[REVIEW] Tenet
Đánh giá phim · KNTT ·
Tenet của Christopher Nolan: “Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận nó.”
Tenet, bộ phim thứ 11 của vị đạo diễn Christopher Nolan, ban đầu dự định ra mắt vào tháng 7, nhưng phải lùi lại đến tận cuối tháng 8 do dịch bệnh. Những thông tin bên lề về việc đây là bộ phim tham vọng nhất của Nolan, đi kèm với kinh phí khoảng hơn $200 triệu khiến cho các fan hâm mộ tận tụy của vị đạo diễn này nói riêng và những người yêu điện ảnh nói chung rất mong chờ, không chỉ vì thương hiệu Nolan mà còn do Tenet là bộ phim bom tấn được nhiều người gắn với cái mác “sự cứu rỗi” của các rạp phim sau khi các studio thay nhau dời lịch của các bộ phim lớn.
Không ai thực sự hiểu rõ nội dung của Tenet là gì trước khi bước chân vào phòng chiếu, tất cả những gì mà chúng ta biết đó là một anh chàng với biệt danh The Protagonist – Người hùng (John David Washington/JDW thủ vai) phải giải cứu thế giới khỏi một thứ còn tồi tệ hơn cả thảm họa hạt nhân, và nó có liên quan đến sự đảo ngược thời gian (inversion).
Thời gian là một thứ gì đó mà Nolan chắc chắn rất ám ảnh. Từ căn bệnh của nhân vật chính trong Memento, phi vụ trong Inception, mối quan hệ giữa cha con nhà Cooper trong Interstellar cho đến cuộc chiến trên cả ba mặt trận đất – biển – không trong Dunkirk, Nolan dường như luôn tìm đến những cách tiếp cận thú vị và sáng tạo khác nhau với một trong những khía cạnh cơ bản nhưng cũng rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Đối với Tenet, ý tưởng đó là bạn có thể đảo ngược thời gian bằng cách đảo ngược độ hỗn loạn (entropy) của một vật thể. Thử thách dành cho Nolan ở đây đó là thể hiện được sự đảo ngược này qua màn ảnh, và dĩ nhiên Nolan, cùng với đạo diễn hình ảnh Hoyte van Hoytema, đã không khiến người xem thất vọng. Tuy nhiên, cũng như các bộ phim khác của Nolan như Inception hay Interstellar, khán giả luôn là người phải tiếp nhận quá nhiều thông tin liên quan đến những khái niệm, ý tưởng mới mẻ và nguyên bản này.
Tenet có một đoạn mở đầu ấn tượng với phần nhạc nền (được thực hiện bởi Ludwig Göransson) đánh thẳng vào lỗ tai và lồng ngực bạn. Dĩ nhiên, đó sẽ không phải là lần cuối cùng phần nhạc phim của Ludwig sẽ khiến tim bạn đập liên tục trong sự phấn khích và lo lắng. Đoạn mở đầu này giới thiệu người xem với The Protagonist, sau đó bộ phim đưa anh qua những địa điểm khác nhau trên thế giới, từ Mumbai, London cho đến Oslo, khi anh cố gắng tìm hiểu về nhiệm vụ và những mối đe dọa liên quan. Trong đó, nhân vật của JDW có cơ hội gặp gỡ một nhà khoa học (Clémence Poésy thủ vai) và được cô giải thích về những điều cần biết liên quan đến hiện tượng đảo ngược.
“Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận nó.” – là những gì cô nói trong sự ngỡ ngàng của cả nhân vật chính và khán giả. Đúng vậy, càng cố hiểu lý do vì sao sự đảo ngược có thể xảy ra trong phim, người xem càng cảm thấy lạc lối và kéo họ ra khỏi câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh.
Ngoài việc nhồi nhét khá nhiều thông tin quan trọng vào trong các đoạn hội thoại, Nolan dường như cũng đã quá tham vọng với bộ phim lần này, thể hiện thời gian chạy theo nhiều hướng khác nhau, mà cái giá phải trả đó là sự khó theo dõi và khó hiểu của người xem. Những đại cảnh trong phim rất ấn tượng, kết hợp với những phân đoạn mà thời gian bị đảo ngược khiến người xem nghĩ trong đầu “làm sao mà họ có thể thực hiện được điều đó vậy?”. Tuy nhiên, các phân cảnh hành động thực sự không đáng nhớ, mặc cho sự sáng tạo của ý tưởng thực thi, ví dụ như phân đoạn được quay ở Eagle Mountain với hàng trăm người chỉ được dùng để Nolan phô diễn quy mô của nó với những vụ nổ bị đảo ngược.
Có thể coi Tenet là một phiên bản James Bond của Nolan, tuy nhiên có thể thấy nó đi ngược hoàn toàn với những gì mà ta thường thấy trong một bộ phim về điệp viên 007. Trong Tenet, nhân vật chính là một người không có tên tuổi, quá khứ, là một người da màu và người Mĩ, trái ngược lại hoàn toàn với hình ảnh của James Bond mà chúng ta thường thấy. Bond thì nhiều lúc lạnh lùng, còn The Protagonist của Tenet thì lại có một sự cởi mở, hài hước, và sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình cho người khác. Mặc dù Bond cũng cố gắng giải cứu thế giới, thế nhưng đâu đó ta vẫn thấy một mức độ rất cá nhân liên quan đến câu chuyện của anh trong các phần phim. Đối với Tenet, Nolan dường như đã hi sinh góc độ cá nhân đó của nhân vật (mặc dù không biết được là do ông vô tình hay cố ý) để phục vụ cho một mục đích cao cả hơn, điều có thể khiến khán giả không cảm thấy kết nối với nhân vật như các bộ phim khác của ông.
Đừng nhầm lẫn, John David Washington đã thể hiện khá tròn vai nhân vật của mình, cả về mặt thể chất và cảm xúc (người viết dường như đã rơi nước mắt khi nhìn thấy nhân vật của anh ở phân đoạn cuối phim). Tuy nhiên, câu chuyện cá nhân của anh lại không có nhiều tầng lớp cảm xúc như của Cobb trong Inception hay Cooper trong Interstellar.
Thế nhưng, trong một thế giới lạnh lẽo như Tenet, khi mà có một thế lực nào đó từ tương lai đang muốn hủy diệt quá khứ và sự ác độc, tàn nhẫn của nhân vật phản diện Andrei Sator (Kenneth Branagh thủ vai), Nolan lại mang đến hơi ấm và tình thương khi đặt JDW bên cạnh Robert Pattinson và Elizabeth Debicki.
Elizabeth Debicki vào vai người vợ của nhân vật phản diện, bị người chồng bạo hành và kiểm soát, mong muốn có được sự tự do và dường như đang chờ để được ai đó giải cứu. Một mô típ khá quen thuộc, thế nhưng Nolan vẫn để cô tỏa sáng bằng cách tự định đoạt số phận của mình. Pattinson thủ vai một gã điềm tĩnh, cũng rất cởi mở nhưng dường như đang che dấu một điều gì đó, điều khiến nhân vật của anh thậm chí còn trở nên đáng nhớ hơn cả The Protagonist.
Nolan đã từng nói rằng: “Để nắm được kịch bản của Tenet, bạn phải hiểu và nhận thức được sự cần thiết của việc bộ phim này phải sống tiếp và gợi ý về nhiều khả năng khác nhau trong tâm trí của khán giả.” Nolan đã làm được điều đó, theo cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là về sự khó hiểu của người xem khi phải suy nghĩ về nó, còn tích cực đó là cảm xúc của câu chuyện mà Nolan muốn kể trong một bộ phim với quy mô lớn như thế này.
Trong Interstellar, các nhân vật có nhắc đến định luật Murphy, đó là “những gì có thể sai thì sẽ sai”. Trong Tenet, một câu nói luôn được nhắc lại đó là “những gì đã xảy ra thì sẽ xảy ra”. Khái niệm “entropy” hay độ hỗn loạn, ý chỉ rằng những sự vật trong vũ trụ của chúng ta luôn hướng đến sự hỗn loạn, và chính sự đảo ngược “entropy” trong bộ phim có vẻ như muốn nói đến việc kiểm soát sự hỗn loạn đó. Thế nhưng con người ta không muốn bị kiểm soát, bởi vì chúng ta có ý chí tự do (free will). Chúng ta hành động dựa trên bản năng, thế nhưng liệu chúng ta có hành động khác đi nếu như biết được về số phận của mình? Đó dường như là câu hỏi mà Nolan muốn đặt ra trong Tenet. Thế nhưng, có lẽ người viết sẽ phải đi xem lại lần nữa để hiểu thêm về câu chuyện, nhưng trước hết là để trải nghiệm lại những gì mà Nolan đã mang đến trong bộ phim lần này.
Ảnh: IMDb