[Review] Inside Out - Câu Chuyện Cảm Xúc
Tin điện ảnh · MarsLe ·
Buổi trưa cuối tuần, có thể pha một tách trà, nhấm nháp một miếng bánh và dõi theo câu chuyện cảm xúc của cô bé Riley từ lúc chào đời cho đến biến cố đầu tiên trong cuộc đời , khi chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco trong bộ phim Inside Out của Pixar.
Minnesota
Ở đâu đó nơi tiểu bang Minnesota, miền Trung Tây nước Mỹ, nơi có những hồ nước đóng băng vào mùa đông, có một cô bé tên Riley ra đời.
Khi còn chưa mở mắt, mảnh cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong trung tâm đầu não của Riley là Joy (Niềm vui), nhân vật tóc xanh, màu vàng, luôn tỏa sáng như chính cái tên của mình. Những mảnh cảm xúc còn lại lần lượt xuất hiện ở trung tâm đầu não, mang những màu sắc đặc trưng của chính chúng:
- Sadness (Buồn Bã): Mang màu blue
- Fear (Sợ hãi): màu tím
- Disgust (Căm ghét và chảnh chọe): màu xanh lá
- Anger (Giận dữ): màu đỏ
Với mỗi người, mảnh cảm xúc điều khiển trung tâm đầu não là khác nhau, quyết định tính cách chính khác nhau. Với mẹ của Riley là Sadness, với cha của Riley là Anger. Với Riley là Joy. Thế nên cô bé đã mở mắt chào cuộc đời bằng nụ cười và lớn lên một cách vui vẻ và hiếu động.
15 phút đầu phim là cuộc sống của Riley ở Minnesota. Ngập tràn hạnh phúc và những ký ức vui vẻ.
Tình yêu của gia đình. Những trò nghịch ngợm. Trượt băng cùng bố mẹ. Chơi hockey với đồng đội. Vui đùa cùng bạn thân Mag. Sự trung thực nảy mầm. Và nụ cười mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ .
Ở Minnesota, những năm tháng đầu đời của cô bé Riley, gần như mỗi ngày đều mang về những trái bóng ký ức màu cam- Niềm vui. Ký ức lõi có được từ những trải nghiệm quan trọng đầu tiên cũng là những trái bóng ký ức màu cam, hình thành nên những hòn đảo tính cách độc đáo riêng biệt của Riley: Đảo Hockey, đảo Ngớ Ngẩn, Đảo Tình Bạn, Đảo Trung Thực, và Hòn Đảo quan trọng nhất cũng như vững chắc nhất – Đảo Gia Đình.
Tôi rất thích ý tưởng về những trái bóng ký ức, ký ức lõi và những hòn đảo tính cách. Nó là cách diễn giải đầy thú vị, dễ thương và sáng tạo về cảm xúc, ký ức và tính cách của cá nhân.
Hơn 10 phút đầu ở Minnesota, là những khung hình mang màu sắc ấm áp. Là khi độc giả nhìn thấy thời thơ ấu của mình ở cô bé Riley nhỏ bé, đáng yêu: nghịch ngợm, vừa hát vừa vẽ lên tường, tưởng tượng mình nhảy qua dòng dung nham, ghét ăn bông cải xanh, khóc đòi đồ chơi, nô đùa bên bố mẹ, …
Hạnh phúc như cách Joy vút bay lên cùng những niềm vui mỗi ngày của Riley.
“Mọi chuyện không thể tuyệt vời hơn” . Phải không Joy?
Minnesota tượng trưng cho vùng an tòan, hạnh phúc và ấm áp của Riley.
San Francisco
Khủng hỏang tuổi 11 của Riley bắt đầu vào ngày gia đình cô bé chuyển nhà. Chiếc xe chạy từ từ ra khỏi Minnesota, băng qua những cánh đồng xanh, cánh đồng hoa, băng qua sa mạc và những dãy núi để đến với San Francisco.
Sự háo hức ban đầu của cô bé đã vỡ tan tành vào ngày đầu tiên đối mặt với ngôi nhà mới và những tháng ngày sau đó ở một thành phố xa lạ.
San Francisco là gì?
Là kẹt xe, là huyên náo, dơ bẩn. Nhà mới. Trường mới. Bạn mới. Chuột chết. Pizza bông cải xanh. Sự lạc lõng và cô đơn. Và nhớ Minnesota.
San Francisco là nơi Sadness (Buồn bã) bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn và bắt đầu can thiệp nhiều hơn vào những quả bóng ký ức. Là nơi Riley có ký ức lõi màu xanh dương (Buồn bã) đầu tiên. Đó là trải nghiệm không thể nào quên khi cô bé khóc trong lớp mới khi nói về những ngày ở Minnesota.
Là nơi Riley có lần không trung thực đầu tiên.
Sự logic của cảm xúc bắt đầu khi những mảnh cảm xúc khác ngòai Joy đã bắt đầu tham dự nhiều hơn vào bảng điều khiển nơi trung tâm đầu não của Riley.
Những trái bóng ký ức mỗi ngày của Riley bây giờ mang màu Đỏ, màu Tím, màu Xanh Lá, màu Xanh Dương. Là Giận dữ, Sợ hãi, Căm ghét, và Buồn bã.
Chúng ta nhìn thấy sự thay đổi trong trạng thái cảm xúc của cô bé Riley, dẫn đến hành động tương ứng và sự sụp đổ từ từ của các Đảo Tính Cách: Ngớ Ngẩn, Hockey, Tình Bạn, Trung Thực và sự lung lay của hòn đảo Gia Đình.
San Francisco trong phim không chỉ là khủng hỏang tuổi 11 của cô bé Riley. Nó còn tượng trưng cho khủng hỏang trong cuộc sống của bất cứ ai. Khi chúng ta phải đối mặt với thay đổi, đi ra khỏi vùng an tòan, khiến chúng ta không còn bình tĩnh dẫn đến đánh mất những điều chúng ta đã có, chúng ta muốn trốn chạy, mong muốn tìm lại những thứ ấm áp trong ký ức.
Như cách Riley giận dữ muốn bỏ nhà ở San Francisco để quay về Minnesota!
San Francisco là nơi Riley đánh mất niềm vui. Nhưng cũng là nơi Joy tìm lại được đường trở về Trung tâm đầu não, cùng với Sadness. Cô bé Riley lại có những ký ức lõi mới, từ những trải nghiệm trong và sau khủng hỏang của mình để hình thành nên những Hòn Đảo khác cho một giai đọan khác của cuộc đời.
Ai cũng đã từng có ít nhất một lần trong đời phải trưởng thành như vậy, phải không?
Hòn Đảo Gia Đình. Bing Bong. Joy và Sadness
Hòn Đảo Gia Đình
Tôi yêu cái cách mà các nhà làm phim đã để cho Hòn Đảo Gia Đình chỉ lung lay và đến phút cuối cùng vẫn không sụp đổ, mà còn trở lại vững chắc hơn. Phải chăng bởi vì nó là Hòn Đảo quan trọng nhất, đối với mỗi người?
San Francisco không chỉ là khủng hoảng của Riley, mà còn là một sự chuyển biến khó khăn đối với Bố Mẹ của Riley khi công việc của Bố Riley không còn thuận lợi.
Nhưng, “Nếu Mẹ và Con cứ lạc quan vui vẻ chút, cũng là giúp Bố lắm đó”.
Thế nên Riley, dù gặp bất cứ chuyện gì, dù ở Minnesota hay ở San Francisco, và thậm chí ở bất cứ đâu trên thế giới này, chỉ cần giá trị Gia Đình còn ở trong tim thì cô bé vẫn luôn còn một nơi để trở về. Không phải chỉ trong một trận đấu hockey, mà trong bất cứ việc gì, cô bé vẫn luôn có hai người yêu thương ở đằng sau cổ vũ. Bằng tất cả trái tim.
Bing Bong
Bing Bong là người bạn tưởng tượng thời thơ bé của Riley, là sự kết hợp giữa kẹo bông gòn, cá heo lai với voi. Cùng Riley chơi đùa, cùng cô bé ngồi trên chiếc xe, tưởng tượng là tên lửa, hát bài hát “Bing Bong” quen thuộc, và mơ ước bay tới mặt trăng.
Tôi đã khóc khi nhìn thấy Bing Bong nhảy ra khỏi chiếc xe tên lửa, vui sướng nhảy múa khi Joy có thể một mình bay tới bờ vực và không quên dặn Joy hãy thay cậu giúp Riley bay tới mặt trăng. Bing Bong ở lại Vực thẳm của nơi ký ức bị lãng quên và tan biến.
Bing Bong giống như một người bạn thơ bé. Giống như con gấu bông, giống như con lật đật, giống như bất cứ một điều gì đó mà chúng ta đã gắn bó suốt thời thơ ấu. Và lãng quên trên con đường trưởng thành.
“Riley, cậu có thể đi một mình mà không có tôi?”
Joy và Sadness
Joy là mảnh cảm xúc tốt đẹp, lạc quan, mạnh mẽ, giàu năng lượng, vui tươi và tỏa sáng.
Joy chính là một thông điệp tích cực về cách ứng xử đối với cuộc đời:
“Cậu không thể để ý chăm chăm vào sai lầm được. Lúc nào cũng có cách giải quyết hết mà. Rồi niềm vui trở lại”
“Cậu đừng lo. Tớ đảm bảo ngày mai sẽ lại là một ngày tuyệt vời. Tớ hứa đó”
“Sẽ ổn thôi mà. Chúng ta có thể làm lại được mà. Chúng ta chỉ cần trở về trung tâm đầu não”
Ngược lại, Sadness là mảnh cảm xúc u sầu, luôn trong tình trạng không có năng lượng.
Tôi không thể quên được lúc Sadness bảo với Joy rằng “Tớ thích lúc chúng ta ra ngòai chơi”. Nhưng không phải là biển và ánh nắng, không phải là ngày mưa dẫm chân lên vũng nước, mấy cái dù ngộ nghĩnh và sấm chớp mà Joy nhắc đến. Mà là cái ngày mưa chạy dọc xuống lưng và làm đôi ủng sũng nước, tòan thân lạnh buốt và kéo theo mọi thứ úa tàn. Một nỗi buồn sũng nước. Có gì khắc họa một nỗi buồn chân thật hơn thế.
Joy xem Sadness là mảnh cảm xúc phiền tóai, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho Riley. Luôn cố gắng giữ Sadness trong một vòng tròn và gieo vào đầu Sadness những suy nghĩ tích cực và tươi sáng.
Vậy Sadness có phải là một cảm xúc thừa thãi và không nên có?
Trong hành trình trở về trung tâm đầu não, Joy đã nhận ra được giá trị của Nỗi Buồn. Sadness là người có thể vực dậy Bing Bong sau nỗi buồn mất đi chiếc xe tên lửa, chứ không phải Joy.
“Sao cậu có thể làm được vậy?”- Joy
“Tớ thấy chuyện đó buồn, nên tớ lắng nghe” – Sadness
Vì biết buồn, nên có thể hiểu, lắng nghe và đồng cảm với nỗi buồn của người khác.
Vì biết buồn nên mới biết rằng “Khóc có thể làm mình bình tĩnh lại và bớt nghĩ về các vấn đề của cuộc sống”.
Joy cũng nhận ra đằng sau quả bóng ký ức lõi màu cam về cái ngày bạn bè và bố mẹ ở bên Riley chính là nỗi buồn của Riley khi bị thua trận.
Cuối cùng, khi trở về, chính Sadness là mảnh cảm xúc giúp Riley bộc lộ hết cảm xúc của mình trước bố mẹ. Và mọi thứ đã trở nên tốt đẹp hơn. Quả bóng ký ức lõi của ngày hôm đó là một nửa màu cam, một nửa màu xanh dương.
Nỗi buồn cũng có giá trị của nó.
Những quả bóng ký ức từ đó trở đi không chỉ đơn thuần là một màu nữa. Mà là sự pha trộn giữa các màu khác nhau. Cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ đơn thuần một màu. Và cảm xúc cũng đa dạng như vậy.
Và hãy nhớ “Cảm xúc không thể đình công được”.
Daisy