[REVIEW] Khách Sạn Ma - Cốt truyện cũ rích, thoại ngô nghê, tình tiết lãng xẹt

Phim Kinh Dị · Đánh giá phim · Maii ·

Mô tuýp cũ rích, lạm dụng jump-scare và các chi tiết phi logic xuất hiện đầy rẫy trong phim, biến bộ phim từ phim kinh dị trở thành… phim hài.

Khách Sạn Ma xoay quanh cặp đôi trẻ Ling (Aom Sushar) và Jun (Lý Xuyên). Họ cùng nhau từ Trung Quốc đi du lịch tới Malaysia để đánh bạc và thư giãn. Họ đặt phòng tại khách sạn Amber Court ở cao nguyên Genting. Nhưng không ngờ cuối cùng, chuyến du lịch trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khi các hồn ma liên tục xuất hiện và tấn công họ.

Cốt truyện xưa như Trái Đất, chả có tí bất ngờ nào, xem chừng 30 phút đầu là đoán được cả cái kết của bộ phim. Hơn nữa phim lại lạm dụng jump-scare, ngồi nghe âm thanh cứ chốc chốc lại dập ầm ầm vào tai khiến người ta chẳng thấy sợ mà thấy mệt nhiều hơn. Đồng thời, tôi có cảm giác đạo diễn muốn làm người xem choáng ngợp bởi số lượng ma hơn là chất lượng của con ma. Bước 2 bước một con ma tóc dài, bước 3 bước một con ma trẻ em, bước 4 bước nữa gặp con ma bà già, đủ loại ma già trẻ lớn bé cứ tràn ngập trong cái khách sạn. Mô tuýp cũ rích và nhàm chán, kèm cách dẫn dắt vòng vèo khiến bộ phim trở nên phức tạp một cách không cần thiết.

Cách dựng nhân vật vừa cũ lại vừa buồn cười. Ling đi ngang một cánh cửa tối om, nghe tiếng khóc thút thít rồi mở cửa ra thấy ma, cô sợ quá đóng cửa lại bỏ chạy, rồi kể anh người yêu nghe. Lát sau về phòng hai anh chị tâm sự: “Cô ấy tội quá, tụi mình còn không chịu hỏi thăm.” Ơ, vừa chạy trối chết mà cô còn đòi hỏi thăm cái gì?

Chưa hết, không biết phải chửi cô này ngu hay khen cổ vì dũng cảm nữa. Đang đêm, biết xung quanh đầy ma cỏ, giữa đêm mà nghe tiếng khóc rên rỉ ghê thấy má, nhưng cô cứ thích mò ra mấy chỗ tối tối đấy xem có chuyện gì chứ chả bao giờ chịu nằm trong phòng trùm mền ngủ như người bình thường. Ờ mà thôi chuyện này cũng chấp nhận bỏ qua đi, cô không phải Linda và đây cũng không phải phim Annabelle 2 nên nếu không như vậy thì chả có gì để nói tiếp cả.

Trong phim chắc chỉ có 2 phân cảnh theo tôi đánh giá là kinh nhất, một là cảnh bóng đè, hai là cảnh nhân vật ngồi trong xe giữa đồng không mông quanh. Cảnh bóng đè nhấn vào tâm lý người xem, bởi chuyện bị bóng đè là chuyện khá quen thuộc đối với những người bị stress, còn cảnh nhân vật Ling ngồi một mình trong xe giữa đường, còn anh người yêu thì đi tìm sóng điện thoại do xe hết xăng?! 

Hai cảnh này được đánh giá cao bởi nó sử dụng những hình huống dễ gặp trong cuộc sống nên không khỏi gây ra nỗi ám ảnh. Cộng thêm không khí ma quái và màu sắc âm u của phim, sử dụng không gian hay có những câu chuyện ma đồn thổi như khách sạn, đường đèo, bệnh viện. Mặc dù đã quá quen thuộc nhưng những bối cảnh như vậy cũng không làm giảm đi nỗi khiếp đảm trong khán giả. Tuy nhiên, chỉ có riêng hai cảnh đó thôi, còn lại thì mức độ hù dọa của phim chỉ ở tầm “kiến cắn”.

Một vài chi tiết về thoại cũng không thể hiểu nổi khi nó ngô nghê đến mức khó tin. Đơn cử là lúc Jun được tiết lộ là bị ung thư, anh nằm trên giường bệnh và tâm sự với Ling, anh bảo anh sợ lắm. Còn cô thì hồn nhiên đáp lại: “Không sao đâu anh, chỉ là ung thư thôi mà.” Đoạn này cả rạp nghe xong ngồi cười như được mùa.

Thêm nữa, lúc Ling cùng nhân vật cảnh sát (Teddy Chin) đến gặp một ông thầy pháp người Malaysia, cô hỏi bằng tiếng Trung rồi ông cảnh sát dịch sang tiếng Malaysia cho ông thầy pháp. Lát sau, Ling bỗng nhiên có một năng lực siêu nhiên nào đó khiến ông thầy pháp nói tiếng Malaysia nhưng cô vẫn hiểu được mà không cần phiên dịch?! Chắc đạo diễn làm tới đây thấy dịch qua dịch lại mệt quá nên thôi kệ. Một bên tiếng Malay, bên kia tiếng Trung bắn qua bắn lại vẫn hiểu nhau ào ào, vi diệu ghê!

Aom diễn tạm ổn, nhiều cảnh diễn chưa tới nhìn chán không thể tả. Lý Xuyên vai quá mờ nhạt nên không có gì để nói. Hai người diễn cảnh tình cảm không thấy được một chút xíu lãng mạn nào, chỉ thấy lãng nhách. Còn viên cảnh sát không tên trong phim của Teddy Chin hẳn là nhân vật xàm xí nhất hệ mặt trời. Cặp đôi ban đầu nhận phòng bình thường (không có ma), ông cảnh sát này ở đâu xông vào giật chìa khóa phòng của người ta rồi bảo tôi cần phòng này đêm nay?! Ơ hay, vô duyên vừa thôi chứ!

Xong vì nhận căn phòng ma ám 1174 vì đó là phòng cuối cùng mà Jun phải chết, Ling vào bệnh viện. Lúc gặp lại Ling, ông ta lại giải thích rằng “tôi chỉ muốn giúp cô, cô phải tin tôi” này nọ. Trời đất, chồng sắp cưới của người ta chết rồi, giúp kiểu gì kỳ vậy, ông không giành phòng họ là giúp họ rồi đó! Ngoài ra thì còn cả đống nhân vật thừa thãi do không xử lý được tình tiết, phải chèn nhân vật vào đến làm nhiệm vụ giải thích cho nữ chính, chả bổ sung gì thêm được cho cốt truyện mà chỉ khiến nó trở nên rối rắm.

Đến đoạn cao trào, ông cảnh sát giao cho Ling một vật đen sì chả rõ từ đâu chui ra và công dụng của nó là gì, sau đó bảo cô đi giải quyết mọi chuyện?! Ma này chắc thích chơi mèo vờn chuột, bóp cổ đối thủ xong quăng người ta đi một cái, rồi lại bước tới nắm lấy nhân vật, bóp cổ cái nữa, rồi lại quăng xuống đất chứ không chịu bóp cho chết luôn. Lặp đi lặp lại chắc cũng gần chục bận, cuối cùng Ling kịp lấy lại được con dao làm rớt lúc nãy, rồi đâm nó một phát cho chừa cái tật nhây. Phần còn lại thì để tránh spoil, mời các bạn nếu có thắc mắt thì cứ ra rạp sẽ rõ.

Nhưng khá khen cho bộ phim đấy là cái kết không liên quan đến tâm linh mà chỉ cho nhân vật bị ảo giác, chi tiết này vô tình lại bù đắp được những lổ hỗng trong phim, bởi nếu nó có vô lý thì cũng dễ hiểu, tất cả chỉ là tưởng tượng của nhân vật mà thôi. Thế nhưng, giả sử như nếu cái kết liên quan đến tâm linh mà qua được vòng kiểm duyệt ở Việt Nam thì chắc chắn là lỗ hổng của phim khó có thể nào chữa nổi. Cuối cùng, đạo diễn thấy chắc vầy mà hết thì chán quá, bèn quăng cho 3 dòng “trạng thái” không thể nào khó hiểu hơn để kết phim. Túm lại nếu bạn rảnh, dư tiền và trong rạp hiện tại chả có phim nào ra hồn thì hãy đi xem Khách Sạn Ma, không thì cứ ở nhà cho tiết kiệm.