[Review] Record of Ragnarok - Mở anime Nhật mà tưởng xem nhầm phim Ấn Độ dài tập
TV Series · Đánh giá phim · Candice183 ·
Là một bộ manga nhận được cảm tình của người đọc, nhưng khi lên anime Record of Ragnarok lại gây thất vọng quá.
Chúng ta không còn lạ gì với các tựa anime thuộc thể loại shounen của Nhật nữa. Đây là một trong những thể loại được ưa thích nhất của cộng đồng manga, anime nói riêng cũng như trên thế giới nói chung. Nếu liệt kê thì danh sách những bộ nổi tiếng với chất lượng thì rất dài, nhưng nổi trội nhất ở thời gian hiện tại thì có: Jujutsu Kaisen, Demon Slayer, Attack on Titan... Điểm chung khiến những tác phẩm này đều thành công là ở: manga đã được biết đến và có lượng người hâm mộ nhất định, cốt truyện mới lạ, nội dung thu hút, cách xây dựng diễn biến cũng như tính cách nhân vật có chất riêng và đặc biệt là những màn đánh đấm siêu mãn nhãn.
Vì thế khi một tựa manga có tiếng như Record of Ragnarok (Shūmatsu no Warukyūre) được công bố sẽ ra mắt anime vào ngày 17/6 năm nay đã khiến mọi người xôn xao không ngừng. Đó là chưa kể đến việc bộ phim sẽ được Netflix và Warner Bros. Japan thầu còn khiến chúng ta thêm phần nôn nao rằng liệu đây sẽ là một siêu phẩm shounen tiếp theo có khả năng phá bỏ những kỉ lục trước đó hay không? Thế nhưng, đáp lại với mọi kỳ vọng, sau khi Netflix trình chiếu 12 tập phim, khán giả đã liên tục lên tiếng la ó vì thất vọng về chất lượng cũng như những hạn chế mà bộ phim thể hiện.
Nội dung phim thì gần như theo sát nguyên tác truyện tranh xoay quanh cuộc chiến hoành tráng giữa người và các vị thần. Cứ mỗi 1000 năm, các vị thần lớn nhỏ trên mọi miền đất nước, tín ngưỡng, lịch sử sẽ cùng hội họp lại với nhau tại Valhala để bỏ phiếu bầu chọn cho sự tồn vong của loài người (nghe như đại hội cử tri). Sau hàng loạt phiếu chống, họ quyết định sẽ tận diệt lũ con người yếu đuối, tham lam, ích kỷ, phá hoại môi trường... nhưng hên quá, trước khi phán quyết thành lập thì đã bị trì hoãn. Một Valkyrie đã dùng một điều luật để phản bác và yêu cầu con người có thể chiến đấu để thay đổi kết cục của họ, nếu có thể chiến thắng... các vị thần. Nghe như một trò cười nhưng cuối cùng, cuộc chiến Ragnarok đã được tổ chức với 13 trận chiến 1 chọi 1 giữa con người và thần thánh. Nếu nhân loại thắng 7 trận trước thì họ sẽ được sống và ngược lại.
Nghe quá hay, quá thú vị luôn cho đến khi người viết xem tập đầu tiên của anime. Vì cứ tưởng đang mở xem nhầm một bộ drama dài tập nào đó của Ấn Độ chứ không còn là xem anime đánh đấm thú vị của Nhật nữa. Vì bài viết là cảm nhận riêng của người viết, nên người viết khuyến cáo những ai không có cùng quan điểm đừng quá khích nhé!
Tại sao lại nhắc đến phim Ấn Độ ở đây? Vì Record of Ragnarok siêu chậm và dài dòng văn tự. Ôi thôi, vừa xem phim người xem lại cứ phải hét lên sao mà chậm quá, đánh nhau mà chắc phải nghỉ giữa hiệp mấy chục lần! Kiểu nhân vật xuất hiện thôi cũng ngốn hết thời giờ để giới thiệu xuất thân, tính cách, gia phả gia đình, bà con dòng họ, anh em ba đời... Rồi vừa vô trận nhìn nhau cái lại flash back quá khứ hoành tráng. Thôi kể như đây là một cách để người xem hiểu thêm về nhân vật mỗi trận đấu đi, có thể vu vi bỏ qua được. Nhưng không, kiểu phim vẫn tiếp tục slow motion trong mọi tình huống. Cứ hễ trước khi đánh nhau mấy anh lại gồng chiêu hết mấy phút, gồng xong chưa đánh, zoom cận cảnh dàn fan, người ủng hộ và các nhân vật khác xem họ phản ứng thế nào, rồi lại tiếp tục flash back tiếp.
Người xem lại phải tiếp tục nhẫn nại và chờ đợi trong vô vọng để xem họ ra chiêu gì, hên quá cuối cùng cũng đánh thật rồi. Một anh quơ chiêu một cái trong sự từ từ chậm rãi, tung chiêu xong hết mất một tập phim. Và cứ thế lặp đi lặp lại những chuỗi giây phút kể trên trong vô hạn. Một trận kết thúc hai bên khều nhau được 2, 3 cái xong chết kéo dài tới 3, 4 tập phim? Đó là chưa nói, lần đầu người viết được xem một anime shounen mà các nhân vật nói nhiều hơn là đánh nhau nữa, bọn họ cứ nói suốt về lịch sử nhân vật, cảm nghĩ bản thân trong khi tác giả đã sáng tạo thay đổi gần như hầu hết lịch sử thực tế của họ làm người viết phải nghi ngờ về nhân sinh quan, kiến thức 20 mấy năm đèn sách.
Kế đó, ta phải nói về sự thiếu hụt trong nét vẽ. Tạo hình trong manga mang hơi hướng cứng cáp, mạnh mẽ thì khi lên phim phần cứng đó lại bị làm hơi quá lên khiến phim trở nên màu mè, thô cứng, thiếu mượt mà. Kết hợp với cách chuyển động nhân vật chậm chạp như trình chiếu slide thuyết trình tạo ra một tổng thể khá khô khan.
Theo ý kiến riêng thì phong cách này mang hơi hướng comic, hoạt hình Âu Mĩ chứ không còn là kiểu ưa thích mang tính nhẹ nhàng hơn của Á Đông thường thấy ở anime Nhật. Nhiều bày tỏ tham khảo từ fan của manga gốc họ cảm thấy dù được áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng nét vẽ cứ bị thụt lùi về những năm 90. Các fan từ đó lại được dịp la ó vì anime đã dìm không thương tiếc các nhân vật có tạo hình ổn áp trong truyện tranh nhưng lên phim thì tưởng ai lạc lối, đi nhầm vào khung cảnh, điển hình nhất là Poseidon, một trong những nhân vật đẹp nhất manga. Chắc studio nào thầu phim này bị ôm giải phản đối nhất năm đây!
Phần nhạc nền cũng không đem lại cảm giác quá phấn khích hay nâng tâm trạng người xem theo diễn biến câu chuyện. Bù trừ cho khoản này thì phần nhạc đầu và cuối phim khá ổn, bên cạnh đó các seiyuu lồng tiếng lại làm tốt vai trò của họ và phù hợp với tính cách từng nhân vật. Có chê cũng phải có khen, tuy rằng về khoản hành động có mức tệ nhưng phần truyền đạt hết cốt lõi của manga thì phim làm khá tốt, nếu như họ biết cách sắp xếp trình tự và tăng nhịp độ chuyển động có lẽ phim không nhận về nhiều ý kiến trái chiều như vậy.
Nhìn chung có lẽ do kì vọng quá nhiều ở phần phim đầu tiên này, nên khiến fan nhận về hầu như toàn là cay đắng. Nhiều người cho rằng là do lời nguyền Netflix (anime nào gần đây do Netlfix thầu đều có kết quả khá tệ) nên phim mới ở khởi đầu chán chường như thế. Họ còn tiếc cho tác giả rằng nếu sự ra mắt lần này tốt hơn thì tên tuổi của Record of Ragnarok có thể đi xa như những bộ shounen khác. Không biết sau hàng loạt ý kiến trái chiều như vậy Netflix có khai tử lên thương hiệu này hay cải thiện để phần sau đạt được nhiều kết quả xứng đáng hơn?
Nguồn ảnh: Netflix, Crunchyroll, Youtube.