[REVIEW] Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ

Đánh giá phim · VLynd ·

Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ là bộ phim có quá nhiều sạn.

Kéo xuống để xem tiếp

Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ (The Protector) là bộ phim hài, hành động đến từ Thái Lan do Pipat đạo diễn với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Petchtai Wongkamlao, Yingyong Yodbuangam, Suthep Pongam, Yuenyong Opakul và Thierry Mekwattana. Tưởng chừng như với thể loại quen thuộc, phim dễ dàng chinh phục khán giả nhưng nói thật, đây là bộ phim mà chẳng ai muốn xem cả, dù là xem giải trí.

Vừa bảo vệ tổng thống, vừa bảo vệ mỳ cho vợ
Vừa bảo vệ tổng thống, vừa bảo vệ mỳ cho vợ

Nội dung của Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ xoay quanh ông nhân viên bảo vệ ngân hàng Kampon vô tình mắc kẹt giữa vụ ám sát tổng thống nước láng giềng. Từng là đặc vụ chuyên nghiệp của chính phủ, Khampon không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình huống sinh tử này. Tuy nhiên, ông còn một nhiệm vụ đầy khó khăn khác là mua mỳ về cho bà vợ dữ dằn. Xuyên suốt 90 phút của bộ phim là hành trình vừa bảo vệ tổng thống, vừa đảm bảo an toàn cho phần mỳ của vợ trước những tình huống dở khóc dở cười do bọn khủng bố dở hơi gây nên.

Thật khó để tìm được điểm hay trong Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ và người viết tự hỏi, bộ phim này được chiếu chỉ để khán giả tự hào rằng, phim hài nhảm Việt Nam còn khá hơn phim nước ngoài chăng? Trước hết là về nội dung, Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ có một kịch bản vô cùng bình thường, một âm mưu khủng bố, một cựu điệp vụ vô tình bị cuốn vào và thêm thắt vài ba tình tiết chọc cười. Nếu đội ngũ biên kịch của Hollywood còn biết vắt sữa bằng cách thêm thắt plot-twist, tạo những tình huống bất ngờ thì kịch bản của Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ trôi tuột, thiếu yếu tố bất ngờ chứ đừng nói đến chuyện hấp dẫn.

Phản diện dở hơi
Phản diện dở hơi

Thậm chí phản diện của phim chỉ là bọn khủng bố dở hơi. Để ám sát tổng thống và tiêu huỷ bằng chứng của ông ta, chúng sẵn sàng nổ súng khắp đường phố Thái Lan một cách rình rang còn hơn ca sĩ diễn ca nhạc. Thế nhưng, người có thể ngăn chặn bọn chúng là ông bác bảo vệ từng là cựu đặc vụ, còn cảnh sát Thái thì tuyệt nhiên, không xuất hiện một bóng người từ đầu phim đến cuối phim. Điều này hoàn toàn vô lý vì là một du khách từng đến Thái Lan, hầu như nẻo đường nào, người viết cũng chứng kiến sự xuất hiện của cảnh sát và họ đều được trang bị vũ trang. Chưa kể là nhân vật bị hại là nguyên thủ một quốc gia, nhưng Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ bỏ luôn những nguyên tắc ngoại giao và bao biện bằng lời nói “Chuyến viếng thăm không chính thức.” Một bộ phim của Thái Lan mà hạ thấp du lịch và an ninh của nước nhà quá chừng.

Điểm sáng của phim
Điểm sáng của phim

Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ thậm chí còn không buồn vớt vát ở khâu xây dựng nhân vật. Có thể Petchtai Wongkamlao với nhân vật Krampon do ông thể hiện là điểm sáng hiếm hoi khi sở hữu gương mặt dễ chọc cười, diễn xuất tự nhiên nhất phim và hành động hết mình. Tuy nhiên, những nhân vật khác lại bị đạo diễn ngó lơ, cứ như đưa vào cho đông đủ đội hình. Không thể tin nổi là sau nửa phim mới xuất hiện một nhân vật và khi nhân vật đó hi sinh, đạo diễn cố tình làm cái chết của người đó trở nên cảm động một cách trớt quớt bằng cách thêm nhạt não nề.

Những cảnh hành động nhàm chán
Những cảnh hành động nhàm chán

Là một phim hành động nhưng Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ chủ yếu tập trung vào xả súng, xả súng và xả súng. Thi thoảng phim cũng có vài cảnh cận chiến nhưng không mấy ấn tượng. Trong khi thế giới nói chung và khán giả Việt Nam nói riêng đều buồn cười trước những pha hành động slow motion và phi vật lý của Bollywood thì phim này lại tận dụng triệt để. Người viết hiểu rằng đạo diễn muốn chọc cười bằng khâu này nhưng thú thật, nó đã quá lỗi thời và anh không thể thành công khi anh chỉ biết sao chép, ít ra Ấn Độ còn có chất riêng của họ, đủ làm người xem phải bật cười thay vì thở dài.

Ở khía cạnh hài hước thì Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ hoàn toàn thất bại trong mắt người viết. Tương tự như khâu hành động, phần chọc cười của phim bị lặp đi lặp lại một cách rẻ tiền qua các tình huống như: phát âm khác nhau, bất đồng ngôn ngữ, quảng cáo lộ liễu và những câu đùa nhạt toẹt hơn cả nước ốc. Điều này không thể bào chữa bằng cách nói văn hoá Thái khác văn hoá Việt nên người Việt không hiểu câu đùa của họ. Không ít phim hài Thái còn thú vị gấp nhiều lần phim này, đến cả kịch tính như Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo) còn có những pha gây cười muốn rớt tim. Chưa kể là văn hoá phương Tây rất khác Việt Nam nhưng khán giả vẫn cười thoải mái trước những bộ phim hài của Hollywood.

Nếu nhặt thêm sạn để chê Siêu Vệ Sĩ Sợ Vợ thì người viết e rằng phải viết một sớ Táo quân để chê từ đầu tới cuối. Khi khán giả Việt sắp thoát được những thảm hoạ phim Việt thì người viết mong rằng, họ sẽ không gặp thêm thảm hoạ phim nước khác. Nhìn chung thì người viết không khuyến khích khán giả đi xem phim này để bộ phận nhập phim hiểu rằng, gu của chúng ta không đơn giản đến thế.

Ảnh: Tổng hợp