[REVIEW] Kẻ Săn Mồi Đáy Biển (2020)
Kẻ Săn Mồi Đáy Biển (Underwater) hấp dẫn hơn mong đợi.
Kẻ Săn Mồi Đáy Biển tập trung vào đội ngũ điều hành giàn khoan Kepler ở độ sâu 7 dặm dưới mặt nước biển. Một sự cố khiến toàn bộ công trình bị phá hủy và buộc họ phải tìm đường thoát thân. Không còn kén cứu hộ, không thể phát tín hiệu cầu cứu, các thành viên sống sót buộc phải đi bộ trên bề mặt đáy biển đến một giàn khoan bỏ hoang khác nhằm tìm đường sống. Nhưng có thứ gì đó ngoài kia đang rình rập họ.
Không thể phủ nhận Kẻ Săn Mồi Đáy Biển chứa nhiều nhân tố khiến bộ phận sành sỏi phim ảnh nghi ngờ về chất lượng của bộ phim. Dự án của đạo diễn William Eubank sử dụng chủ đề sinh tồn đã đạt đến mức bão hòa, rõ ràng đây là một phim hạng B có sự góp mặt của một dàn diễn viên ít quen thuộc, trừ gương mặt nổi tiếng Kristen Stewart. Dù vậy, cả cô cũng bị thất bại ê chề của Những Thiên Thần Của Charlie (Charlie’s Angels) đeo bám từ hồi cuối năm 2019. Thế nhưng, điều ngạc nhiên là phim lại khá hơn tưởng tượng của người xem.
Bộ phim này là sự kết hợp giữa chứng sợ không gian hẹp và sự tăm tối gần như vô tận của đáy đại dương. Sau phân đoạn mở đầu bằng các bài báo cung cấp cho người xem những thông tin cơ bản giải thích tại sao con người phải khai thác đáy biển, phim không để họ phải chờ đợi lâu trước khi nhấn chìm họ vào thảm họa của giàn khoan Kepler. Nhịp phim vì thế mà trở nên dồn dập ngay từ đầu. Nhờ vậy mà Kẻ Săn Mồi Đáy Biển tránh được đoạn mở đầu dông dài mà các bộ phim tương tự khác gặp phải, điển hình như dự án cũng mang chủ đề sinh tồn dưới mặt nước mới đây Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát (47 Meters Down: Uncage).
Một điều nữa về bộ phim là cách nó được truyền cảm hứng từ tác phẩm văn học Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển ở phân đoạn các nhân vật đi bộ dưới đáy đại dương trong những bộ đồ công nghệ đặc biệt. Nhưng Kẻ Săn Mồi Đáy Biển kinh dị hơn nhiều. Bộ phim vận dụng những giác quan của người xem để khiến họ phải hồi hộp và sợ hãi bằng cách vận dụng những pha cận cảnh và góc nhìn thứ nhất. Máy quay phóng đại gương mặt sợ hãi của diễn viên sao cho tràn hết màn hình. Cách làm này khiến tầm nhìn của người xem cũng bị giới hạn theo, khiến họ không thể quan sát được môi trường xung quanh nhân vật. Cộng thêm tâm lý chờ đợi điều gì đó kinh khủng sắp xảy ra mà khán giả đã có sẵn trước đó, bộ phim đã thành công trong việc hiện thực hóa nỗi sợ.
Bên cạnh đó, hành trình thoát thân phim mô tả cũng giữ được sự giật gân nhờ đánh vào trí tưởng tượng tự nhiên vô bờ của con người đối với những nơi tối tăm, hạn hẹp, ngập nước và chứa đầy nguy cơ cháy nổ (thường là tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất như một cơ chế tự vệ).
Dĩ nhiên, những sinh vật bí ẩn lượn lờ trong bóng tối cũng góp mặt vào công cuộc hù dọa người xem. Tuy nhiên, do đã quá quen thuộc với thể loại này và từng chứng kiến những sinh vật kinh dị hơn thứ mà Kẻ Săn Mồi Đáy Biển mang đến, nên chúng cũng không dọa nổi người xem. Mẹ thiên nhiên đã làm rất tốt vai trò này rồi, bằng cách sáng tạo ra thứ gọi áp suất.
Trong bối cảnh con người hướng về thảm cảnh biến đổi khí hậu và cuộc tranh luận không hồi kết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, những sinh vật này như thể là nỗ lực truyền tải thông điệp thông điệp về môi trường của bộ phim hơn. Dù gì đi nữa, không thể dọa người, chúng lại góp phần thúc đẩy những phẩm chất tốt đẹp của nhân loại tỏa sáng – dù điều này cũng có phần sáo mòn.
Tóm lại, thời gian này, theo thông lệ, không phải là giai đoạn Hollywood tập trung phát hành những bộ phim hạng A tầm cỡ hướng đến những chủ đề phức tạp hay sâu sắc. Nên sự xuất hiện của Kẻ Săn Mồi Đáy Biển cũng là điều dễ hiểu. Nội dung phim có thể dễ đoán, kịch bản nông và đơn giản, nhưng các tình tiết lại được dàn dựng ổn thỏa hơn ấn tượng mà trailer mang lại. Phim không xuất sắc, nhưng lại là một món ăn vừa đủ thú vị để giải trí cuối tuần.