[REVIEW] Thợ Săn Quái Vật
Đánh giá phim · Maii ·
Thợ Săn Quái Vật được chấm 5/10 và toàn bộ số điểm được dành tặng cho phần kỹ xảo, hành động.
Thợ Săn Quái Vật (Monster Hunter) ngay từ khi tung ra những hình ảnh đầu tiên, khán giả đã có thể xác định đây sẽ là một bộ phim hành động đơn giản khác với sự tham gia Milla Jovovich. Và kỳ vọng đó không sai biệt lắm, hay nói đúng hơn là hoàn toàn chính xác khi Thợ Săn Quái Vật công chiếu.
Phim do Paul W.S. Anderson đạo diễn, người được biết đến nhiều với vai trò biên kịch Resident Evil và chỉ đạo một số phần trong loạt phim kinh dị nổi tiếng về zombie, vốn cũng không mấy thu hút. Thợ Săn Quái Vật có cốt truyện với độ đặc sắc gần như bằng 0. Thứ giữ chân khán giả cuối cùng vẫn là đám quái vật khổng lồ với độ hoành tráng mà người xem có thể chấm 8-9/10.
Thợ Săn Quái Vật xoay quanh nhân vật Đại uý Artermis (Milla Jovovich), dẫn đầu một toán quân sĩ đi tìm đội lính Bravo bị mất tích bí ẩn. Một cơn bão bất ngờ đã cuốn đội của cô sang một thế giới khác. Tại đây, họ phải đối mặt với những con quái vật khổng lồ quái dị. Cuối cùng, cô nhận được sự giúp đỡ của Hunter (Tony Jaa) để tìm đường thoát khỏi thế giới này.
Nhìn chung, nội dung của Thợ Săn Quái Vật đã được gói gọn trong toàn bộ phần tóm tắt của phim. Không plot-twist, không background nhân vật, không chiều sâu, không ẩn ý… ngắn gọn là một câu chuyện không gì cả. Ngay cả phần giới thiệu thế giới mà Artermis "xuyên không" đến cũng mờ nhạt, làm người ta lúc nhớ lúc không. Có thể hiểu vì sao bộ phim nhận được điểm đánh giá tệ từ giới phê bình 45 trên Metascore và điểm khán giả cũng không hơn kém gì mấy: 5.1/10 trên IMDb. Resident Evil không phải thương hiệu theo sát dòng game, chưa kể đạo diễn cũng không phải là một gamer chính hiệu Thợ Săn Quái Vật cũng quyết định đi theo bước đường tương tự.
Thợ Săn Quái Vật dựa phần lớn vào kỹ xảo với những con quái vật đồ sộ như Diablos, Rathalos… trông rất kỳ quái và được chăm chút. Đây, chính xác sẽ là chiến thắng của bộ phim trong mắt khán giả, nếu họ bị sự hùng vĩ của những con quái vật và những pha hành động của phim hấp dẫn.
Ngoài mặt hình ảnh thì những khoảnh khắc hài hước hiếm hoi vì sự bất đồng ngôn ngữ của Tony Jaa và Milla cũng là một điểm sáng trong bộ phim giả tưởng, kỳ ảo khó có điểm thu hút này, di dời sự chú ý của người xem khỏi phần thoại nhạt nhẽo, hiển nhiên và không cho thấy một sự cố gắng vận dụng kỹ năng viết kịch bản nào của biên kịch.
Với thời lượng 99 phút, Thợ Săn Quái Vật cố gắng dẹp bỏ mọi mong đợi của khán giả vào nội dung và trình bày toàn bộ lợi thế của nó về mặt hình ảnh và kỹ xảo. Những cảnh hành động dồn dập, biên tập gấp gáp, âm thanh ầm ầm liên tục đập vào mắt, vào tai người xem, khiến họ chẳng có phút nào ngơi nghỉ hoặc để kịp cảm động với nhân vật hay thấm một phân đoạn sâu sắc nào (nếu có). Thợ Săn Quái Vật ngắn gọn là một bộ phim trôi tuột từ đầu đến cuối.
Thế giới kỳ lạ của Hunter, hay nói đúng hơn là thế giới phim trong mắt đạo diễn, có vẻ như không ai được phép sống sót, ngoại trừ 3 nhân vật quan trọng nhất là Artemis, Hunter và Admiral, do Ron Perlman thủ vai mà người xem sẽ có dịp gặp sau khi phim đã đi được khoảng 2/3 đoạn đường. Tin tôi đi, đừng cảm thấy hứng thú với bất cứ ai khác ngoài họ, vì các nhân vật này sẽ nhanh chóng làm mồi cho quái còn nhanh hơn tốc độ chớp mắt của bạn.
Chiến thuật của các nhân vật cũng không đóng vai trò gì quan trọng và chỉ khiến người xem phì cười vì sự ngây thơ và đơn giản của nó. Nhưng không sao, chúng ta đến đây không phải để xem một bộ phim phức tạp và có chiều sâu, vậy nên hãy cố gắng bỏ quên não ở nhà để không phải nghẹn chết vì tình tiết của nó. Cuối cùng thì gánh nặng và sứ mạng giải cứu thế giới khỏi những con quái vật khổng lồ được đặt lên vai Artemis mang hào quang nhân vật chính.
Với tình hình phòng vé ảm đạm và đánh giá trung bình, chưa biết nếu một bộ phim nhìn chung chẳng có gì để khai thác và không tạo một sự hứng thú nào với phần tiếp theo như Thợ Săn Quái Vật, Anderson liệu có thể được bật đèn xanh cho hậu truyện?