[REVIEW] Dunkirk - Có xứng đáng được vinh danh là siêu phẩm?

Đánh giá phim · huylock ·

Nolan là đạo diễn rất thích phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách triệt để. Từ tâm lý nhân vật, ông mới xây dựng lên nội dung muốn truyền tải. Nhưng khi đến Dunkirk, diễn biến tâm lý các nhân vật hoàn toàn chưa được khắc họa thuyết phục.

Vậy là đã 3 năm kể từ siêu phẩm gây tranh cãi Interstellar, Christopher Nolan cuối cùng cũng được cả thế giới xướng tên lần nữa với đứa con Dunkirk. Trước khi được công chiếu chính thức, Dunkirk đã nhận được vô vàn lời khen từ giới chuyên môn và cả khán giả, nhưng liệu đây có xứng đáng với hai từ “siêu phẩm” như những bộ phim trước mà Nolan gây dựng lên?

Bài viết dành cho những ai đã xem phim, vì Spoil khắp mặt trận.

Chắc hẳn ai cũng biết bộ phim Dunkirk được Nolan làm nhằm tái hiện lại một trong những cuộc di tản chiến tranh lớn nhất thế giới. Năm 1940, ở bờ biển Dunkirk, gần 400.000 binh lính phải vật lộn tìm cách sống sót trở về nhà khi 3 phía đều bị quân Đức bao vây. Đường thoát duy nhất của họ là vượt biển sang nước Anh, nhưng không dễ dàng chút nào.

<em>Thế gọng kìm ở Dunkirk
Thế gọng kìm ở Dunkirk

Chính vì việc lựa chọn chủ đề về Thế chiến II, Nolan đã khiến bất cứ ai mong chờ phim được chiêm ngưỡng những khung hình đậm chất chiến tranh nhất. Với việc quay IMAX 65mm thì điều này sẽ không làm bất cứ ai phải thất vọng. Từng khung hình đều được quay toàn cảnh, chỉn chu: chúng ta sẽ được thấy một bờ biển dài với hàng ngàn binh lính đang xếp hàng, chúng ta cũng sẽ thấy đường bờ biền nối tiếp nhau, chạy dọc về phía chân trời, chúng ta cũng được chiêm ngưỡng màn không chiến bá cháy với góc nhìn thứ nhất tuyệt đẹp.

<em>IMAX 65mm với khung hình rất rộng
IMAX 65mm với khung hình rất rộng

Bộ phim đã làm rất tốt khi mô tả quy mô chiến tranh rất rộng nhưng có điều, không tạo ra một chiến tranh khốc liệt, tàn bạo ra sao. Trở lại với một bài lịch sử, chúng ta đều biết Thế chiến II diễn ra ác liệt như thế nào, nó có thể làm cả Châu Âu phải tan hoang. Nhưng trong Dunkirk, chúng ta sẽ không thấy điều đó. Ngay cả ở đoạn đầu vừa vào phim, tuy rằng dân cư đã di tản hết, nhưng cảnh quay này lại quá bình thường, không có sự đổ nát, không có sự tan hoang nào (nên nhớ rằng, trước khi có sự kiện Dunkirk 1940, Đức đã tràn vào Pháp, khiến Pháp đầu hàng, thì tất yếu nước Pháp không thể nào “thơ mộng” đến vậy). Tất nhiên, chúng ta cũng cần đưa nó về một không gian hẹp như bờ biển Dunkirk, thì sự khốc liệt của chiến tranh là không thể miêu tả hết. Nhưng cũng nên nhớ rằng, bộ phim Saving Private Ryan ở mỗi ngôi làng mà biệt kích Mỹ đi qua đều cho thấy sự thật trần trụi của chiến tranh, hay chí ít bộ phim vừa ra mắt và tranh giải Oscar năm vừa qua Hacksaw Ridge cũng đã mô tả chân thực chiến tranh trong một không gian hẹp như mỏm núi Hacksaw.

<em>Một góc phố trong Thế chiến II
Một góc phố trong Thế chiến II

Hoặc là Nolan không làm phim về chiến tranh? Nolan chỉ mượn chiến tranh để nói lên điều mình muốn truyền tải. Giống như Interstellar mượn du hành vũ trụ để nói đến tình cảm gia đình, đến sự ô nhiễm môi trường, hay bộ ba The Dark Knight để nói lên nỗi sợ hãi trong con người, mỗi người đều mang trên mình một lớp mặt nạ. Vậy Dunkirk lần này, Nolan muốn truyền tải điều gì?

Đầu tiên, chính là sự sinh tồn. Chỉ có cận kề cái chết, chúng ta mới biết mình muốn sống đến nhường nào. Chúng ta sẽ thấy ba người lính tìm mọi cách để lên được một còn tàu để trở về, một trong số đó vì không muốn quay lại chiến trường cứu người, vô tình đẩy chết cậu bé địa phương trên chiếc thuyền đánh cá, hay cậu lính Pháp phải giả dạng người Anh để được lên tàu, và cuộc tranh cãi xem ai là người phải rời thuyền cũng là chi tiết đáng chú ý.

Ngoài ra, ẩn ý sâu xa của phim chính là tình đoàn kết. Rất nhiều chi tiết ở 2/3 độ dài đầu phim cho thấy sự cá nhân hóa, không thống nhất, sự phân chia giữa những người lính, sự phân biệt giữa lính Pháp và Anh. Trong những đoạn này, chúng ta đều thấy thảm cảnh. Có một số đoạn, đặc biệt màn phối hợp không kích hạ đo ván máy bay địch, hay cậu lính Anh bảo vệ cậu lính Pháp trong cuộc tranh cãi là điểm nổi bật cho sự đoàn kết.

Đặc biệt nhất, độc đáo nhất chính là thủ thuật quay của vị đạo diễn tài ba Nolan. Ông mô tả 3 mặt trận: bờ biển, trên biển và trên không tương ứng với 3 khoảng thời gian khác nhau: 1 tuần, 1 ngày và 1 giờ. Càng về cuối, 3 mặt trận này gắn kết với nhau tại cùng một thời điểm, cùng một không gian. Cũng chính tại đoạn kết này, sự phối hợp 3 mặt trận đã làm nên một màn di tản thành công. Ta thấy thủ pháp này khá giống với Memento đã từng làm. Với quy mô chiến tranh như vậy, thủ pháp này rất thành công với nghệ thuật tương đồng rất thú vị. Nhưng có điều, việc ngay vào đầu phim, tác giả đã cho khán giả biết hết về 3 khoảng không thời gian này, nên không gây hiệu ứng bất ngờ, hay hack não để người xem có thể lục lại thắc mắc. Nếu Nolan gài gắm khéo léo không thời gian này để tạo điểm nhấn khó quên thì hay biết bao, ví dụ như lồng ghép các yếu tố xác định thời gian qua chiếc đồng hồ hay một sự kiện nào đó.

<em>Dunkirk vẫn cần một điểm nhấn
Dunkirk vẫn cần một điểm nhấn

Nhưng tại sao, Dunkirk cần tạo điểm nhấn? Vì xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ không thấy một đoạn cao trào nào cả. Vì tổng thể nội dung phim khá đơn giản. Tất cả chỉ là dõi theo từng bước sinh tồn, những làn đạn, những lần ném bom, đôi khi là những khoảng lặng. Điều này rất dễ bị trôi tuột cảm xúc, đặc biệt không lưu giữ cho người xem dấu ấn nào, những khoảng khắc không thể quên sau khi xem xong. Nếu xét về các bộ phim trước của Nolan, mặc dù khá ít bộ phim có đoạn cao trào nhưng tất cả đều có điểm nhấn, một chi tiết khiến người xem ngã ngửa, bất ngờ hay là nhớ mãi.

Nolan là đạo diễn rất thích phân tích diễn biến tâm lý nhân vật một cách triệt để. Từ tâm lý nhân vật, ông mới xây dựng lên nội dung muốn truyền tải. Nhưng khi đến Dunkirk, diễn biến tâm lý các nhân vật hoàn toàn chưa được khắc họa thuyết phục. Có lẽ vì họ có rất ít đất diễn và trải đều cho từng nhân vật. Người xem chỉ dừng lại ở việc biết nhân vật chứ chưa hiểu nhân vật. Đến cái tên nhân vật chắc cũng rất ít người nhớ, vì được nhắc rất ít hoặc có khi là không nhắc. Cũng có những nhân vật bị thừa, điển hình là cậu bé địa phương trên thuyền đánh cá tên George, sự xuất hiện của cậu không để lại ấn tượng gì cả, không tác động đến nội dung phim, chỉ xuất hiện và chết nhẹ nhàng. Tom Hardy lại làm phiên bản Bane version 2 nên vẫn chưa ấn tượng lắm, ngoài đoạn cuối siêu ngầu. Hình tượng 3 cậu lính với 3 diễn viên mới toanh là Fionn Whitehead, Damien Bonnard, Harry Styles cũng chưa xuất sắc (đặc biệt là đoạn tranh cãi ai phải dời thuyền, vẫn chưa thuyết phục lắm), chắc do họ rất ít thoại.

<em>Bộ 3 diễn viên mới toanh Fionn Whitehead, Damien Bonnard, Harry Styles
Bộ 3 diễn viên mới toanh Fionn Whitehead, Damien Bonnard, Harry Styles

Tóm lại, tổng thể bộ phim Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan chỉ đạt ở mức phim hay chứ chưa thể nói là siêu phẩm. Nhưng đừng có ngại mà không ra rạp trải nghiệm màn hình IMAX hoành tráng, đảm bảo từng khung hình sẽ khiến bạn phát mê.

Tôi chấm bộ phim đạt 8/10 điểm, trong đó:

Hình ảnh: 10/10 (IMAX bá đạo, góc quay đẹp)

Âm nhạc: 9/10 (Không rành về nhạc phim lắm nên cũng ổn)

Nội dung: 8/10 (Chưa có điểm nhấn, cốt truyện đơn giản)

Diễn xuất: 7/10 ( Chưa để lại ấn tượng)