[REVIEW] The Suicide Squad (2021)
Phim Siêu Anh Hùng · Đánh giá phim · Ivy_Trat ·
Với The Suicide Squad (2021), DCEU lại có thêm một phim đáng nhớ nữa.
Từ khi trailer của phim ra mắt, hướng đi mà The Suicide Squad (2021) hướng tới đã được dự báo là khác biệt với nỗ lực mà đạo diễn David Ayer từng thực hiện. Đây là sự thay đổi đáng mừng không chỉ cho các khán giả đại chúng mà còn cho những ai đã dõi theo sự hình thành của vũ trụ DC ngay từ ngày đầu.
The Suicide Squad, hay còn được biết đến với cái tên Suicide Squad: Điệp Vụ Cảm Tử, là phần tiếp theo của bộ phim cùng tên ra mắt năm 2016. Lần này, cả Biệt đội cảm tử đều được thay máu, trừ 3 cái tên quen thuộc là Rick Flag (Joel Kinnaman), Harley Quinn (Margot Robbie) và Captain Boomerang. Những gương mặt mới của Biệt đội đáng nói phải kể đến Bloodsport (Idris Elba), Peacemaker (John Cena), Polka-Dot Man (David Dastmalchian), Ratcatcher 2 (Daniela Melchior) và King Shark (Sylvester Stallone). Nhiệm vụ của họ là xâm nhập quốc đảo Corto Maltsese để phá hủy dự án vũ khí ngoài hành tinh đe dọa nước Mỹ. Phần thưởng chính là tự do, nếu họ còn sống trở về.
Dù ý tưởng cũ, cốt truyện tuân theo công thức một nhóm người đi làm nhiệm vụ, The Suicide Squad năm nay hoàn toàn được lột xác, mang hơi thở tươi mới không chỉ đến với thương hiệu, mà còn cho cả DCEU (Vũ trụ điện ảnh DC). Được nhào nặng dưới bàn tay của James Gunn, nên người viết không bất ngờ với phong cách Guardians of the Galaxy năm nào được tái hiện trong đây, màu sắc dập dờn, tông giọng hài hước, các nhân vật không đều có tố chất cây hài trong phim. Nhưng không hoàn toàn giống với cuộc phiêu lưu của Star-Lord và đồng bọn, The Suicide Squad vẫn có linh hồn riêng. Nó cũng đẫm máu, bạo lực, chết chóc không kém.
Câu chuyện trong đây đúng như lời mô tả “…đến từ trí sáng tạo điên rồ của James Gunn”. Làm mới lại Biệt đội cảm tử nhưng khéo tay hơn với nguồn gốc các nhân vật, Gunn khiến cả những người không theo dõi truyện tranh cũng hiểu được nguồn gốc lẫn lý lịch "số má" của các thành viên trong Biệt đội cảm tử và cả mục tiêu mà nhóm đang thực hiện. Còn đối với những fan cứng cựa, họ được chiêu đãi bằng tiếng vọng từ quá khứ lẫn hiện tại.
The Suicide Squad có lối hành văn phi tuyến tính với đoạn mở đầu hơi dài dòng. Phải đến khi Bloodsport tụ họp với Rick Flag đang ở phía bên kia của Corto Maltese bộ phim mới chính thức bắt đầu. Nhưng đoạn mở đầu không vì thế mà nhàm chán. Giai đoạn này là lúc James Gunn đem nhân vật của câu chuyện đến với khán giả. Người xem được giới thiệu với các nhân vật mới theo cách thú vị nhất: nhìn họ “tấu hài” và chiêm ngưỡng màn khoe mẽ khả năng chiến đấu vừa hài hước vừa không thiếu bạo lực ở mức dã man.
Với dàn nhân vật đông đúc, sai lầm dễ phạm phải nhất là ưu ái người này, bỏ quên người kia. Vậy mà các thành viên của Biệt đội cảm tử, từ chính đến phụ, đều có thời gian để lại dấu ấn của riêng họ. Gunn đã phân bố họ vào các vị trí cần thiết để phục vụ cho tầm nhìn tổng thể ông dành cho bộ phim, dù có ngớ ngẩn đến đâu đi nữa, ví như The Detachable Kid do nam diễn viên Nathan Fillion thủ vai (nhân vật này có lẽ đi tù vì tội gây khó chịu cho người khác).
The Suicide Squad cũng ghi điểm với diễn xuất chắc tay. Idris Elba liên tục chuyển đổi nhịp nhàng từ một chiến binh dày dặn sương gió, thủ lĩnh rất ngầu, giết người rất điệu nghệ đến một người phải kêu ré lên trước bầy chuột mà Ratcatcher II gọi về. Vâng, kẻ sợ chuột làm bạn với một thiếu nữ có tài gọi chuột nhạy cảm và sâu lắng – người duy nhất có thể dành tình bạn cho King Shark khát máu ngốc nghếch. Rick Flag rốt cuộc cũng được sử dụng đúng đắn, có chiều sâu và ra dáng một anh hùng thực sự. Harley Quinn vẫn là Harley Quinn.
Nhưng nhân vật được James Gunn “ưu ái” hẳn là Peacemaker của John Cena. Nam diễn viên đã có bước tiến khá xa kể từ vai diễn Jakob buồn tẻ trong Fast & Furious 9. Cena chứng tỏ mình cũng biết diễn ra trò trong bộ đồ của tên lính ái quốc cực đoan sẵn lòng tàn sát đàn ông, phụ nữ lẫn trẻ em nhân danh tự do, hòa bình kiểu Mỹ. Nhân vật này là công cụ thể hiện một góc nhìn đá xéo nước Mỹ của Gunn. Hòa bình kiểu Mỹ trên thực tế không khác tính cách của Peacemaker là bao.
Một điều “nguy hiểm” là Gunn cho mỗi thành viên cảm tử một điểm tốt đẹp để bù đắp cho sự thiếu hụt trong tính cách. Nếu Gunn muốn thuyết phục chúng ta cảm dành cảm tình cho họ, đồng cảm với họ, hoặc ít nhất là hiểu được động lực đằng sau hành động mang tính dã man trong đây, thì Gunn đã thành công. Dường như đó là thông điệp Gunn dành cho phim: không phải ai cũng sinh ra là để làm phản diện và được cho cơ hội, ngay cả một kẻ giết người máu lạnh cũng có thể làm anh hùng. Ở The Suicide Squad, ngay cả phản diện Starro còn làm chúng ta thương cảm cho nó cơ mà!
Trong khi đó, The Suicide Squad lại có tỷ lệ tử vong cao chót vót, nên việc gắn bó với nhân vật nào trong đây cũng như đang tự ngược bản thân vậy. Đến với DCEU, Gunn không còn bị nhãn PG 13 giới hạn. Nên sau khi màn kết hợp màu sắc và âm nhạc từ thời Guardians of the Galaxy chào sân xong là đến các màn chém giết đẫm máu chưa từng thấy trong lịch sử DCEU. Gunn không ưu ái bất kỳ nhân vật nào hơn mức cần thiết. Nghĩa là họ sẽ "đi vào lòng đất" bất cứ lúc nào ông thấy phù hợp. Cái chết của họ một là phục vụ cho khía cạnh đen tối và bạo lực của phim, hai là đóng vai trò hy sinh để thúc đẩy câu chuyện. Dù là gì đi nữa, chúng đều là những quyết định hợp lý và đau tim.
The Suicide Squad nhiều lúc hỗn loạn và mang tính lập lại, có cả các nghi vấn vẫn chưa được trả lời, nhưng với thời lượng hơn 2 tiếng, điều này có thể được thông cảm. Lo ngại câu chuyện sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm trong các màn bạo lực tột độ là có cơ sở. Nhưng bộ phim cân bằng yếu tố đẫm máu bằng khiếu hài hước rất đặc trưng. Gunn còn mang vào đây chất romcom, tính drama giữa những linh hồn chai sạn để tạo nên chút ngọt ngào, thậm chí là buồn bã, đăng đắng giữa đống máu me để tạo nên kịch bản trọn vẹn mà không mất đi mục đích của nó.
The Suicide Squad cũng liên tục thách thức nhận định của người xem về tình tiết của phim. Trong đây, công thức của nó đúng là dễ đoán thật. Vẫn là một nhóm đi làm nhiệm vụ, đến lúc nào đó nhiệm vụ này sẽ “toang” hết do gặp phải biến cố giữa đường, dẫn đến màn cao trào hoành tráng để kết thúc, nhưng từng chút từng chút một, nó nhanh chóng phát triển ra ngoài khuôn khổ dễ đoán của một bộ phim siêu anh hùng và thậm chí, dự đoán được kỳ vọng của người xem và đạp đổ chúng. Câu chuyện trong đây còn mang nhiều bất ngờ với cú “bẻ lái” không thể lường trước được ngay từ đầu, làm việc xem phim là một trải nghiệm đầy đủ mọi cung vị, để lại khá nhiều các phân cảnh đáng nhớ - điều khá tích cực so với phần phim trước, nơi mà người xem chỉ ấn tượng với màn múa bụng của nữ phản diện bị phí hoài thấy rõ.
The Suicide Squad đã có một sự thay đổi ngoạn mục kể từ thời của David Ayer. Phần phim của Ayer không dở, nhưng nó bị gò bó trong tầm nhìn chưa rõ ràng của Warner Bros đến độ không có chỗ để thở. Trong khi đó, James Gunn lẫn các diễn viên đã rất tận hưởng việc làm phim và tự do để cá tính vừa bông đùa vừa nghiêm túc có mục đích của họ được thể hiện trong từng khung cảnh. Và phong cách này đã phát huy tác dụng. Định hình được hướng đi cho Biệt đội cảm tử khi lên phim có lẽ là món quà tuyệt vời nhất James Gunn dành cho Vũ trụ điện ảnh DC. Tuy nhiên, nếu điều này có thể kết hợp với bán sắc Ayer dành cho phần phim trước, sẽ không còn gì tuyệt vời hơn (trừ Justice League của Zack Snyder.)