[REVIEW] The Pursuit Of Happyness (Mưu Cầu Hạnh Phúc)

Đánh giá phim · PhanNguyenSangSang ·

Hạnh phúc đôi khi lại đến từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Lấy cảm hứng từ một câu chuyện hoàn toàn có thật của Chris Gardner, một người từ nghèo đói đến tột cùng đã trở thành ông trùm của thị trường chứng khoán. The Pursuit Of Happyness (Mưu Cầu Hạnh Phúc) đã làm khá trọn vẹn vai trò của mình khi thành công tái hiện lại nhân vật nguyên bản cũng như truyền tải được những giá trị, thông điệp đầy tính nhân văn từ bộ phim. Bộ phim The Pursuit of Happyness được phát hành vào năm 2006 bởi đạo diễn Gabriele Muccino và hãng sản xuất Columbia Pictures, là một trong số ít các tác phẩm điện ảnh sẽ không bao giờ bị lỗi thời vì tính nhân sinh đậm nét, những bài học và thông điệp đầy cảm hứng đến từ tác phẩm. Bộ phim đã giành được nhiều danh hiệu và giải thưởng danh giá khi phát hành vào năm 2006, đặc biệt chú ý là giải Oscar được trao cho Will Smith cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Vì sao lại không tin vào chính mình? Hãy tìm thấy ánh sáng từ tận cùng của nơi tối tăm, hãy luôn tin và bám trụ vào những hi vọng len lỏi dù là nhỏ nhất. “Đừng để ai nói rằng con không thể làm được điều gì, kể cả là bố. Được chứ? Con phải bảo vệ ước mơ của mình. Những người thường không làm được như vậy sẽ hay xui con nên từ bỏ ước mơ. Nếu con thực sự muốn điều gì, hãy bắt tay vào làm.”– Chris Gardner (The Pursuit of Happyness).

Và đến một giai đoạn khi sức chịu đựng của người phụ nữ đạt đến giới hạn, Linda quyết định rời xa Chris mang theo cả Christopher (thủ vai bởi chính con trai ruột của Will Smith – Jaden Smith). Vợ bỏ, bị đuổi ra ngoài vì thiếu tiền thuê nhà, những khoản thuế, khoản nợ khổng lồ bám theo sau lưng, cả thế giới như sụp đổ trước mắt Chris. Thế nhưng đến cuối cùng, Chris vẫn kiên quyết giành quyền nuôi Christopher cho bản thân mình, bằng chính tình yêu của anh, bằng sự quan tâm, bao bọc của người cha, bằng chính sự “cần” nguồn động lực từ bản thân anh. Và thế là cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của hai cha con bắt đầu, từ những ngày khó khăn và tăm tối nhất đến lúc chạm khẽ được một tia sáng hạnh phúc lấp lóe.

Phải nói thực sự đáng khen cho diễn xuất của hai cha con nhà Smith, có thể vì sự “thật” trong mối quan hệ của cả hai đã tăng tính xúc tác cho vai diễn này. Cuộc hành trình của những kẻ rách rưới để trở nên giàu có được đưa lên màn ảnh trong suốt bộ phim sẽ chạm đến những nơi sâu nhất của trái tim về tình phụ tử, sự hi sinh của cha dành cho con trai và ngược lại. Trong khi vợ của Chris mệt mỏi vì tình trạng tài chính tồi tệ, đã không thể gắng gượng mà bỏ chồng và con trai ở lại và bay đến New York, Chris lại không thể thoái thác trách nhiệm làm cha của mình, anh yêu thương, bao dung, che chở và cố gắng nuông chiều hết sức có thể đứa con trai bé nhỏ cũng là nguồn động lực duy nhất của anh lúc đó. Cậu nhóc Christopher cũng vậy, yêu và tin cha của mình một cách vô điều kiện, luôn song hành bên cha mọi lúc mọi nơi, cứu rỗi linh hồn của cha từ nơi tối tăm nhất. Chính Christopher là báu vật, là ngọn đèn dầu mãi không tắt soi đường dẫn lối cho cha của mình. Tình yêu và sự kính trọng của cậu chính là nguồn sức mạnh to lớn nhất để cha cậu có thể vượt qua mọi trở ngại trên đường đời.

Về khoảng thời gian tác phẩm khai thác, phim lấy bối cảnh thời kỳ nước Mỹ đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Sau sự gia tăng của các vụ phá sản doanh nghiệp lên 50% vào năm 1981, Mỹ và nhiều nước phát triển trên thế giới đã phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất vào năm 1980 với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên trên 10%. Tình trạng thất nghiệp không được cải thiện ở Hoa Kỳ cho đến năm 1985. Chính sách kinh tế cắt giảm thuế do Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Reagan thực hiện để cải thiện tình trạng này đã làm gia tăng thêm suy thoái và do đó suy thoái được nhiều trí thức gọi là 'suy thoái Reagan'. Những giấc mơ tan vỡ và những hy vọng vụt tắt, họ bị ràng buộc bởi một mục đích chung là vượt qua khó khăn của mình. Họ theo đuổi hạnh phúc bằng cách chiến đấu để vượt qua thời gian thử thách như chúng ta thấy trong phim cách Gardner cố gắng sống sót qua thử thách của chính mình. "Cuộc sống, Tự do và Theo đuổi Hạnh phúc.", “Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc đó. Tất cả bọn họ đều trông rất hạnh phúc. Điều này khiến tôi không thể ngừng tự hỏi bản thân rằng: Tại sao tôi không thể trông giống như vậy?” – Chris Gardner. Anh có trông giống như thế không? Thật ra là đã có, anh thực sự đã chạm tay mình đến được hạnh phúc rồi!

Nhạc phim và các góc quay cũng là một phần khá thu hút mình trong bộ phim này, mặc dù sử dụng đa phần là nhạc nền, nhạc đệm, các góc máy thì có phần đa dạng hơn từ đặc tả đến trung và toàn cảnh song chính vì vận dụng được khá nhiều những sự tự nhiên từ âm thanh trực tiếp, phim đã chạm đến được những khoảng lặng trống vắng nhất của trái tim người xem, tiếng gào lên của Chris Gardner, tiếng nấc nghẹn ngào của anh trong phòng vệ sinh sau bao ngày kìm nén những tổn thương… Tất cả đều nhẹ nhàng chạm đến những xúc cảm sâu lắng nhất, không cần quá vồ vập hay mạnh bạo, bấy nhiêu đó cũng đủ để ta cảm nhận được sự xứng đáng khi đón nhận những thành công đầu tiên từ Chris Gardner.

Nhìn chung, The Pursuit Of Happyness là một bộ phim đáng xem để ta có thể nhìn nhận và nghiền ngẫm, thông điệp mà bộ phim truyền đi mang một giá trị khơi dậy nguồn cảm hứng từ rất nhiều đối tượng, kể cả những người đang chìm sâu nơi tột cùng của sự thất bại – giống nhân vật chính của chúng ta vậy! Ngay từ chính tựa đề của bộ phim, sự độc đáo cũng đã được thể hiện The Pursuit Of Happyness với chữ “Happyness” sai lỗi chính tả. Điều này được Chris Gardner giả thích rằng, vào thời điểm vô gia cư, ông đã nhìn thấy dòng chữ ấy một cách tình cờ khi đang lang thang trên đường phố. Nó như một dấu hiệu của cuộc sống nghèo nàn và thất học và dường như “hạnh phúc” đúng nghĩa không dành cho những kẻ vô gia cư như ông. Đến cuối cùng thì sao? Người đàn ông vô gia cư cùng đứa con nhỏ ngày nào giờ đã thành triệu phú sàn chứng khoán và đang là đồng sản xuất cho chính bộ phim kể về cuộc đời của mình! Bạn thấy đấy, cuộc đời này vô thường, không gì là không thể, chỉ cần bạn dám ước mơ và cố gắng thực hiện nó hết mình, hết sức, chắc chắn “trái ngọt sẽ được rước về giỏ”, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi!