vấn do Chân Tử Đan đóng chính. Thời điểm sự kiện trong phim diễn ra ngay sau khi Trương Thiên Chí (do “cao thủ mặt lạnh” do Trương Tấn thủ vai) thách đấu tranh ngôi vị người kế tục chánh tông của Vịnh Xuân phái và đã thất bại trước Diệp sư phụ. Kết quả của sự thất bại đã dẫn đến việc Trương Thiên Chí đóng của võ đường và sống quy ẩn cùng cậu con trai nhỏ. Dù đã “rửa tay gác kiếm” nhưng do dòng đời đưa đẩy, Trương Thiên Chí vô tình đụng độ một băng đảng xã hội đen do Tào Thế Kiệt (do Trịnh Gia Dĩnh thù vai) cầm đầu, và từ đó, tư thù giữa 2 bên ngày càng chồng chất. Để bảo vệ đứa con trai duy nhất và những ân nhân đã giúp đỡ 2 cha con anh, Trương Thiên Chí quyết định một lần nữa dùng võ thuật chống lại những kẻ máu lạnh đang hoành hành ngoài kia.
Là một phim võ thuật và được sản xuất bởi Chân Tử Đan nên hiễn nhiên những màn giao đấu đều được đầu tư rất kỹ lưỡng. Các pha trao đổi chiêu thức rất đẹp mắt, không quá ảo. Những góc quay cận cảnh hợp lý giúp khán giả nhìn rõ những đòn đấm, đá của các nhân vật. Một số trường đoạn hành động có sự tham gia của các ngôi sao võ thuật như Tony Jaa hay Dương Tử Quỳnh càng làm khác giả thích thú hơn.
Khen là vậy nhưng người viết có hai điều vẫn còn cảm thấy tiếc đối với mảnh võ thuật của phim. Đành rằng đây là một phim về võ thuật Trung Hoa thuần túy, nhưng đã mời được Tony Jaa, một ngôi sao Muay Thái rất nổi tiếng qua loạt phim Truy Tìm Tượng Phật, thì chí ít cũng nên phô diễn một chút sở trường của mình. Xuất hiện với thời lượng cực kỳ ít ỏi và không hề có những đòn trỏ hay gối đặc trưng của môn võ này. Nhân vật của anh là một sát thủ bí ẩn nên việc anh sử dụng môn võ nào có lẽ cũng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phim là bao. Điều này thậm chí còn làm giảm đi tính đa dạng võ thuật, vốn được chú trọng trong các phần Diệp Vấn trước đó.
Điều đáng tiếc thứ hai đó là các đối thủ của Trương Thiên Chí rất ít người là cao thủ. Phần lớn các những kẻ mà Trương Thiên Chí đối đầu là những tên tay sai không có võ nghệ gì hoặc võ rất kém. Và dường như đạo diễn rất thích cho Trương Thiên Chí vào những tình huống “một mình anh chấp hết” với những kẻ tay lúc nào cũng lăm lăm con dao hoặc khúc cây. Và dĩ nhiên thì anh đều xử lí gọn ghẽ mà không vướng phải khó khăn gì. Xem thì ngầu thật đấy nhưng người xem vẫn chuộng những pha solo hơn.
Về nội dung của phần ngoại truyện này thì thực sự không có gì quá nổi bật. Cốt truyện chủ yếu xoay quanh những mâu thuẫn leo thang giữa Trương Thiên Chí và băng nhóm xã hội đen. Yếu tố tình cảm phần lớn là về tình cha con và tình chị em, còn tình yêu nam nữ lẽ ra cũng có nhưng lại bị bỏ qua khá uổng.
Phim không có yếu tố bất ngờ vẫn cũng chẳng có chi tiết nào khó hiểu làm người xem phải suy nghĩ nên rất dễ gây buồn ngủ. Phim có đề cập đến những thông điệp như ý chí đứng lên sau thất bại, tinh thần dân tộc và đấu tranh cho sự bất công giữa người với người. Phim cũng lên án một xã hội thối nát, trụy lạc đầy rẫy tham nhũng, bất công và lạm quyền trong thời kỳ Hồng Kông bị nước Anh chiếm đóng. Thế nhưng không một vấn đề nhất định nào được đào sâu vào mà chỉ lồng ghép sơ sài, làm cho phim như một bữa ăn với đầy những món truyền thống nhưng không món nào thực sự được chế biến một cách đặc sắc.
Trương Thiên Chí của Trương Tấn trong Diệp Vấn 3 là một con người cao ngạo đầy tự tin nhưng đến phần này thì vẻ tự tin ấy được thay thế bằng hình ảnh một người đàn ông trầm lặng mang trong mình đầy u sầu. Giữa Diệp Vấn và Trương Thiên Chí tồn tại rất nhiều điểm chung khi họ đều là những người đàn ông bảo vệ cho gia đình, giỏi võ và chuyên hành hiệp trượng nghĩa. Nhưng Diệp Vấn được xây dựng như là một soái ca không tỳ vết, một con người hoàn hảo về nhân cách và võ thuật. Còn đối với Trương Thiên Chí, anh mặc dù bại trận trước Diệp sư phụ, nhưng người viết lại đề cao bản tính truy cầu của anh hơn. Người học võ nếu không liên tục thử thách bản thân với những đối thủ mạnh hơn thì làm sao có thể hoàn thiện võ công của bản thân. Và trên hết đó là anh là kẻ biết đứng dậy sau khi hứng chịu một thất bại có thể là cay đắng nhất trong cuộc đời. Trương Thiên Chí dù chỉ là nhân vật hư cấu nhưng vẫn đáng để học tập.
Nhân vật do Dương Tử Quỳnh tử đảm nhận được thể hình rất tốt từ thần thái khuôn mặt “lạnh như tiền” của một trùm xã hội đen nức tiếng cho đến màn tỷ võ vẫn bén ngót như thời còn trẻ. Có lẽ đối với kinh nghiệm đóng phim võ thuật và hành động dày dạn của Dương Tử Quỳnh thì vai diễn này vẫn chưa đủ sức làm khó được bà. Bà đã cho người xem một dấu hỏi thật lớn về quá khứ của nhân vật do bà thủ vai vì độ ngầu đến ngây ngất. Thậm chí nếu làm tiếp một phần phim riêng về nhân vật này thì chắc là cũng sẽ không ai phản đối. Có điều tiểu sử của nhân vật này được thể hiện quá ít ỏi và khán giả sẽ lại tiếp tục tự hỏi vì sao một ông trùm của các ông trùm như thế lại muốn lui về làm ăn lương thiện.
Trịnh Gia Dĩnh cũng với kinh nghiệm nhiều năm diễn xuất của mình cũng đã thể hiện tốt một vai đàn anh Tào Thế Kiệt “ưa bạo lực”, “không sợ trời, không sợ đất”. Dave Baustista với vai trò là phản diện chính trong phim không có gì đặc biệt ngoài một thân hình đồ sộ trong bộ vest thanh lịch, thích nấu ăn và một nụ cười luôn hé có thể sẽ làm một số chị em điêu đứng. Thế nhưng đất diễn của anh cũng không nhiều, thoại cũng khiêm tốn và chủ yếu xuất hiện trong những phân cảnh cuối phim vì phần lớn thời lượng dành cho phản diện được trao Trịnh Gia Dĩnh phụ trách.
Diệp Vấn Ngoại Truyện: Trương Thiên Chí , nếu so với các phần Diệp Vấn của Chân Tử Đan thì quả thực phim không hay bằng nhưng nếu coi đây là một phim độc lập, không phải ngoại truyện, thì phim xem vẫn ổn, mãn nhãn. Nếu bạn không quá chú trọng đến nội dung và thích xem những màn quyền cước đẹp mắt thì người viết khuyên bạn nên đi xem.