[REVIEW] Nắng 3: Lời Hứa Của Cha
Nắng 3: Lời Hứa Của Cha vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết.
Nắng 3: Lời Hứa Của Cha (Nắng 3) theo chân cuộc sống nghèo khó và thiếu thốn đủ điều của mẹ đơn thân Quế Phương (Khả Như) và con gái Hồng Ân (Ngân Chi). Một ngày, mong muốn kiếm tiền nhiều hơn, hai mẹ con lên kế hoạch bắt vạ một kẻ lái ô tô giàu có nhẹ dạ. Thật không may, họ lại gặp phải bác sĩ Tùng Sơn (Kiều Minh Tuấn). Mọi chuyện càng thêm rắc rối khi Quế Phương nghĩ anh ta có thể là cha ruột của con gái mình.
So với 2 phần trước của series Nắng, Nắng 3 là một câu chuyện hoàn toàn độc lập dù vẫn lấy mối liên hệ máu mủ làm chủ đề chính. Phần 3 lần này vừa tập trung khai thác tình cha-con, tình mẫu tử, vừa phần nào nhấn mạnh sự ràng buộc của gia đình qua sợi dây số mệnh.
Diễn xuất đến từ những diễn viên được đánh giá là khá hơn so với mặt bằng chung của nền điện ảnh Việt Nam. Kỹ thuật phim nằm ở mức khá so với đa số phim Việt khác. Nhìn chung, với chủ đề quen thuộc này, Nắng 3 dễ dàng lay động trái tim của người xem với thông điệp đề cao tình cảm gia đình thiêng liêng, quý báu.
Thế nhưng, hài thì có hài, duyên thì lúc được lúc không, cảm động thì có cảm động, bộ phim lại mắc phải nhiều khuyết điểm đáng tiếc. Phim gặp khá nhiều vấn đề về các khâu kịch bản, nhân vật, và sự liền mạch của câu chuyện. Hơn nữa, như 2 phần phim đầu, phần phim lần này vẫn chưa trau chuốt các tiểu tiết và điều chỉnh sự hợp lý khi các tình tiết của phim phát triển dần.
Nắng 3 vẫn áp dụng cấu trúc chia 3 hồi nhưng các phân đoạn lại không có sức bền. Đoạn đầu của phim được dàn dựng khá tốt. Các tình tiết của hồi đầu đạt được sự cân bằng giữa yếu tố tình cảm và hài hước. Nhưng khi phim bước đến đoạn cao trào và kết thúc, sự đuối sức dần hiện rõ. Ở 2 hồi sau, phim có những chỗ vừa mang tính lặp lại, vừa bị kéo dài quá mức cần thiết. Chúng làm bộ phim trở nên lê thê và làm người xem mất kiên nhẫn, nhất là với kịch bản dễ đoán như Nắng 3. Phim còn có những phân đoạn giống như một cấu trúc câu lưng chừng không đầu, không đuôi. Mặc dù mục đích của chúng là đề giải thích hoặc lấy tiếng cười của người xem, khi chuyển cảnh, chúng lại làm khán giả cảm thấy mạch phim bị gãy, kịch bản theo đó cũng trở nên hời hợt.
Một vấn đề nữa mà Nắng 3 gặp phải là phim đã sa chân vào lối mòn rập khuôn thường thấy ở phim Việt, như mẹ đơn thân thì luôn ở thế khó khăn hay nhân vật chính của phim thường có xuất thân khốn khó và thiếu hụt tình cảm nhưng lại có nghị lực phi thường. Việc sử dụng hình tượng con trẻ kiểu Nắng 3 sẽ không phải vấn đề đáng nói nếu tuyến nhân vật chính lẫn phụ của phim không chỉ bị nông, một chiều thấy rõ, mà còn không hề có được sợi dây liên kết tình cảm nào. Nhiều lúc họ có những hành động rất vô lý và phi logic. Nhưng khiếm khuyết trầm trọng hơn vẫn là mối kết nối giữa họ bị bỏ qua trong khi phim lại rất cần điều này để làm mạch truyện có lý hơn.
Dường như đạo diễn Đăng Giao đã quá chú trọng vào nhân vật bé gái hồn nhiên và lém lỉnh Hồng Ân đến quên cả tạo một nền móng vững vàng cho 2 nhân vật chính là Quế Phương và Tùng Sơn. Hậu quả là các tuyến nhân vật chính thì không có lấy một chút chemistry cảm xúc nào ngoài những lần giao tiếp giận dữ. Bé Hồng Ân của Ngân Chi thì bị biến thành công cụ lấy nước mắt người xem một cách thái quá. Chính điều này đã tạo ra những phân đoạn của Nắng 3 từ phim chính kịch thành một vở kịch thật thụ với những lời thoại văn vẻ sướt mướt đến không thực. Tuyến nhân vật phụ thì mờ nhạt đến mức thừa thãi.
Nắng 3 thuộc kiểu phim nhẹ nhàng, cổ tích, dễ xem, dễ hiểu, không kén khán giả. Hơn nữa, chủ đề gia đình của điện ảnh Việt xưa nay luôn nhận được cảm tình của đại đa số khán giả. Tuy nhiên, đây là một bộ phim khó có thể làm hài lòng người xem đòi hỏi một phim tình cảm gia đình chỉn chu và chất lượng.