[REVIEW] Người Lạ Ơi

Đánh giá phim · LaRoma ·

Người Lạ Ơi có chất lượng kém dưới cả mức trung bình nếu đem so với những phim mang tính giải trí thị trường được đầu tư hời hợt.

Kéo xuống để xem tiếp

Là một điểm đen trong làng âm nhạc giải trí nói chung và giới hip hop nói riêng chưa đủ, Karik tiếp tục lấn sân để bôi nhọ cả nền điện ảnh Việt Nam qua bộ phim Người Lạ Ơi, lấy cảm hứng từ bài hát cùng tên được cho ra mắt vào năm 2018, qua màn hợp tác với Superbrothers, với sự góp giọng của Orange.

Hành trình khai thông thế bế tắc của Trinh và Đăng (Nguồn: Galaxy)
Hành trình khai thông thế bế tắc của Trinh và Đăng (Nguồn: Galaxy)

Người Lạ Ơi kể về câu chuyện xoay quanh chàng Đăng DJ (Karik), một ngôi sao trong làng nhạc biểu diễn được mọi người yêu mến và đặc biệt là được những người phụ nữ trẻ, thậm chí là lớn tuổi mê mẩn, theo đuổi. Đăng DJ rơi vào cuộc sống đào hoa, tối nay với người nọ, tối mai với người kia mà đánh mất đi lòng tin vào tình yêu đích thực. Cho đến một ngày, chính thói quen sống buông thả đó đã gây ra vô số phiền toái đến cho Đăng DJ, khi có hai người con gái, một Trái Đất và người còn lại đến từ Sao Kim xuất hiện, giúp cho Đăng giác ngộ và tìm lại được ý nghĩa của tình yêu.

Về mặt kịch bản và xây dựng nhân vật, Người Lạ Ơi có chất lượng kém dưới cả mức trung bình nếu đem so với những phim mang tính giải trí thị trường được đầu tư hời hợt. Việc sử dụng rập khuôn mô-típ mỹ nhân ngây thơ phải lòng trước anh chàng soái ca đa tình, yếu tố người được chọn cùng với các vấn đề doanh nhân, xã hội đen đã khiến bộ phim mất đi sự nổi bật lẫn tính hấp dẫn về mặt nội dung và kể chuyện.

Nhóm bảo vệ tinh nhuệ đông quá mức cần thiết (Nguồn: Galaxy)
Nhóm bảo vệ tinh nhuệ đông quá mức cần thiết (Nguồn: Galaxy)

Một số nhân vật, như Chị Đại Shopping Mall (Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Duyên), được giới thiệu vào trong phim một cách nhồi nhét thiếu tự nhiên với mục đích mua tiếng cười cho khán giả khiến Người Lạ Ơi có quá nhiều tình tiết thừa thãi nhưng lại gây hài kém hiệu quả. Kèm theo đó, khó có thể mong đợi gì ở màn trình diễn khả năng diễn xuất của các dàn diễn viên. Thậm chí nhân vật Ông Trùm, được hóa thân bởi Huy Khánh chỉ cho thấy sự nghiệp diễn xuất của anh chỉ vẫn dậm chân, nếu không muốn nói là ngày càng xuống dốc. Điểm sáng hiếm hoi ở mặt này được thể hiện bởi nhân vật Tuấn Kitty (Trương Thế Vinh) với khả năng thay đổi biểu cảm từ nghiêm túc cho ra dáng xã hội đen, cho đến hài hước của một kẻ đầu to mà óc như trái nho. Chưa kể, những pha đảo mắt rất có hồn của Trương Thế Vinh quá sức nổi bật khi đứng bên cạnh các diễn viên gần như giữ nguyên một biểu cảm khuôn mặt từ đầu đến cuối phim.

Tuấn Kitty là nhân vật thú vị nhất bộ phim (Nguồn: Galaxy)
Tuấn Kitty là nhân vật thú vị nhất bộ phim (Nguồn: Galaxy)

Người Lạ Ơi tuy kể về câu chuyện của một anh chàng nhạc sĩ, rapper, nhưng không hẳn là một bộ phim âm nhạc. Dù vậy, những bài hát được phát trong bộ phim thực sự là thảm họa của nền âm nhạc. Phần mở đầu phim và những màn trình diễn trên sân khấu của Đăng DJ sử dụng những bản nhạc sôi động ồn ào có phối khí rất rời rạc, chỉ đáng làm bề nổi của thể loại nhạc điện tử. Dù sau đó Hồng Tươi (Hồng Kim Hạnh) có trình bày một bài hát tuy có dễ chịu hơn, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một cứu vớt quá nhỏ ở phần nhạc phim. Bài hát được Đăng DJ sử dụng để cầu hôn Nhung (Trịnh Thảo) cũng không để lại nhiều ấn tượng, thậm chí còn tệ hơn về mặt ca từ khi các âm tiết thừa thải được đưa vào quá nhiều chỉ để hoàn chỉnh một câu rap, chơi vần nghèo nàn và kiểu flow an toàn thiếu ấn tượng thậm chí nếu xét trên tiêu chuẩn của Karik, vốn dĩ cũng chỉ là một rapper tầm trung bình về mặt kĩ năng.

Đăng DJ cùng âm nhạc của anh ta là điểm trừ lớn của bộ phim (Nguồn: Galaxy)
Đăng DJ cùng âm nhạc của anh ta là điểm trừ lớn của bộ phim (Nguồn: Galaxy)

Các cảnh quay của Người Lạ Ơi cũng ít được đầu tư chỉn chu, thậm chí cắt, chuyển cảnh, lia máy rất lộn xộn, rời rạc, không có hỗ trợ cho công tác kể chuyện. Đây là một trong những điểm tệ của phim dù có đánh giá trên tiêu chuẩn của một phim hài thì vẫn rất khó chấp nhận được.

Điểm yếu kém nhất bộ phim Người Lạ Ơi có lẽ là câu chuyện xoay quanh Trinh – người ngoài hành tinh (Thùy Anh), hành tinh Sao Kim. Thứ nhất là vì tính vô lý của việc xây ra một thế giới viễn tưởng trên Sao Kim, vì bản thân tinh cầu này không thể hỗ trợ sự sống. Biên kịch hoàn toàn có thể tạo ra một chốn thiên đường khác, một hành tinh nào đó xa lạ hơn, chứ không cần cố gắng nhồi nhét sự hiện diện của Sao Kim (hay còn gọi là Sao Hôm, Sao Mai) để lấy cái tên Vệ Nữ nhằm lý giải, mô tả cho vẻ đẹp cùng sức mạnh của phụ nữ trên đấy, mà gần như không thể khai thác được ý nghĩa sâu sắc của các yếu tố này. Bên cạnh đó thì việc hóa trang kiếp trước của Đăng DJ cũng vô cùng lố lăng, thiếu thẩm mỹ vì cố bắt chước phong cách anh hùng lãng tử với y phục cũ nát, mái tóc dài nửa bạc nửa đen như dáng vẻ trung niên Dương Quá trong Thần Điêu Đại Hiệp.

Đăng DJ và Nhung con gái của Ông Trùm (Nguồn: Galaxy)
Đăng DJ và Nhung con gái của Ông Trùm (Nguồn: Galaxy)

Bộ phim Người Lạ Ơi là một sản phẩm điện ảnh thừa thải, ra đời chỉ nhằm quảng cáo cho một số sản phẩm, địa danh cùng với thể hiện sự lấn sân không cần thiết của Karik cho thấy anh tốt nhất tiếp tục trung thành với mảng âm nhạc. Vì chí ít khi đó, Karik chỉ làm xấu mặt đúng mỗi một loại hình nghệ thuật là âm nhạc mà thôi.

[REVIEW] Thách Yêu 2 Năm

[REVIEW] Thách Yêu 2 Năm

Có thể vẫn còn những hạt sạn nhưng Thách Yêu 2 Năm vẫn mang đến những phút giây giải trí nhẹ nhàng, vui vẻ.