[REVIEW] Ngôi Nhà Bươm Bướm (Butterfly)

Đánh giá phim · Maii ·

Ngôi Nhà Bươm Bướm là sự lựa chọn khác dành cho khán giả bên cạnh Anh Thầy Ngôi Sao.

Ngôi Nhà Bươm Bướm, bộ phim tiếp theo trong tháng 8 mang chủ đề "tình yêu không phân biệt giới tính" đến cho khán giả sau Thưa Mẹ Con Đi. Tuy vậy, khác với bộ phim của Trịnh Đình Lê Minh, Ngôi Nhà Bươm Bướm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tuy cùng đề tài nhưng tiếp cận với một hướng khác, mang cảm giác tươi sáng, rộn ràng, hài hước và nhộn nhịp hơn. 

Phim xoay quanh hành trình vượt qua trở ngại của Hoàng (Liên Bỉnh Phát) và Mai (Hoàng Yến Chibi) để đi đến cuộc hôn nhân mơ ước. Qua nhiều phen “chiêu dụ”, Hoàng và Mai đã sắp xếp được buổi gặp cho hai gia đình đàng trai đàng gái. Nhưng chính từ đây, câu chuyện oái oăm của nhà trai bị phơi bày và đem đến tình cảnh có một không hai cho buổi gặp mặt.

Được thực hiện dựa trên vở kịch La Cage aux Folles nổi tiếng của Pháp (từng được chuyển thể thành phiên bản điện ảnh Mỹ cũng gây tiếng vang không kém The Bird’s Cage, có sự tham gia đóng chính của cố diễn viên hài Robin Williams), Ngôi Nhà Bươm Bướm sở hữu lợi thế đầu tiên so với một số phim Việt ra mắt trong khoảng thời gian gần đây là ý tưởng có phần mới lạ cùng nội dung chỉn chu. Việc cần làm là chuyển thể sao cho phù hợp với thể loại điện ảnh và bối cảnh ở Việt Nam để dễ đi vào lòng khán giả. Với việc thiếu vắng các kịch bản và ý tưởng gốc hay ho thì lựa chọn remake hoặc chuyển thể có vẻ là bước đi an toàn.

Có lẽ nhiều độc giả, khán giả không quen thuộc với vở kịch gốc hoặc phiên bản chuyển thể của Mỹ nên hãy gác việc so sánh giữa bản gốc và bản Việt Nam mà tạm xem Ngôi Nhà Bươm Bướm là một bộ phim độc lập. Nếu theo tiêu chí đánh giá đó, Ngôi Nhà Bươm Bướm nhìn chung có phần nội dung khá, cách dẫn dắt tạm ổn, hài hước vui vẻ, nhưng việc chuyển thể chưa hoàn toàn tốt nên đôi chỗ còn “kịch”. Nửa đầu phim chưa thực sự bắt được nhịp nên cách thể hiện lắm khi gượng gạo, có phần “cố quá” trong việc gây cười cũng như chưa tạo được cảm giác xúc động trong khán giả.

Tuy nhiên, từ phân đoạn hai gia đình gặp nhau, chúng ta được thấy màn tung hứng của dàn diễn viên đầy kinh nghiệm như Thành Lộc, Hồng Đào, Quang Minh, Xuân Trường khi họ đối thoại với nhau cực kỳ duyên dáng. Đây là trường đoạn mà người viết đánh giá cao nhất trong Ngôi Nhà Bươm Bướm bởi không khí ngượng ngùng của phim rất thật và hài hước. Thêm vào đó là máy quay liên tục lia qua từng vẻ mặt và hành động nhỏ của các diễn viên, cho thấy rõ cảm giác và suy nghĩ lúng túng của các nhân vật.

Thế nhưng, nửa đầu phim chưa gọn ghẽ nên cao trào và kết thúc của bộ phim bị nhồi nhét vào nửa phần còn lại của bộ phim, nên mặc dù làm khá tốt nhưng chưa sâu, chưa thỏa mãn và cái kết cũng có phần quá gấp rút, dễ gây hụt hẫng cho người xem.  

Mặt hình ảnh có thể dễ dàng nhận thấy chính là thế mạnh của Ngôi Nhà Bươm Bướm. Sặc sỡ nhưng không lòe loẹt và không chạy theo tông màu có vẻ mờ ảo của các MV Hàn Quốc, Ngôi Nhà Bươm Bướm sử dụng bối cảnh với tông rất Tây và nhìn vừa sang, nhưng cũng vừa bắt mắt. Tuy nhiên, phần âm thanh lại có phần phá hoại bộ phim khi không được tiết chế và sử dụng cho phù hợp. Nhạc nền được sử dụng trong 80% các cảnh với âm lượng khá lớn so với tiếng thoại, làm trải nghiệm phim bị giảm vì nó mang đến cho Ngôi Nhà Bươm Bướm cảm giác lộn xộn và ồn ào.

Với sự góp mặt của dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm nên diễn xuất của các diễn viên đều tròn vai, đài từ tốt, biết cách thể hiện lời thoại tự nhiên. Cặp đôi diễn viên trẻ là Liên Bỉnh Phát và Hoàng Yến Chibi cũng đã thể hiện tốt vai diễn của mình. Tuy vậy, riêng với nghệ sĩ Thành Lộc thì có lẽ do ảnh hưởng từ sân khấu còn lớn nên đôi chỗ diễn xuất của chú vẫn chưa thực sự phù hợp với phong cách của một phim điện ảnh.

Nhìn chung, Ngôi Nhà Bươm Bướm là bộ phim có ý tưởng mới lạ, vui vẻ dễ xem, một sự lựa chọn không tồi cho dịp lễ sắp đến nói riêng và cuối tuần nói chung.