[REVIEW] Khi Con Là Nhà - Bài học về hành trình đi tìm hạnh phúc của Vũ Ngọc Đãng

Đánh giá phim · Maii ·

Một bộ phim dán nhãn 0+, dễ thương và chân thành về hành trình đi tìm hạnh phúc của một gia đình chỉ có hai người, chắc chắn sẽ mang đến một mùa cuối năm ấm áp và dễ chịu cho khán giả.

Khi Con Là Nhà xoay quanh Quang (Lương Mạnh Hải), người ba lúc nào cũng cờ bạc, đẩy gia đình vào cảnh túng thiếu, thế nhưng lại rất yêu thương đứa con trai nhỏ Cu Bi (Phạm Duy Anh). Đến một ngày, biến cố xảy ra và hai ba con phải trốn lên thành phố. Giữa chốn xa lạ đông người, hai cha con vô tình lạc nhau và phải dựa vào lòng tốt của những người xa lạ để được đoàn tụ.

Cốt truyện của Khi Con Là Nhà khá đơn giản nhưng vẫn đậm chất của Vũ Ngọc Đãng, cảnh làng quê, cảnh đồng ruộng, động vật, nhân vật lăn lộn dưới quê sau đó vì mưu sinh hoặc biến cố mà phải tha hương cầu thực. Chuyện phim cũng không quá đột phá, đơn giản về tình cha con thôi, nhưng Vũ Ngọc Đãng đã biến cái vốn gần gũi và thân thuộc nên trở thành ngọn gió mới. Giữa một rừng những bộ phim lấy đề tài đao to búa lớn hiện nay thì Khi Con Là Nhà có thể gọi là bữa cơm quen hằng ngày. Ở gần thì không thấy có gì ngon, nhưng đi xa mới cảm thấy thèm thuồng.

Thế nhưng, nội dung không phải là yếu tố chính làm nên nét cuốn hút của Khi Con Là Nhà, mà chính là màn phối hợp ăn ý giữa “ba con” Lương Mạnh Hải – Phạm Duy Anh. Tôi đã gặp bé Phạm Duy Anh ngoài đời và có thể nói, trên phim trông bé hoàn toàn khác hẳn. Ở ngoài, nhí nhảnh và hiếu động đúng chất con nít, nhưng lên phim thì không còn chút nào của Phạm Duy Anh nữa, chỉ còn bé Bi mà thôi.

Dù một số chỗ thoại vẫn chưa tự nhiên, nhưng nhân vật Cu Bi qua diễn xuất của Duy Anh rất dễ thương, vừa có nét ngây thơ, vừa có chút lém lỉnh, đặc biệt rất thương ba. Ba của Bi dù có bao lần gạt Bi, nhưng Bi vẫn ngoan và nghe lời ba. Duy chỉ có việc xa ba là Bi không làm được. Từng nét mặt phụng phịu, nhăn nhó, cả lúc khóc và lúc rấm rứt của Bi đều khiến người ta thấy thương. Mà thương Bi bao nhiêu thì giận ba Bi bấy nhiêu.

Năm lần bảy lượt thất hứa rồi khiến hai ba con phải gặp cảnh lang thang thế này. Nhưng đổi lại, mọi tính xấu của nhân vật Quang đều có thể được bù đắp bằng tình yêu của Quang dành cho con. Tôi vẫn nhớ mãi đoạn phát cơm từ thiện khi chỉ còn 5 suất còn lại và Bi là người cuối cùng. Một thanh niên rởm đời chen chân vào trước mặt thằng bé. Quang ẩu đả với hắn và gào lên: “Con tôi đang đói, nó cần phần cơm đó, nó là người đứng thứ năm. Phần cơm đó phải là của nó”.

Với tôi, đây là một trong những phân đoạn xuất sắc và cảm động nhất của phim. Nét gần gũi và sự can đảm, sẵn sàng bảo vệ con của Quang khiến người xem luôn có thể nhớ về đấng sinh thành, để hiểu rằng trong mắt cha mẹ thì chúng ta vẫn chỉ như những đứa trẻ, cần được bảo vệ, được ôm ấp và luôn luôn cần dạy bảo. Dù túng thiếu và có lúc đành phải chôm con gà để qua cơn đói, hay “địa” đôi dép để đi đỡ đau chân, nhưng Quang cũng hiểu rằng ăn cắp là một tính xấu và nổi giận khi Bi trộm một số tiền lớn trong tiệm tạp hóa. Anh dạy con ít nhất cũng phải giữ được đạo đức ngay thẳng và không làm gì trái với lương tâm mình. Chính ảnh đã truyền cho Bi sự can đảm để khẳng định: "Con xếp thứ năm".

Với vai diễn này thì Lương Mạnh Hải đã hoàn toàn lột xác. Khác với vẻ thư sinh thường thấy, Lương Mạnh Hải trong phim được tạo hình đen nhẻm, gầy còm, lại còn ăn cả gián (đối với tôi thì đây là đoạn tởm nhất toàn vũ trụ phim ảnh!), lội nắng, lội mưa, sình lầy, gào thét vì mất con, tất cả biểu cảm và diễn xuất đều khá tốt, thuyết phục và không bị lố. Theo chia sẻ của Lương Mạnh Hải thì quá trình làm phim rất cực khổ và qua con mắt của khán giả thì cái khổ đó được thể hiện khá trọn vẹn trên phim.

Tôi khâm phục Lương Mạnh Hải một thì chắc phải khâm phục bé Duy Anh gấp mười. Đối với một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn như Duy Anh mà đã phải lăn lộn lấm lem cho một vai diễn thế này quả là điều khó tưởng tượng nổi. Nhưng bù lại mọi nỗ lực của hai “ba con” đều đã được đền đáp bằng những trường đoạn dễ thương và những tràng pháo tay của khán giả. Cả nhân vật Quang và Cu Bi đều đã mang đến những giây phút lắng đọng và giàu cảm xúc cho khán giả. Những ai là fan hâm mộ của Lương Mạnh Hải chắc chắn sẽ đánh giá cao hình tượng mới này của anh.

Một vài tình tiết nhỏ của phim vẫn chưa thực sự hợp lý lắm và có thể nói là hơi kỳ. Ví dụ như mấy phân đoạn của anh công an chẳng hạn, công an gì mà gặp thanh niên còm như Quang xô tí đã gãy tay. Một số đoạn thoại chưa thực sự tự nhiên, nhưng nếu so với mặt bằng chung một số phim Việt hiện nay thì cũng đã có tiến bộ đáng kể. Vai phản diện của La Quốc Hùng cũng chưa thực sự ấn tượng đối với nhiều khán giả. Một số người nghĩ nên để Bủm ác hơn nữa, gây nhiều biến cố và sóng gió cho hai ba con hơn nữa thì cao trào sẽ kịch tính hơn. Nhưng cách làm phim xoáy sâu vào tình cảm với là cái đáng lưu tâm trong Khi Con Là Nhà của Vũ Ngọc Đãng.

Dù các tình tiết trong phim không đủ độ gay cấn và “áp phê” cho một số mọt phim, nhưng chắc chắn vẫn không thể nào ngủ gục trong rạp được bởi những biến cố bất ngờ mà bộ phim mang lại.

Một bộ phim dán nhãn 0+, dễ thương và chân thành về hành trình đi tìm hạnh phúc của một gia đình chỉ có hai người, chắc chắn sẽ mang đến những ngày cuối năm ấm áp và dễ chịu cho khán giả.