[REVIEW] Tam Sinh Tam Thế – Đừng nghĩ trai xinh gái đẹp sẽ có thể cứu vớt được sự tồi tệ của bộ phim

Đánh giá phim · Moveek ·

Mùa hè năm nay, siêu phẩm Tam Sinh Tam Thế (tựa gốc Sān Shēng Sān Shì, nên được fan gọi là 4S) ra rạp vào ngày 04/08 bên Trung Quốc và một tuần sau đó đã về Việt Nam. 4S được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đường Thất Công Tử và là một bộ phim gây tranh cãi khắp cộng đồng mạng cách đây 2 năm vì vấn đề đạo văn.

Mùa hè năm nay, siêu phẩm Tam Sinh Tam Thế (tựa gốc Sān Shēng Sān Shì, nên được fan gọi là 4S) ra rạp vào ngày 04/08 bên Trung Quốc và một tuần sau đó đã về Việt Nam. 4S được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Đường Thất Công Tử và là một bộ phim gây tranh cãi khắp cộng đồng mạng cách đây 2 năm vì vấn đề đạo văn. Mọi chuyện đến hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Việc đạo nhái của 4S là cả một truyền kỳ mạn lục có thể viết thành sách xuất bản. Đường Thất Công Tử đạo từ đam mỹ, còn mặt dày đi bêu rếu thách thức tác giả gốc và fan của tác giả gốc, và dù Đường Thất đã bị trục xuất khỏi Tấn Giang nhưng bằng một cách thần kỳ 4S vẫn được mua bản quyền, chuyển thể thành phim. Thế rồi cuộc chiến của fan đạo phẩm và fan phim, fan diễn viên bắt đầu. Còn bây giờ, lại được nâng lên một tầm cao mới bằng cuộc chiến của fan diễn viên và các rạp phim.

Ở Trung Quốc, 4S ra rạp đụng phải Chiến Lang 2 – hiện tại đã trở thành bộ phim quốc dân, vượt qua Mỹ Nhân Ngư - thế nên bộ phim không những bị fan nguyên tác, fan phim, hội anti tác phẩm ném đá mà còn phải chịu sự ghẻ lạnh của chính người dân nước nhà. Có một funfact là Quang Tuyến đã từ chối Chiến Lang 2 vì nghĩ rằng chủ đề của nó khá khô khan và không thu hút khán giả. Tuy nhiên, có lẽ bây giờ bên Quang Tuyến đang mong mình có cỗ máy thời gian của Doraemon để có thể sửa chữa sai lầm. Đây là một bài học vô cùng đắt giá cho nhà sản xuất và nhà phân phối phim sau này.

4S chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh đều tạo nên những trận tranh cãi kịch liệt giữa fan tác phẩm, hội chống đạo phẩm, fan phim truyền hình và fan diễn viên. Gác vấn đề đạo văn sang một bên, ta lại gặp cuộc chiến không hồi kết của fan các diễn viên Dương Mịch, Triệu Hựu Đình, Lưu Diệc Phi, Dương Dương. Vẫn chỉ xoay quanh một vấn đề: khí chất của diễn viên, tạo hình của diễn viên và n thứ liên quan khác.

Tôi sẽ không tóm tắt nội dung nữa vì quá nhiều người thuộc lòng câu chuyện của “rác phẩm” này. Vản điện ảnh sở hữu hai nhân vật chính đình đám nhất làng giải trí Hoa ngữ hiện nay là Lưu Diệc Phi và Dương Dương. Xét về vẻ đẹp của họ, khó ai có thể ngờ rằng bộ phim lại có một kết cục bi thảm như hôm nay. Lưu Diệc Phi nhận vai nữ chính Bạch Thiển hoàn toàn phù hợp nhưng cô ấy lại không diễn ra được cái thần thái “bà nội thiên hạ” của nhân vật. Dương Dương là một Dạ Hoa đẹp trai, siêu cấp đẹp trai nhưng diễn xuất thì dĩ nhiên chẳng thể sánh được với ảnh đế Triệu Hựu Đình. Cá nhân tôi thấy đặt hai người ra so sánh thật sự không thể nào ngang hàng được -  từ đầu đến chân không điểm nào bằng. Diễn đạt nhất lại là những nhân vật phụ, như Huyền Nữ, Tố Cẩm… Còn La Tấn (trong vai Chiết Nhan) chỉ diễn tròn vai, nhưng so với những vai diễn trước đây của anh thì tôi cảm thấy anh quá “dẹo”, hoàn toàn khác xa với trí tưởng tượng của tôi. Hai bản truyền hình và điện ảnh, vai diễn này đều chẳng ai diễn ra cả.

Bộ phim bắt đầu bằng một màn rượt đuổi của thiên binh và Tố Tố, sau đó thì Dạ Hoa xuất hiện, rồi Tố Tố nhảy khỏi Thiên giới và Dạ Hoa thì ghìm cương trước vực, tôi phải chửi thầm trong bụng. Tiếp đến, nàng rơi xuống rừng đào mười dặm của Chiết Nhan và tỉnh dậy (!) Chiết Nhan xuất hiện và nói vài câu như thể chứng tỏ mình là trùm cuối của phim, là nhà tiên tri biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai. Sau đó là phong cảnh của Thanh Khâu, ôi trời ạ, kỹ xảo đã biến thành cái gì thế này, sao giống tôi đang coi Cậu Bé Rừng Xanh thế này, à chính xác là Thiếu Nữ Rừng Xanh mới đúng.

Không rõ biên kịch có biết trong “rác phẩm” này, chi tiết nào là đắc nhất không? Xin thưa là chi tiết gia đình ba người gặp nhau ở Đông Hải đó. Bản truyền hình làm rất tốt đoạn này. Cạn lời mất rồi. Có rất nhiều chi tiết được thêm vào cũng như biến đổi. Ví dụ như việc bắt tay hợp tác giữa Huyền Nữ và Tố Cẩm, từ bao giờ hai chị ác nữ này hợp tác với nhau vậy, đã thế lại chẳng làm được trò trống gì ra hồn cả. Thế hợp tác nhau làm chi, hài quá.

Tạo hình của phim đúng là làm trò cười cho tứ hải bát hoang mà. Trước hết, xin nói về đám binh lính của Quỷ vương do Huyền nữ cầm đầu, tạo hình hệt như người thổ dân da đỏ trong phim cao bồi Mỹ, trên mặt tô vẽ đầy màu sắc, chỉ thiếu việc đáng lẽ họ nên được cởi trần và đóng khố chứ không cần mặc quần áo chỉnh tề thế đâu. Chị Huyền Nữ, hình như chị là hiện thân của rắn mà, sao lại gắng lông chim ở cổ vậy? Tạo hình có bị khùng không?

Tiếp đến, thiên binh thiên tướng là phù thủy à? Thay vì phù thủy ngồi trên chổi bay qua bay lại thì giờ ngồi trên trường thương bay tới bay lui. Các bạn đừng có lôi Tây Du Ký 1986 ra mà so sánh nha, Thiên binh thiên tướng của Tây Du Ký bản đó không có ngồi trên chổi lượn vèo vèo như chạy xe ngoài xa lộ đâu!

Đỉnh điểm chính là chị nữ chính. Ta nói ở đoàn làm phim gây thù với ai cũng được, trừ đạo diễn, biên kịch và stylist. Nữ chính là nữ đế một vùng, nhưng ăn vận hệt như mấy chị tâm thần trốn trại. Trang phục là kiểu váy cưới dài được gắn hoa vẽ bông vào, nhìn thật sự quá hiện đại, không có một chút vẻ đẹp thần tiên thoát tục gì hết. Đỉnh điểm chính là cái mũ phượng màu hồng và hỉ phục màu vàng với đuôi áo màu trắng dài cả thước. Ôi thị giác của tôi bị hấp diêm rồi.

Dương Dương được cho là nam thần thế hệ mới nhưng nếu so với Nghiêm Khoan (thuộc Thiên Nhai Tứ Mỹ) thì thật sự chẳng là gì. Nghiêm Khoan xuất hiện khoảng được 5 phút, đánh nhau ì xèo rồi lại bị phong ấn. Lãng xẹt. Quay lại Dương Dương, tạo hình mấy đoạn xõa tóc thì đẹp chứ búi thì nhìn rất buồn cười, cảm giác Dương Dương đang gồng mình cho vai diễn vậy đó.

Vì là bản điện ảnh, gói gọn trong khoảng 2 tiếng thế nên n nhân vật đã bị giản lược một cách không thương tiếc như Ly Kính, Bạch Chân, Ti Mệnh. Đây đều là những nhân vật có một mối quan hệ đan xen phức tạp với nữ chính và nam chính thế mà lại bị cắt đi. Ngay khi bước vào phim, tôi và bạn tôi thì thầm với nhau rằng: lần này Huyền Nữ là vợ của Kình Thương chứ không phải Ly Kính à?( Ly Kính à, anh  ở đâu, vợ anh nó chim chuột với phụ thân của anh kìa?) Có một thắc mắc như thế này, người dân ở Thanh Khâu là người hay là yêu quái? Nếu họ là người (hay linh thú tu luyện thành người) thì tại sao Mê Cốc lại không có hình dạng con người, chúng ta nên nhớ Mê Cốc hệt như là thị tỳ bên cạnh của Bạch Thiển đó. Tôi hoài nghi thật ra biên kịch chèo thuyền Mặc Bạch (Mặc Uyên x Bạch Thiển) chứ không phải Dạ Bạch. Cái kết thật sự làm người ta bối rối khi Dạ Hoa chìm xuống biển nhưng người trở về lại là kẻ phá băng mà ra. Mọi người nên nhớ Mặc Uyên bị nữ chính đóng thành một cục băng, nên người bên trong chỉ cần phá băng là thoát ra rồi!

Nếu có thể đánh, nhất định mang khâu dựng phim của bộ này ra ban cho Nhất Trượng Hồng. Dựng phim lộn xộn, khi thì quá khứ, khi thì hiện tại, lộn tùng phèo cả lên, cắt cắt ghép ghép hệt như một video fanmade dài gần 2 tiếng. Biên kịch của bản điện ảnh này cũng đã rất có tâm rồi, đã cố gắng đem hơn 700 trang sách lên thành một bộ phim gần 2 tiếng, những cái tinh túy cũng cố gắng giữ lại rồi, còn úp úp mở mở cho phần 2 nữa. Nhưng, với cái sự thật tình hình “chiến sự căng não” của Dương Mao (fan của Dương Dương) bên Trung và các rạp phim cũng như lợi nhuận thu về, chắc chắn phần 2 sẽ bị đập vỡ từ trong trứng nước.

Nói tóm lại, trước khi đến rạp đã xem qua vài cảnh leak, tôi không còn quá đặt nhiều kỳ vọng vào phim nữa nhưng chính vì bản thân đã trải nghiệm nên thất vọng lại càng thất vọng hơn. Bài học rút ra là: đừng có nhìn mặt mà bắt hình dong, đừng nghĩ trai xinh gái đẹp sẽ có thể cứu vớt được sự tồi tệ của bộ phim.

Thành viên: Tuyết Như